Marketer Leo Minh
Leo Minh

CEO & Co-founder @ ATP Academy

Làm sao để biết bạn có thích công việc hiện tại hay không?

Đây chắc chắn là một câu hỏi mà rất nhiều người dưới 30 tuổi vẫn đang loay hoay tìm câu trả lời, nhất là những người đang bị stress và nản trong công việc.

Đôi lúc, chúng ta làm việc rất tốt, được nhiều người công nhận và có lương cao. Chúng ta vô cùng tận hưởng khoảng thời gian này, nhưng thời gian sau thì mọi động lực đều biến mất. Vì sao lại như thế?

Tôi cũng là một người rất dễ bị mất động lực. Quan trọng hơn cả, đến năm 25, 26 tuổi, tôi mới nhận ra được bản thân thích gì. Rất nhiều người trong chúng ta đều tự hỏi mình thích gì, tương lai muốn làm gì hay sẽ theo học ngành gì nhưng không phải ai cũng có thể tìm ra câu trả lời. Đó là vì chúng ta chưa có trải nghiệm.

Thực ra, tôi đã từng chia sẻ về vấn đề này trong 1 bài viết nói về IKIGAI. Tóm lại, thứ mà mình thích cũng chỉ nằm trong 3 điều:

  • Thứ mà mình thích
  • Thứ mà mình giỏi
  • Thứ mà mình kiếm ra tiền

Làm sao để tìm được một công việc phù hợp và hội tụ cả 3 yếu tố trên?

Bản chất của việc “thích một thứ gì đó”

Trước tiên, chúng ta phải xác định được thích ở đây là gì. Thích có rất nhiều cấp bậc, bạn có thể thích một điều gì đó nhưng rồi cảm giác này biến mất chỉ trong vòng vài ngày. Khi đó, bạn không thực sự thích nó, mà chỉ là sự “hưng phấn” của bản thân khi làm điều gì đó mới lạ.

Công việc là thứ chúng ta gắn bó lâu dài. Vì vậy, không thể đánh giá sự thích đó bởi những quan điểm cá nhân. Nghe có vẻ lạ khi đó là sở thích của chúng ta nhưng lại không được đánh giá qua quan điểm cá nhân. Thật sự, việc thích một cái gì đó thì đơn giản, nhưng xét theo tiêu chí “vừa phù hợp”, “vừa thích”, “vừa kiếm ra tiền” thì khó hơn rất nhiều và chỉ như thế mới đủ thoả mãn với đời sống hiện tại.

  • Tôi từng quen một anh bạn đam mê nghiệp vẽ từ năm 10 tuổi. Đến năm 35 tuổi, (sau khi từ bỏ nghiệp vẽ ở tuổi 32) thì giờ anh đang là một thầu bất động sản khá thành đạt.
  • Tôi cũng từng biết một anh làm nghề lập trình, từ bỏ công việc ở năm 4 đại học và giờ đang là chủ một cửa hàng trang sức khá có tiếng ở TP.HCM.
  • Và ngay chính bản thân tôi cũng bỏ học kế toán ở năm 4 và giờ lại theo ngành Marketing.

Có một sự thật phũ phàng, đó là trong 100 người thì chưa đến 1 người theo đuổi được đam mê và thành công cho tới cuối cùng... Chính chúng ta cũng thế, nếu không phải gia đình có điều kiện, liệu bạn có dám theo đuổi đam mê? Nếu phải gồng gánh gia đình, anh chị em, tiền thuê nhà và cả tương lai, vợ chồng... liệu bạn có dám theo đuổi sở thích?

Nguồn: Freepik

Thích là một phạm trù rất lớn, không đơn thuần là cảm xúc bồng bột vì “hào hứng” với một công việc nào đó, mà là một thứ phù hợp với bất kỳ góc cạnh nào của cuộc sống. Và cũng bởi vì nó có rất nhiều cấp bậc, nên chúng ta đôi khi hay nhầm lẫn giữa việc thích và hào hứng nhất thời. Cụ thể, thích có các cấp bậc sau:

  • Bậc 1: Hào hứng trong thoáng chốc, qua 3 ngày sau là quên
  • Bậc 2: Hào hứng trong lâu dài, thích thú khi thực hành theo thời gian
  • Bậc 3: Không còn hào hứng và nó chuyển thành điều mà bạn ‘không ghét’
  • Bậc 4: Xem đó là một điều bình thường, cảm thấy thích kết quả tạo ra, phấn đấu vì kết quả
  • Bậc Master: Luôn suy nghĩ về điều đó, trở thành người truyền bá, người đào tạo, người truyền cảm hứng cho người khác về thứ mà bạn thích

Trong 100 việc chúng ta thích, không có quá 10 việc mà chúng ta có thể qua được bậc 2, và không có quá 1 việc có thể tiến đến bậc 4... Tuy nhiên, những người thực sự giỏi, họ có thể tự biến thứ mình cần thành thứ mình thích, thông qua phương pháp đánh lừa bộ não NLP (các bạn có thể tự tìm hiểu thêm).

Trước khi chọn lựa một thứ gì đó có tính ảnh hưởng đến tương lai, trước tiên, hãy xác định mình đã thích nó ở cấp độ nào.

Việc thích một cái gì đó phải phù hợp với mục tiêu

Trong nghề Content mà tôi đang làm, hay cả nghề SEO, nghề Ads, nghề Marketing Online... tôi từng thấy rất nhiều người lúc nào cũng thích công việc của họ, nhưng khoảng 2-3 năm sau, họ vẫn chẳng có được gì trong tay. Vả bản thân tôi cũng từng như vậy. Đó là vì chúng ta thường rơi vào những cái bẫy “sở thích”.

  • Bẫy sở thích: Cứ nghĩ rằng mình thích công việc này, nhưng làm được vài tháng lại chán. Sau đó lại thấy thích một công việc khác và qua vài tháng nữa lại chán. Bản chất của con người là “cả thèm chóng chán”. Chúng ta dễ cảm thấy thích thú và rơi vào những điều mới mẻ. Điều này khiến chúng ta mất đi một khoảng thời gian rất lớn, đôi khi là 2,3 năm nhưng chẳng mang lại kết quả gì.
  • Bẫy thói quen: Một khi đã quá quen với thực tại, phần “con” của chúng ta trỗi dậy và không còn ý chí làm việc. Ta chỉ cần sự ổn định, một công ty gần nhà, những mối quan hệ đủ ổn, công việc tuy nhàm chán nhưng đỡ vất vả và dư dả thời gian. Sau 2-3 năm, nhìn lại, chúng ta chẳng có thành tựu gì to lớn trong tay.
  • Bẫy mong chờ: Chúng ta quá tin vào “ước mơ của sếp”. Điều này thấy khá rõ trong các môi trường startup. Mọi người xem nhau là đồng đội, là chiến hữu. Công ty trở thành một nơi để cùng cố gắng, cùng xây dựng tầm nhìn chung... Nhưng, nếu chỉ giữ một nhiệm vụ không rõ mục tiêu thì 2-3 năm sau chúng ta cũng chỉ là những gương mặt cũ với kiến thức không có gì đổi mới...
  • Bẫy ảo tưởng: Đây là cái bẫy lớn nhất mà sinh viên thường gặp và cũng là cái bẫy ngốn nhiều thời gian của chúng ta nhất. Ví dụ, bạn vô tình tìm được 1 công việc lý tưởng với mức lương ổn định, môi trường tốt, có sự thăng tiến trong công việc... Từ đó, bạn lệ thuộc vào nó. Trong đầu luôn nghĩ rằng mình có năng lực mà, cứ kiếm tiền đã, chơi đã, làm cái này cái kia đã, rồi quay qua học kỹ năng cũng vẫn còn kịp.... và suy nghĩ này đôi khi kéo dài 1-2 năm.
  • Bẫy thời gian: Quá tin vào điều “mình còn trẻ”, “mình còn nhiều thời gian”... và thấm thoát đã 28 tuổi nhưng chưa có gì trong tay.

Nếu dính vào các bẫy này, chúng ta sẽ đi lệch với những mục tiêu đưa ra ban đầu. Khi đó, bạn làm hoài, dù vẫn thấy thích, nhưng sẽ lãng phí 2-3 năm cuộc đời, mà vẫn chưa có một kết quả nhất định.

Nguồn: Envato

Những người ở thế hệ trước quan niệm rằng muốn trở thành người giỏi trong ngành thì phải có kinh nghiệm 3-5 năm mới được làm senior. Từ quan điểm đó, nên tôi chấp nhận việc vừa ra trường sẽ vào một công ty nào đó học việc và 3 năm sau khi có kinh nghiệm vững rồi thì muốn làm gì cũng được.

Quan điểm đó so với thời điểm hiện tại là cực kỳ sai.

  • Bạn chỉ cần 2,3 ngày là có thể học được cách dựng một website, có thể không đẹp nhưng vẫn dùng được.
  • Bạn chỉ cần tìm tòi và click vài nút là có thể chạy ads trên Facebook, dĩ nhiên không tránh khỏi việc có thể bị khoá nick.
  • Kiến thức về Content cũng dễ dàng tra cứu, chọn lọc và học hỏi.

Hiện tại, mọi thứ đã rất dễ học hỏi và trau dồi, không còn khó như trước. Việc lãng phí 3 năm chỉ để học được một kỹ năng duy nhất là điều rất sai lầm. Việc những bạn chỉ mới sinh năm 1998-2000, nhưng đã có thể làm leader, làm quản lý, kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng là điều rất bình thường.

Hãy cố gắng xác định mục tiêu rõ ràng, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Ví dụ:

  • Trong 6 tháng có bằng IELTS
  • Trong 8 tháng xin vào làm tại một công ty lớn
  • Trong 12 tháng có đủ các kinh nghiệm viết Content từ viết bài website, viết bài PR, viết bài Storytelling
  • Trong 1 năm 6 tháng có thể làm Leader Content...

Khi đã bắt đầu hiểu được mục tiêu, lúc này chúng ta mới bắt đầu xác định xem sự thích của mình có đúng là thích hay không.

Thích là một thứ bạn có thể làm lâu dài mà không chán

“Thứ mà bạn làm hoài không chán chưa chắc là thứ bạn thích, nhưng thứ bạn thích chắc chắn bạn sẽ làm hoài không bao giờ chán.”

Chẳng hạn như, trò chơi mà bạn thích, bạn có thể chơi suốt 1 tháng liền, trong một nhóm bạn, bạn sẽ nói chuyện thường xuyên hơn với một vài người nhất định... Đó là vì bạn cảm thấy “thoải mái” khi làm việc đó. Một việc mà chúng ta có thể làm hoài không bao giờ chán thường sẽ có các yếu tố:

  • Việc mà tính tiền theo kết quả, hoặc đem đến kết quả ngay lập tức
  • Việc mà chúng ta đã nghiên cứu rất lâu, có kiến thức và hiểu biết sâu rộng về nó
  • Việc mà chúng ta biết “nếu không làm thì sẽ chết”
  • Việc mà khiến chúng ta “bị nghiện”
  • Việc mà chúng ta không làm sẽ cảm thấy thiếu hoặc khó chịu, nói đúng hơn là thói quen
  • Việc mà chúng ta cảm thấy bức rức khi không được làm

Có rất nhiều thứ cấu thành nên sự “thích” và “làm không bao giờ chán”. Khó để có thể ép bản thân rằng chúng ta có thể làm việc đó mỗi ngày, thường xuyên theo các cảm giác trên, nhưng sẽ không khó để có thể cảm nhận công việc hàng ngày có phải là việc chúng ta có thể làm hoài không chán hay không.

Hãy tự hỏi, chúng ta đang làm việc mỗi ngày có phải vì các lý do trên hay không, hay vì đó là công việc, là "bẫy" mà chúng ta không biết. Việc dính vào bẫy sẽ gây ra một tác hại rất lớn, nó sẽ ăn dần ăn mòn bản thân và đến một lúc nào đó, dù chúng ta làm rất tốt nhưng vẫn có thể bỏ nó ngay lập tức.

Thích là một thứ mà bạn luôn tạo ra kết quả từ nó

Nhiều người sẽ không biết khái niệm này trừ khi họ đã đọc qua cuốn “Nhà giả kim”.

“Thánh nhân đãi kẽ khù khờ” – câu nói này có nghĩa là những người làm một việc gì đó nhưng chưa biết rõ về nó sẽ nhận được ưu đãi hay phần thưởng xứng đáng. Giống như việc, khi chúng ta bắt đầu một công việc mới thì thường sẽ gặp may mắn. Sự may mắn này chính là một kết quả nho nhỏ... và từ kết quả nho nhỏ này nó khiến chúng ta trở nên thích thú và muốn tiếp tục công việc.

Quả thật như vậy, sẽ rất khó khăn nếu như chúng ta không thể tạo ra được các “kết quả”. Tôi là một người đào tạo và cũng là một người chia sẻ. Nếu như tôi không thể tạo ra được những bài viết như này nữa thì sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu, bí bách và không thể làm được việc gì khác... Và nếu như không tạo ra được tài liệu, quy trình nữa thì việc đào tạo còn mang lại ý nghĩa gì?

Chính bản thân chúng ta trong công việc cũng sẽ tự cảm thấy thích thú bởi những kết quả nhỏ nhỏ mà mình tạo ra. Những kết quả đó tạo ra giá trị thật, giúp ích cho người khác, hay nhận được sự khen ngợi... khiến cho bạn cảm thấy thích thú và muốn bước tiếp con đường này.

Hãy cố gắng tạo ra những “thành quả nhỏ” ngắn hạn, càng nhiều thành quả nhỏ sẽ càng khiến cho bạn thích thú công việc này.

Lưu ý: Những thành quả nhỏ sẽ thay đổi tuỳ theo ngành. Ví dụ:

  • Một kết quả nhỏ là bán được đơn hàng mỗi ngày
  • Một kết quả nhỏ là tạo ra được 1 tài liệu gì đó
  • Một kết quả nhỏ là 1 lời khuyên (từ kiến thức thực tế) giúp ích cho người khác
  • Một kết quả nhỏ là tạo ra được 1 quy trình, một case study, một website có traffic...
  • Một kết quả nhỏ là bài viết được 1000 like, được mọi người comment, share và động viên

Thích là một thứ mà bạn có thể kiếm được tiền từ nó

Cũng gần giống với ý trên nhưng chuyên sâu hơn. Thực sự trong quá trình làm việc 10 năm, có những giai đoạn, tôi vẫn đam mê làm việc ròng rã suốt mấy tháng trời hoặc thậm chí là cả năm, nhưng không có một khoản tiết kiệm nào trong người hoặc chỉ sống dựa trên mức lương ít ỏi mà công ty trả.

Đó là vì chúng ta không sống thực tế, không cảm nhận được giá trị của công việc, thứ mà bạn có thể kiếm được tiền từ nó không phải là vị trí công việc mà bạn được trả lương... mà là thành quả lao động của bạn đáng tiền.

Rất nhiều người cho rằng, khi làm việc ở một vị trí với mức lương 15 triệu đồng nghĩa là họ đang tạo ra tiền nhưng thực chất không phải vậy. Bạn làm Content Website với mức lương 8 triệu đồng, bạn có biết vì sao nhận được mức lương đó không? Hay vì đó là mức lương của thị trường nên tạm chấp nhận? Bạn có biết khi công ty thuê bạn với mức lương 8 triệu đồng, họ kiếm được bao nhiêu tiền từ bạn không? Bạn có biết 1 bài viết của mình trị giá bao nhiêu tiền không?

Nếu không biết bản thân giá trị bao nhiêu, thì không thể coi bạn có thể kiếm được tiền từ nó. Bạn có thể nhận viết bài giá 200.000 đồng/bài và có thể rất nhiều người thuê bạn, nhưng không hiểu được bài viết đó có thể giúp họ kiếm được bao nhiêu tiền thì bạn vẫn chưa phải là một người có thể kiếm được tiền từ công việc viết lách.

Hãy “đào” thật sâu về các kỹ năng của mình và biết chính xác bản thân có thể tạo ra bao nhiêu tiền, giá trị bao nhiêu, kết quả ra sao, đáng tiền như thế nào... thì lúc đó bạn mới thấy thích thú với công việc này.

Trong một bài viết anh Bích Hiệp có nói: “Muốn có danh tiếng, trước hết nên có năng lực và năng lực của bạn chính xác là giá trị mà bạn có thể tạo ra thông qua các kỹ năng của mình”. Đừng bao giờ quên điều này: giá trị thực sự thì phải quy đổi được thành tiền. Bạn hiểu bản thân giá trị bao nhiêu thì bạn càng sớm được tăng lương bấy nhiêu.

Thích là một thứ có thể tạo ra cho bạn một nghề

Rõ ràng, mọi thứ có sự liên kết với nhau, từ việc thích, tạo ra kết quả, tạo ra tiền và giờ nó trở thành việc tạo ra “nghề”. Bạn đã được gọi là có “nghề” chưa?

Không ít người làm ở một vị trí ổn định và nhận lương hàng tháng đều đặn trong nhiều năm. Nhưng lại dính vào “bẫy” và sau 3-5 năm, họ vẫn chưa có một cái nghề.

Đó là vì chúng ta luôn thoả mãn với thực tại – vốn là bản chất của con người. Chúng ta luôn cảm thấy kiến thức đã đủ (bẫy ảo tưởng), các kết quả tạo ra được ở thực tại đã đủ... mà quên đi việc phải “never stop learning”.

Nguồn: Freepik

Biểu hiện của việc bạn đã muốn sở hữu thứ gì đó và biến nó thành nghề:

  • Cảm giác thích thú khi ai đó nói về chủ đề đó
  • Cảm giác muốn học hỏi kiến thức đó mỗi ngày
  • Cảm giác muốn tìm hiểu công thức, quy trình, cách kiếm tiền từ nó
  • Cảm giác muốn đào sâu về nó và gặp gỡ những “ông trùm” trong ngành
  • Cảm giác nữa đêm nhớ lại bí kíp vừa học được, muốn nhanh tới sáng để thực hành, hoặc ngồi bật dậy để thực hành

Những người mà có xu hướng “hơi hơi” có nghề thì họ thường:

  • Có thể bắt tay vào làm luôn, đôi khi nó là quán tính không cần suy nghĩ
  • Nhìn vào người khác đang làm là thấy ra ngay vấn đề mà họ đang gặp phải
  • Kết quả lúc nào cũng >5 điểm, đôi khi không xuất sắc nhưng các thành quả lúc nào cũng có giá trị
  • Luôn tập trung vào những giá trị lâu dài, cải thiện “hiệu suất” chứ không cần tăng khối lượng
  • Chấp nhận bỏ tiền, để học hỏi những thứ chuyên sâu hơn

Nếu đã thích một việc, hãy cố gắng trở thành một người giỏi, có nghề trong việc đó, khi bạn có nghề, bạn sẽ thích. Có nghề, đi đâu bạn cũng được trọng dụng, có nghề làm gì cũng ra tiền, ít nhất hãy kiếm cho mình 1 cái nghề.

Thích là một thứ chỉ đơn giản là thích

Chia sẻ về trường hợp của chính bản thân tôi. Cách đây 2 năm, khi tôi chưa phải là một người viết bài chia sẻ, tay trắng, chẳng có nền tảng, kiến thức mập mờ, vậy mà từ tháng đầu tiên đã tự kiếm được 20 triệu đồng và duy trì đến giờ. Lúc đó, tôi rơi vào nghịch cảnh nên bắt buộc phải ép bản thân, vô tình thích nhiều thứ:

  • Muốn có tiền phải viết bài chia sẻ nhiều để có khách, vì thế mỗi ngày, tôi viết 1 bài, vô tình thích việc viết, vì nó tạo ra kết quả.
  • Muốn có tiền thì phải tạo ra sản phẩm, nên tôi thường ngồi đến 3 giờ sáng chỉ để nghĩ ra khoá học cho ngày mai, vô tình thích việc dạy và dạy cho đến giờ.
  • Trước đây, tôi không muốn làm việc chung với nhiều người, nhưng nếu làm một mình thì sẽ bị giới hạn, nên tôi buộc phải học cách làm việc nhóm, quản trị nhân sự và bây giờ khi thiếu bóng nhân sự trong công ty thì thấy mất vui.

Hiện tại, một khi cảm thấy điều gì đó quan trọng trong công việc, tôi hoàn toàn có thể đưa nó vào quán tính và làm mỗi ngày để tạo thành thói quen, vô tình sẽ “không ghét” làm điều đó nữa. Dần dần với khả năng tích trữ bấy lâu, từ kiến thức nền sẵn có tôi hoàn toàn có thể tạo ra kết quả từ thứ mình mới làm trong thời gian ngắn. Càng có nhiều thói quen phù hợp với công việc, càng dễ dàng trở thành người có nghề.

Khi bạn thích một điều gì đó, tự khắc bạn sẽ “nghiện” làm nó, đây là tâm lý học người nghiện (học từ thầy Bát Nhã bên Marketing for Loser).

Cải thiện môi trường phục vụ công việc

Đến đây, có lẽ bạn cũng đã phần nào trả lời được cho câu hỏi: “Mình có thích công việc hiện tại hay không?”. Xét theo tự nhiên, thứ mà mình thích thì bao gồm rất nhiều yếu tố bởi không phải ai cũng có thể thích đúng một công việc cả đời và không phải ai cũn thực sự thích một thứ. Đôi khi, chúng ta không thích một công việc nhưng lại thích các yếu tố khác:

  • Thích công ty
  • Thích môi trường làm việc
  • Thích sự thoải mái
  • Thích 1 cô đồng nghiệp
  • Thích lương bổng cao...

Vì vậy, chỉ có thể biết mình có thích việc đó hay không khi đang ở môi trường khắc nghiệt nhất, không có các yếu tố tác động. Nhưng để tìm được một môi trường như vậy thật sự rất khó, bạn có thể nhảy việc, có thể làm hàng chục công việc rồi mới tìm được thứ mình thích, hoặc là đã tìm được nhưng vì “cả thèm chóng chán”, “đứng núi này trông núi nọ”, mà có thể bạn đã bỏ qua công việc mà mình thực sự thích. Thích là một khái niệm tương đối, mà những thứ tương đối thì không phải lúc nào cũng có lời giải (hoặc thậm chí chẳng có lời giải).

Nếu đã “chớm” tìm được một công việc mình thích, hãy thử cải thiện môi trường. Đó là:

  • Một cộng đồng nơi có thể chia sẻ kiến thức và cũng học hỏi được từ họ
  • Một công việc ổn định về mặt tài chính
  • Một công việc mà không quá áp lực từ nhiều phía
  • Một công việc có thể tự làm lúc rảnh (buổi khuya, chủ nhật) mà không phải bị ai ép buộc, đốc thúc, đặt KPI... đó mới là làm việc thoải mái

​​

Công việc là một thứ quyết định cuộc đời bạn

Khi bạn làm đúng việc, 2 năm thôi đã có thể trở thành “trùm”, còn khi bạn làm không đúng việc thì 10 năm vẫn chỉ là 1 nhân viên bình thường.

“Lựa chọn đúng quan trọng hơn nỗ lực”

Hãy cố gắng lựa chọn đúng một công việc mà mình thích thì chúng ta sẽ dễ dàng phát triển hơn trong tương lai, dễ dàng đem đến kết quả và tạo ra giá trị tốt hơn cho công việc sau này.