Marketer Lê Hoàng Hạnh
Lê Hoàng Hạnh

Content Marketing Manager @ Base.vn

Báo cáo “Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4”: Gần 50% doanh nghiệp Việt hạn chế hoạt động

Đầu tháng 7/2021, Nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn cho công bố báo cáo khảo sát độc quyền “Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4 đến hoạt động kinh doanh liên tục của doanh nghiệp Việt Nam” phối hợp thực hiện cùng FPT.

Khảo sát được thực hiện từ đầu tháng 06/2021, khoảng một tháng sau khi làn sóng Covid-19 thứ 4 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Đợt dịch thứ 4 này có diễn biến vô cùng phức tạp với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Liên tục có những đỉnh dịch mới được thiết lập, đặc biệt nặng nề nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh - thủ phủ kinh tế của cả nước. Điều này gây ra không ít cản trở tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, vốn vẫn đang chật vật phục hồi từ những đợt dịch trước.

Báo cáo được dựa trên phản hồi của trên 250 phản hồi hợp lệ từ các C-Level và Manager doanh nghiệp, thuộc nhiều quy mô và lĩnh vực, từ bán lẻ, F&B, đến công nghệ-viễn thông, xây dựng-kiến trúc,...

khao-sat-covid-01

Tính chất mẫu tham gia khảo sát

Gần ½ số doanh nghiệp đang phải hạn chế hoạt động

Theo những kết quả mà báo cáo chỉ ra, Covid-19 đang gây gián đoạn nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. 45,02% doanh nghiệp phải hạn chế một phần hoạt động, và đặc biệt 8,85% doanh nghiệp đang phải tạm thời “ngủ đông” chờ dịch qua đi.

khao-sat-covid-brandsvietnam-02

Tình trạng này nghiêm trọng nhất ở khối doanh nghiệp ngành F&B và doanh nghiệp ngành Giáo dục-Đào tạo, với lần lượt 86,71% và 66,67% doanh nghiệp bị hạn chế hoặc dừng hoạt động hoàn toàn. Hơn 80% doanh nghiệp thuộc hai nhóm ngành này phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động, giảm lương, giảm giờ làm trong giai đoạn này.

Ngay cả với những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng thì bối cảnh chung cũng rất u ám. Theo phản hồi của các chủ doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất mà họ phải đối mặt là việc các đối tác cũng đang trong tình trạng bí bách; bên cạnh đó là tình trạng nguồn cầu chung giảm sút, dẫn tới khó khăn về dòng tiền.

Doanh nghiệp đang bị động

Dù đã trải qua 3 làn sóng Covid-19 trước đó và truyền thông liên tục nhấn mạnh về yếu tố “bình thường mới”, tuy nhiên dường như doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn để bắt kịp với những biến động hiện tại.

Theo khảo sát, phần lớn các biện pháp để ứng phó của doanh nghiệp chỉ dừng lại ở quy định an toàn phòng chống dịch hoặc chính sách làm việc từ xa cho nhân sự - là những biện pháp mang tính tình thế. Trong khi đó, chỉ có chưa đến 5% doanh nghiệp tự tin được có thể tiếp tục vận hành bất chấp tình trạng dịch bệnh.

Không nhiều doanh nghiệp chuẩn bị được các kế hoạch kinh doanh liên tục hay kế hoạch mở rộng/chuyển đổi mô hình kinh doanh.

khao-sat-covid-brandsvietnam-03

“Đây là thời điểm tốt nhất để các anh/chị xem lại hệ thống quản trị của mình. Những chỗ nào có vấn đề, chỗ nào là điểm yếu thì phải quyết tâm để sửa và thay đổi.”

Ở thời điểm khảo sát, trước khi làn sóng Covid-19 càn quét mạnh mẽ tại thành phố Hồ Chí Minh, vẫn có hơn 50% doanh nghiệp lạc quan với viễn cảnh có thể trở lại hoạt động bình thường vào đầu tháng 08/2021. Tuy nhiên, trước những diễn biến như hiện nay, có thể thấy dự báo này khó có thể thành hiện thực. Nếu thiếu đi các biện pháp chủ động lâu dài, doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn mất kiểm soát nghiêm trọng hơn.

Trao đổi về kịch bản ứng phó với Covid-19, anh Trần Văn Viển - Đồng sáng lập, Giám đốc khu vực phía Nam của Base.vn cho rằng: "Chúng ta đều không thể biết rằng đại dịch khi nào mới kết thúc và có quay trở lại thêm lần thứ 5, thứ 6… hay không. Chính vì thế, thay vì án binh bất động và chờ đợi cho đến khi sóng yên biển lặng, việc chủ động tìm giải pháp, tăng cường khả năng ứng nguy nắm cơ và chuẩn bị sẵn sàng những kịch bản ứng phó trong mọi tình huống là điều mà doanh nghiệp nào cũng cần lưu tâm".

Bạn có thể xem toàn bộ dữ liệu khảo sát tại đây.

Công nghệ cho kinh doanh không gián đoạn - Giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Trong sự kiện “Kinh doanh không gián đoạn: Kinh nghiệm và giải pháp sáng tạo” do FPT và Base.vn phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Văn Khoa - Giám đốc điều hành FPT đã nhấn mạnh: “Đây là thời điểm tốt nhất để các anh/chị xem lại hệ thống quản trị của mình. Những chỗ nào có vấn đề, chỗ nào là điểm yếu thì phải quyết tâm để sửa và thay đổi. Đừng chần chờ nữa, để khi đại dịch qua đi quý vị có thể tăng trưởng.”

Theo lời ông Khoa, “để đảm bảo kinh doanh liên tục phải có “3 cần” và “3 không”. Ba cần là cần đảm bảo dòng tiền, cần ứng dụng công nghệ để triển khai cách làm mới và cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo tìm nguy trong cơ. Còn để có thể thay đổi sâu từ bên trong, doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ba “không”: Không bị động - Không gián đoạn - Không chạm.”

Dựa trên các phản hồi trong khảo sát, hơn 90% lãnh đạo cũng đang quan tâm và có dự định triển khai công nghệ trong giai đoạn này, trong đó tập trung vào các giải pháp về Marketing-Sales-Thanh toán và Quy trình cộng tác vận hành nội bộ.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có những phương án vận hành toàn diện, chủ động, Base.vn cũng công bố Bộ giải pháp công nghệ đảm bảo “3 Không”: Không chạm - Không gián đoạn - Không bị động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ một bộ tài liệu để lên kế hoạch Kinh doanh liên tục, sẵn sàng triển khai ngay khi rủi ro xảy ra.

Tìm hiểu thêm về bộ giải pháp tại đây.