Marketer Dương Nguyễn Hoài Đức
Dương Nguyễn Hoài Đức

Giám đốc Kinh doanh @ Công ty Cổ phần Datalytis

Thẩm mỹ viện mùa COVID-19: Hãy ngưng tự hỏi “Tại sao khách hàng không đến với mình?”

Đại dịch COVID-19 vẫn luôn là chủ đề được bàn luận thường xuyên trên các diễn đàn bởi tính phức tạp và những thách thức mà nó mang đến cho doanh nghiệp nói chung và các hệ thống kinh doanh về làm đẹp nói riêng. Phải chăng tâm lý lo sợ, hoang mang, đổ lỗi mới chính là yếu tố “vô hình” kéo doanh nghiệp rơi vào tình thế bế tắc, suy thoái?

Tâm lý của người chủ doanh nghiệp trong mùa dịch

Có thể thấy, như một quy luật tự nhiên, cứ 10 năm, chúng ta sẽ phải đối mặt với những khủng hoảng như tài chính, đất đai, dịch bệnh. Một câu hỏi được đặt ra là liệu doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính để đối mặt với khủng hoảng? Hay khi đó, doanh nghiệp bắt đầu hoang mang, bối rối, mang “tâm lý đổ lỗi” cho số phận, ngoại cảnh?

Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải ngừng đổ lỗi mà nên bình tĩnh, tích luỹ và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính cũng như đặt niềm tin vào các đối tác đồng hành khác. Khi doanh nghiệp đã vững vàng về mặt tâm lý, việc làm tiếp theo là thấu hiểu tâm lý của khách hàng khi họ đang có những trăn trở, lo lắng trong mùa dịch.

Trong bài viết này là một số gợi ý theo quan điểm cá nhân cho các doanh nghiệp chuyên về làm đẹp (massage, spa, thẩm mỹ viện…) để chăm sóc khách hàng hiệu quả trong bối cảnh khó khăn này.

Đã đến lúc chúng ta phải ngừng đổ lỗi, mà nên bình tĩnh, tích luỹ và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính cũng như đặt niềm tin vào các đối tác đồng hành
Nguồn: Envato

Các hướng tiếp cận, chăm sóc khách hàng trong mùa COVID-19

Giảm thiểu tâm lý lo lắng của khách hàng

Không bao giờ hỏi “Tại sao khách hàng không đến với mình?”, mà hãy tự đặt câu hỏi “Làm sao để khách hàng đến với mình trong mùa dịch này?”. Bởi tâm lý của khách hàng lúc này đang trong trạng thái lo sợ bị nhiễm bệnh khi các thông tin truyền thông đều khuyến cáo hạn chế việc tập trung đông người. Không những thế khách hàng còn mang tâm lý e ngại về vấn đề an toàn sức khoẻ trong mùa dịch COVID-19.

Để giảm thiểu nỗi lo lắng của khách hàng, các doanh nghiệp cần: (1) thực hiện vệ sinh, tẩy rửa cẩn thận toàn bộ thiết bị, dụng cụ, ghế ngồi… trong địa điểm kinh doanh làm đẹp của mình; (2) thực hiện PR và truyền thông mạnh mẽ về việc đã tuân thủ các khâu vệ sinh theo tiêu chuẩn WHO.

Không bao giờ hỏi “Tại sao khách hàng không đến với mình?”, mà hãy tự đặt câu hỏi “Làm sao để khách hàng đến với mình trong mùa dịch này?”.

Chăm sóc khách hàng cũ

Mùa dịch này không phải là cơ hội để doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng mới. Thay vào đó, tập trung chăm sóc nhóm khách hàng cũ là việc nên làm ngay tại thời điểm này. Những ai kinh doanh trong ngành làm đẹp nên xem xét, đánh giá lại tất cả những dịch vụ của nhóm khách hàng cũ, cập nhật lại các dịch vụ mà khách hàng đó chưa thực hiện để có thể giới thiệu cho họ và đưa ra đề xuất những gói dịch vụ tốt hơn.

Điều chỉnh phương thức thanh toán và mức giá dịch vụ

Đây cũng là thời điểm thích hợp cho các hoạt động trả góp bằng thẻ Visa, Master Card hoặc đặt cọc trước các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp. Những hoạt động này góp phần giúp doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền (Cash Flow) ổn định hơn để duy trì hệ thống.

Theo kinh nghiệm của tôi, khi khách hàng đến sửa lỗi thẩm mỹ ở một số thẩm mỹ viện chuyên về tiểu phẫu, đại phẫu, những địa điểm này cần cung cấp dịch vụ với giá cả phải chăng để giúp khách hàng cảm thấy thoải mái và tự tin hơn.

Thời điểm thích hợp cho các hoạt động trả góp bằng Visa, Master Card
Nguồn: Envato

Khuyến khích khách hàng tương tác trên nền tảng trực tuyến

Nếu khách hàng vẫn còn e ngại trong việc đến các thẩm mỹ viện, spa làm đẹp thì hãy chuyển họ lên các nền tảng online. Đó là lý do tại sao ở bối cảnh hiện tại, các thẩm mỹ viện phải linh động trong việc chăm sóc khách hàng trên cả hai nền tảng online và offline.

Nhiệm vụ đặt ra cho mỗi doanh nghiệp là phải đầu tư kỹ về đội ngũ nhân viên tư vấn. Theo tôi quan sát được, nhân viên Telesales hiện nay có hai nhiệm vụ chính: (1) thu hút khách hàng đến chi nhánh, (2) hướng dẫn khách hàng chăm sóc sắc đẹp tại nhà, từ đó khuyến khích họ mua các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp có thể hướng dẫn khách hàng chăm sóc sức khoẻ sắc đẹp tại nhà qua nền tảng mạng xã hội (voice chat, video call) mà họ có thể dễ dàng gọi đến bất kỳ lúc nào.

Hướng dẫn khách hàng chăm sóc sắc đẹp tại nhà
Nguồn: Envato

Trên đây là những thông tin tôi quan sát, trao đổi với các chủ thẩm mỹ viện, spa làm đẹp tại Việt Nam và một số đơn vị đã thực thi đạt thành tựu. Mong rằng những chia sẻ trên có thể giúp những ai kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19.