Brand Updates W27/2021: AirAsia mua lại Gojek Thái Lan, Tiki bán bảo hiểm

Cùng điểm qua các tin tức thú vị trong tuần: AirAsia nỗ lực thực hiện tham vọng trở thành một siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á; Tiki bổ sung bảo hiểm AIA vào danh mục sản phẩm trên nền tảng TMĐT và dự tính đề xuất các gói bảo hiểm cá nhân hoá cho khách hàng… cùng nhiều sự kiện nổi bật khác.

AirAsia mua lại Gojek Thái Lan

Ngày 7/7, AirAsia xác nhận mua lại Gojek Thái Lan, đổi lại Gojek sẽ nắm giữ 1 phần cổ phần trong AirAsia Digital – mảng kinh doanh phi hàng không của AirAsia.

Quan hệ hợp tác cho thấy nỗ lực gia nhập hàng ngũ siêu ứng dụng tại Đông Nam Á của AirAsia. Thoả thuận còn phản ánh cách Gojek định hình lại hoạt động kinh doanh trong khu vực sau thông báo hợp nhất với Tokopedia.

Nguồn: DroidSans

VnExpress dẫn lời tuyên bố của ông Tony Fernandes – Giám đốc Điều hành của AirAsia: “Bằng cách tiếp quản hoạt động kinh doanh tại Thái Lan của Gojek, chúng tôi củng cố tham vọng trở thành một siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á”.

Còn ông Kevin Aluwi – Giám đốc Điều hành Gojek, cho biết: “AirAsia Digital sẽ trở thành đối tác chiến lược cấp cao của chúng tôi. Hai bên sẽ cùng chia sẻ mục tiêu nhằm cung cấp cho người dùng dịch vụ tốt hơn trong khi vẫn tăng cường việc tạo môi trường kiếm sống cho tài xế, các nhà buôn. Cùng thời điểm, thoả thuận cho phép chúng tôi xoay trọng tâm vào những thị trường quốc tế khác như Việt Nam và Singapore – những nơi mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn, có tiềm năng tốc độ tăng trưởng tốt hơn”.

Tiki bổ sung bảo hiểm AIA vào danh mục sản phẩm

Theo Nikkei, việc Tiki bổ sung bảo hiểm AIA vào danh mục sản phẩm trên trang TMĐT đánh dấu bước tiến sâu hơn vào các dịch vụ tài chính. Động thái này nhắm tới việc giành thị phần từ Shopee và Lazada.

Người dùng có thể mua bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm nhân thọ trước tiên. Sau đó, về chiến lược dài hạn, Tiki sẽ cá nhân hoá dịch vụ cho từng khách hàng như đề xuất gói bảo hiểm riêng, và mở rộng sang những sản phẩm tài chính khác. Cafebiz trích dẫn quan điểm của chuyên gia: “Động thái của Tiki diễn ra trong bối cảnh các startup tại Đông Nam Á đang có xu hướng mở rộng sang mảng công nghệ tài chính để xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Riêng trong trường hợp của Tiki, doanh thu bảo hiểm sẽ tăng nếu Tiki có thể áp dụng lợi thế công nghệ của họ và phân tích chính xác vấn đề nhân khẩu học người mua ở Việt Nam”.

Nguồn: Vietnam Insider

Grab và Huyndai triển khai ô tô điện tại Đông Nam Á

Theo tờ Business Times, Grab cho biết đã mở rộng quan hệ đối tác với Hyundai Motor để thúc đẩy ứng dụng ô tô điện tại Đông Nam Á. Cả hai sẽ nghiên cứu các chương trình thí điểm xe điện cho tài xế và đối tác giao hàng của Grab. Thông qua đó, Grab muốn thu hẹp những rào cản gia nhập cho đội ngũ tài xế như giá thành xe điện đắt đỏ, thiếu trạm sạc, thời gian chờ đợi lâu khi sạc pin…

Theo Diễn đàn doanh nghiệp, ông Kim Minsung – Phó Chủ tịch Bộ phận Đổi mới của Huyndai, cho rằng: “Với sự kết hợp giữa mạng lưới tài xế lớn trong khu vực của Grab và các giải pháp di chuyển của Hyundai, chúng tôi tự tin có thể giúp tăng cường áp dụng xe điện. Đồng thời, chúng tôi mong đợi quan hệ hợp tác này sẽ trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường di động trong tương lai ở Đông Nam Á”.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Pinterest cấm mọi quảng cáo về giảm cân

Từ ngày 1/7, Pinterest cấm tất cả quảng cáo sử dụng ngôn từ và hình ảnh liên quan đến giảm cân, kể cả quảng cáo lý tưởng hoá hoặc châm biếm vóc dáng cơ thể người. Riêng quảng cáo thúc đẩy lối sống lành mạnh hay những dịch vụ, sản phẩm thể dục thể thao, miễn là không tập trung vào giảm cân, sẽ tiếp tục được phép xuất hiện trên Pinterest. Được biết chính sách này được phát triển dựa trên sự hướng dẫn của Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia.

Nguồn: Yahoo News

Đại diện Pinterest chia sẻ: “Pinterest sẽ trở thành nền tảng truyền thông xã hội đầu tiên cấm tất cả các quảng cáo giảm cân. Lập trường này của chúng tôi thực ra đã được nhen nhóm từ các chính sách quảng cáo trước đây khi nghiêm cấm những sản phẩm liên quan đến miệt thị ngoại hình và giảm cân nguy hiểm trên nền tảng”.

FPT dẫn đầu thị phần bán lẻ laptop tại Việt Nam

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GFK, tổng kết 5 tháng đầu năm 2021, FPT vươn lên dẫn đầu thị phần bán lẻ laptop ở Việt Nam với 31% thị phần. Trong đó, laptop gaming đạt mức tăng trưởng kỷ lục +217%, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, laptop gaming của FPT Shop chiếm 35% thị trường.

Nguồn: Nhịp sống kinh tế

Trang Nhịp sống kinh tế trích dẫn chia sẻ của ông Nguyễn Thế Kha – Giám đốc khối Viễn thông Di động của FPT Shop, chia sẻ: “Để đạt được thành quả này, chúng tôi đã không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, thích nghi với mọi biến động của thị trường. Bên cạnh đó, chỉ trong 3 tháng, chúng tôi đã hoàn tất khai trương hơn 70 Trung tâm Laptop với những tiêu chuẩn đặc biệt, vượt xa kế hoạch ban đầu”.

VNG đặt mục tiêu doanh thu 2021 tăng 26%

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, Công ty cổ phần VNG thông báo mục tiêu doanh thu năm nay là 7.609 tỉ đồng, tăng 26% so với năm 2020. VNG cũng dự tính lỗ sau thuế 619 tỉ đồng vào năm 2021. Được biết, VNG đặt kế hoạch thua lỗ do dự báo Công ty cổ phần Zion (công ty vận hành ví điện tử ZaloPay) sẽ tiếp tục lỗ lớn. Được biết năm 2020, Zion báo lỗ đến 667 tỉ đồng.

Nguồn: Cafebiz

Vietnamobile mất thuê bao vào tay đối thủ

Theo số liệu của Cục Viễn thông, Vietnamobile là nhà mạng mất nhiều thuê bao nhất trong tháng 6/2021. Cụ thể, từ ngày 1-28/6, Vietnamobile ghi nhận 40.038 thuê bao đăng ký chuyển đi, trong khi chỉ có 1 thuê bao đăng ký chuyển đến.

Từ khi dịch vụ chuyển mạng giữ số được triển khai vào tháng 11/2018 tới nay, Vietnamobile mất gần 680.000 thuê bao và chỉ có 384 thuê bao chuyển đến. Trong khi đó, Viettel đón hơn 1,17 triệu thuê bao và chỉ mất khoảng 630.000 thuê bao. Xếp sau Viettel là VinaPhone khi thu về hơn 751.000 thuê bao, mất 573.000 thuê bao. Còn MobiFone đón 318.042 thuê bao, mất 360.411 thuê bao.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
*Nguồn: Tổng hợp