Brand Updates W15/2021: Microsoft chi 16 tỉ USD thâu tóm công ty AI, Digiworld thâm nhập mảng dược phẩm và mỹ phẩm

Cùng điểm qua một vài sự kiện thú vị tuần này: Thâu tóm công ty nhận diện giọng nói Nuance là thương vụ lớn thứ 2 của Microsoft từ trước đến nay; Phân phối độc quyền cho Xiaomi, Huawei và dấn sâu vào mảng dược phẩm, mỹ phẩm là 2 động lực tăng trưởng giai đoạn 2021-2026 của Digiworld… và nhiều tin tức khác.

Microsoft dự định chi 16 tỉ USD thâu tóm công ty AI

Ngày 12/4, hãng tin CNBC đưa tin Microsoft đang trong giai đoạn cuối đàm phán để mua lại công ty nhận diện giọng nói Nuance Communications nhằm cải thiện năng lực trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, Nuance được đánh giá phù hợp với mảng kinh doanh phục vụ khách hàng là doanh nghiệp và chính phủ của Microsoft. Nếu mua lại thành công, đây sẽ là thương vụ lớn thứ 2 từ trước đến nay của Microsoft, sau vụ thâu tóm LinkedIn với giá 27 tỉ USD vào năm 2016.

Ảnh: LinkedIn

Sự kiện này cho thấy những nỗ lực gần đây của Microsoft trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua các vụ thâu tóm. “Ông lớn” công nghệ đã hoàn tất mua lại công ty sản xuất game video Zenimax vào tháng 3/2021.

Digiworld có kế hoạch thâm nhập mảng dược phẩm và mỹ phẩm

Ngày 6/4, tại Đại hội cổ đông 2021, Ban lãnh đạo Digiworld công bố 2 động lực tăng trưởng cụ thể trong tương lai gần là phân phối độc quyền cho Xiaomi, Huawei và dấn sâu vào mảng dược phẩm cùng mỹ phẩm.

Cụ thể, trong vài năm tới, Digiworld sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và trung tâm bảo hành Xiaomi khắp 15 tỉnh thành lớn của Việt Nam. Về phần Huawei, Digiworld vừa ký kết hợp tác chiến lược vào đầu năm 2021 về việc đảm nhận toàn bộ hoạt động phát triển thị trường cho thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.

Ông Đoàn Hồng Việt
Ảnh: Cafebiz

Ông Đoàn Hồng Việt – Tổng Giám đốc của Digiworld, chia sẻ: “Chúng tôi biết là Huawei đang rất khó khăn trong mảng điện thoại, nhưng Digiworld không đặt nhiều kỳ vọng vào mảng điện thoại của Huawei mà vào những mảng khác như thiết bị đeo tay – laptop, vì đây là một tập đoàn công nghệ rất mạnh về kỹ thuật và tài chính. Nếu Mỹ thay đổi chính sách với Huawei, điều đó sẽ tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của Digiworld trong tương lai gần”.

Đối với mảng FMCG, tháng 12/2020, Digiworld hợp tác chiến lược với Regenflex – sản phẩm bổ sung dịch khớp, phục hồi chức năng khớp của Ý. Bước đi này giúp Digiworld chính thức tiến vào lĩnh vực phân phối thuốc, bên cạnh phân phối sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. Hơn nữa, Digiworld còn có ý định phát triển kênh phân phối ở bệnh viện.

FPT dự định tăng trưởng chuyển đổi số 30% trong năm 2021

Ngày 8/4, tại Đại hội cổ đông 2021, ban lãnh đạo Digiworld thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu tăng 16,4% so với năm 2020, đạt 34.720 tỉ đồng.

HĐQT của FPT tại Đại hội cổ đông 2021
Ảnh: BizLive

Hỡn nữa, lãnh đạo FPT nhấn mạnh, chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo và hứa hẹn mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn cho công ty. Trong năm 2021, FPT đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu mảng chuyển đổi số khoảng 30-40%, chủ yếu từ thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, dịch vụ cloud là chiến lược trọng tâm của FPT vì thị trường và nhu cầu dịch vụ này đang tăng nhanh tại Việt Nam. Lãnh đạo FPT dự định phát triển dịch vụ ‘cloud made in Việt Nam’ do người Việt phát triển.

Toshiba cân nhắc “bán mình” với giá 20 tỉ USD

Ngày 7/4, Toshiba cho biết đang cân nhắc đề nghị mua lại từ quỹ đầu tư cổ phần CVC Capital Partners. Theo Nikkei Asia, CVC đã đề nghị mua lại công ty Nhật với định giá cao hơn 30% so với vốn hoá thị trường, là 20 tỉ USD. Nền tảng thị trường tài chính Dealogic nhận xét, nếu việc mua lại thành công, thì đây sẽ là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử Châu Á. Thêm vào đó, bất kỳ thương vụ thâu tóm nào liên quan đến Toshiba cần phải được chính phủ chấp thuận vì công ty này có liên quan đến lĩnh vực hạ tầng của Nhật. Tiêu biểu là cung cấp dịch vụ bảo trì các nhà máy hạt nhân của quốc gia.

Ảnh: The Telegraph

Startup xe máy điện Việt Nam gọi vốn hơn 2,5 triệu USD thành công

Dat Bike – startup xe máy điện Việt Nam, huy động thành công hơn 2,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series A. Khoản đầu tư này do Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures dẫn đầu, với sự tham gia của Wavemaker Partners, Hustle Fund và iSeed Ventures.

Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Dat Bike, cho biết, số vốn lần này sẽ tập trung vào sản phẩm lõi, tuyển dụng thêm nhân sự và bổ sung nguồn vốn sản xuất để đưa ra thị trường.

Ảnh: Xe tinh tế

Ông Sơn chia sẻ thêm: “Chúng tôi muốn chuyển đổi 250 triệu xe máy xăng ở Đông Nam Á thành xe máy điện. Nguồn vốn mới sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục sáng tạo và phát triển ra những chiếc xe máy điện hoàn thiện nhất có thể dành cho người dùng khu vực Đông Nam Á và cả thế giới”.

Cựu CEO The Coffee House khởi động dự án mới chuyên về căn hộ dịch vụ

M Village – công ty chuyên về căn hộ dịch vụ, là startup đầu tiên ông Nguyễn Hải Ninh đồng sáng lập và giữ cương vị CEO, sau khi rời The Coffee House. M Village được lập vào 10/2020, hiện chuẩn bị ra mắt gần 70 căn hộ tại Sài Gòn vào ngày 20/4/2021.

Lúc mới thành lập, M Village có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và cho thuê nhà. Đến cuối tháng 1/2021, M Village bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Cụ thể là kinh doanh khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp