Marketer Lê Đoàn Tú Uyên
Lê Đoàn Tú Uyên

Founder | Project Manager @ MELON Media

Hootsuite: Tất tần tật về Gen Z

Chắc hẳn dạo gần đây cụm từ Gen Z đã không còn quá xa lạ đối với mọi người nói chung và giới marketer nói riêng. Vậy Gen Z là ai? Họ thích gì, mua gì? Giao tiếp thế nào? Điều gì thực sự quan trọng đối với họ? Tất cả đều sẽ được bật mí trong bài viết này.

Bài viết do Thuý Vân, Melon Media dịch lại từ bài viết của Dara Fontein đăng trên Hootsuite ngày 13/11/2019.

Gen Z – Những người đề cao sự thể hiện cá nhân

Nhắc đến Gen Z là nhắc đến thế hệ sống với châm ngôn ‘Hãy là chính mình’. Họ thường mua sắm những sản phẩm/ dịch vụ có thể không cần thiết, miễn là hợp với cá tính, ‘trendy’ và ‘cool ngầu’.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ công ty tư vấn toàn cầu McKinsey and Company đã cho thấy: “Thế hệ Z không chỉ háo hức với những sản phẩm được cá nhân hoá, mà còn sẵn sàng chi trả một khoản tiền lớn cho những sản phẩm làm nổi bật tính cá nhân của họ. Trên thực tế, 58% những người trong cuộc khảo sát cho biết họ sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ có thể làm nổi bật cá tính của mình”.

Thích sự riêng tư

Gen Z thường yêu thích các hoạt động trải nghiệm mang tính cá nhân trên mạng xã hội, nhưng mặt khác cũng muốn bảo vệ quyền riêng tư của mình. Vì thế, họ thường có xu hướng che webcam trên máy tính nhiều hơn những người thuộc các thế hệ khác.

Khi tiếp thị đến Gen Z, marketer cần tuân thủ đúng các điều khoản riêng tư để tránh làm họ cảm thấy khó chịu hoặc quá bị xâm phạm. Theo khảo sát của IBM Uniquely về Gen Z, dưới 1/3 thanh thiếu niên nói rằng họ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ các chi tiết cá nhân khác, ngoài thông tin liên hệ và lịch sử mua hàng. Nhưng 61% sẽ cảm thấy tốt hơn khi chia sẻ thông tin cá nhân với các thương hiệu nếu họ có thể tin rằng nó được lưu trữ và bảo vệ một cách an toàn.

Coi trọng sự đa dạng và bình đẳng

Công nghệ ngày càng phát triển khiến mọi khoảng cách dường như được thu hẹp lại, Gen Z cũng vì thế mà không có sự phân biệt giữa bạn bè “trên mạng” và ngoài đời thực. Mặc dù đây có vẻ là một điều khó khăn cho các bậc cha mẹ khi bảo vệ con cái, nhưng nó vẫn có lý do chính đáng.

“Z-ers coi trọng các cộng đồng trực tuyến vì chúng cho phép những người thuộc các hoàn cảnh kinh tế khác nhau kết nối và thảo luận về cùng một chủ đề như sở thích hoặc vấn đề toàn cầu”, theo nghiên cứu từ McKinsey.

Gen Z thường yêu thích các hoạt động trải nghiệm mang tính cá nhân trên mạng xã hội, nhưng mặt khác cũng muốn bảo vệ quyền riêng tư của mình.

“66% Z-ers được khảo sát tin rằng cộng đồng được tạo ra bởi các nguyên nhân và lợi ích, không phải bởi nền tảng kinh tế hoặc trình độ học vấn”. Con số này còn lớn hơn nhiều khi so sánh với số liệu của thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh, X-er and Y-er.

Mặt khác, khi đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, 77% Gen Z nói rằng họ cảm thấy tích cực hơn đối với một thương hiệu khi nó thúc đẩy bình đẳng trên phương tiện truyền thông xã hội, trong khi 71% cho biết họ muốn thấy quảng cáo đa dạng hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn luôn chèn chủ đề về người da màu hoặc cặp đôi LGBTQ+ vào một trong các bài đăng trên Instagram hoặc quảng cáo trên Facebook. McKinsey and Company giải thích: “Nếu một thương hiệu quảng cáo sự đa dạng nhưng lại thiếu sự đa dạng trong cấp bậc của chính mình, thì sự mâu thuẫn đó sẽ dễ dàng bị chú ý.”

