Người trẻ làm Marketing, hãy rèn luyện tính chỉn chu và tỉ mỉ

Trong suốt thời gian làm việc của mình, chỉn chu và tỉ mỉ là một trong những tiêu chí quan trọng mà tôi luôn đề cao và cố gắng để hướng tới sự chuyên nghiệp.

Làm marketing liên quan chặt chẽ đến hình ảnh thương hiệu nên cần đặc biệt cẩn trọng. Ngắn gọn hơn là “làm có tâm”.

Để tâm hơn một chút, làm kỹ lưỡng hơn một chút, dành nhiều thời gian hơn một chút, bạn sẽ thấy sự khác biệt.

Vậy chỉn chu là gì? Hiểu sao cho đúng?

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2007) định nghĩa “chỉn chu” như sau: “chu đáo, cẩn thận, không chê trách gì được”. Ví dụ như quần áo chỉn chu, tính toán rất chỉn chu.

Vậy, “chỉn chu” dùng để chỉ những con người ngăn nắp, có nề nếp, kỹ lưỡng. Đã không làm thì thôi. Một khi đã làm, hãy làm nó ở mức tốt nhất bạn có thể.

Sở hữu tính cách này, bạn sẽ trở thành một marketer chuyên nghiệp hơn, được đánh giá cao hơn từ sếp, những lời khen ngợi hài lòng từ khách hàng, sự ủng hộ của công chúng.

Đương nhiên không tránh khỏi sai sót, không ai dám chắc về sự hoàn hảo. Tuy nhiên, sự chỉn chu và tỉ mỉ giúp bạn hạn chế tối đa sai sót đó.

Không ít các bạn mới vào nghề thường rất cẩu thả, qua loa, chưa đánh giá đúng vai trò quan trọng của đức tính này. Các bạn thích sáng tạo, bay bổng nhưng quy trình làm việc, kiểm tra giám sát, đầu tư thời gian và tâm huyết cho từng sản phẩm đến từng li từng tí thì chưa hay là hời hợt làm cho có, cho kịp deadline trong khi trước đó thì rề rà, gần sát nút mới chạy?

Đã không làm thì thôi. Một khi đã làm, hãy làm nó ở mức tốt nhất bạn có thể.

Đừng đưa cho sếp một bản nháp, một kế hoạch sơ sài, một banner đẹp mắt nhưng chứa lỗi chính tả do gõ nhầm (chứ không phải do người order) mà lẽ ra bạn đã có thể làm tốt hơn. Đừng dễ dãi, đừng qua loa. Vì thứ bạn viết ra, thứ bạn đem đi quảng cáo, thứ bạn trưng bày cho cả ngàn cả vạn người xem từ bảng hiệu, đến TVC là hình ảnh của cả công ty, cả một tập thể.

Một lỗi nhỏ trong banner nhẹ thì tháo xuống, sửa lại. Nặng thì đền chi phí in ấn sản xuất hay ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu, bạn có đền nổi không?

Trong quy trình làm việc, bạn đã nắm chắc các bước phối hợp với các bộ phận chưa? Bạn đã trừ hao thời gian cấp trên duyệt hay một số thay đổi phát sinh chưa, nhiệm vụ giao cho bạn phải liên hệ với ai, bạn đã làm việc chưa hay ngồi đó chủ quan phán đoán “à thì nó sẽ ổn”? Bạn có kế hoạch dự phòng, làm nhiều việc hơn, chuẩn bị kỹ hơn yêu cầu của sếp chưa? Trước cuộc họp, bạn đã tìm hiểu nội dung về chủ đề này để có sẵn những câu hỏi trao đổi trực tiếp không?

Nếu sếp yêu cầu bạn tìm 3 nhà cung cấp quà tặng quảng cáo, hãy tìm 4,5,6 lựa chọn để dự phòng. Đừng vứt cho sếp 3 cái link và bảo sếp tự đọc đi. Hãy tạo một bản so sánh, dựa trên các tiêu chí đánh giá, ghi chú rất kỹ điểm cộng điểm trừ, tìm đầy đủ profile, hỏi thêm các nhà cung cấp vài phương án, demo sản phẩm.

Những điều nhỏ nhặt làm nên sự tinh tế và khác biệt

Khoan chưa bàn đến nội dung, với 2 bản kế hoạch trên google sheet, tôi chọn xem trước và có cảm tình hơn với sự trình bày đẹp mắt, vẽ biểu đồ, format bảng biểu khoa học, trực quan. Tôi thích đọc một bài content được trình bày đồng nhất về font, size, icon. Và tôi sẽ vô cùng khó chịu nếu nhận được một bài viết chứa lỗi chính tả cơ bản, “câu cụt câu què”, một banner thiết kế không đúng size nên hiển thị crop đúng vào logo hay mặt nhân vật, canh text trên hình cái thì thò ra, cái thì thụt vào…

Điều mà tôi hay nhắc nhiều nhất với các bạn trong team của mình là:

“Em đã tự thấy bài này hay chưa.”

“Banner này em tự làm ra, em còn tự thấy nó xấu thì làm sao người khác có thể chấp nhận được.”

“Hãy làm cho đến khi mình hài lòng về nó rồi hãy đưa cho người khác xem.”

“Em đã check lại thông tin chính xác là dự án 16.500 tỉ đồng hay 18.500 tỉ đồng?”

“Em có chắc là thông tin này do ông/bà này nói không? Tài liệu này lấy từ đâu? Đã xác thực chưa?”

“Màu xanh này có chắc là chính xác với brand guideline của khách hàng chưa?”

“Hình ảnh minh hoạ cho sản phẩm người Việt Nam thì phải dùng người Châu Á.”

Một sự chuẩn bị kỹ càng sẽ tiết kiệm nhiều thời gian hơn về sau.

Một workshop tổ chức, dù lớn hay nhỏ, 50 người hay 500 người tham dự, thay vì tạo nhanh 1 link google docs như nhiều người, tôi chọn cách xây dựng một landing page với thông tin chi tiết và thiết kế đẹp mắt, một kế hoạch truyền thông bài bản dù mất tới 3 ngày thay vì 30 phút.

Với một landing page này, sau khi dựng xong, bạn hãy tự ngắm nghía tới lui, tự tìm ra điểm chưa đẹp, chưa hay để sửa. Sau đó tới các bạn xung quanh mình, leader của mình, thậm chí CEO xem qua rồi mới được public.

Những người tham gia sẽ nhận được nhiều giá trị hơn số tiền vé họ bỏ ra. Tôi đi tìm những diễn giả chất lượng, xây dựng bài thuyết trình kỹ càng, tôi mời thêm nhà tài trợ quà tặng và khoá học, tôi tìm tài trợ địa điểm để giảm chi phí vé tham dự làm sao ai cũng có thể tham gia. Tôi muốn họ có những trải nghiệm chuyên nghiệp từ khâu đăng ký, xác nhận, được giao lưu, được có những bức hình đẹp nhất từ photographer chuyên nghiệp, nhận được nhiều điều bổ ích, trả lời được những câu hỏi mà họ thắc mắc…

Một yêu cầu làm định hướng nội dung từ team account dù dự án lớn hay nhỏ, tôi vẫn thường làm vượt mức mong đợi của họ: một bản phân tích rất chi tiết từ sản phẩm, thị trường, đối thủ cho đến những insight của người dùng. Tôi chuẩn bị luôn một kế hoạch nội dung theo từng giai đoạn, tại sao lại là chiến lược này, danh sách các chủ đề, angle của từng bài viết tôi dự định khai thác…

Đơn giản là, với dự án này, khi triển khai chúng tôi vẫn phải nghiên cứu kỹ, một sự chuẩn bị kỹ càng sẽ tiết kiệm nhiều thời gian hơn về sau.

Rèn luyện tính cẩn thận, chỉn chu

Hãy khó tính. Khó tính với chính bản thân mình. Khó tính với sản phẩm của mình. Khó tính với đồng nghiệp xung quanh mình.

Làm tốt hơn kỳ vọng của người khác. Đừng làm cho xong, cho có, qua loa, đối phó. Đừng dễ dãi, hãy đặt ra tiêu chuẩn cao. Hài lòng với mức tương đối, tàm tạm là một sự thụt lùi và thoả hiệp. Tiêu chuẩn thấp là tội ác. Nhớ nhé.

Nguyễn Thị Thu Hảo / GIGAN JSC