Marketer ThS Ds Lê Phương Dung
ThS Ds Lê Phương Dung

Founder - CEO @ MPG Academy Pharmaco Agency MPG Pharmacy

Làm gì để trở thành Marketer Dược từ con số 0

Đây không phải là con đường duy nhất để trở thành Marketer Dược, bắt đầu từ con số 0, nhưng là kho thông tin mà các bạn trẻ yêu thích Marketing Dược có thể tham khảo để hoạch định được cho mình một lộ trình riêng.

I. Xem mình có mã gen của 1 Marketer Dược không?

Đừng chọn marketing Dược chỉ bởi đây là một ngành nghề hấp dẫn vì bạn cần nhiều hơn thể để đi được đường dài. Hãy xem bạn có tố chất gì và thực sự muốn điều gì.

Chừng nào bạn chưa chắc chắn mình có sẵn bộ gen của 1 Marketer Dược hoặc tìm ra lý do khiến bạn thực sự muốn làm, mục tiêu của bạn, tầm nhìn của bạn với ngành nghề thì bạn rất dễ quay xe khi gặp khó khăn hay áp lực, trước khi trở thành một người làm marketing tài năng.

Hãy thử khám phá điều đó qua bài trắc nghiệm "Bạn sinh ra có phải để trở thành Marketer?". Hãy ghi nhớ câu trả lời để tính số điểm của mình và xem mình có mã gen đặc trưng để theo ngành không nhé!

Link trắc nghiệm: https://forms.gle/VanfTGqmozEBfZcK6

II. Trang bị kiến thức chuyên môn Marketing

Nếu xuất phát điểm là Dược sĩ thì bạn cũng đừng quá lo lắng vì hiện tại tỷ lệ Dược sĩ vẫn đang chiếm số đông áp đảo trong đội ngũ Marketer Dược.

Vì kiến thức Marketing chỉ là một phần trong những yếu tố bắt buộc mà một marketer cần có, nhưng hoàn toàn có thể tự thân rèn luyện, mà không nhất thiết phải học qua trường lớp.

Thậm chí, được đào tạo chuyên sâu về Dược lại là một lợi thế cực lớn của bạn khi đặt lên bàn cân với nhân sự ngoài ngành. Dĩ nhiên, thời gian để một dược sỹ trang bị kiến thức về marketing sẽ ít hơn thời gian mà một người làm marketing phải đi học về dược.

Tôi cũng là 1 dược sĩ, và chưa từng theo học marketing bài bản, mà tự học mọi thứ thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, sách báo, internet, những người xung quanh và trải nghiệm thực tế.

Vì vậy, nếu đang là Dược sĩ thì lời khuyên đầu tiên là bạn nên học các khóa Marketing căn bản và chuyên sâu ngắn hạn tại một số học viện, trung tâm đào tạo uy tín để có cái nhìn tổng thể về nghề, trước khi quyết định sẽ đi sâu vào kỹ năng cụ thể nào.

Tốt nhất sẽ là các khoá học offline để bạn có thể tương tác với huấn luyện viên một cách trực tiếp và được thực hành trên những case study thực tế. Nhưng bù lại, chi phí khoá học thường tương đối cao và bạn phải thu xếp thời gian để học theo 1 lịch trình cố định, thường vào buổi tối hoặc cuối tuần.

Học offline bạn còn có cơ hội kết nối, giao lưu với các học viên khác trong lớp, đây sẽ là những network tốt để mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai

Các khoá học online thì học phí rẻ, chỉ vài trăm, thời gian học linh động, nhưng không được tương tác trực tiếp và giải đáp các thắc mắc nên bạn sẽ khó tiếp thu kiến thức hơn.

1 số học viện đào tạo uy tín bạn có thể tham khảo

Đào tạo riêng biệt cho Marketing Dược

1. Học viện Marketing & Sales Y Dược MPG: https://mpg.edu.vn/

2. Học viện BMG

1 số học viện đào tạo Marketing, truyền thông uy tín mà tôi đã từng theo học.

1. Học viện thương hiệu Plato

2. Học viện quản trị kinh doanh Sage

3. Học viện Vinalink

4. Học viện PR truyền thông Elite

Bạn cũng nên tự trang bị thêm kiến thức bằng cách đọc hết cuốn sách về marketing cơ bản bằng tiếng Việt dành cho những người mới vào nghề Marketing.

1. Nguyên Lý Tiếp Thị - Philip Kotler

2. Thấu hiểu tiếp thị từ A đến Z - Philip Kotler

3. 22 quy tắc bất biến trong marketing - Al Rises & Jack Trout

4. Khác biệt hay là chết – Jack Trout, Steve Rivkin

5. Định vị - Cuộc chiến giành tâm trí khách hàng - Al Rises & Jack Trout.

Nếu ngại đọc sách thì bạn nên follow các fanpage, website có nhiều bài viết chất lượng về Marketing Dược, cũng như cập nhật những xu hướng mới

1. Fanpage Học viện Marketing & Sales Y Dược MPG: https://www.facebook.com/marketingyduoc

2. Fanpage Tomorrow Marketers:

3. Blog Marketing Dược: https://lephuongdung.com/

4. Blog Digital, content: https://phungthaihoc.com/

5. Website truyền thông, thương hiệu: https://www.brandsvietnam.com/

III. Rèn luyện các nhóm kỹ năng và hiểu biết xã hội

1. Nhóm kỹ năng mềm

- Thuyết trình tự tin

- Kể chuyện thu hút

- Hợp tác, teamwork

- Chỉn chu, làm việc theo kế hoạch

- Cởi mở, giao tiếp tốt

2. Nhóm kỹ năng theo bề rộng

- Kỹ năng nghiên cứu, nắm bắt insight khách hàng

- Thu thập phân tích, xử lý nhạy cảm với số liệu

- Hiểu biết, thích ứng đa kênh,

- Yêu thích hoặc hiểu biết về công nghệ

3. Nhóm các kỹ năng theo chiều sâu

- Kỹ năng sản xuất nội dung content

- Kỹ năng quản trị website

- Kỹ năng phát triển mạng xã hội, build cộng đồng

- Kỹ năng tìm kiếm ý tưởng sáng tạo

Ngoài tự rèn luyện kỹ năng thì bạn nên tích cực tham gia những cộng đồng online hoặc các buổi workshop, offline về Marketing, đặc biệt là Marketing Dược để gia tăng mối quan hệ và học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước.

1. Group Cộng đồng Marketing Y Dược Pharmacom: https://www.facebook.com/groups/marketingyduoc

2. Group Tâm sự con sen (Chuyên cho dân Content)

3. Group ECOMME GROUP (Chuyên Digital)

4. Group VMCC (Marketing, Truyền thông)

IV. Bắt đầu vào ngành Marketing Dược như thế nào?

1. Hãy tìm cho mình 1 mentor dẫn dắt

Mentor sẽ là người truyền đạt cho các bạn kiến thức, chuyên môn và trí tuệ, chỉ ra con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu nghề nghiệp và tạo điều kiện để kết nối, mở rộng mối quan hệ, giúp các bạn phát triển sự nghiệp của mình.

Đương nhiên, nếu thật sự giỏi, bạn vẫn có thể thành công mà không cần đến mentor. Nhưng nếu có mentor kinh nghiệm dẫn đường thì các bạn đỡ phải tự mò mẫm, tránh được những cạm bẫy, để không phải trả giá cho những sai lầm.

Muốn làm nên sự nghiệp lớn lao, không thể chỉ dựa vào sức cá nhân là đủ, mà còn phải dựa vào những người đi trước và những người đi sau. Đó là lý do mà mỗi chúng ta nên vừa có một mentor, vừa là một mentor cho người khác trong hành trình sự nghiệp của mình.

