Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Re-live eTail Asia 2021: “Con người sẽ quay về hành vi ban đầu một khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát”

Từ ngày 18 – 20/5/2021 vừa qua, Hội nghị thường niên eTail Asia Virtual Summit & Expo đã diễn ra nhằm mang đến những thông tin và quan điểm bổ ích giúp các thương hiệu củng cố chiến lược marketing cho mảng bán lẻ và đối phó với những khó khăn sắp tới.

Bài viết dưới đây lược đăng một số nội dung giá trị trong số nhiều phiên trình bày và thảo luận thuộc khuôn khổ hội nghị.

Bài trình bày 1: Cách đại dịch viết lại luật chơi cho ngành bán lẻ

Ông Rajesh Jain

CEO tại Lacoste Ấn Độ

Mở đầu hội nghị vào sáng ngày 20/5, ông Rajesh Jain – CEO của hãng bán lẻ thời trang Lacoste tại Ấn Độ – đã chia sẻ quan điểm về sự tác động của đại dịch đến ngành bán lẻ, những phương thức giúp vượt qua tình hình này, và tầm nhìn của ông về tương lai.

Đầu tiên ông Rajesh chia sẻ những triển vọng về kinh tế trước thời điểm dịch bùng phát. Theo ông, khoảng 63% các nhà lãnh đạo có dự đoán tích cực/ không tiêu cực về sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2020. Chỉ 32% tỏ thái độ bi quan bởi các sự kiện liên quan đến chiến tranh thương mại, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc hay cuộc bầu cử Mỹ…

Rồi dịch COVID-19 bùng phát, mà theo ông Rajesh, là một vấn đề có ảnh hưởng diện rộng và sâu sắc đến các doanh nghiệp tương tự như cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008 – 2009, chỉ khác là dịch bệnh đã đến kèm với ‘nỗi sợ hãi’. Mọi người sợ đến những nơi công cộng và đông người như các cửa hàng, cộng hưởng với lệnh giãn cách xã hội tại nhiều thị trường, ngành bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong sự không chắc chắn này, không còn ai có thể tính đến chuyện dài lâu. Về tình hình hoạt động, dù doanh số của các cửa hàng truyền thống lao dốc không phanh, nhưng điểm sáng là mảng kinh doanh trực tuyến lại đạt tăng trưởng khá tốt.

Sau đó, ông Rajesh chia sẻ một số cách thức có thể giúp doanh nghiệp vượt qua hoàn cảnh khó khăn này. Thứ nhất là phải giữ lượng hàng tồn kho ở mức tối ưu, đồng thời đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng. Và các doanh nghiệp phải nỗ lực thương thuyết lại với các bên cho thuê mặt bằng để đạt được một chính sách phí có lợi cho cả hai bên. Ông cũng nhấn mạnh việc cắt giảm lương sao cho không ảnh hưởng nhiều đến động lực làm việc của nhân viên, và việc kiểm soát chi phí nhất thiết không được gây tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần phải tận dụng được mảng kinh doanh trực tuyến thông qua việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác công nghệ, phân phối và thông qua việc đào tạo cho nhân viên.

Để kết lại bài chia sẻ, ông Rajesh đưa ra một số quan điểm về tương lai của ngành bán lẻ. Đầu tiên về hành vi mua sắm, ông cho rằng trong ngắn hạn thì chắc chắn có sự thay đổi. Tuy nhiên, về lâu về dài, sự thay đổi là không đáng kể. Dựa trên quan sát về những sự kiện suy thoái kinh tế trước đây và đợt bùng dịch thứ nhất, ông nói con người sẽ quay về hành vi ban đầu một khi tình hình được kiểm soát. Như vậy, sức tàn phá của đại dịch sẽ mang tính ngắn hạn. Một khi thị trường mở cửa trở lại, ngành bán lẻ chắc chắn sẽ phục hồi.

Bài trình bày 2: Tái tư duy mô hình kinh doanh đa kênh của doanh nghiệp

Ông Nash Benjamin

CEO tại FJBenjamin Holdings

Tiếp nối là phiên trình bày của ông Nash Benjamin – CEO tại chuỗi bán lẻ cao cấp FJBenjamin Holdings – đã chia sẻ một số hướng tư duy cho các doanh nghiệp khi nhìn nhận mô hình sao cho có thể mở rộng nhanh chóng và trở thành thương hiệu ưa thích của người tiêu dùng.

Mờ đầu, ông Nash nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải xem xét cẩn thận mô hình kinh doanh nhằm đảm bảo bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và hành vi tiêu dùng. Các doanh nghiệp mà đơn thuần cung cấp sản phẩm tại một mức giá nào đó sẽ không thể đứng vững trong tương lai. Để trở nên khác biệt, ông cho rằng các nhà bán lẻ cần phải xây dựng được một trải nghiệm cá nhân hoá liền mạch, đặc biệt thông qua một hệ sinh thái đa kênh.

Sau đó, ông chia sẻ một số hướng tư duy nhằm đạt được điều này:

  • Xây dựng mối quan hệ hợp tác/ đối tác với các đơn vị liên quan (có thể là nhà hàng, khách sạn, các điểm giải trí) mà có cùng tập khách hàng với doanh nghiệp.
  • Đối với cửa hàng truyền thống, việc trưng bày sản phẩm để tác động vào thị giác và thu hút khách hàng đóng một vai trò quan trọng. Khi dịch chuyển lên môi trường số, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các yếu tố như âm nhạc, thiết kế sao cho tạo được hiệu ứng tương tự.
  • Không đánh giá thấp vai trò của cửa hàng truyền thống. Mỗi điểm chạm đóng một vai trò nhất định trong hành trình mua hàng ngày càng phức tạp của người tiêu dùng.
  • Tận dụng các dữ liệu khổng lồ được tạo ra tại điểm bán, đặc biệt là các kênh thương mại điện tử. Thông qua công nghệ và thuật toán, doanh nghiệp có thể phân tích các điểm chạm chưa hiệu quả trên toàn bộ hành trình khách hàng và tìm cách tối ưu.
  • Tích hợp nhiều phương thức thanh toán trực tuyến vào nền tảng nhằm tạo sự thuận lợi và qua đó làm tăng trải nghiệm khách hàng.
  • Liên tục tìm kiếm và đào tạo nhân tài. Trong một thế giới mà công nghệ đang phát triển quá nhanh, nhiều kỹ năng có thể trở nên thừa thãi sau một khoảng thời gian. Đảm bảo nguồn nhân sự đủ năng lực là điều cần thiết.

Theo Thành Toàn / Brands Vietnam