3 phương pháp phát triển Trí tuệ xúc cảm

Chúng ta đều đã nghe qua cụm từ “trí tuệ xúc cảm” (hay còn gọi là EQ được viết tắt từ Emotional Quotient) nhiều đến mức giờ nó đã trở nên thông dụng và được tìm hiểu rất nhiều. Chúng ta thấy nó được kiệt kê trong các bản mô tả công việc hay như một yếu tố cần trau dồi ở giới trẻ. Nhưng khi thực sự mổ xẻ và tìm hiểu sâu về EQ, liệu chúng ta đã nhận diện rõ được các yếu tố định hình nên cụm từ này?

VẬY, TRÍ TUỆ XÚC CẢM CÓ THẬT SỰ QUAN TRỌNG?

Trí tuệ cảm xúc được xem là một phần quan trọng trong công việc, đặc biệt ở vai trò lãnh đạo. Các nghiên cứu đã chỉ ra:

  • 90% nhân viên xuất sắc đều có trí tuệ xúc cảm cao hơn bình thường.
  • Trí tuệ xúc cảm là tác nhân dẫn đến 90% sự thăng tiến trong sự nghiệp.
  • 58% hiệu suất công việc của bạn do trí tuệ xúc cảm quyết định
  • Những người sở hữu trí tuệ xúc cảm cao có thu nhập cao hơn 29.000 USD so với người làm cùng vị trí.

Trí tuệ xúc cảm giúp tăng hiệu suất làm việc

EQ cao sẽ giúp bạn thực hiện công việc tốt hơn, thu về nhiều tiền hơn, giúp quản lý nhân sự tốt hơn và phát triển doanh nghiệp. Hơn thế, EQ chính là rào cản lớn nhất khi các phát minh Robot mong muốn thay thế con người.

ĐỊNH NGHĨA VỀ TRÍ TUỆ XÚC CẢM

Hầu hết các định nghĩa về trí tuệ cảm xúc đều thiên về phiên bản EQ là tập trung phát triển sự nhạy cảm cá nhân. Các định nghĩa sẽ xoay quanh việc: hãy đối xử tốt với đồng nghiệp, và bạn sẽ tạo được sự đồng cảm. Mức độ đồng cảm càng cao thì sẽ có càng nhiều người thích bạn và bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo thành công. Đây là một định nghĩa hoàn toàn đúng… và chưa đủ???

Trong cuốn sách EQ – Nghệ thuật làm chủ cảm xúc, tác giả Kerry Goyette đã phát triển phương pháp tiếp cận – trí tuệ xúc cảm không chỉ xoay quanh về bản thân, mà còn các mối quan hệ cũng như môi trường xung quanh.

Trí tuệ xúc cảm không chỉ đơn thuần là thấu hiểu cảm xúc hay bộc lộ nhiều hơn, mà còn là việc sử dụng cảm xúc khôn khéo để thấu hiểu một vấn đề hay đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. EQ chính là sự tác động qua lại giữa tâm trí và vật chất.

PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ XÚC CẢM

Trí tuệ xúc cảm không chỉ là việc nhận biết, rèn giũa tâm hồn và thế mạnh của bạn, mà còn bao gồm việc nhận thức, kết nối với môi trường xung quanh, và thế giới nội tâm của những người xung quanh mình. Trọng tâm để phát triển trí tuệ xúc cảm toàn diện là cố gắng hiểu được động lực của chính mình, của mọi người và cách môi trường ảnh hưởng đến những động lực này. Trí tuệ xúc cảm của chúng ta tồn tại trong một hệ sinh thái, một cộng đồng, vì vậy để phát triển chúng ta nên chú trọng vào 3 điều:

  • Yếu tố thứ nhất: Khả năng tự nhận thức: Đâu là hành vi bạn nghĩ rằng nếu thay đổi nó bạn sẽ tạo ra tác động tích cực và đóng góp vào sự thành công của chính mình?
  • Yếu tố thứ hai: Khả năng nhận thức xã hội: Hành vi này đang đem đến tác động tiêu cực gì cho người khác? Nếu bạn chưa nhận ra, hãy hỏi mọi người xung quanh.
  • Yếu tố thứ ba: Thiết lập cấu trúc: Bạn cần thay đổi điều gì trong môi trường hiện tại để làm tiền đề thay đổi những hành vi? Điều gì đang hỗ trợ hoặc cản bước bạn?

Phương pháp phát triển trí tuệ xúc cảm

Trong cuộc sống hiện nay, EQ là một trong những sức mạnh lớn nhất tạo nên sự chuyên nghiệp. Làm việc với con người nghĩa là bạn sẽ phải làm việc với những cảm xúc của họ, trí tuệ xúc cảm cao sẽ giúp cho bạn nhận định các vấn đề và bình tĩnh tìm ra cách giải quyết.

---------------

Tham khảo:

Kerry Goyette, EQ – Nghệ thuật làm chủ cảm xúc

Travis Bradberry & Jean Greaves, Trí tuệ xúc cảm 2.0

Daniel Goleman, Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo? – Harvard Business Review, 2004