Brand Updates W23/2021: Kido mở chuỗi F&B; HBO Max thâm nhập thị trường Đông Nam Á

Cùng điểm qua các tin tức nổi bật trong tuần: Theo kế hoạch năm 2021, lãnh đạo Kido đặt mục tiêu xây dựng được 58 cửa hàng bao phủ khu vực TP.HCM; HBO Max còn dự kiến sẽ có mặt tại 61 thị trường toàn cầu trong thời gian sắp tới… cùng nhiều sự kiện thú vị khác.

Kido mở chuỗi F&B

Ngày 7/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) chính thức giới thiệu thương hiệu Chuk Chuk trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV. Bà Trần Tuyết Vân – hiện là Tổng Giám đốc Kido, sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc TTV.

Chuỗi Chuk Chuk sẽ hoạt động với 3 mô hình gồm cửa hàng outlet, kiosk và xe đẩy. Trong đó, cửa hàng đầu tiên được khai trương vào tháng 6, còn hệ thống kiosk và xe đẩy sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7.

Nguồn hình: Ngoisao.net

Ông Trần Lệ Nguyên – Chủ tịch HĐQT của KDC, khẳng định với ZingNews: “Chúng tôi tự tin trong năm đầu tiên phải có lãi chứ không cần đến 3-5 năm”. Bởi theo ông phân tích, các sản phẩm bán tại Chuk Chuk đều do Kido sản xuất với số lượng lớn, khác với nhiều đơn vị phải nhập khẩu và thường gặp khó khăn về kiểm soát chất lượng. Vì thế, giá thành sản phẩm tại Chuk Chuk hợp lý mà vẫn đảm bảo biên lợi nhuận. Đồng thời, hệ thống logistics của tập đoàn đã phủ khắp cả nước nên chi phí vận hành thấp hơn các thương hiệu khác.

Về kế hoạch năm 2021, lãnh đạo Kido đặt mục tiêu xây dựng được 58 cửa hàng bao phủ khu vực TP.HCM. Và đến năm 2025, thương hiệu này sẽ đạt con số 1.000 cửa hàng trên khắp các tỉnh.

HBO Max chuẩn bị thâm nhập thị trường Đông Nam Á

HBO Max – dịch vụ phát trực tuyến video của tập đoàn truyền thông Mỹ Warner Media, dự kiến sẽ ra mắt trên khắp Đông Nam Á. Được biết, ông Amit Malhotra – cựu lãnh đạo Disney+, sẽ trở thành Giám đốc Điều hành của HBO Max tại khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ.

Nguồn hình: Primetimer

Khu vực APAC, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á là thị trường trọng tâm chính của HBO Max. Theo Campaign Asia, ông Johannes Larcher – Head of HBO Max International, cho biết: “Các thương hiệu của Warner Media bao gồm DC Universe, HBO và Cartoon Network được lượng lớn khán giả ở khu vực này mến mộ. Lấy người tiêu dùng làm trọng tâm, chúng tôi hướng đến tổng hợp tất cả nội dung của các thương hiệu trên lại với nhau và phục vụ chúng trên HBO Max”.

Trong thời gian sắp tới, HBO Max dự kiến sẽ có mặt tại 61 thị trường toàn cầu.

Huawei ra mắt hệ điều hành di động riêng

Ngày 2/6, Huawei tuyên bố ra mắt hệ điều hành riêng HarmonyOS trên các thiết bị di động của hãng gồm smartphone Mate 40, Mate X2, đồng hồ thông minh Watch Series 3 và máy tính bảng MatePad Pro. Với hệ điều hành riêng, Huawei không chỉ muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ mà còn tham vọng cạnh tranh với các hãng công nghệ lớn như Google và Apple. Theo kế hoạch năm 2021, công ty dự tính gần 100 đầu sản phẩm sẽ được hỗ trợ hệ điều hành HarmonyOS tại Trung Quốc.

Nguồn hình: Huawei

Được biết, HarmonyOS có thể hoạt động trên nhiều thiết bị kết nối Internet của Huawei từ smartphone đến thiết bị đeo. Theo Cafebiz, ông Ben Wood – Nhà phân tích tại CCS Insight, nhận xét: “Với khả năng kết nối của HarmonyOS, Huawei hy vọng tiếp nối sự dẫn đầu của Apple bằng một nền tảng phần mềm duy nhất có thể mở rộng ra mọi hướng, mang đến trải nghiệm liền mạch cho khách hàng”.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng dù có thể thành công ở quê nhà, nhưng HarmonyOS sẽ đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường quốc tế. Bởi vì, hiện nay, Android và iOS đang thống trị thị trường hệ điều hành di động, và cả Google lẫn Apple đều thu hút đông đảo các nhà phát triển ứng dụng. Những ứng dụng phổ biến nhất thế giới đều có mặt trên nền tảng của 2 công ty này.

