Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Vietnam Fintech Report 2020: Thị trường Fintech Việt Nam còn nhiều tiềm năng để khai thác

Theo báo cáo mới nhất của Fintech News Singapore, năm 2020, lĩnh vực fintech của Việt Nam đã đạt nhiều sự tăng trưởng đáng kể nhờ việc áp dụng kỹ thuật số, cộng thêm sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự hỗ trợ của chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số.

Năm 2019, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (ĐNA) về số vốn đầu tư cho lĩnh vực fintech, chiếm 36% tổng vốn đầu tư của cả khu vực. Năm 2020, sự lạc quan này có thể dễ dàng nhìn thấy khi Việt Nam đang trải qua giai đoạn bùng nổ về thanh toán kỹ thuật số và mua sắm trực tuyến trên thương mại điện tử do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bài viết dưới đây điểm lại một số thay đổi nổi bật của fintech Việt Nam trong năm 2020 dựa trên báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 do trang fintechnews.sg của Singapore phối hợp với Switzerland Global Enterprise thực hiện.

1. Số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech tăng theo từng năm

Năm 2015, tại Việt Nam, có 29 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech. Đến năm 2017, con số này tăng lên 44. Sau 2 năm phát triển, Việt Nam có 124 công ty khởi nghiệp fintech, phần lớn trong số đó đều thuộc lĩnh vực thanh toán. Tính đến năm 2020, số lượng công ty startup trong mảng fintech còn 115 công ty. Trong đó, lĩnh vực thanh toán chiếm 33%, lĩnh vực P2P Lending đứng vị trí thứ 2 là 15,5%, Blockchain/ Crypto là 13%...

2. Tình hình huy động vốn của các công ty fintech Việt Nam trong vòng 2 năm qua

Nhiều nhà đầu tư cũng lạc quan về tiềm năng fintech của Việt Nam trong những năm qua, khi bơm vào hàng triệu USD cho các công ty khởi nghiệp trong nước. Có thể kể đến những phiên gọi vốn thành công trong các năm qua như sau:

  • Tháng 1/2019, MoMo huy động được 100 triệu USD trong vòng tài trợ Series C từ nhà đầu tư Warburg Pincus.
  • Tháng 4/2019, Utop đã nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ FPT và SBI Holdings.
  • Tháng 7/2019, công ty mẹ của ví điện tử VNPAY đã huy động thành công 300 triệu USD từ GIC và Quỹ đầu tư mạo hiểm SoftBank.
  • Tháng 12/2019, Interloan đã nhận được 500.000USD từ Phoenix Holdings.
  • Tháng 9/2020, Wee Digital đã huy động được khoản tài trợ lớn từ InterVest và VinaCapital Ventures. Bên cạnh đó, Fvndit đã huy động được 30 triệu USD cho công ty cho vay P2P của mình. Và Tập đoàn Kim An chuyên về công nghệ chấm điểm tín dụng đã huy động được một khoản tài trợ trong Series A từ Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures (số tiền không được tiết lộ).

3. Các nhà cung cấp giải pháp thanh toán di động trên thị trường Việt Nam hiện tại

Tháng 12/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 39/2014/TT-NHNN quy định một loạt các quy định mà các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng tại Việt Nam phải tuân theo để được phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian, chẳng hạn như cổng thanh toán điện tử, dịch vụ thu chi tiền mặt, dịch vụ rút tiền điện tử, dịch vụ ví điện tử. Dưới đây là danh sách những nhà cung cấp giải pháp thanh toán di động tại thị trường Việt Nam hiện tại.

4. Các thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam từ 2018 – 2020

Từ năm 2018 đến năm 2020, thị trường fintech chứng kiến nhiều thương vụ mua lại và sáp nhập giữa nhiều công ty và tập đoàn lớn để tăng sức cạnh tranh, và cung cấp giải pháp thanh toán tiện lợi cho người dùng. Những thương vụ lớn gồm:

  • Tháng 9/2018: Grab mua lại cổ phần của ví điện tử Moca.
  • Tháng 5/2019: VinID mua lại công ty thanh toán People Care (ví điện tử số MonPay).
  • Tháng 12/2019: Ant Financial mua lại cổ phần của ví điện tử eMonkey. Tháng 11/2019, Lazada Vietnam cũng đã tích hợp ví này vào nền tảng của mình.
  • Tháng 4/2020: Chính phủ Việt Nam đề xuất giảm tỷ lệ cổ phần của các công ty nước ngoài – 49% trong các công ty thanh toán điện tử.
  • Tháng 9/2020: Gojek của Indonesia giành được quyền kiểm soát tại WePay.

5. Các ngân hàng Việt Nam tham gia fintech

Tại Việt Nam, “72% công ty công nghệ tài chính chọn hợp tác với các ngân hàng trong việc kinh doanh và cung cấp dịch vụ, thay vì tham gia vào một cuộc cạnh tranh trực tiếp”, chia sẻ của một quan chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hai đơn vị này cũng nhận ra hợp tác là chìa khoá giúp củng cố lợi ích cho nhau. Đơn cử, như năm 2017, Ngân hàng VIB đã hợp tác với công ty fintech Việt Nam Weezi Digital để ra mắt MyVIB Social Keyboard, một ứng dụng cho phép khách hàng chuyển tiền trên mạng xã hội.

Đến năm 2020, những khó khăn trong đại dịch đã kích thích sự phát triển của ngân hàng số. Và ngày càng nhiều ngân hàng hợp tác với đối tác fintech trong và ngoài nước. Chẳng hạn, VietinBank hợp tác với Opportunity Network (Anh), CIMB Bank Vietnam với Toss (Hàn Quốc), VPBank và BE Group (Thuỵ Điển) hay OCB và RippleNet (Hoa Kỳ), TPBank và Backbase (Hà Lan)...

Ngoài ra, trong năm 2020, ngành ngân hàng và fintech Việt Nam còn chứng kiến sự chia tay của Timo và VPBank. Ngân hàng Bản Việt trở thành đối tác chính của Timo. Nền tảng ngân hàng số này cũng được đổi tên thành Timo Plus, đồng thời giới thiệu một website và ứng dụng di động mới. Ngày 22/10/2020, Tập đoàn Tài chính Shinhan đã kí MOU với Grab Việt Nam để cùng phát triển dịch vụ tài chính số mới.

6. Top 5 ví điện tử Việt Nam hiện tại

Cuối cùng, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến năm 2019, ước tính có hơn 4,2 triệu người dùng ví điện tử trong số 100 triệu dân, mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này. Đến năm 2020, top 5 ví điện tử được nhiều người sử dụng tại Việt Nam là MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay và ViettelPay.

Tải báo cáo chi tiết ở đây.

Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Fintech Singapore