Hai tháng thử việc, 'mấy bé newbie' chớ nên lơ là

Đậu phỏng vấn là một chiến thắng giả, đoạn đường hai tháng thử việc đầy cam go đang còn chờ em phía trước. Em đã chuẩn bị cho hai tháng sắp tới chưa?

Đầu tiên, chúc mừng em thành công bước chân vào công ty mà bản thân yêu thích. Nhưng em ơi, phận junior đừng ngồi quá lâu trên niềm vui đó mà trở nên lơ là, guồng quay của hai tháng thử việc chuẩn bị cuốn em đi đó. Anh có một số lưu ý cho em trong những tháng chập chững đầu tiên trong sự nghiệp.

Những chiếc mail thật chuyên nghiệp

Viết mail là điều căn bản nhất mà các bạn trẻ cần làm quen khi bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nhưng cũng vì quá cơ bản, mà các sếp thường không dành thời gian để hướng dẫn kĩ phần này. Để tránh sai sót và bị la, em nên lưu ý một số điều sau đây:

  • Chủ đề mail (Subject): Phải thật gọn, thẳng và trực tính. Câu chủ đề phải đúng trước đã, thì người ta mới mở mail của em ra đọc nội dung. Em đừng cứ “Re” những cái mail cũ, đến lúc nó thành “Re: Re: FWD: Re: Chuyện đã rất lâu rồi” thì lại trông thiếu chuyên nghiệp.
  • Ngữ điệu: Xưng hô đúng và đàng hoàng từ những dòng đầu tiên em nhé. Những câu chào như “Hi guys” hay “Hey” là hoàn toàn không phù hợp, đặc biệt khi gửi cho những người lớn hơn. Đồng thời, em nhớ hạn chế câu cảm thán và khiếu hài hước (nếu có), bởi email công việc không phải chỗ để thể hiện những điều đó.
  • Chữ kí mail: Em nhớ đề số điện thoại trong chữ kí mail vì không phải ai cũng lưu số mình vào danh bạ. Việc này giúp tránh những lúc có chuyện gấp, người ta không phải lục tung cả hộp mail để tìm số của mình.

Nguồn: bestnewstech

  • Reply mail: Em nhớ “uốn tay 7 lần” trước khi nhấn nút “Reply All”. Email trước gửi đến chừng đó người, không đồng nghĩa là chúng ta phải trả lời hết nhé. Email gửi đến càng nhiều người thì nguy cơ bị bỏ qua càng cao. Nếu cảm thấy không cần thiết, em hãy xoá họ khỏi danh sách gửi (nhưng cần chuẩn bị lí do chính đáng để trả lời khi họ thắc mắc).
  • Địa chỉ người nhận: Nhiều người có thói quen gõ địa chỉ người nhận xong mới viết nội dung mail, nhưng nhỡ đang soạn dở mà bấm nhầm nút gửi thì phải làm sao?

Đi họp với sếp

Thuở nhỏ học thầy cô, lớn lên đi làm thì học sếp. Em có tin khoảnh khắc mà em học được nhiều nhất chính là trong các cuộc họp với sếp không? Bởi khi đó, sếp em sẽ phô diễn hết mọi kĩ năng: giao tiếp, đàm phán, thuyết trình, chốt vấn đề… Nếu em chỉ ngồi im và xem thì còn lâu mới giỏi nhé. Đây là những điều anh nghĩ em nên làm:

  • Đóng vai sếp: Em nên tự đặt câu hỏi: “Nếu là sếp trong tình huống đó thì mình sẽ làm gì và như thế nào?”, sau đó so với cách giải quyết của sếp. Nếu có gì không hiểu, em có thể “canh me” hỏi thăm những ý đồ sau hành động của họ. Sau vài lần đóng vai, em sẽ dần trau chuốt bản thân để trở nên “xịn” như sếp.
  • Trở thành cánh tay đắc lực: Để sếp rảnh rang làm chuyện lớn, em hãy chủ động làm những việc nhỏ như chuẩn bị trước tài liệu, soạn Meeting Minute “nóng hổi vừa thổi vừa đọc”. Những điều này giúp em hiểu cách tư duy của sếp và lâu dần cũng tự nâng cấp mình lên.

Nguồn: Freepik

Nhận biết “mùi” của một người sếp “xịn”

Sếp “xịn” là một trong những ước mơ của các bé mới đi làm và hai tháng thử việc là đủ để nhận biết “mùi” của họ. Em nhớ “đánh hơi” sớm sớm để mà quyết định “cao chạy xa bay” hay ở lại học hỏi vẫn còn kịp. Sau đây là một số dấu hiệu của một người sếp “xịn”.

  • Khiến em cảm thấy chắc chắn: Họ biết cách khích lệ mỗi khi em đúng và nâng đỡ mỗi khi em phạm lỗi. Đôi khi, họ sẽ trở thành một người hùng khi đứng ra nhận trách nhiệm thay em trước mặt đối tác, khách hàng hoặc phòng ban khác. Dần dần, em bớt sợ sai mỗi khi làm điều gì đó, cả hai cũng hiểu ý nhau hơn qua những câu như “đúng rồi, làm tiếp đi em”. Qua thời gian, sự tin tưởng lẫn nhau được hình thành.
  • Biết trân trọng và lắng nghe: Sếp “xịn” hiểu những điểm mạnh và biết tiếp nhận quan điểm của em, mừng nhất là họ dám thừa nhận cái sai của mình. Sếp mà luôn cho rằng bản thân họ đúng, suốt ngày lớn tiếng không để ai nói thì em nên sớm tìm đường tẩu thoát.

Nguồn: xait.com

  • Tận hưởng những chiến thắng nhỏ: Có điều nào vui là sếp sẻ chia, có những chiến thắng dù nhỏ nhưng sếp cũng ăn mừng tưng bừng để kích thích và truyền cảm hứng làm việc cho em.
  • Giao tiếp giỏi: Ai nói lòng vòng khó hiểu, qua cái miệng sếp lại nghe hay ho và trơn tru thì em nên lao vào học lấy học để, vì ảnh là “thứ dữ” đó.
  • Thân thiện và dễ gần: Được người sếp như thế này thì ai cũng thích, nhưng em đừng có mà chọc ảnh quạo rồi bảo sao người ta không thân thiện nha.