Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

CB Insights: Retail Tech 100 2020 – Công nghệ đang chuyển đổi ngành bán lẻ

Retail Tech* 100 là bảng xếp hạng thường niên của CB Insights về 100 công ty công nghệ bán lẻ B2B triển vọng nhất trên thế giới. Những công ty chiến thắng năm nay là các startup liên quan đến thương mại điện tử, chuỗi cung ứng tự động, thanh toán phi tiền mặt...

Các công ty công nghệ góp mặt vào danh sách năm nay là những doanh nghiệp ty bán lẻ tư nhân, hoạt động theo mô hình B2B, thuộc 13 hạng mục và đến từ 21 quốc gia. Những công ty này đang định hình lại trải nghiệm bán lẻ truyền thống và sẽ giúp ngành bán lẻ thích nghi với thế giới hậu COVID-19.

Dựa trên nền tảng của CB Insights, nhóm nghiên cứu đã chọn ra 100 công ty trong gần 15.000 ứng viên và đề cử. Các yếu tố đánh giá bao gồm: hoạt động sáng chế, quan hệ kinh doanh, nhà đầu tư, điểm Mosaic, tiềm năng thị trường, bối cảnh cạnh tranh, sức mạnh tập thể và công nghệ mới.

100 công ty công nghệ bán lẻ nổi bật năm 2020

Danh sách 100 công ty Retail Tech năm nay là những công ty công nghệ tư nhân: từ công ty được đầu tư để phát triển sản phẩm, có mối quan hệ kinh doanh với công ty chủ chốt trong ngành, cho đến đơn vị khởi nghiệp ở giai đoạn đầu.

Dưới đây là những điểm nổi bật trong danh sách năm nay:

Đầu tiên, 100 công ty công nghệ bán lẻ đã huy động được hơn 14,8 tỷ USD thông qua 400 giao dịch từ 700 nhà đầu tư tiềm năng trong năm 2020. 54 trong số đó đã liên tục tăng giá trị của các vòng tài trợ với tổng số tiền ước tính lên đến 4,7 tỷ USD.

Thứ hai, trong top 100 công ty công nghệ bán lẻ 2020, có 19 công ty kỳ lân (công ty có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) cung cấp nhiều giải pháp công nghệ bán lẻ đa dạng. Một trong số đó là Faire (trị giá 2,5 tỷ USD tính đến tháng 10/2020), cung cấp thị trường bán sỉ để các cửa hàng địa phương có thể mua bán. Một gương mặt khác là Mirakl (trị giá 1,5 tỷ USD tính đến tháng 9/2020) cho phép các nhà bán lẻ khởi chạy và quản lý thị trường của riêng họ. Trong khi đó, Nuro (được định giá 5 tỷ USD tính đến tháng 11/2020) đã phát triển phương tiện tự lái bằng robot nhằm giúp việc giao hàng chặng cuối (last-mile deliveries) diễn ra suôn sẻ hơn.

Ngoài ra, có 21 công ty startup Series A trong danh sách năm 2020, bao gồm Hero – công ty giúp kết nối người mua hàng online với cộng tác viên của cửa hàng thông qua tin nhắn và video, và Lolli – nền tảng hoàn tiền cho khách hàng dưới dạng bitcoin.

Thứ ba, có thể thấy danh sách này chủ yếu bao gồm các công ty thương mại điện tử đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Những giải pháp họ cung cấp đều tập trung vào việc tăng tốc độ tải trang và cho phép người dùng thanh toán nhanh chóng chỉ bằng một cú nhấp chuột, cũng như giải pháp mở rộng kênh trực tuyến mới như tin nhắn văn bản, cuộc gọi video, giọng nói và công nghệ thực tế ảo AR.

Thứ tư, cửa hàng tự động hoá cũng ngày càng nhiều khi nhu cầu mua sắm không tiếp xúc tiếp tục tăng. Các giải pháp thanh toán phi tiền mặt như thị giác di động/ máy tính của MishiPay và Standard Cognition đang giúp giảm mức độ tương tác giữa người và người, đồng thời rút ngắn thời gian mua sắm.

Cuối cùng, các công ty nằm trong top 100 đến từ khu vực Bắc Mỹ (59%), Châu Á (21%), Châu Âu (16%) và Mỹ Latinh (4%). Trong số các quốc gia, Mỹ dẫn đầu với 55 công ty.

Hạng mục và xu hướng dẫn đầu

Hạ tầng thương mại điện tử là hạng mục dẫn đầu danh sách với 12 công ty, cung cấp những công cụ cần thiết để xây dựng và bổ sung các tính năng cho kênh thương mại điện tử của nhà bán lẻ, chẳng hạn như thương mại di động và social commerce. Một số công ty nổi bật như sau:

  • Hạ tầng thương mại điện tử VTEX và Ecwid cung cấp giải pháp xây dựng và năng lực B2C cho cửa hàng trực tuyến.
  • Tnh năng thanh toán trực tuyến như Fast và Bolt Financial giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng trực tuyến bằng giải pháp thanh toán chỉ bằng một nhấp chuột.

Phân tích và vận hành cửa hàng là một trong những hạng mục dẫn đầu trong danh sách năm 2020, với 12 công ty phát triển giải pháp từ robot cho đến AR/ VR để tự động hoá và cải thiện hoạt động của cửa hàng.

  • Những nhà cung cấp robot tự động như Brain Corp và Simbe Robotics giúp nhà bán lẻ tự động hoá khâu vận hành tại cửa hàng như scanning quầy kệ, lau sàn, vận chuyển hàng hoá từ kho đến khu vực bán.
  • Ngoài ra danh sách còn có các nhà cung cấp dịch vụ robot và phần mềm robot để tự động hoá quy trình lên đơn hàng.

Bên cạnh đó, hạng mục giải pháp quản lý hàng hoá và hàng tồn kho có 8 công ty trong danh sách. Đây là những công ty cung cấp giải pháp giúp nhà bán lẻ truy cập dữ liệu và dự báo nhu cầu của khách hàng thuận tiện, chính xác hơn. Họ cũng đơn giản hoá việc mua sỉ hàng hoá trực tuyến cho những cửa hàng nhỏ.

Chủ đề và xu hướng

Danh sách 100 công ty công nghệ bán lẻ đại diện cho nhiều chủ đề và xu hướng chính mà CB Insights mong đợi sẽ thấy nhiều hơn trong năm 2021. Dưới đây là những ví dụ nổi bật của năm 2020.

Nhu cầu về giải pháp hỗ trợ sàn thương mại điện tử đã tăng vọt khi cuộc khủng hoàng COVID-19 buộc các cửa hàng phải bán hàng trên kênh trực tuyến nhiều hơn. Điều này có thể sẽ tăng nhanh trong năm 2021 khi áp lực cạnh tranh gia tăng trên không gian thương mại điện tử. Trong danh sách năm 2020, có tổng cộng 42 công ty khởi nghiệp cung cấp giải pháp hỗ trợ các sàn thương mại điện tử. Dưới đây là những giải pháp chính:

  • Tính năng và nền tảng thương mại điện tử: Commercetools và Fabric tạo điều kiện cho việc bổ sung kênh trực tuyến mới bằng cách sử dụng APIs. Giải pháp này có khả năng sẽ tăng trưởng trong năm 2021 vì nhiều nhà bán lẻ đang khám phá các hình thức thương mại mới như mua sắm qua tin nhắn hoặc giọng nói.
  • Giải pháp thanh toán: Bao gồm những giải pháp như “mua ngay trả sau” của Klarna và Paidy, có khả năng tăng tỷ lệ chuyển đổi trực tuyến, hay Checkout.com và dLocal làm cho việc thanh toán quốc tế diễn ra dễ dàng hơn.

Cá nhân hoá giúp cho các nhà bán lẻ thiết kế việc mua hàng trực tuyến tốt hơn, và đây sẽ là yếu tố khác biệt chủ chốt để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến. Có tổng cộng 20 công ty trong danh sách cung cấp dịch vụ phân tích và tối ưu hoá hành trình khách hàng trực tuyến nhằm giúp tỷ lệ chuyển đổi bán hàng cao hơn và giảm tỷ lệ đổi trả sản phẩm. Các hạng mục con bao gồm:

  • Giải pháp gắn thẻ sản phẩm với sự hỗ trợ của AI: Syte, ViSenze, Lily AI và True Fit
  • Giải pháp tìm kiếm nhận thức: Algolia và Coveo
  • Thiết kế bản đồ hành trình số: Amplitude, Insider và Quantum Metric

Xây dựng quy trình tự động hoá cho cửa hàng cũng dần trở thành ưu tiên số một của nhiều nhà bán lẻ trong những năm gần đây. Hoạt động này sẽ còn được ứng dụng nhiều hơn nữa trong năm 2021 để đáp ứng nhu cầu giảm tiếp xúc trực tiếp của con người và mua hàng trực tuyến. Hạng mục này có 19 công ty.

Việc tự động hoá chuỗi cung ứng cũng giúp quy trình của các nhà bán lẻ diễn ra hiệu quả hơn khi chuyển sang thương mại điện tử. Trong danh sách năm nay, CB Insights đã chọn ra 13 công ty ứng dụng robot để thực hiện đơn hàng và giao hàng như sau:

  • Tự động hoá giao hàng chặng cuối: Neolix, Nuro và Starship Technologies
  • Robot thực hiện toàn bộ tác vụ trong quy trình: Fetch Robotics, Geek+ và Exotec
  • Kho vận: Fabric và Bond

Mỹ đứng đầu danh sách về số lượng công ty

Các công ty trong danh sách top 100 công ty công nghệ bán lẻ 2020 đến từ 21 quốc gia. Trong đó các startup Bắc Mỹ chiếm lĩnh danh sách với 55% số công ty.

Danh sách cũng thể hiện nhiều trung tâm công nghệ bán lẻ mới nổi trên thế giới như:

  • Ấn Độ: 6 công ty có trụ sở ở Ấn Độ lọt vào danh sách, điển hình như Shadowfax và FarEye – cung cấp dịch vụ giao hàng, Udaan cung cấp thị trường B2B trực tuyến cho nhiều nhà bán lẻ có quy mô nhỏ.
  • Trung Quốc: Tất cả 5 công ty có trụ sở tại Trung Quốc góp mặt trong danh sách đều sử dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp dịch vụ cho các nhà bán lẻ, với các giải pháp bao gồm thanh toán phi tiền mặt của Malong Technologies và SandStar; hay xe tự lái của Neolix.
  • Cananda: Có 4 công ty của Canada xuất hiện trong danh sách năm 2020, điển hình là Coveo (tìm kiếm nhận thức) và ATTAbotics (quy trình robot).
  • Anh: Checkout.com, Rapyd (lĩnh vực thanh toán), MishiPay (giải pháp thanh toán phi tiền mặt trên di động) và YOOBIC (vận hành cửa hàng).
  • Singapore: Ninja Van (giải pháp giao hàng chặng cuối) là một trong những công ty được đầu tư nhiều nhất (399 triệu USD) cũng xuất hiện trong danh sách năm 2020, theo sau là GreyOrange Robotics (quy trình robot) được định giá 179 triệu USD.

* Theo CB Insights, công nghệ bán lẻ (retail tech) bao gồm những công ty công nghệ hỗ trợ hoặc bán các sản phẩm tiêu dùng (ngoại trừ sự kiện, du lịch, khí đốt) cho người tiêu dùng. Retail tech cũng gồm các giải pháp hỗ trợ bán hàng, shopper marketing, vận hành và hoạt động tại cửa hàng, kênh trực tuyến, ví dụ: Công nghệ bán lẻ tại cửa hàng, nền tảng hỗ trợ thương mại điện tử, nền tảng hỗ trợ hình thức bán lẻ mới, công nghệ chuỗi cung ứng cho chặng giữa và cuối. Đồng thời, chỉ những công ty tư nhân, hoạt động theo mô hình B2B mới đủ điều kiện tham gia vào danh sách này. Ngành bán lẻ tự động không nằm trong danh sách.

Theo Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: CB Insights