Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Digital Vietnam 2021 – We Are Social: Người Việt ngày càng ưu tiên mạng xã hội và mua sắm qua di động

Nói về bức tranh digital Việt Nam 2020, mạng xã hội và thương mại điện tử là hai lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực nhất. Với mạng xã hội, tính đến tháng 1/2021, Việt Nam ghi nhận thêm 7 triệu tài khoản kích hoạt mới, nâng tổng số người dùng mạng xã hội lên 72 triệu, tương đương với độ phủ là 73,7%. Với thương mại điện tử, có đến 45,6 triệu người Việt mua hàng tiêu dùng trực tuyến, và hơn 70% người tiêu dùng đã từng tìm kiếm và mua sắm trên Internet. Đặc biệt, người dùng Việt ưu tiên mua hàng trên các ứng dụng trên di động, với tỉ lệ lên đến 68,5%.

Dựa trên báo cáo Digital 2021 của We Are Social, bài viết dưới đây điểm qua những sự thay đổi của digital Việt Nam trong năm 2020 vừa qua.

Hành vi trên Internet của người dùng Việt Nam trong năm 2020

Năm 2021, dân số Việt Nam là 97,95 triệu người, tăng thêm 0,9% so với năm 2020. Trong đó, có 68,72 triệu người tiếp cận với Internet (tương đương với tỷ lệ thâm nhập là 70,3%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, người Việt ở độ tuổi 16-64 dành 6 tiếng 47 phút để sử dụng Internet. So với cùng kỳ năm 2020, con số này cao hơn 17 phút (6 tiếng 30 phút).

Trong 6 tiếng 47 phút này, người Việt dành 2 tiếng 40 phút để xem TV, 2 tiếng 21 phút dùng mạng xã hội (MXH), 1 tiếng 57 phút để đọc báo và truy cập tin tức, 1 tiếng 9 phút để nghe nhạc trực tuyến... Điện thoại di động, máy tính/ laptop, tablet... là những thiết bị được người Việt dùng phổ biến nhất để truy cập Internet.

Top những website có lượng traffic cao nhất trong năm 2020 là Google.com, VnExpress.net, 24h.com.vn, YouTube.com, Kenh14.vn... Nên có thể thấy, nhu cầu tìm kiếm, đọc tin tức, xem nội dung video của người Việt ngày càng tăng.

Cũng tính từ tháng 1/2020 – 1/2021, những loại nội dung được người dùng Internet Việt ở độ tuổi 16-64 tiêu thụ nhiều nhất mỗi tháng gồm video (97,6%), vlog (61,2%), nhạc (73,2%), radio (44,4%), podcast (37,9%).

Bên cạnh đó, người Việt ngày càng có ý thức cao hơn về dữ liệu cá nhân. 31,8% người được khảo sát bày tỏ mối lo ngại về việc các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu của họ, 34,7% người tiêu dùng sử dụng công cụ chặn quảng cáo và 49,4% thường xuyên xoá cookies sau mỗi tháng.

Hành vi trên mạng xã hội (social media)

Tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2021, có tổng cộng 72 triệu tài khoản MXH hoạt động (tăng thêm 7 triệu tài khoản so với năm cùng kỳ năm 2020), tương đương với mức độ thâm nhập là 73,7%. Trong đó, có 71,14 triệu người dùng di động để truy cập MXH. Mỗi ngày, người Việt dành trung bình 2 tiếng 21 phút dùng MXH để nhắn tin, kết nối, tương tác, làm việc...

Báo cáo Digital Vietnam 2020 cho thấy Facebook là MXH được nhiều người Việt sử dụng nhất. Nhưng đến năm nay, theo We Are Social, YouTube đã giành được vị trí đứng đầu với tỷ lệ người dùng chiếm 92%, cao hơn Facebook (91,7%). Theo sau hai ông lớn trên là Zalo, Messenger, Instagram và TikTok.

Riêng với Facebook, đây vẫn là nền tảng có nhiều tiềm năng quảng cáo nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 1/2021, có 68 triệu tài khoản Facebook (với 87,3% người dùng trên 13 tuổi) có thể tiếp cận được, tăng thêm 7 triệu so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, YouTube cũng không hề kém cạnh với 55,7 triệu tài khoản có thể tiếp cận được bằng quảng cáo.

Hành vi trên di động (mobile)

Kỷ nguyên di động (mobile) tại Việt Nam bùng nổ khi có hơn 154 triệu thuê bao di động, trong đó 64% tài khoản có kết nối mạng 3G, 4G và 5G. Lưu lượng truy cập Internet từ các thiết bị Android vẫn tiếp tục dẫn đầu với 64,6%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 2020 (61%), iOS giảm từ 37% xuống còn 34,5%.

Các nhóm ứng dụng di động được người dùng Việt sử dụng nhiều trong năm 2020 bao gồm: Nhắn tin, trò chuyện (94,7%), giải trí và xem video (83,4%), nghe nhạc (58%), chơi game (57,2%), mua sắm (68,5%), tài chính và ngân hàng (40,1%)... Nhìn chung, các con số này không quá chênh lệch so với số liệu cùng kỳ của năm 2020. Duy chỉ có ứng dụng mua sắm ghi nhận tỷ lệ sử dụng cao hơn, tăng từ 55% (2020) lên đến 68,5% (2021). Lý do có thể đến từ đại dịch COVID-19 thúc đẩy sự tăng trưởng của việc mua hàng trực tuyến tại nhà.

Hành vi trên thương mại điện tử (e-Commerce)

2020 là năm bùng nổ của thương mại điện tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo số liệu của We Are Social, có đến 45,6 triệu người Việt mua hàng tiêu dùng qua Internet, và có 85,5% người tiêu dùng (16-64 tuổi) được khảo sát cho biết đã từng tìm kiếm sản phẩm/ dịch vụ trên kênh trực tuyến. 77,3% trong số đó đã từng ghé thăm cửa hàng bán lẻ trực tuyến và 78,7% đã từng mua hàng trên mọi thiết bị. Các chỉ số này đều tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, người dùng Việt ưu tiên mua hàng trên các ứng dụng trên di động. Tỷ lệ sử dụng di động để mua sắm chiếm đến 68,5%.

Độ tuổi người mua hàng trực tuyến đều từ 16 trở lên, trong đó nhóm 35-44 chiếm tỷ lệ cao nhất khi mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, với con số là 85,3%, cao hơn nhóm 45-54 (83,5%) và 25-34 (81,8%).

Về ngành hàng mua sắm, chỉ trừ tăng trưởng của dịch vụ Du lịch, lữ hành và lưu trú giảm 40,5%, thì Thời trang, Thiết bị kỹ thuật số, Thực phẩm, Chăm sóc cá nhân, Game, Nhạc trực tuyến đều có dấu hiệu tăng mạnh về chi tiêu. Trung bình, chi tiêu của người dùng cho các ngành này đều tăng trên 30%. Có lẽ đại dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn chính là tác nhân tạo ra sự thay đổi này trong năm 2020.

Chi tiêu quảng cáo số (digital advertising)

Tính đến tháng 01/2021, tổng chi tiêu quảng cáo số (digital ad) của Việt Nam đạt 290 triệu USD, giảm 16 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020. Chi tiêu quảng cáo của tìm kiếm (search), banner và classified đồng loạt giảm, chỉ có chi tiêu cho MXH và nội dung video tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Data Reportal