Đừng nhẫm lẫn Mentor với huấn luyện viên vì mentor cần khoảng thời gian dài hơn, để không chỉ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng, trình độ chuyên môn, mà quan trọng hơn là song hành để định hướng bạn trong mọi quyết định quan trọng bằng những lời khuyên khó lòng tìm kiếm từ sách vở, hay trên mạng.

Làm cách nào để tìm thấy mentor?

Nội dung này thì mình chỉ tóm tắt, còn sẽ viết chi tiết trong bài khác.

Bước đầu tiên để tìm một người mentor là xác định những gì bạn muốn trong sự nghiệp của mình. Hãy xem xét lại hành trình sự nghiệp hiện tại của bạn và đối chiếu với hình mẫu công việc mơ ước của mình và người bạn luôn ngưỡng mộ!

Bạn có thể tìm kiếm trong mối quan hệ làm nghề của riêng mình. Những cá nhân này có thể là sếp cũ, giáo viên, những chuyên gia uy tín trong ngành hoặc những người giàu kinh nghiệm đi trước. Nhưng hãy chọn một người có thể cho bạn lời khuyên lâu dài về ngành và có tầm nhìn tốt để định hướng bạn lên những nấc thang cao nhất trong nghề.

2. Bạn nên làm trợ lý nhãn hay nhân viên content, digital? Làm tại agency hay trong doanh nghiệp Dược?

Bạn có thể bắt đầu theo bề ngang trước, như apply vị trí trợ lý nhãn để làm quen tất cả những kỹ năng chuyên môn cần có, sau đó lựa chọn một kỹ năng mà bạn tự tin nhất, đào sâu vào kỹ năng đó, hoặc ngược lại, bạn bắt đầu từ một kỹ năng có sẵn, như làm content, digital, trade hay chăm sóc khách hàng, rồi mở rộng với những nhóm kỹ năng khác để có cái nhìn tổng quan hơn.

Còn câu hỏi chọn agency hay client thì lại tùy theo định hướng, năng lực của từng người. Nếu tìm cơ hội học hỏi, môi trường cởi mở, hiểu biết đa dạng kênh truyền thông, đổi mới các nhãn hàng thì agency là lựa chọn hợp lý, nhưng đổi lại sẽ là áp lực và mức thu nhập không ổn định. Nếu bạn thích đi đường dài với nhãn hàng, hiểu tổng thể quá trình phát triển một sản phẩm ra thị trường thì hãy bắt đầu từ môi trường client.

Nhưng mong muốn là một chuyện, bạn cần phải xem những kỹ năng mình có phù hợp môi trường nào. Nếu bạn có kỹ năng khai thác sâu về sản phẩm, không bị nhàm chán khi phải ăn ngủ với 1 nhãn hàng nhiều năm và có đủ kiến thức 4P, kỹ năng lập kế hoạch marketing tổng thể thì bạn sẽ phù hợp để làm marketing trong client.

Còn nếu kỹ năng quản lý công việc tốt thì sẽ rất dễ rối loạn tư duy khi đang làm việc cho dự án mẹ bé thì có điện thoại của khách hàng hỏi về các hạng mục trong dự án Tiểu đường, đồng thời lại xử lý phát sinh của khách hàng C cho nhóm sản phẩm Tiêu hóa… Như ở Pharmaco thì 1 bạn quản lý dự án có thể tham gia cùng lúc tới 3-4 nhãn hàng khác nhau.

Nếu đã đọc đến cuối bài thì thực sự bạn rất yêu thích Marketing Dược và tôi xin chúc bạn sớm trở thành 1 Marketer Dược tài năng trong tương lai.

Facebook: http://bit.ly/lephuongdung

Fanpage: http://bit.ly/duocsilephuongdung

Youtube: D'Story - Chuyện Dung làm Dược