Vingroup thành lập công ty sản xuất thuốc

Vinbiocare được Vingroup thành lập trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh việc sản xuất vaccine COVID-19. Bà Mai Hương Nội – hiện là Phó Tổng Giám đốc Vingroup, sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinbiocare. Theo đăng ký thành lập, Vinbiocare gồm 12 ngành nghề kinh doanh, trong đó, lĩnh vực chính là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu.

Nguồn hình: Dân Việt

Trước Vinbiocare, Vingroup từng tham gia lĩnh vực sản xuất dược phẩm khi thành lập Công ty Cổ phần Vinfa và đầu tư xây dựng dự án "Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa". Tuy nhiên, mảng kinh doanh này dần thu hẹp từ cuối năm 2019.

VinMart bắt đầu đổi tên

Đầu tháng 6/2021, một cửa hàng VinMart+ trên đường Mai Chí Thọ (TP.HCM) được thay đổi biển hiệu bên ngoài thành WinMart+. Bộ nhận diện thương hiệu mới của VinMart không thay đổi quá nhiều, ngoài chữ V chuyển thành W. Theo đó, thương hiệu nông sản VinEco cũng được đổi thành WinEco.

Nguồn hình: VnExpress

Đại diện Masan trao đổi với VnExpress, cửa hàng này là nơi đầu tiên thực hiện đổi mới nhận diện để đánh giá hiệu quả thí điểm. Doanh nghiệp hiện tại chưa có kế hoạch thay đổi hàng loạt nhưng dự kiến hoàn tất việc này trong năm 2022.

Ông Trương Công Thắng – Tổng Giám đốc của The CrownX chia sẻ: “Từ khi tiếp nhận chuỗi đến nay, chúng tôi đã thay đổi nhiều vấn đề bên trong như danh mục hàng hoá, chất lượng, dịch vụ, giá cả… Khi quá trình chuyển đổi bên trong hoàn thiện thì hình thức bên ngoài cũng tự khắc thay đổi”.

Ví AirPay đổi tên thành ShopeePay

Ngày 8/6, ví điện tử AirPay chính thức đổi tên thành ShopeePay. Dựa trên nền tảng quan hệ hợp tác sẵn có, 2 đơn vị kỳ vọng ShopeePay sẽ mang đến cho người dùng nhiều giá trị tiện ích kèm theo sự thuận lợi trong thanh toán và mua sắm. Đồng thời, thương vụ còn giúp gia tăng nhận diện thương hiệu ShopeePay đến nhiều khách hàng hơn.

Nguồn hình: VnExpress

VnExpress trích dẫn chia sẻ của đại diện từ ShopeePay: “Đổi tên và nhận diện thương hiệu là một trong những chiến lược dài hạn nhằm xây dựng hệ sinh thái tích hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thanh toán số tại Việt Nam. ShopeePay không chỉ tận dụng thế mạnh sẵn có của Shopee, mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu những trở ngại thanh toán. Từ đó, nâng cao trải nghiệm mua sắm của người dùng. Hơn nữa, thông qua hệ sinh thái tích hợp này, chúng tôi mong muốn tiếp tục mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng, doanh nghiệp với các hình thức giao dịch trực tuyến”.

Microsoft Excel trở thành “bộ môn eSports”

Đầu tháng 6/2021, Microsoft đăng tải trên Twitter của thương hiệu công bố giải đấu Financial Modeling World Cup. Đây là giải đấu eSports sử dụng phần mềm bảng tính Excel để thi đấu trực tiếp. Các tuyển thủ sẽ phải sử dụng khả năng tính toán để rút gọn bảng tính Excel theo đề bài cho trước.

Nguồn hình: Việt Giải Trí

Cuộc thi chính thức diễn ra vào ngày 8/6 với sự tham gia của 8 tuyển thủ đến từ 8 quốc gia khác nhau. Và nhà vô địch của mùa giải năm 2021 là tuyển thủ đến từ Canada, Michael Jarman.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp