Marketer Alex Ngo
Alex Ngo

Marketing Manager @ MGID

Bốn mẹo giúp nhà marketing di động thành công tại khu vực Đông Nam Á

Trong vài năm qua, Đông Nam Á (ĐNÁ) chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc về mức độ phủ sóng của thiết bị di động. Tại Singapore con số này là khoảng 82%, còn tại Malaysia, dự đoán cho năm 2020 là khoảng 94%. Tại Indonesia, tỷ lệ thâm nhập của thiết bị di động vào năm 2020 được ước tính đạt 70% dân số, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán, với đà tăng hiện tại, con số có thể lên đến 90% vào năm 2025. Không khó để thấy, với các thương hiệu đang tìm cách xâm nhập thị trường khu vực ĐNÁ, thiết bị di động quả là một lĩnh vực giàu tiềm năng.

Theo báo cáo của Forrester, người dân Đông Nam Á sử dụng thiết bị di động là kênh chính để mua sắm online. Không chỉ thế, thiết bị di động còn đóng vai trò quan trọng khi người dùng mua sắm tại cửa hàng. Họ tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ trên điện thoại thông minh, trong lúc đang dạo quanh các kệ hàng — họ so sánh giá, tra cứu thông tin sản phẩm, và đọc đánh giá của khách hàng. Với các nhà marketing, người dùng thiết bị di động là đối tượng khách hàng tiềm năng, vì họ thường chi nhiều hơn cho mua sắm. Theo một nghiên cứu, những người thường chi ở mức trung bình và cao chiếm phần lớn nhóm người mua sắm online tại ĐNÁ. Hơn 60% người được khảo sát cho biết, họ mua hàng từ nhiều thương hiệu hay sẵn lòng thử các thương hiệu khác.

Nhận ra xu hướng này, các nhà marketing dành phần lớn ngân sách cho quảng cáo trên thiết bị di động. Theo báo cáo Dự đoán Châu Á - Thái Bình Dương 2021 của Forrester, chi phí quảng cáo video tại khu vực sẽ tăng từ 21,3 tỷ USD vào năm 2018 đến 53,7 tỷ USD vào năm 2023 — và trong đó chi phí dành cho thiết bị di động sẽ chiếm 69%.

Với lượng ngân sách khổng lồ — và lượng lớn người dùng mới — các nhà marketing di động cần đưa ra các quyết định sáng suốt. Dưới đây là bốn mẹo giúp các nhà marketing di động giải quyết thách thức tại khu vực Đông Nam Á:

1. Tập trung ASO và xây dựng hồ sơ cửa hàng ứng dụng

Không chỉ tự động phát trong kết quả tìm kiếm trên App Store, gần đây video mô tả ứng dụng còn tự động phát trong kết quả tìm kiếm trên Google Play. Xét trường hợp nhiều ứng dụng ít tên tuổi đã tăng khả năng hiển thị nhờ vào các từ khóa chung chung, video quảng cáo là một cách tuyệt vời để giải thích nhanh nội dung ứng dụng, cũng như khuyến khích người dùng cài ứng dụng về máy. Tag giúp Google hiểu nội dung ứng dụng và có thể tác động đến vị trí ứng dụng trong store, trong thẻ Similar App, trong đề xuất tìm kiếm, trong lúc người dùng lướt web, v.v. Để tăng khả năng hiển thị của ứng dụng, bạn cần xem xét Google Tag kỹ lưỡng hơn. Và với các game và ứng dụng mà độ phổ biến tăng nhanh trong thời gian phong tỏa, đây là lúc thuyết phục lượng lớn người cài đặt và sử dụng ứng dụng đưa ra điểm xếp hạng cao và lời nhận xét tích cực. Hãy dành thời gian xây dựng chiến lược đánh giá, nhắc người dùng đánh giá ứng dụng vào thời điểm thích hợp, vì điều này sẽ tác động lâu dài đến khả năng hiển thị của từ khóa.

2. Đừng coi nhẹ gian lận quảng cáo

Từ giả mạo lượt cài đặt đến gian lận lượt click, gian lận quảng cáo đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối cho các nhà marketing di động. Tại Đông Nam Á, Adjust đã từ chối khoảng 10,5 triệu lượt cài đặt ứng dụng giả mạo trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020. Các lượt cài đặt giả mạo này cản trở các nhà marketing nhận diện đúng kênh quảng cáo đang hoạt động hiệu quả. Kẻ gian lừa các nhà marketing tin rằng, họ có nhiều lượt cài đặt, dù thực tế thì không phải vậy, và rồi trả tiền cho các lượt cài đặt không tồn tại. Để sử dụng ngân sách quảng cáo một cách khôn ngoan, bạn buộc phải nghiêm túc xem xét vấn đề gian lận. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là, bạn cần hợp tác với một nhà cung cấp phân bổ uy tín, nơi có thể cho bạn biết, đâu là mạng lưới mang đến lượng truy cập có giá trị, với độ chính xác tuyệt đối.

3. Quảng cáo hyper-local

Dù thị trường di động Đông Nam Á được dự đoán vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng thần kỳ, nhưng các nhà marketing cần hiểu là, thị trường này hội tụ mọi yếu tố ngoại trừ tính đồng nhất. Khu vực này tồn tại nhiều nền văn hóa và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, và người tiêu dùng nơi đây cũng rất khác nhau về thói quen sử dụng công nghệ. Các nhà marketing không thể đi theo hướng "one size fits all", tức là tin rằng có một cách tiếp cận phù hợp với tất cả mọi người, mà thay vào đó, họ cần bản địa hóa chiến lược với từng thị trường. Bản thân ứng dụng cũng phải được điều chỉnh để phù hợp với bản sắc văn hóa của từng thị trường Đông Nam Á, và với sự đa dạng văn hóa nơi đây.

4. Tỷ lệ duy trì

Khi bạn có thêm một người dùng, thách thức đặt ra không chỉ là giữ được họ ở lại với ứng dụng, mà còn là giữ được họ trong thời gian dài. Điều này đặc biệt đúng với lượng người dùng đến với ứng dụng vì lối sống thay đổi do COVID-19. Dưới đây là một vài phương pháp phổ biến giúp bạn vượt qua thách thức này.

a. Cơ chế sáng tạo trong ứng dụng — Xây dựng cơ chế khuyến khích người dùng thường xuyên mở ứng dụng sẽ giúp bạn có một công cụ mạnh mẽ để giữ chân người dùng. Bạn có thể tìm thấy một vài ví dụ tuyệt vời về cơ chế này trong ứng dụng game (ví dụ, nhiệm vụ hàng ngày trong game Brawl stars), ứng dụng giải trí (ví dụ, lựa chọn hàng ngày miễn phí của Blinkist), và ứng dụng chăm sóc sức khỏe (ví dụ, chuỗi ngày thử thách của Headspace). Các cơ chế này giữ chân người dùng bằng cách tặng một loại tiền tệ (ví dụ, điểm trung thành) mà chỉ có giá trị với những ai đang dùng ứng dụng.

b. Quy trình CRM sử dụng thông báo đẩy và tin nhắn trong ứng dụng — Không phải người dùng nào cũng sẽ tự hình thành thói quen, một số người cần được gợi nhắc. Nếu bạn có thể quản lý cách ứng dụng giao tiếp với người dùng, bạn có thể giúp họ sử dụng ứng dụng tốt hơn, và thúc đẩy họ hình thành thói quen. Để giao tiếp hiệu quả với người dùng, bạn cần đảm bảo tần suất ứng dụng yêu cầu người dùng cho phép hiện thông báo đẩy là phù hợp, và tối ưu hóa số lượng tin nhắn, để không làm người dùng thấy khó chịu.

c. Chiến lược tái tương tác có trả phí — Một số người dùng sẽ không thấy thuyết phục với các chiến thuật trên, và cuối cùng lựa chọn rời bỏ ứng dụng. Lúc này, bạn cần quyết định nên bỏ qua người dùng hay cố gắng tái tương tác với họ, và thuyết phục họ quay lại sử dụng ứng dụng

Các nhà marketing hiểu rằng đứng sau một quyết định tốt thường là dữ liệu — và điều này chưa bao giờ đúng hơn thế. Khi người dùng thay đổi hành vi theo đại dịch, và mọi thứ chúng ta tưởng chúng ta biết về người dùng đã thay đổi, thì dữ liệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu bạn luôn lưu tâm điều này khi triển khai các mẹo của chúng tôi, bạn sẽ vững bước trên con đường vươn tới thành công tại thị trường di động Đông Nam Á.

Nguồn: Adjust