Tenmax: LinkedIn nhanh tay theo trend Clubhouse, Discord trở thành mục tiêu tiếp theo của Microsoft

Những tiêu điểm chính gồm: Google chính thức thử nghiệm FLoC trên Chrome; Quảng cáo Facebook tăng trưởng trở lại thời kì hậu COVID-19; LinkedIn cũng đang thử nghiệm tính năng tương tự Clubhouse và Microsoft ngỏ ý mua lại Discord với giá 10 tỉ USD.

Google chính thức thử nghiệm FLoC trên Chrome

Google đã bắt đầu triển khai bản dùng thử của FLoC – Federated Learning of Cohorts (tạm dịch: Học tập có liên kết) ở một số quốc gia như Mỹ, Úc, Brazil, Canada, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Philippines.

FLoC vs 3rd-party Cookie

FLoC được xem là một giải pháp thay thế cho cookie của bên thứ ba. Thay vì cookie theo dõi lịch sử lướt web của từng cá nhân, thì FLoC phân tích hành vi lướt web của người dùng và đưa họ vào một nhóm tổ hợp (cohort) gồm những người có sở thích tương tự (mà không chia sẻ lịch sử duyệt web với Google).

Nhóm tổ hợp ấy cung cấp vừa đủ điều kiện cho phép để các nhà quảng cáo hiển thị những quảng cáo có liên quan, nhưng không quá chi tiết để có thể nhận diện người dùng.

Nguồn: Google/Getty Images

Vì sao FLoC không được thử nghiệm ở Châu Âu?

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học dữ liệu và kỹ sư phần mềm nghi ngờ việc phân chia thành nhóm có thể gia tăng sự phân biệt đối xử, dẫn đến xảy ra các cuộc tấn công mạng nhằm vào một nhóm cụ thể nào đó. Theo EFF (Electronic Frontier Foundation), mặc dù FLoC đã tránh nhắm mục tiêu trực tiếp vào người dùng dựa trên độ tuổi, giới tính và thu nhập, nhưng vẫn có các công cụ hỗ trợ để phân biệt được những người dùng khác nhau. Đó cũng là nguyên nhân khiến FLoC không thể thử nghiệm ở EU. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân để tạo nhóm tổ hợp (cohort) mà không có sự đồng ý của người dùng thì có khả năng vi phạm “Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR)” của EU.

Có thể thấy Google mặc dù nỗ lực phát triển công nghệ FLoC, nhưng vẫn còn nhiều chỗ cần phải khắc phục để vừa bảo vệ quyền riêng tư của người dùng một cách hiệu quả, vừa tuân thủ nghiêm ngặt những quy định GDPR của EU.Quảng cáo Facebook tăng trưởng trở lại thời kì hậu COVID-19.

Chi phí quảng cáo trên Facebook đã tăng 30% so với giữa tháng 3/2020.

Sự bùng nổ của COVID-19 vào nửa đầu năm 2020 đã khiến doanh thu quảng cáo số sụt giảm một cách đáng kể trong quý II/2020. Nhờ vào sự phục hồi nhanh chóng của các doanh nghiệp đã giúp cho doanh thu quảng cáo số của Google trong quý III/2020 tăng trưởng trở lại và Facebook cũng không ngoại lệ.

Theo dữ liệu nghiên cứu của Công ty Kỹ thuật số Aisle Rocket, chi phí quảng cáo trên Facebook đã tăng 30% so với giữa tháng 3/2020, trong đó đáng chú ý là CPM (chi phí cho mỗi 1000 lần hiển thị) của Facebook đã tăng đột biến 38%.

Vì sao chi phí quảng cáo trên Facebook lại có xu hướng tăng?

Đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc thói quen mua sắm của người tiêu dùng và chiến lược kinh doanh ở các doanh nghiệp. Dưới tác động của COVID-19, nhiều nhà bán lẻ truyền thống đã bắt đầu chuyển đổi kỹ thuật số và bước vào hành trình thương mại điện tử, khiến số lượng đối thủ cạnh tranh tăng lên, kéo theo sự tăng vọt của chi phí.

Điều này khiến doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ chi phí quảng cáo số trong mùa mua sắm của quý IV/2020. Advertisers nhất định phải lường trước được sự gia tăng của chi phí quảng cáo số, để có đủ ngân sách thực thi chiến lược marketing một cách hiệu quả.

LinkedIn cũng đang thử nghiệm tính năng tương tự Clubhouse?

LinkedIn cũng đang thử nghiệm tính năng tương tự Clubhouse

Sự bùng nổ của Clubhouse khiến các ông lớn của mạng xã hội đua nhau trang bị thêm tính năng trải nghiệm âm thanh (social audio experience). Chẳng hạn, Twitter ra mắt “Twitter Space” cho phép người dùng tạo các phòng trò chuyện âm thanh công khai. Facebook đang thử nghiệm “BARS” với tính năng khá giống với Clubhouse.

So với Facebook và Twitter, LinkedIn sẽ tạo nên điểm khác biệt khi cho phép người dùng kết nối với nhau thông qua danh tính nghề nghiệp, từ đó giúp các thành viên cảm thấy thoải mái khi đưa ra nhận xét, tương tác với nội dung trong cộng đồng.

LinkedIn Stories, LinkedIn Live Video Broadcasting, LinkedIn Newsletters… là những công cụ đã được LinkedIn ra mắt trước đó, đều hướng đến mục tiêu tăng cường sự giao tiếp giữa người dùng với nhau thông qua nền tảng này.

Ngoài ra, để duy trì chất lượng nội dung giao tiếp, LinkedIn đã phát triển một bộ công cụ có tính năng chặn những cuộc thảo luận không phù hợp hoặc có hại trong cộng đồng âm thanh, đây cũng là một vấn đề lớn mà Clubhouse hiện đang phải đối mặt.

Microsoft có ngỏ ý mua lại Discord với giá 10 tỉ USD

Những năm gần đây Microsoft luôn thể hiện tham vọng của mình trong việc mở rộng hai phân khúc gồm:

  • Mảng game: Microsoft vào năm ngoái đã chi mạnh 7,5 tỉ USD để mua lại nhà phát hành game ZeniMax Media và nhà sản xuất trò chơi điện tử Bethesda Softworks (công ty con của ZeniMax Media).
  • Mảng social media: Microsoft đã không thành công khi thực hiện việc mua lại Pinterest và TikTok. Mới đây, Microsoft vẫn kiên trì khi tuyên bố dự định sẽ mua lại Discord với giá 10 tỉ USD.

Giao diện sử dụng của Discord
Nguồn: Discord

Discord là nền tảng trò chuyện miễn phí bằng giọng nói và tin nhắn, giao diện được thiết kế đơn giản, không có sự xuất hiện của quảng cáo nên được người dùng yêu thích.

Discord ban đầu chỉ tập trung vào các game thủ, nhưng khi đại dịch xảy ra nền tảng này đã mở rộng phân khúc khách hàng, dần phổ biến rộng rãi khi sở hữu hơn 300 triệu tài khoản đăng ký, 140 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Điều này khiến Discord trở thành mục tiêu của Microsoft khi quyết định thâu tóm nền tảng này.