Điều gì sẽ định hình thế giới Marketing trong tương lai?

Siêu dữ liệu (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Thực tế ảo tăng cường (AR)... được dự đoán là những công nghệ sẽ trở thành trung tâm của các chiến dịch Marketing trong vòng 5-10 năm tới.

Timothy Seward, CEO và Founder của ROI Revolution – doanh nghiệp chuyên sâu về Marketing thương mại điện tử, đã dự đoán rằng: “Công nghệ và các xu hướng công nghệ sẽ làm chủ và định hình lại thế giới Marketing (đặc biệt là Digital Marketing) trong thập kỷ tới”. Thật vậy, mặc dù năm vừa qua là một năm kinh tế suy thoái, nhưng doanh số của thị trường thương mại điện tử lại đạt đến 4.000 tỉ USD. Điều này cho thấy công nghệ đã và sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh doanh trong tương lai.

Chưa kể, xu hướng công nghệ sẽ kéo theo sự thay đổi của người tiêu dùng – “dễ tuỳ chỉnh” vì có thể tiếp cận được rất nhiều lựa chọn, “luôn đòi hỏi” một trải nghiệm tốt hơn và đặc biệt khác lạ. Do đó, các Marketer – những người “chèo lái” thương hiệu và giúp doanh nghiệp nổi bật trên thị trường, nên nắm bắt và biết cách áp dụng công nghệ cũng như các xu hướng mới nổi vào xây dựng chiến lược Marketing.

Big Data, AI và Machine Learning – “Bộ não” của Marketer tương lai

Trước đây, máy móc được lập trình với tập dữ liệu cụ thể và chỉ có thể thực hiện những chức năng được thiết lập sẵn. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi với bộ 3: AI, Big Data và Machine Learning. Máy móc có thể tự thu thập, lưu trữ dữ liệu người dùng, từ đó tính toán và tiến hành thay đổi hành vi, kết quả đầu ra (Output) sao cho phù hợp nhất.

Big Data, AI, Machine Learning... là những công nghệ của tương lai

Để có một cái nhìn trực quan, dưới đây là những ví dụ về việc ứng dụng bộ 3 công nghệ này vào việc hoạch định và thực thi chiến lược Marketing:

  • Thứ nhất, đối với một trong những xu hướng trong thời gian gần đây như KOLs/ Influencer Marketing, những công nghệ trên cũng đã có tác động đáng kể tới hiệu suất của những chiến dịch này. Dù KOLs xuất hiện không ngừng, nhưng công nghệ Big Data không quá khó khăn để hỗ trợ lưu trữ lượng thông tin về các chiến dịch và mức độ phủ sóng trước đó của những người ảnh hưởng lên hệ thống. Từ đó, AI và Machine Learning sẽ tiến hành phân tích dữ liệu số và đưa ra gợi ý KOLs phù hợp với yêu cầu của chiến dịch quảng bá, mà Marketer dự định triển khai. Hiện nay, đã có vài công cụ thiết lập kế hoạch Influencer Marketing nổi bật như Onfluencer Planning.
  • Thứ hai, ví dụ điển hình khác cho việc ứng 3 công nghệ nói trên là thuật toán phân phối Content “kinh điển” của Facebook, Edgerank. Một cách đơn giản, dựa trên lượng thông tin thu thập được về hành vi của người dùng (like, comment, share, inbox...), Facebook sẽ đưa ra dự đoán về sở thích, chủ đề mà họ đang quan tâm. Cộng thêm thang đánh giá của mình, “gã khổng lồ công nghệ” này sẽ ưu tiên hiển thị những nội dung “có vẻ” phù hợp, có giá trị và thú hút nhất với từng người dùng, nhằm giữ chân họ càng lâu càng tốt (đơn giản vì người dùng là nguồn sống của các mạng xã hội). Vì vậy, đừng quá ngạc nhiên nếu bạn thường tham gia và theo dõi các hội nhóm về chó mèo, thì bảng tin sẽ đầy ảnh thú cưng. Hay bạn yêu thích và thường xuyên theo dõi Kpop thì chẳng mấy khi không có thông tin về thần tượng...

Bộ 3 AI, Machine Learning và Big Data là những công nghệ có khả năng lưu trữ, theo dõi và phân tích ấn tượng, giúp Marketer đưa ra những quyết định chính xác.

  • Thứ ba, đã bao giờ bạn thắc mắc rằng, tại sao Netflix và Amazon thường xuyên hiển thị các bộ phim hợp “gu”, dù có đến hàng trăm nghìn bộ phim? Đơn giản là máy học dựa vào những lựa chọn về phim và chương trình truyền hình mà bạn đã từng xem để phân tích sở thích của bạn.

Bộ 3 AI, Machine Learning và Big Data chắc chắn sẽ tiếp tục là những từ khoá mà công chúng sẽ liên tục nghe thấy trong các cuộc tranh luận về xây dựng chiến lược Marketing trong tương lai. Vì đơn giản, đây là công nghệ có khả năng lưu trữ, theo dõi và phân tích ấn tượng, từ đó giúp Marketer đưa ra những quyết định chính xác.

AR (Augmented Reality): Thực tế tăng cường – “Chuyện cũ mà mới”

Với khả năng tạo ra trải nghiệm mới lạ, tăng tương tác tự nhiên giữa người dùng và sản phẩm cũng như sự tiện lợi khi được hỗ trợ trên nhiều nền tảng (gồm cả mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok…), AR được dự đoán là xu thế Marketing của tương lai.

AR là công nghệ được sử dụng phổ biến trong Marketing hiện nay

Dù không còn quá mới mẻ, AR vẫn là không gian sáng tạo vô tận và có nhiều tiềm năng khai thác cho những người làm Marketing, đặc biệt là trong lĩnh vực Creative.

Không quá ngạc nhiên, nếu đây sẽ sớm trở thành một công cụ quan trọng trong việc xây dựng một chiến dịch truyền thông, quảng cáo cho các thương hiệu. Bởi yếu tố “độc”, “lạ” đang dần trở thành một tiêu chí của các nhãn hàng, khi yêu cầu của người dùng về trải nghiệm sản phẩm ngày càng cao, thay vì xem những nội dung quảng cáo đơn thuần, nhàm chán.

Có 2 case-study có thể tham khảo về việc đưa AR vào một chiến dịch Marketing:

  • Chiến dịch Tết của Oreo: Khi khách hàng quét hình ảnh miếng bánh đặt trong nốt nhạc được in trên hộp bánh, hệ thống trên web Oreo sẽ nhận diện và phát một bài nhạc Tết. Trải nghiệm mới lạ này sẽ thu hút nhiều người tò mò, từ đó mang về một lượng traffic cho website, cũng như thúc đẩy người dùng mua hàng.
  • “Ông lớn” Amazon ra mắt công cụ cho phép người dùng “ướm thử” đồ nội thất vào phòng khi mua hàng: Khách hàng có thể sử dụng điện thoại để quét toàn bộ không gian, rồi thêm các mô hình 3D của các sản phẩm nội thất như ghế sofa, đèn bàn, ghế tựa… với kích thước thật. Điều này cho phép người mua được lựa chọn và thử sản phẩm không giới hạn, mà lại không phải mất quá nhiều công sức.

Ngoài ra, AR còn có thể kết hợp và ứng dụng theo nhiều cách khác, tuỳ vào mức độ sáng tạo của nhãn hàng và Agency. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là phải luôn tập trung vào trải nghiệm cá nhân của từng khách hàng và không ngừng sáng tạo để có những chiến dịch Marketing thật hiệu quả.

Amazon Augmented Reality
Nguồn: YouTube

Sự phát triển của Marketing Automation

Trong thời đại kỹ thuật số, “Truyền thông Tự động hoá” (Marketing Automation) là xu hướng không thể “làm ngơ” và hứa hẹn thay đổi “cuộc chơi” của các Marketer một cách chóng mặt.

Tính tới thời điểm hiện tại, có 3 hình thức Automation điển hình đã góp phần thay đổi cách thức làm Marketing, cũng như kinh doanh trực tiếp:

  • Email Marketing: Hiện có nhiều phần mềm hỗ trợ tự động gửi email cá nhân hoá, ứng với từng điều kiện cụ thể như hoàn thành thanh toán, đăng ký nhận tin tức... Và dựa trên số liệu thống kê, email có thể giảm 50% chi phí chăm sóc khách hàng, tăng 15% doanh thu.
  • Chatbot: Hiện tại, chatbot phần lớn chỉ dừng lại ở mức độ có thể trả lời các câu hỏi dựa trên kịch bản được lập trình sẵn. Nếu những chiến dịch Marketing quy mô lớn như bán vé sự kiện, phát tài liệu... không đủ nhân sự để gửi tin nhắn và phản hồi cho từng cá nhân, hay trường hợp kinh doanh trực tuyến muốn có người trực fanpage, website 24/7 thì công nghệ chatbot sẽ là giải pháp hiệu quả. Trong tương lai không xa, với sự phát triển của AI hay Machine Learning, chatbot hứa hẹn sẽ có những bước tiến dài hơn nữa.
  • Marketing đàm thoại: Hình thức này sử dụng công nghệ Natural Language Processing – NLP (trình quản lý ngôn ngữ tự nhiên). Qua đó, các nhà phát triển công nghệ và Marketer có thể tạo ra nhiều cuộc đàm thoại “tự động” giữa bot và khách hàng, mà không tạo cho họ cảm giác giả tạo hay thiếu tự nhiên. Công nghệ này đặc biệt tiềm năng khi chúng ta chứng kiến sự phát triển của Alexa, Siri hay Google Assistant.