Những con người thông minh và nhạy bén

Gen Z – những người bản địa của kỹ thuật số. Sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ và phát triển mạnh mẽ, họ biết cách sử dụng Internet tốt hơn bất kỳ ai.

Nhờ sự hiểu biết về kỹ thuật số và Internet, Gen Z thường đưa ra những đánh giá sáng suốt hơn. Theo McKinsey, “Họ thực dụng hơn và phân tích về các quyết định của họ hơn so với các thành viên của các thế hệ trước”. Trước khi mua bất cứ thứ gì, Gen Z thường sẽ tra cứu tất cả thông tin, đọc review, đánh giá sơ bộ...

McKinsey nhận thấy rằng: “65% Gen Z đặc biệt chú trọng đến tốc độ nắm bắt và kiểm soát những gì đang diễn ra xung quanh mình. Họ cũng cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp thu kiến ​​thức trực tuyến so với trong các tổ chức học tập truyền thống”. Vì thế, các nhà tiếp thị cần đảm bảo rằng thông tin về công ty của họ là rõ ràng, tích cực và công khai trên Internet.

Họ tin tưởng bạn bè và gia đình hơn bất kỳ ai khác

Trong khi một báo cáo người ảnh hưởng gần đây của Morning Consult cho thấy 52% thế hệ Z tin tưởng vào những người có ảnh hưởng mà họ theo dõi trên mạng xã hội để được tư vấn về sản phẩm hoặc thương hiệu, thì có đến 82% tin tưởng vào bạn bè và gia đình của họ hơn bất kỳ nguồn nào khác.

Khi nói đến những người có ảnh hưởng mà họ tin tưởng, Gen Z nam thường có xu hướng follow trên YouTube, và Instagram đối với nữ.

Ngoài ra, nguồn thông tin đáng tin cậy thứ hai đối với thế hệ Z là các bài đánh giá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Vì thế, marketer có thể xem xét, tận dụng bằng cách thường xuyên đăng các đánh giá tích cực chính hãng từ khách hàng thực lên các tài khoản mạng xã hội. Tránh đăng những đánh giá giả hoặc yêu cầu nhân viên viết đánh giá giả, vì những điều này sẽ dễ bị phát hiện và hậu quả tiêu cực sẽ làm tổn hại danh tiếng của thương hiệu và đánh mất lòng tin của khách hàng.

Những con người “mê” di động

Theo báo cáo năm 2019 của Global Web Index về Gen Z, nhóm tuổi này rất thích sự tiện lợi khi di chuyển của các thiết bị di động hơn là PC và thậm chí cả máy tính xách tay.

Cho dù truy cập mạng xã hội, trò chuyện, xem video hay xem bản đồ, Gen Z đều có thể thực hiện trên thiết bị di động của họ.

Gen Z và thói quen “2 màn hình”

Global Web Index cho thấy 95% Z-ers thường sẽ sử dụng một thiết bị khác khi đang xem TV, đặc biệt là điện thoại di động.

Chính xác thì họ đang làm gì? Hơn 70% Gen Z nói rằng họ thường tám chuyện với bạn bè hoặc truy cập mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ 35% đang thực sự trò chuyện hoặc truy cập nội dung liên quan đến những gì họ đang xem. Với thông tin này, các nhà tiếp thị có thể “target” Gen Z trên nhiều nền tảng và thiết bị mọi lúc.

Họ sử dụng các mạng khác nhau cho từng giai đoạn trong hành trình mua sắm

Nghiên cứu thị trường cho thấy 85% Gen Z thích tìm hiểu về các sản phẩm mới trên mạng xã hội. Họ cũng có khả năng kết nối với các thương hiệu trên mạng xã hội cao hơn 59% so với các thế hệ cũ.

Instagram là ứng dụng phổ biến nhất để khám phá thương hiệu, với 45% thanh thiếu niên sử dụng để tìm các sản phẩm mới thú vị, tiếp theo là Facebook, chiếm 40% và gần đây nhất là TikTok. Trước khi mua hàng, Z-ers có khả năng chuyển sang xem YouTube cao hơn 2 lần so với Millennials.

YouTube cũng là nền tảng được ưa thích khi đề xuất mua sắm, đứng đầu trong thế hệ Z với 24%, tiếp theo là Instagram với 17% và Facebook là 16%.

Hiểu cách thanh thiếu niên sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong suốt quá trình mua sắm của họ là chìa khoá để thu hút họ trên các nền tảng phù hợp với thông điệp phù hợp.

Mua hàng trực tuyến

YouTube cũng là nền tảng được ưa thích khi đề xuất mua sắm, đứng đầu trong thế hệ Z với 24%, tiếp theo là Instagram với 17% và Facebook là 16%.

Trong khi người tiêu dùng lớn tuổi vẫn còn một số do dự về việc chia sẻ thẻ tín dụng và thông tin cá nhân hoặc tài chính của họ trực tuyến thì Gen Z lại khác. 72% người thuộc Gen Z cho biết họ vừa mua sắm online trong tháng trước. Vậy họ thường mua gì? Global Web Index nhận thấy rằng Gen Z quan tâm nhiều hơn đến việc chi tiền cho những trải nghiệm như vé xem hoà nhạc và các hoạt động giải trí, công nghệ và thời trang khác.

Những người niềm nở

Gen Z không bị làm phiền bởi nội dung đề cập đến thương hiệu. Trên thực tế, hầu hết họ đều hoan nghênh nó.

Global Web Index chia sẻ: “Thế hệ Z vẫn rất vui vẻ khi có nội dung từ các thương hiệu yêu thích của họ xuất hiện trong nguồn cấp tin tức”, “Cứ 10 người thì có 4 người theo dõi các thương hiệu mà họ thích trên mạng xã hội, với 1 trong 3 người theo dõi các thương hiệu mà họ đang nghĩ đến việc mua hàng”.

Vì thế, trước khi giới thiệu nội dung và quảng cáo trên MXH cho mọi người, marketer cần biết đối tượng của mình. Hãy đảm bảo rằng bạn đang nhắm đúng đối tượng mục tiêu về những người thực sự có thể tìm thấy giá trị trong sản phẩm hoặc dịch vụ và sau đó là tập trung vào việc thu hút sự chú ý của họ.

Họ yêu TikTok

TikTok, ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn, đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới. Về cơ bản, ứng dụng đã từng được chia sẻ giữa thanh thiếu niên, nhưng giờ đây nó đã trở thành xu hướng chính.

Những người dẫn chương trình “đêm khuya” chia sẻ nội dung TikTok trên các chương trình của họ. Tài khoản Instagram meme được dành riêng để đăng lại các TikTok phổ biến và nhiều tài khoản MXH đang thu thập nội dung và nguồn cảm hứng từ ứng dụng gây nghiện này.

Dựa trên xu hướng và luồng phương tiện truyền thông, không có gì ngạc nhiên khi TikTok đặc biệt phổ biến với thanh thiếu niên. Hơn 41% người dùng TikTok có độ tuổi từ 16-24 tuổi.

Dù bạn là thương hiệu kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực và ngành nghề nào, hãy thử trải nghiệm tạo một tài khoản của riêng mình, bởi TikTok có thể là nơi lý tưởng để sáng tạo và chia sẻ nội dung. Thêm vào đó, cộng tác với những người có ảnh hưởng trên TikTok, đăng nội dung bằng hashtag có thương hiệu hoặc tham gia các thử thách trên TikTok phù hợp với thương hiệu cũng là điều đáng cân nhắc.

Trên đây là những số liệu thống kê về Gen Z, hy vọng có thể giúp marketer tiếp cận được họ bằng các hoạt động tiếp thị của mình không chỉ trong hiện tại, mà còn còn tác động lâu dài về sau.

* Nguồn: Hootsuite