Marketer Nguyễn Đình Thành
Nguyễn Đình Thành

Managing director, Co Founder @ Elite PR School

11 sự kiện Marcom đáng nhớ năm 2020

Một năm trôi qua đầy biến động đã để lại 11 sự kiện truyền thông nổi bật trong tâm trí hàng triệu người Việt Nam.

Bài viết là quan điểm của tác giả Nguyễn Đình Thành, Đồng Sáng lập Elite PR School.

1. Truyền thông nhà nước: Tuyên truyên về COVID-19

Ngoài việc gây ra các xáo trộn về kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế, COVID-19 còn tạo ra một cuộc chiến về truyền thông hình ảnh đất nước. Chưa bao giờ thông tin đưa ra trên các kênh chính thống của nhà nước khắp nơi được theo dõi (còn làm theo hay không thì còn tuỳ) nhiều như thế. Mọi kênh truyền thông từ online đến offline đều được sử dụng với tần suất chưa từng có. Nổi bật nhất có lẽ là khẩu hiệu “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế” của Bộ Y Tế.

2. Trách nhiệm xã hội (CSR): ATM gạo

Cá nhân tôi đánh giá đây là một ý tưởng sáng chói, hoàn toàn có thể dự thi các ý tưởng trong mùa COVID-19 ở tầm thế giới. Điểm trừ là không có brand nào thực sự tập trung vào phát triển ý tưởng lên một mức đỉnh cao. Điểm cộng là chính vì thế nhiều brand lại chung tay vào triển khai ATM gạo, mang đến nhiều lợi ích cho người khó khăn, cần trợ giúp.

ATM gạo ở thành phố Hải Phòng
Ảnh: doanthanhnien

3. Trách nhiệm xã hội (CSR): Học viện tiểu thương VPBank

Chiến dịch đào tạo cho bà con tiểu thương mở thêm kênh bán hàng online của VPBank đã được trao giải thưởng Châu Á về CSR trong mùa dịch COVID-19 là một ý tưởng hay và bản thân giải thưởng đã là một sự công nhận không thể bỏ qua với thương hiệu này.

4. Truyền thông xã hội: Fake news và dự án chống fake news của TTXVN

Thời đại số đã trao cho mỗi cá nhân, tổ chức khả năng phát thông tin mọi nơi, mọi lúc và theo cách mỗi người mong muốn. Bên cạnh những thông tin xác thực thì fake news cũng nhiều như “nấm sau mưa”. Không phải chỉ các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển cũng đang đau đầu với đủ loại fake news từ chuyện phòng chống COVID-19 thế nào, chính sách cách ly ra sao, hiệu ứng phụ của vaccine thế nào, virus nguy hiểm ra sao. Dự án chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam (Fight against Fake News – Innovative Ideas & Effective Actions by Vietnam News Agency) vừa đoạt giải thưởng cho hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital Châu Á 2020 của Hiệp hội các Nhật báo và Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) là một nỗ lực đáng chú ý từ phía các đơn vị truyền thông chính thống.

5. Truyền thông doanh nghiệp: Tương tác với cộng đồng trong mùa dịch

Trong mùa dịch, hạn chế tiếp xúc bên ngoài khiến khách hàng “túc trực” trên online nhiều hơn. Những thương hiệu chịu khó đầu tư vào sáng tạo vẫn có thể thu hút được sự chú ý của công chúng và tương tác với họ trong mùa dịch. Tôi nghĩ đến ý tưởng hay của hãng chuối Chiquita khi “cất” cô gái trên logo đi với lý do... cô ấy đi cách ly rồi là rất thú vị. Hàng loạt nhãn hàng như Audi, Nike, Volkswagen, Kappa, Master card đã cho các yếu tố trong logo của mình giãn cách ra trong dịp cách ly, để thu hút sự chú của công chúng. Người ta cũng có thể “play” với tag line của thương hiệu mình như giải Tennis US Open đã hóm hỉnh chuyển tag line thành US Closed.

Cô gái bán chuối trên logo của Chiquita đã về nhà cách ly

6. Truyền thông trên mạng xã hội: Vũ điệu Ghen Cô Vy

Trong bối cảnh cả thế giới phải ngồi nhà vì COVID-19, lượng người xem các nền tảng video online như TikTok, YouTube tăng vọt. Vũ điệu rửa tay Ghen Cô Vy với giai điệu bắt tai và vũ điệu vui nhộn với sự trình diễn của diễn viên múa Quang Đăng đã thu hút một lượng view khổng lồ và được nhiều hãng tin trên thế giới đưa tin.

7. Truyền thông trong lĩnh vực văn nghệ: Nhiều đơn vị văn hoá, nghệ thuật lần đầu tiên mở cửa hoặc trình diễn online

Người yêu văn nghệ trên thế giới lần đầu tiên được xem Fantome at the Opera của nhà hát giao hưởng London hay Hồ thiên nga của nhà hát huyền thoại Bolshoi online. Ai Cập cũng mở cửa cho tham quan online hầm mộ nhiều nghìn năm tuổi của mình. Bảo tàng Getty tổ chức cuộc thi chụp ảnh giống các bức tranh nổi tiếng được trưng bày tại bảo tàng...

8. Truyền thông doanh nghiệp: Biti’s proudly made in Vietnam

Biti’s là một thương hiệu bền bỉ làm mới mình trong khoảng 5 năm qua. Ngoài việc là một case-study khá hay về sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, thương hiệu này còn cho thấy sự nhanh nhạy “bắt trend” văn hoá, văn nghệ đang lên nhanh như Hiphop, Rap, Grafitti và khả năng sử dụng Influencer marketing, Social media. Sang năm, nếu làm một event “siêu to khổng lồ” hoặc với một nghệ sĩ tầm cỡ thế giới thì có lẽ thương hiệu này sẽ vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.

9. Truyền thông danh tiếng: Thuỷ Tiên quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung

Hàng tỷ đồng đã được Thuỷ Tiên quyên góp một cách hiệu quả và trong thời gian ngắn không tưởng đã làm dày thêm vầng sáng xung quanh “ngôi sao” này. Tuy nhiên, làm từ thiện không phải lúc nào cũng dễ dàng, Thuỷ Tiên đã nhận chỉ trích từ anti fan và nhiều ý kiến ác ý. Thực tế này đòi hỏi phải sớm có quy định pháp luật trong lĩnh vực từ thiện, và những cá nhân tham gia vào việc này cũng cần có sự chuẩn bị không chỉ về mặt tổ chức tiếp nhận quyên góp, cho đi quyên góp, cáo bạch, mà còn cả mặt truyền thông.

10. Truyền thông danh tiếng: Quỹ Vin Future

Những ngày cuối năm 2020, Vin Group lại thu hút sự chú ý của công chúng trong một lĩnh vực mới: philanthropy (làm thiện nguyện). Thay vì dùng tiền để làm từ thiện theo cách thông thường, thương hiệu này bước vào một lĩnh vực mới khi trao giải thưởng có giá trị lớn cho những người có đóng góp cho nhân loại. Một bước đi táo bạo trong việc xây dựng danh tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên trường quốc tế.

11. Truyền thông trong khủng hoảng – Vietnam Airlines (VNA)

Vietnam Airlines đã làm rất tốt việc truyền thông về hình ảnh của một doanh nghiệp quốc gia có trách nhiệm. Hình ảnh của các chuyến bay giải cứu, sự sẵn sàng đi đến vùng hiểm nguy thực sự là những hình ảnh đẹp và cảm động. Tuy nhiên, khi có một tiếp viên phạm luật làm lây truyền COVID-19, VNA đã kịp thời đưa ra thông cáo báo chí nhưng không kiểm soát tốt mặt trận social media. Các hashtag xin lỗi, không biết có được hãng đồng ý không, đưa lên mạng đã tạo sự phản cảm. Việc một số tài khoản, được cho là người của VNA bênh vực, “kể lể” thậm chí “phản công”, “đổ tội” đã làm cho sự việc xấu đi. Hơn bao giờ hết, khái niệm mỗi nhân viên là một đại sứ thương hiệu lại đúng đến như thế. Chưa bao giờ truyền thông nội bộ, văn hoá doanh nghiệp – đặc biệt là phần quy tắc hành xử, ứng xử trên mạng lại trở nên cần thiết và quan trọng đến thế.

Nguyễn Đình Thành
Đồng Sáng lập ELITE PR School