Moment of Usage – Điểm chạm “đắt giá” vào trái tim người tiêu dùng

Tìm được Moment of Usage – thời điểm tiêu dùng khác biệt sẽ thu hút được khách hàng tiềm năng, nâng cao doanh số và làm hài lòng khách hàng của bạn. Vậy thời điểm tiêu dùng là gì và ứng dụng vào sản xuất sản phẩm, khuyến mãi, lựa chọn địa điểm kinh doanh như thế nào?

Trong quá trình theo đuổi bạn gái, có người “cưa cẩm” bao năm trời nhưng nàng vẫn không đổ, cũng có người chỉ sau một vài khoảnh khắc đã chinh phục được cô gái mình yêu. Đơn giản chỉ vì anh chàng này xuất hiện đúng vào những lúc cô gái này cần, giúp anh ta ghi điểm. Điều này tương tự với các chiến dịch “cưa đổ” khách hàng của nhãn hàng. Việc tìm Moment of Usage – thời điểm tiêu dùng phù hợp sẽ khiến khách hàng “phải lòng” và trở nên trung thành với sản phẩm.

Thời điểm tiêu dùng là gì?

Khi làm marketing, marketer/ chủ doanh nghiệp cần biết rõ hành vi khách hàng (Customer Behaviour). Customer Behaviour thường được chia thành 4 giai đoạn: Selecting (Lựa chọn), Buying (Mua sắm), Using (Sử dụng), Disposing (Loại bỏ). Trong Using có một điểm cần lưu ý là Moment of Usage – thời điểm tiêu dùng.

Thời điểm tiêu dùng trả lời cho câu hỏi: Khách hàng sử dụng sản phẩm của bạn vào lúc nào? Tại sao họ lại sử dụng vào thời điểm đó?

Vì vậy, Moment of Usage có 2 yếu tố chủ yếu: Time (Thời gian) + Mood (Tâm trạng). Trong đó, Time là thời điểm khách hàng sử dụng sản phẩm. Mood là tâm trạng thúc đẩy khách hàng sử dụng sản phẩm.

Xác định được thời điểm tiêu dùng khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc phát triển sản phẩm sát với nhu cầu khách hàng.

Một ví dụ rất rõ ràng về Moment of Usage, dân văn phòng thường mua trà sữa vào giờ xế chiều (Time) khi tâm trạng uể oải (Mood) để tăng năng lượng. Hiểu được điều này, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch marketing hiệu quả, bám sát với người tiêu dùng hơn. Đó là lý do mà vào khoảng thời gian này, chị em văn phòng lại nhận được thông báo deal trà sữa từ những app đặt hàng như GrabFood, BAEMIN...

Xác định được thời điểm tiêu dùng khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc phát triển sản phẩm sát với nhu cầu khách hàng. Cụ thể như thế nào, mời bạn theo dõi phần tiếp theo.

Ứng dụng thời điểm tiêu dùng để làm sản phẩm, chương trình khuyến mãi và lựa chọn điểm bán như thế nào?

Ứng dụng vào Product

Để thiết kế sản phẩm dựa trên Moment of Usage, đội ngũ marketing cùng nhà sản xuất cần tìm ra thời điểm khác biệt. Doanh nghiệp cần đặt câu hỏi: “Vì sao khách hàng cần sử dụng sản phẩm trong thời điểm đó?”. Từ đó, tìm ra đặc tính cần có của sản phẩm.

Để hiểu rõ hơn việc ứng dụng Moment of Usage vào Product, bạn có thể tham khảo cách tạo ra sản phẩm sữa Vinamilk Super Susu Cacao lúa mạch. Nghiên cứu từ Vinasearch cho thấy bữa xế chiều là một trong những thời điểm bé hay uống sữa. Sau bữa xế chiều là thời gian các bé có tâm trạng uể oải, thiếu hứng thú học hành. Thời điểm đó trẻ cần thêm năng lượng để tỉnh táo học tập và hoạt động thể chất, chơi các trò chơi vận động tự do. Từ đó Vinamilk cho ra mắt sản phẩm sữa Susu Cacao với đặc điểm cung cấp năng lượng, dành cho các bạn nhỏ uống vào giờ ra chơi buổi chiều.

Quảng cáo Vinamilk Super Susu Cacao lúa mạch
Nguồn: Vinamilk

Ứng dụng vào Promotion

Khi kinh doanh sản phẩm, Promotion được coi là một phần không thể thiếu của chiến lược marketing, giúp nhãn hàng thúc đẩy doanh số. Thông qua hình thức khuyến mại, nhãn hàng không chỉ tạo cơ hội tiêu thụ hàng hoá, mà còn thu hút được tệp khách hàng tiềm năng. Khi tìm được thời điểm khác biệt cho sản phẩm, doanh nghiệp sẽ có được chiến dịch Promotion “đi vào lòng khách hàng”.

Khai thác “thời điểm tiêu dùng” – ăn trưa, KFC đã tung ra chương trình khuyến mãi với suất ăn khác biệt. Hệ thống của KFC bán suất cơm trưa chỉ 35.000 đồng, tặng kèm nước uống, nếu khách hàng mua thêm canh gà ngũ sắc chỉ cần chi thêm 10.000 đồng. Suất ăn này đã đánh vào tâm lý của tệp khách hàng trẻ, ăn trưa thường mua thêm thức uống khi ăn ở ngoài tiệm. Vì vậy, việc được tặng kèm thức uống trong suất ăn mang lại cho người mua cảm giác mình được lợi hơn. Chính chương trình khuyến mãi này đã nâng suất ăn trưa của KFC trở thành “con bò tía” đặc sắc trong vô vàn các cửa hàng phục vụ cơm trưa văn phòng ở các địa phương.

Nguồn: KFC Vietnam

Ứng dụng vào Place

Địa điểm kinh doanh hợp lý là một trong những điều kiện để doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nâng cao khả năng thu hút khách hàng. Địa điểm kinh doanh hợp lý còn giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường mới, tăng doanh thu và lợi nhuận. Nhiều nhãn hàng đã ứng dụng Moment of Usage để chọn địa điểm phù hợp cho thương hiệu của mình.

Một điều mà bạn có thể dễ dàng nhận ra đó là ở dưới các toà nhà văn phòng thường xuất hiện cửa hàng cà phê như Highland, Twitter Beans Coffee… Những thương hiệu này đã “bắt” được đúng thời điểm dân văn phòng cần gặp gỡ đối tác, hoặc mua cà phê để tỉnh táo vào buổi sáng, đầu chiều... Một ví dụ khác là trên cùng con phố thường xuất hiện nhiều cửa hàng thời trang vì khách hàng thường có thói quen đi tham khảo nhiều tiệm trước khi “chốt mua” một món đồ. Việc lựa chọn địa điểm như vậy giúp các thương hiệu không chỉ tận dụng được nhiều tệp khách hàng, mà còn giúp tăng nhận diện thương hiệu tại các thời điểm khách hàng sử dụng sản phẩm.

Nguồn: VnExpress

Tìm được thời điểm tiêu dùng khác biệt là một trong những chiến lược thông minh để marketer có thể tiếp cận và “cưa đổ” khách hàng của mình. Hy vọng sau bài viết này, bạn đã biết cách tận dụng thời điểm tiêu dùng để lên các kế hoạch Marketing hiệu quả. Khi phát triển sản phẩm mới, đừng quên tự hỏi: “Khách hàng sử dụng sản phẩm của bạn vào lúc nào? Tại sao họ lại sử dụng vào thời điểm đó?”.