Marketer Nhàn Nguyễn
Nhàn Nguyễn

Business solution @ Datasection Việt Nam

Góc nhìn social media – Cộng đồng start up nhìn nhận gì về Điều 292 Bộ luật hình sự

Thời gian qua, Điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015 (quy định việc xử phạt tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) thực sự đã trở thành một chủ đề nóng tốn không ít giấy mực của giới báo chí, gây xôn xao dư luận đặc biệt là nhóm cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp (startup).

Bằng phương pháp thu thập, phân tích dữ liệu mạng xã hội, Datasection Việt Nam đã ghi nhận và tổng hợp rất nhiều ý kiến đánh giá cũng như phản ứng của cộng đồng start up về Điều luật này.

Bài viết tập trung giải quyết ba luận điểm chính:

  • Cộng đồng start-up nhìn nhận về điều luật 292 như thế nào? Tại sao?
  • Lý do hình thành quan điểm: “Điều luật 292 đang kìm hãm các các nhân khởi nghiệp, các doanh nghiệp start-up?
  • Start-up Việt dự định phant ứng như thế nào nếu Điều luật 292 được thực thi và có hiệu lực?

Các quan điểm về Điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015 chia thành 3 luồng khác nhau: Đồng tình (6%), Không đồng tình (34%), Trung lập (60%)

Nguồn: Theo thống kê của Datasection Việt Nam.

Một số cá nhân trong cộng đồng start-up cho rằng, Điều 292 sẽ giúp sàng lọc các doanh nghiệp. Theo đó, những doanh nghiệp kinh doanh không chất lượng sẽ được loại bỏ, chỉ còn lại những doanh nghiệp kinh doanh chân chính, đúng luật. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nên đăng ký kinh doanh đầy đủ trước khi kinh doanh vì đó là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp

Trích dẫn một số bình luận tiêu biểu:

“…1. Các trang web và ứng dụng cung cấp phim lậu bây giờ có thể xử lý tội hình sự rồi. Kể cả là cá nhân đứng tên. 2. Các dịch vụ truyền hình IPTV cung cấp dịch vụ không đúng như nội dung cấp phép cũng có thể bị xử lý hình sự. 3. Các trang tin điện tử mà đăng tin bài ngoài nội dung cấp phép cũng bị tội y trang.”

“Các bạn hãy ĐỌC KỸ luật trước khi PHÁN. Doanh thu trên 500tr mà còn hoạt động không đúng phép thì phạt nặng là quá xứng đáng rồi. Chẳng lẽ các bạn muốn mình có doanh thu 500tr mà vẫn làm chui trốn thuế ah?… Các bạn bắt đầu khởi nghiệp với $ ra vô vài chục triệu thì xin lỗi, chẳng ai rãnh làm khó bạn. Còn có phạt cũng là hành chính ít tiền. Còn khi $ ra vô đã lên cả trăm triệu mà còn manh mún tham lam thì thân làm tự chịu…”

Nguồn: Theo thống kê của Datasection Việt Nam.

Trái lại, lượng ý kiến không đồng tình dường như áp đảo hơn rất nhều. Nhiều ý kiến cho rằng, các Startup thường xuyên phải thử nghiệm các mô hình mới trên thị trường “move fast” and “break things” nên nếu đợi xin được giấy cấp phép rồi mới làm thì có thể các startup sẽ bỏ lỡ cơ hội. Mặt khác, việc “hình sự hóa và bỏ tù ” những người làm công nghệ khi họ chưa xin giấy phép được xem là không hợp lý. Điển hình, trường hợp của Nguyễn Hà Đông có thể thoát tội, nhưng nó sẽ gây tâm lý e dè cho các doanh nghiệp khi muốn làm startup.

Việc luật còn nhiều kẽ hở, không rõ ràng cũng là một nguyên nhân gây nên cái nhìn không tốt đối với điều luật này. Minh chứng là có đến ~ 19% các ý kiến cho rằng điều luật còn nhiều điểm không rõ ràng, khiến người đọc hiểu nhầm, đặc biệt là khoản 1 điều e trong bộ luật 292 được rất nhiều cá nhân đưa ra thảo luận.

Không thể bỏ qua quan điểm cho rằng Luật làm lợi cho nhà nước của khoảng 6% ý kiến thảo luận, nhiều cá nhân cho rằng điều luật không có tính đóng góp cho xã hội, ra luật chủ yếu muốn thu tiền thuế từ các hoạt động kinh doanh.

Trích dẫn một số bình luận tiêu biểu:

“…Điều luật này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng startup, bởi lẽ startup thường xuyên phải thử nghiệm các mô hình mới, move fast and break things, đợi xin giấy phép mới được làm thì cơ hội có lẽ đã bay xa. Bảo sao dân tình kéo nhau sang Sing, sang Mỹ hay Hongkong mở cty hết….”

“… Theo điều 292 khoản e tất cả những cá nhân tổ chức cung cấp dịch vụ hay kinh doanh trên Internet đều có thể đi tù 2 năm. Từ đứa bán hàng trên fb hay lớn hơn là các cháu khởi nghiệp nếu thò dịch vụ lên mạng mà kiếm được 50 củ sẽ đi tù 2 năm . Cháu nào làm việc theo nhóm Startup dự án online thì nguy cơ vi phạm có tổ chức và chuyên nghiệp thì bóc 5 quyển nhé.Các bác đang dính khoản a,b,c,d….điều 292 trong đó có Công ty em . Toàn dịch vụ ott trên Internet và viễn thông không biết xin ai cấp phép, mặc dù bộ 4T là bộ chủ quản của em . Điều này mà không bỏ khỏi luật , thì coi như khỏi kinh doanh dịch vụ trên Internet và viễn thông luôn. ….”

“…Thế nào thì gọi là vụ lợi ? Việc mấy bố ban hành thêm luật này luật nọ thì mục đích sau cùng cũng chỉ là để kiếm chác thêm các khoản tiền thuế thôi, đó mới là vụ lợi ấy. Khuyến khích khởi nghiệp kiểu đèo gì mà toàn thấy tù với tội..”

Cùng tìm hiểu lý do hình thành nên quan điểm: “Điều luật 292 đang kìm hãm các cá nhân khởi nghiệp, các doanh nghiệp start-up?

Nguồn: Theo thống kê của Datasection Việt Nam.

Lý do chính được đưa ra ở đây là Điều luật khi có hiệu lực sẽ làm quá trình xin giấy cấp phép trở nên rườm rà và khó khăn.

Trên thực tế, việc xin cấp giấy phép kinh doanh tại Việt Nam được cộng đồng start up đánh giá là khó, với các thủ tục rườm rà, đặc biệt là giấy phép kinh doanh Game. Không chỉ vậy, việc thời gian xin cấp phép trở nên lâu có thể làm lỡ mất cơ hội kinh doanh của cộng đồng start up.

Trích dẫn một số bình luận tiêu biểu:

“….nếu bạn mở website rao vặt, forum có phần rao vặt, viết game tung lên appstore hòng kiếm tiền quảng cáo như Flappy Bird, hay ứng dụng kiểu Uber, Zalo…mà chưa xin phép thì bạn có nguy cơ bị bỏ tù tới 5 năm và tịch thu toàn bộ tài sản. Mà ở VN thì việc xin giấy phép khó như lên trời. Đặc biệt là giấy phép game. Điều luật này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng startup….”

“– Không được có doanh thu. – Muốn có doanh thu phải xin cấp phép trước khi hình thành sản phẩm: vì có thể thời gian xin giấy phép sẽ lâu hơn vòng đời của sản phẩm của bạn…. – Không nên đăng ký doanh nghiệp ở trong nước: thủ tục nhiều, thuế cao, luật bất cập. … Có thể điều luật này đúng đắn trong tương lai, nhưng chắc chắn không phải là đúng khi hoàng loạt startup đang điêu đứng..”

Trước những đánh giá, nhận định và quan điểm như trên, một số cá nhân trong cộng đồng start-up đã có những ý tưởng cho riêng mình nếu điều luật chính thức được thi hành?

Nhiều ý tưởng được đưa ra để “không bị ảnh hưởng” bởi điều luật. Tuy không quá lớn, nhưng có thể kể ra được một vài ý tưởng nổi bật sau:

Nguồn: Theo thống kê của Datasection Việt Nam.

  • Ra nước ngoài kinh doanh: ~10% cá nhân cho biết họ có ý định ra nước ngoài kinh doanh hoặc khuyên các start-up nên ra nước ngoài để kinh doanh.
  • Kinh doanh ngoài mạng: ~3% số khác, sẽ dừng việc lên ý tưởng hoặc tiếp tục ý tưởng kinh doanh trên mạng à làm chậm lại bước phát triển Internet – thương mại điện tử ở Việt Nam
  • Thuê luật sư: Chỉ ~1% cho biết, họ sẽ thuê luật sư để đảm bảo an toàn cho việc kinh doanh của họ.
  • Mở tài khoản ở nước ngoài: ~1% trong số cộng đồng có ý định mở tài khoản ở nước ngoài để lách luật.
  • Có tới 85% chưa đưa ra hành động cụ thể. Phải làm sao để số này không đi theo những hình thức ra nước ngoài kinh doanh hay kinh doanh ngoài mạng?

Tin vui cho cộng đồng start up là sáng ngày 30-6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo tạm hoãn thời gian có hiệu lực của Bộ luật Hình sử và nghiên cứu phương hướng sửa đổi. Hy vọng rằng cộng đồng start up sẽ có được những hỗ trợ và điều kiện tốt nhất để có thể phát triển trong tương tai.

-NTTN-
Datasection Việt Nam

Datasection Việt Nam là công ty chuyên nghiên cứu, xử lý, phân tích và cung cấp dữ liệu trên mạng Internet; Xây dựng các sản phẩm giúp các doanh nghiệp quản lý và khai thác tối đa giá trị từ nguồn dữ liệu này. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có giải pháp hiệu quả về nghiên cứu thị trường, thấu hiểu khách hàng mục tiêu (Social Report), theo dõi thương hiệu và đối thủ cạnh tranh (Imonitor).

Để xem báo cáo đầy đủ, và được tư vấn hỗ trợ dịch vụ, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 093 111 9469 hoặc Email: [email protected] (Ms. Nhan Nguyen)