3 ngộ nhận triệt tiêu tư duy khai phóng

Bối cảnh sống luôn vận động, vạn vật luôn thay đổi, các vấn đề trong cuộc sống hay kinh doanh cũng không còn diễn ra theo trật tự trước đây, nhất là sau khi “cơn bão” COVID-19 quét ngang. Đã đến lúc, con người cần chấp nhận thực tế có phần phũ phàng này. Để có thể bắt nhịp với sự thay đổi ấy, có khả năng đương đầu, tiếp cận với các vấn đề đa chiều và có năng lực thiết kế giải pháp, điều kiện tối thiểu là phải khai phóng tư duy của bản thân để tạo động lực học tập không ngừng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy con người lại đang mắc kẹt giữa rất nhiều ngộ nhận, hay nói cách khác là mắc phải hội chứng tư duy đóng. Họ không cởi mở đón nhận những ý tưởng mới, không dành thời gian để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp, nên cuộc sống và công việc dễ rơi vào bế tắc. Vậy những ngộ nhận làm triệt tiêu tư duy khai phóng của con người là gì?

Sao chép công thức thành công của người khác

Báo chí, mạng xã hội ngày nay chia sẻ rất nhiều tấm gương thành đạt, doanh nhân thành công, những doanh nghiệp toàn cầu trị giá tỉ đô, start-up gọi vốn triệu đô hay những cá nhân kiệt xuất tạo ra giá trị xã hội lớn… Con người dễ dàng bị ấn tượng và choáng ngợp với những thành công lớn lao đó, pha lẫn cảm giác ngưỡng mộ.

Trong thâm tâm, họ mong muốn đạt được thành tựu như vậy, dẫn đến trong vô thức muốn sao chép, học hỏi bí quyết thành công của những tấm gương đó để nhanh chóng thành công. Điều này vô hình chung làm cho con người bị mắc kẹt bởi ý nghĩ: “Để trở nên thành công giống họ, thì phải làm giống như họ, sao chép bí quyết của họ”.

Thay vì rập khuôn một cách máy móc, hãy đúc kết để hiểu khả năng áp dụng phương thức thành công sao cho phù hợp với trường hợp, bối cảnh cá nhân của mỗi người.

Việc học hỏi, tham khảo phương thức thành công từ những tấm gương thành công là điều không sai, vì đó cũng là một phương pháp học tập, nhưng cần phải đúc kết để hiểu khả năng áp dụng cho trường hợp, bối cảnh cá nhân của mỗi người, thay vì rập khuôn máy móc. Chỉ đến khi không giải quyết được vấn đề thì mới nhận ra: “Tại sao tôi làm giống như vị giám đốc kia nhưng lại không thành công?”. Đơn giản, vì giải pháp của một vị giám đốc thành công nào đó chỉ phù hợp cho bối cảnh cuộc đời ông ta, chứ không phù hợp với bối cảnh cuộc đời bạn.

Chẳng hạn, đều được đánh giá là hai công ty thành công, nhưng rõ ràng chiến lược của Samsung khác biệt hoàn toàn với Apple. Samsung đổi mới liên tục về danh mục sản phẩm và công nghệ, tấn công vào mọi phân khúc giá, ở khắp mặt trận liên quan đến hàng điện tử, kể cả xe ủi đất, các thiết bị công nghiệp điện, ngành công nghiệp chất bán dẫn. Trong khi chiến lược của Apple chỉ tập trung ở một vài mảng của thị trường và xác định phải thắng cho bằng được, thắng bằng sự cải tiến tập trung cao độ cho sản phẩm (tức là sản phẩm mới tung ra không nhiều nhưng sự cải tiến rất chất lượng và đủ khả năng dẫn dắt trào lưu, thị hiếu của cả thế giới). Nhưng nếu Samsung bắt chước bí quyết thành công của Apple thì chưa chắc đã có được vị thế ngày hôm nay.

Áp dụng giải pháp thành công trong quá khứ cho cùng một vấn đề ở bối cảnh mới của hiện tại

Những giải pháp thành công trong quá khứ không phải lúc nào cũng có thể áp dụng cho cùng một vấn đề ở bối cảnh mới của hiện tại.

Nhiều người thường dùng những giải pháp thành công trong quá khứ cho cùng một vấn đề ở bối cảnh mới của hiện tại. Vì tâm lý chung của con người là mong muốn sự an toàn, ổn định, mọi thứ trong tầm kiểm soát, nên việc hình thành định kiến tốt đẹp, ưu ái về giải pháp thành công trong quá khứ là điều phổ biến.

Do vậy, khi gặp một vấn đề tương tự ở hiện tại, thì vô thức, tâm trí sẽ tìm lại lời giải cũ. Nếu nó vẫn còn áp dụng được, thì mọi chuyện sẽ ổn thoả. Ngược lại, nếu giải pháp đã lỗi thời, mà vẫn cứ khăng khăng áp dụng và đổ lỗi sự thất bại đến từ những lí do khách quan khác, thì điều này trở thành rào cản cho sự mở mang tư duy để phát triển và cũng chính là sự ngộ nhận về giải pháp thành công trong quá khứ.

Ví dụ như ở thời kỳ chiến tranh trước đây, trong các trận chiến, con người dùng cung thủ, giáo mác, gươm đao, kỵ binh. Nhưng ngày nay, chẳng ai còn dùng những thứ này nữa, dù nó là thành công của quá khứ. Hay cách đây hơn 10 năm, quảng cáo TV gần như là lựa chọn số một để tiếp cận đại trà. Tuy nhiên, ở thời đại số này, marketer có rất nhiều sự lựa chọn khác như quảng cáo trên Facebook, YouTube hay TikTok... Hoặc, chẳng phải taxi truyền thống đã thống lĩnh thị trường một thời gian dài cho đến khi Grab, GoJek, be ra đời và tái lập nên một trật tự mới đó sao?

Những giải pháp thành công trong quá khứ không phải lúc nào cũng có thể áp dụng cho cùng một vấn đề ở bối cảnh mới của hiện tại
Nguồn: Informare Online

Hiểu biết hạn hẹp về các biến số quan trọng của vấn đề, dẫn đến việc thiết kế giải pháp không phù hợp

Việc đánh giá không đầy đủ về các biến số quan trọng của một vấn đề làm cho chúng ta dễ hiểu sai lệch về nội hàm của nó. Việc sao chép giải pháp từ những người nổi tiếng thành công khác thường kém hiệu quả vì giải pháp của họ chỉ phù hợp với các biến số của cuộc đời họ.

Trong khi đó, đời người có rất nhiều biến số (variable) khác nhau, đa dạng giữa người và người: hoàn cảnh, văn hoá gia đình, nền tảng giáo dục, điều kiện tài chính, lối sống, bạn bè, đối tác, tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí tính cách cũng đều khác biệt… Đó là những biến số tạo ra tác động đến cuộc sống của con người và làm gì có ai giống ai hoàn toàn. Thậm chí, hai đứa trẻ song sinh sống trong một gia đình, cùng thừa hưởng một nền giáo dục, học tập, vui chơi giải trí cùng nhau, nhưng chỉ cần tính cách khác nhau thì đã là hai cuộc đời khác.

Chẳng hạn, để có được một làn da đẹp, sáng mịn, khỏe mạnh, chúng ta thường nghĩ đến những biến số gì?

Việc đánh giá không đầy đủ về các biến số quan trọng của một vấn đề làm cho chúng ta dễ hiểu sai lệch về nội hàm của nó.

  • Các hãng thực phẩm chức năng chỉ đề cập đến biến số bổ sung dưỡng chất từ bên trong
  • Các phòng tập gym chỉ nói về yếu tố rèn luyện thể chất, tập thể dục sẽ có một làn da đẹp
  • Các nhãn hàng chăm sóc da chỉ nói về biến số chăm sóc da bằng kem dưỡng
  • Các thẩm mỹ viện cũng chỉ nói về biến số chăm sóc da đặc trị, phải có can thiệp dao kéo thì mới hữu hiệu

Và kết quả là gì?

  • Nhiều người chi rất nhiều tiền để chăm sóc da cao cấp nhưng làn da cũng không cải thiện nhiều
  • Nhiều người cũng tập thể dục, thể thao đều đặn mà da cũng không khá hơn bao nhiêu
  • Cũng có người đi thẩm mỹ viện điều trị mụn, hay đi khám chuyên khoa da liễu nhưng kết quả cũng không tốt hơn so với số tiền họ chi ra

Có thể lý giải điều này, vì họ đánh giá chưa đầy đủ về các biến số để có được một làn da đẹp. Trên thực tế, để có một làn da khoẻ mạnh thì phải kết hợp tất cả các biến số trên và nhiều biến số khác phải được kiểm soát nghiêm ngặt như hạn chế thức khuya, giảm thiểu stress, hít thở không khí trong lành, bổ sung các loại thực phẩm có ích cho sức khoẻ… Ngoài ra, một biến số khác nằm ngoài tầm kiểm soát, đó là DNA. Bộ gen DNA của mỗi người về cơ bản đã khác nhau hoàn toàn. Có người từ khi sinh ra đã sở hữu một làn da mịn màng, căng mướt mà chẳng phải nỗ lực làm gì. Nhưng cũng có người có làn da nhạy cảm, dễ bị môi trường tác động.

Đánh giá đầy đủ các biến số quan trọng của vấn để để tránh hiểu sai lệch về nội hàm của nó
Nguồn: Envato

Vì vậy, khi các giải pháp đã từng hiệu quả trong quá khứ không còn phù hợp với bối cảnh ngày nay, thì con người cần phải dừng lại việc (1) mù quáng đi theo lời khuyên của người khác, rập khuôn máy móc về cách áp dụng mà không xác định được tính phù hợp cho bối cảnh của chính mình; (2) lựa chọn giải pháp cũ, an toàn, nhưng lỗi thời của quá khứ và (3) đánh giá thấp, hay thiếu hiểu biết về các biến số quan trọng của một vấn đề.

Tóm lại, con người cần phải có tư duy rộng mở hơn, khai phóng hơn mới có thể thiết kế ra những giải pháp sáng tạo dành riêng cho bản thân, giúp xử lý vấn đề ở thực tại một cách thông minh và hiệu quả.