Marketing Automation phát triển “cực thịnh" trong những năm gần đâu

Công nghệ bảo mật – Mấu chốt của niềm tin

Đi kèm với sự phát triển của xu hướng “số hoá”, nỗi lo về bảo mật dữ liệu cá nhân đang ngày một lớn dần trong tâm thức của người tiêu dùng; đặc biệt là sau hàng loạt những bê bối về bảo mật của những thương hiệu lớn như Facebook và Cambridge Analytica (2018), hay cáo buộc TikTok gần đây thu thập trái phép thông tin trẻ vị thành niên tại Mỹ.

Nói cách khác, công nghệ càng phát triển thì sự minh bạch và tin tưởng càng là “chìa khoá” để khẳng định uy tín và giữ chân người tiêu dùng ở lại với thương hiệu. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng 76,3% người tiêu dùng cảm thấy quan tâm về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khi tương tác với các thương hiệu.

Vì vậy, các marketer và nhãn hàng cũng nên dành thêm sự chú ý cho công nghệ bảo mật dữ liệu bên cạnh những công nghệ hỗ trợ quảng bá như AR, VR, Automation. Đặc biệt là với thương hiệu đang dựa vào dữ liệu người dùng để cá nhân hoá nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo, nội dung email...

Hãy đặt sự thoải mái của khách hàng làm ưu tiên hàng đầu và chứng minh rằng việc thu thập dữ liệu sẽ có lợi cho khách hàng thay vì đe dọa đến quyền riêng tư cá nhân của họ. Từ đó, dần dần tăng cường mối quan hệ “win-win” giữa thương hiệu và khách hàng.

Công nghệ bảo mật là “chìa khoá” mở cửa lòng tin của khách hàng

Tăng cường “Social Proof” (Hiệu ứng lan truyền) – Quay lại chiến thuật xưa cũ

Thị trường hiện tại có 2 đặc điểm mà những người làm Marketing nên chú ý.

Thứ nhất, khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn sản phẩm để thoả mãn một nhu cầu cụ thể của họ. Nên nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh thành công và chiếm ưu thế trên thị phần, thì việc định vị hình ảnh một thương hiệu nổi bật và vượt lên trên các đối thủ là điều cần thiết. Lúc đó, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ đến quảng cáo.

Thứ hai, các hình thức quảng cáo hiện không còn hiệu quả không đồng nghĩa với việc nó đã trở nên vô dụng, chỉ đơn thuần vì người dùng đã “quá quen” và không còn bị “ảnh hưởng” sau thời gian dài tự kiểm nghiệm. Hiện nay, người dùng không còn dễ dàng đặt lòng tin vào lời giới thiệu của nhà cung cấp. Thay vào đó, họ sẽ tin vào những khách hàng đã từng mua và sử dụng sản phẩm/ dịch vụ trước đó. Điều này sẽ càng hiệu quả, nếu đó là người họ quen biết. Đây chính là Social Proof.

Vì thế, không quá ngạc nhiên khi chiến thuật Marketing xưa cũ Word of Mouth – WoM (Truyền miệng) một lần nữa được sử dụng mạnh mẽ hơn trên sân chơi Marketing nhiều năm gần đây.

Social Proof giúp gia tăng khả năng thành công chinh phục người tiêu dùng của nhãn hàng

Thậm chí, WoM được đưa lên một tầm cao mới với sự phát triển của nền tảng mạng xã hội. Và “cái bo góc 7 tỉ” của Xiaomi là minh chứng cho thấy WoM kết hợp với mạng xã hội hiệu quả ra sao. Ngoài ra, Influencer Marketing đã và đang hưởng lợi từ bối cảnh trên để phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Hoà cùng xu hướng này còn có KOLs và KOCs.

Những công cụ Social Proof này không chỉ giúp tăng thêm uy tín cho thương hiệu và sản phẩm, mà còn cho khách hàng thấy rằng doanh nghiệp đang quan tâm đến trải nghiệm và tâm lý của người tiêu dùng.

Trên đây là những phân tích và dự đoán của NOVAON Onfluencer về 5 xu hướng công nghệ đã, đang và sẽ tạo ra những cuộc cách mạng trong cuộc chơi của những người làm Marketing. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm những ý tưởng mới, đầy sáng tạo cũng như các dự định để xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp mình trong thời gian tới. Cùng nắm bắt dòng chảy công nghệ để dẫn đầu cuộc đua của tương lai nhé!