Top kỹ năng quan trọng nhà tiếp thị Dược phẩm cần có

Vào những năm 90 của thế kỷ 19, quảng cáo y tế vẫn bị coi là “kẻ thù của công chúng”. Thì ngày nay, người ta nhận thấy các công ty Dược hàng đầu dành 31-35% doanh thu cho tiếp thị, trong khi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm 11-14%. (*). Không thể phủ nhận sức hấp dẫn và sự phát triển nhanh chóng của ngành tiếp thị Dược phẩm. Điều này thu hút rất nhiều marketer muốn đầu quân cho ngành. Vậy bạn cần gì nếu theo đuổi công việc tiếp thị trong lĩnh vực dược?

1. Marketer dược cần có đam mê kinh doanh, sáng tạo nhạy bén

Đam mê kinh doanh, chắc chắn rồi!

Bất cứ công việc nào nếu không có đam mê thì bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán nản và không có động lực làm việc. Nhà tiếp thị dược chắc chắn phải có đam mê kinh doanh dược phẩm.

Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn không hứng thú với một người, nhưng ngày nào cũng phải nghĩ đến “người đấy”, kể những câu chuyện để thu hút người khác tìm đến và yêu mến “người đấy”. Bạn sẽ làm như thế nào và liệu được bao lâu?

Đam mê là sức mạnh để chúng ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong nghề.

Sáng tạo nhạy bén.

Sáng tạo không ngừng là một yếu tố quan trọng của người làm marketing. Khách hàng của bạn không thể ăn mãi một món ăn mỗi ngày. Những điều mới mẻ, độc đáo, kích thích thị hiếu tiêu dùng luôn được khách hàng đón nhận. Bên cạnh sáng tạo, marketer cần nhạy bén nắm bắt xu hướng thị trường, tâm lý khách hàng. Từ đó đưa ra những dự báo và kế hoạch hành động để có thể tận dụng những con sóng mới đẩy mình lên cao thật nhanh.

2. Khả năng quan sát, lắng nghe và phân tích

Những kỹ năng này sẽ giúp nhà tiếp thị kích thích khả năng sáng tạo của mình. Quan sát và lắng nghe để biết thị trường đang làm gì, làm như thế nào, xu hướng ra sao. Phân tích để thấy bạn đang ở đâu trên thị trường và so với các đối thủ. Bạn cần làm gì để thay đổi thứ hạng của mình trong tâm trí khách hàng và trên bản đồ thị trường ngành.

Phân tích là kỹ năng cực kỳ quan trọng với người làm tiếp thị. Nó đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, nhạy bén để phát hiện đúng vấn đề, xử lý linh hoạt các thông tin, cho ra nhận định chính xác.

3. Giao tiếp rõ ràng và hiệu quả

Tiếp thị là quá trình truyền đạt các thông điệp thông qua giao tiếp ngôn ngữ và hình ảnh. Truyền thông tiếp thị thành công yêu cầu thông điệp rõ ràng, hướng đến đối tượng mục tiêu với giọng điệu thích hợp. Điều này đòi hỏi bạn phải nắm chắc các thuật ngữ ngành, nhưng không có nghĩa bạn sẽ sử dụng dày đặc biệt ngữ trong câu. Khả năng diễn đạt chính xác một cách đơn giản các vấn đề sẽ chứng tỏ sự am hiểu chuyên môn toàn diện của bạn.

4. Có khả năng kể chuyện và viết lách

Nhà tiếp thị xuất sắc phải có khả năng xuất bản nội dung, cũng như tham gia vào quá trình tạo ra nội dung chiến lược cho sản phẩm. Các công cụ tiếp thị muốn vận hành cần phải được cung cấp nhiên liệu, đó chính là nội dung tiếp thị.

Tuy nhiên, tiếp thị nội dung không phải là việc bạn thu hút ai đó đến với sản phẩm chỉ một lần. Khách hàng tiềm năng cần quay lại nhiều lần với những nội dung bạn cung cấp. Do đó nếu nội dung bạn cung cấp rời rạc, không đúng chủ đề, không đúng điểm đau (pain point) của khách hàng thì khả năng họ quay lại là rất thấp.

Nhà tiếp thị phải biết phân tích, sáng tạo và liên kết các nội dung tiếp thị thành một câu chuyện hấp dẫn khách hàng. Bạn phải là người hiểu rõ nhất sản phẩm & kể được câu chuyện sản phẩm chạm tới cảm xúc của khách hàng.

5. Tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề

Tiếp thị không đơn giản là chia sẻ câu chuyện, thông điệp với khách hàng. Có rất nhiều việc bạn phải làm từ phân tích dữ liệu, lên kế hoạch chiến lược, chuẩn bị nguồn lực… Bạn cần tư duy phản biện để thuyết phục những người ra quyết định trong công ty, thuyết phục khách hàng về tính khả thi, hiệu quả của chiến dịch, về khoản ngân sách cần đầu tư. Hay khi một đối thủ có hành động hướng vào bạn, tư duy phản biện sẽ giúp bạn xoay chuyển tình thế linh hoạt và hiệu quả.

Không phải hoạt động tiếp thị nào cũng thành công. Vô vàn những điều bất ngờ sẽ xảy ra. Có những điều bạn dự đoán được nhờ sự nhạy bén của mình. Nhưng cũng sẽ có những điều trên trời rơi xuống. Nhà tiếp thị cần bản lĩnh cùng kỹ năng giải quyết vấn đề để biến nguy thành cơ trong mọi tình huống.

6. Kỹ năng sử dụng công cụ bảng tính cơ bản

Marketer chắc chắn sẽ phải sử dụng các bảng tính như excel, google trang tính… trong việc lập kế hoạch, nghiên cứu xu hướng, báo cáo theo dõi hiệu quả các hoạt động. Ví dụ theo dõi lưu lượng bài đăng blog, lập kế hoạch từ khóa SEO, xem xét các chỉ số chiến dịch…

7. Hiểu biết sâu sắc về inbound marketing

Inbound marketing là một khái niệm về phương thức tiếp cận khách hàng dựa trên nội dung và sự tương tác có giá trị dưới các hình thức như blog, video, eBook… Khách hàng chủ động tìm đến bạn thông qua các kênh tìm kiếm trên internet.

Hiểu theo cách khác, bạn cần thể hiện sự thấu hiểu vấn đề của khách hàng, cung cấp cho họ cách giải quyết. Từ đó tăng tương tác giữa bạn và khách hàng, xây dựng niềm tin vào thương hiệu. Đến một thời điểm, khách hàng tiềm năng sẽ trở thành người mua hàng, và họ thường sẽ là những khách hàng trung thành của bạn.

8. Trải nghiệm và ứng dụng các kênh kỹ thuật số

Một trong những kỹ năng cần thiết nhất của các nhà tiếp thị hiện nay là hiểu và tận dụng được các kênh truyền thông kỹ thuật số để xây dựng, quảng bá, truyền tải thông điệp tiếp thị đến khách hàng. Bảy nền tảng tiếp thị kỹ thuật số là website, tiếp thị online, social media, công cụ tìm kiếm (Search: SEO, SEM), email, mobile và game.

9. Không ngừng học hỏi và không ngừng học hỏi

Khoa học công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng. Và việc các nhà tiếp thị cần làm là học hỏi, tiếp cận và ứng dụng kịp thời công nghệ để tối ưu hiệu quả các chiến dịch tiếp thị. Bạn nên đi sâu vào các kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số, chẳng hạn như inbound marketing, tạo khách hàng tiềm năng, xây dựng nội dung chiến lược, SEO, quảng cáo và phân tích. Ngoài ra bạn cần nâng cao kiến thức chuyên môn thị trường ngách của mình.

Nào, tới đây bạn đã thấy mình có đủ tố chất để trở thành một nhà tiếp thị dược phẩm chưa? Hình như vẫn còn thiếu thiếu điều gì đó. Xuyên suốt cả 9 điều trên vẫn chưa thấy yếu tố chuyên ngành Dược nằm ở đâu. Đúng vậy, điểm mấu chốt quan trọng nhất đối với các marketer ngành dược tôi để dành cuối cùng.

10. Nhà tiếp thị dược phẩm cần hiểu nhu cầu khách hàng và quy trình bán hàng ngành dược

Cho dù bạn hội tụ xuất sắc tất cả các yếu tố cần có của một nhà tiếp thị, nhưng bạn lại không hiểu nhu cầu khách hàng, không biết quy trình bán hàng diễn ra như thế nào, thì chắc chắn tất cả những gì bạn làm sẽ là con số 0.

Ngành dược là một ngành đặc thù chuyên môn sâu. Sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người. Dó đó tiếp thị dược phẩm mang những đặc trưng riêng mà các nhà tiếp thị phải nắm chắc. Bạn có thể tìm hiểu những đặc điểm đó tại đây.

Tặng thêm bạn: Câu hỏi được nhận được nhiều quan tâm nhất “Không có chuyên môn về y dược có làm tiếp thị dược phẩm được không?”

Câu trả lời là CÓ. Bạn đừng quá lo lắng, chuyên môn thị trường ngách là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên các khách hàng dược hay các công ty dược phẩm luôn có một bộ phận hỗ trợ về chuyên môn. Họ sẽ giúp bạn có những kiến thức cần thiết để hiểu về bệnh học, về kiến thức sản phẩm, đối tượng khách hàng cần thiết cho công việc tiếp thị. Ngoài ra, với tố chất một marketer luôn tìm tòi sáng tạo, học hỏi không ngừng, chắc chắn việc tích lũy những kiến thức chuyên môn không phải là việc quá khó đối với bạn đúng không nào.

Trên đây là 10 kỹ năng cần cho nhà tiếp thị dược phẩm tôi rút ra từ 15 năm làm việc trong ngành và các tài liệu uy tín. Hi vọng những điều này sẽ giúp các bạn tự tin và hoàn thiện mình hơn, trở thành những nhà tiếp thị xuất sắc trong ngành marketing dược phẩm.

(*) Excess in the pharmaceutical industry

Xem thêm các bài viết khác tại https://nguyenvunguyetminh.vn/