Brand Updates W26/2021: Microsoft "phản đòn" Apple với Windows 11, MoMo mua lại startup công nghệ AI

Cùng điểm qua các sự kiện nổi bật trong tuần: Trái ngược với Apple và Google, cửa hàng ứng dụng của Windows 11 cam kết không tính phí nhà phát triển phần mềm; Thương vụ giúp MoMo thực hiện chiến lược chuyển đổi từ một công ty Mobile-first sang AI-first… cùng nhiều tin tức thú vị khác.

Microsoft "phản đòn" Apple với Windows 11

Ngày 24/6, Microsoft ra mắt hệ điều hành Windows 11 sau 6 năm ròng rã với nhiều cải tiến nhắm đến “thách thức” đối thủ.

Tiêu biểu, Windows Stores mới cho phép các nhà phát triển phần mềm sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của riêng họ và không cần trả hoa hồng cho Microsoft. Cửa hàng còn cho phép người dùng chạy các ứng dụng di động Android trên máy tính xách tay và PC với sự hỗ trợ công nghệ từ Amazon và Intel. Trong khi đó, Apple chỉ cho phép người dùng tải xuống phần mềm duy nhất từ App Store. Hơn nữa, Apple buộc nhà phát triển phần mềm sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của Apple với mức hoa hồng 30% doanh thu. Động thái trên của Microsoft còn “thách thức” Google khi cửa hàng Google Play cũng đang tính phí các nhà phát triển.

Nguồn: Microsoft

Ngoài ra, Windows 11 còn có nhiều thay đổi nhắm trực tiếp vào các đối thủ khác của Microsoft. Chẳng hạn, phần mềm trò chuyện Microsoft Teams được tích hợp vào hệ điều hành. Động thái có thể gây xung đột với Slack Technologies – đối thủ hàng đầu của Microsoft trong lĩnh vực phần mềm hội nghị.

MoMo mua lại startup trí tuệ nhân tạo Pique

Ngày 30/6, ví điện tử MoMo công bố hoàn tất thương vụ mua lại Pique. Được biết, Pique là công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp số.

Thương vụ giúp MoMo thực hiện mục tiêu chiến lược AI-first để tối ưu hoá trải nghiệm người dùng cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Mạnh Tường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc MoMo cho biết: “Hướng đi của Pique cùng những giải pháp AI mà công ty phát triển phù hợp với chiến lược lâu dài của MoMo. Chúng tôi kỳ vọng đội ngũ nhân sự tài năng của Pique sẽ hỗ trợ MoMo trong lộ trình chuyển đổi từ một công ty Mobile-first (ưu tiên thiết bị di động) sang AI-first (ưu tiêu trí tuệ nhân tạo). Từ đó tối ưu trải nghiệm khách hàng, hướng tới mục tiêu Happy Users (người dùng hạnh phúc) mà MoMo duy trì trong suốt hơn 10 năm qua”.

Ông Nguyễn Mạnh Tường
Nguồn: MoMo

Tập đoàn Anova đổi tên thành Nova Consumer Group

Ngày 25/6, Công ty Cổ phần Anova công bố đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer Group). Lĩnh vực hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp vốn là sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm nông nghiệp và cung cấp toàn diện giải pháp chăn nuôi cho nông dân. Nay Nova Consumer Group mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Tập đoàn cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành hàng thực phẩm để nhanh chóng hoàn thiện chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn.

Về kế hoạch năm 2021, tập đoàn đặt chỉ tiêu tăng trưởng tích cực với doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 33% và 57%.

Nguồn: VOV

Startup ứng dụng đầu tư Infina gọi vốn 2 triệu USD

Infina – startup Fintech “đầu tư từ 500.000 đồng” ra mắt hồi tháng 1/2021, vừa hoàn tất vòng gọi vốn 2 triệu USD từ 5 quỹ đầu tư (Saison Capital Nhật Bản, Venturra Discovery Indonesia, 1982 Ventures Singapore, 500 Startups Mỹ, Nextrans Hàn Quốc).

Ông James Vương – Nhà sáng lập kiêm CEO Infina, cho biết: “Số vốn mới sẽ được sử dụng nhằm tăng trưởng người dùng và đa dạng hoá danh mục. Startup còn dự kiến mở rộng sang các quốc gia trong khu vực. Nhưng trước mắt, ứng dụng tập trung phục vụ người dùng Việt Nam”.

Ông James Vương
Nguồn: Asian Pioneers

Ông Raditya Praman – Giám đốc Venturra Discovery, cho rằng: “Đây là thời điểm mà sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường vốn đạt mức cao nhất trong lịch sử. Mặc dù vậy, phân khúc này hầu như còn bị bỏ ngỏ trên khắp các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Do vậy, chúng tôi đặt niềm tin vào Infina bởi đội ngũ sáng lập có kinh nghiệm và giải pháp giúp việc đầu tư trở nên dễ dàng hơn với nhiều người”.

Facebook vinh danh các nhà sáng tạo nội dung video tại khu vực APAC

Ngày 23/6, Facebook tổ chức sự kiện Facebook Video Summit 2021 tại Việt Nam nhằm cập nhật những xu hướng mới nhất trong việc phát triển nội dung video thu hút người dùng. Trong khuôn khổ sự kiện, Facebook còn vinh danh các nhà sáng tạo và sản xuất nội dung video với giải thưởng Facebook Social Video Achievement lần đầu tiên có mặt tại khu vực APAC.

Giải thưởng quan trọng nhất “Nhà quảng cáo video của năm 2021” thuộc về Viettel. Chiến dịch Tết của Viettel được đánh giá cao khi triển khai theo các hình thức mới trên Facebook như Polling Ads, In-stream Ads, Branded Content và ghi nhận kết quả tích cực.

Nguồn: Facebook

BAEMIN đạt giải “Nhà quảng cáo video tiềm năng của năm 2021”. BAEMIN có tốc độ chuyển dịch sang định dạng quảng cáo video nhanh nhất trên thị trường trong năm qua. Một vài chiến dịch nổi bật như video ca nhạc Em bé, Thử chút healthy…

Ngoài ra, Maggi xuất sắc thắng giải “Chiến dịch Tết tốt nhất” với chiến dịch Nấu Tết riêng, Nấu Tết khởi sắc. Chiến dịch S20 Virtual launch của Samsung Vietnam giành giải “Tận dụng Giải pháp video sáng tạo nhất”. Giải thưởng “Kết hợp tốt nhất giữa nhãn hàng & nhà sáng tạo nội dung” vinh danh chiến dịch Chính Nữ của L’Oréal hợp tác cùng Vlogger Giang Ơi, Phạm Quỳnh Anh, Lynk Lee.

MWG: Doanh thu tháng 5/2021 vượt mùa cao điểm Tết

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) công bố tình hình kinh doanh tháng 5/2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng lần lượt 10% và 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11.381 tỉ đồng và 481 tỉ đồng. Được biết, công ty lần đầu ghi nhận doanh thu tháng 5 vượt mùa cao điểm tháng 1 và 2 (thời điểm Tết).

Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 51.830 tỉ đồng và LNST là 2.172 tỉ đồng. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch LNST cả năm.

Nguồn: CafeF

Trong đó, doanh thu online đóng góp 4.024 tỉ đồng cho MWG. Doanh thu online riêng tháng 5 tăng 77% so với tháng 4 do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch.

Theo từng ngành hàng, doanh thu tháng 5/2021 của Thế giới Di động và Điện máy Xanh đạt hơn 8.800 tỉ đồng. Còn Bách hoá Xanh ghi nhận doanh thu tháng 5 lần đầu vượt mốc 2.500 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ thống VinMart lỗ hơn 3.200 tỉ đồng năm 2020

Công ty Cổ phần thương mại Tổng hợp VinCommerce công bố lỗ sau thuế năm 2020 là 3.222 tỉ đồng. Đây là mức lỗ năm lớn nhất của VinCommerce kể từ khi thành lập.

Nguồn: CafeF

Chính vì thế, mục tiêu hàng đầu trong năm 2021 của VinCommerce là có lợi nhuận. Masan đặt kế hoạch tăng số cửa hàng lên lại mức 3.000, đồng thời có khoảng 300-500 cửa hàng mở có lãi. Thêm vào đó, VinCommerce dự kiến phát triển thành một nền tảng off-to-one, chuyển từ cửa hàng nhu yếu phẩm sang tích hợp dịch vụ tài chính. Để làm được như vậy, Masan sẽ bắt tay cùng Techcombank để tích hợp thêm tập 5 triệu khách hàng với 10 triệu khách hàng đang có sẵn.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp