Triển khai chiến dịch digital marketing thế nào để quảng bá thương hiệu

Chúng ta thường thấy thuật ngữ digital phủ sóng khắp các diễn đàn và hội nhóm về marketing. Nhưng có phải cứ áp dụng các công cụ digital marketing vào chiến dịch là đảm bảo thành công rực rỡ? Digital marketing có rất nhiều công cụ, từ banner quảng cáo, landing pages, SEO, đến các công cụ social monitoring, và nhiều hơn nữa. Hãy thử tưởng tượng thế giới marketing như một cái siêu thị, nếu cái gì bạn cũng muốn mua (như cách mà mấy bạn nữ hay la cà shopping không biết mệt) thì…ố là la…cái bill!

Vấn đề của các nhãn hàng không nằm ở việc thiếu công cụ, mà vấn đề làm thế nào để chọn ra công cụ phù hợp để đạt được mục tiêu của chiến dịch và tối ưu ngân sách. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách lên chiến lược digital marketing cho các dự án branding – quảng bá thương hiệu.

1. Mục tiêu

Trước khi đi ra đường thì nên biết điểm đích, trước khi vung tiền quảng cáo thì phải xác định mục tiêu. Các chiến dịch branding thường nhắm tới việc nâng cao nhận diện thương hiệu, và xây dựng hình ảnh tích cực về công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ trong nhận thức của người tiêu dùng. Với bản chất như vậy, những chiến dịch branding sẽ ưu tiên những công cụ giúp nhãn hàng phủ sóng rộng rãi, và ưu tiên sự ghi nhớ thương hiệu trong tâm trí người dùng.

Một số chiến dịch branding nổi tiếng ở Việt Nam có thể kể đến như:

  • ‘Đừng ngụy biện – Hãy đội mũ bảo hiểm (No Excuse – Wear a Helmet)’ bởi Ogilvy & Mather nhằm nâng cao nhận thức đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy của người Việt Nam vào năm 2007.
  • Loạt video quảng cáo từ năm 2016 của ‘Điện Máy Xanh’ với hình ảnh, ca từ và vũ đạo đầy ám ảnh đi sâu vào tâm trí người xem. (Thả cái link loop 1 tiếng đồng hồ: https://www.youtube.com/watch?v=7PcpklycEtM&ab_channel=CocaBabyTV)
  • Chiến dịch ra mắt Biti’s Hunter năm 2017 đã xây dựng lại hình ảnh thương hiệu của Biti’s từ truyền thống và cũ kỹ thành hiện đại và năng động.

2. Chuẩn bị

Để tiếp cận được nhiều người, các chiến dịch branding thường được triển khai trên nhiều kênh, từ TVC truyền thống có độ dài 1:30 phút, đến Youtube ads 6 giây, banner động/tĩnh, v.v. Với thời lượng và khung hình khác nhau, nhãn hàng cần chuẩn bị nội dung kĩ lưỡng cho từng kênh để đảm bảo sự đồng nhất về thông tin (hình ảnh và thông điệp) trên các phương tiện truyền thông.

Ví dụ: đối với quảng cáo Youtube, tên nhãn hàng phải xuất hiện trong 5 giây đầu, nếu không nút skip thần thánh sẽ đánh bay màu nội dung quảng cáo của thương hiệu.

3. Thời điểm triển khai

Với chiến lược digital marketing, những nội dung và thông điệp của nhãn hàng luôn được sẵn sàng để lên sóng mọi lúc mọi nơi, giúp rút ngắn được thời gian chuẩn bị để triển khai so với trước đây. Các nhãn hàng có thể cân nhắc thời điểm thực hiện chiến dịch branding tùy vào nhu cầu và tình hình thực tế:

  • Trước thời điểm thâm nhập thị trường mới
  • Chuẩn bị tung ra thị trường dòng sản phẩm mới
  • Chuẩn bị mở cửa hàng mới
  • Tái định vị thương hiệu

4. Thông điệp, thiết kế quảng cáo

Không cần phải nói, thông điệp và hình ảnh chính là cái hồn của quảng cáo. Đối với branding, thông điệp nên ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy đủ nội dung mà nhãn hàng muốn người tiêu dùng ghi nhớ. Và thông điệp này phải thống nhất xuyên suốt trên tất cả các phương tiện truyền thông như đã nhắc đến ở trên.

Để thu hút khán giả, các thông điệp có thể nhắm đến những ngày lễ đặc biệt, như ‘OMO – Vui trồng lộc Tết, lấm bẩn gieo điều hay’ hay ‘Lắc xì cùng Momo’ vào dịp năm mới’; hoặc thể hiện rõ định vị như ‘nhà vô địch làm từ Milo’ và ‘Ovaltine – chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích’; thể hiện sứ mệnh của sản phẩm như ‘Vinamilk – vươn cao Việt Nam’, v.v. Thông điệp như thế nào, đó là tùy vào nội dung nhãn hàng muốn truyền tải.

Đồng thời, màu sắc và bố cục của quảng cáo nên thể hiện đúng tinh thần của sản phẩm. Ví dụ trong các sản phẩm hình ảnh của Coca Cola, chúng ta sẽ luôn thấy 2 màu tông màu chủ đạo nổi bật là đỏ và trắng, giúp khách hàng nhanh chóng liên tưởng tới màu sắc logo và dễ dàng nhận diện thương hiệu.

5. Hình thức quảng cáo

Với sự hỗ trợ của công nghệ, các công cụ digital marketing sẽ giúp nhãn hàng tiếp cận được đúng đối tượng khán giả với chi phí thấp hơn nhiều so với TVC và OOH. Đặc biệt với những brand nhỏ, có kinh phí hạn hẹp thì digital marketing sẽ là sự lựa chọn sáng suốt.

Vì mục tiêu của branding là tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng và khách hàng tiềm năng, nên branding sẽ ưu tiên sử dụng các công cụ digital marketing có khả năng giúp nhãn hàng làm được điều này, bao gồm:

  • Facebook Ads: tăng tương tác, tăng lượt tiếp cận, tăng độ nhận diện thương hiệu
  • Youtube Ads: độ phủ cao, giúp truyền tải thông điệp một cách sinh động
  • Google Display Network (GDN): đặt banner trên các trang web lớn, nhiều lượt hiển thị

6. Đo lường

Kết quả của chiến dịch không phải lúc nào cũng là doanh thu, và điều này khá đúng với branding. Để đo sức lan tỏa của chiến dịch branding, các marketers có thể dựa trên số liệu về lượt tiếp cận, lượt tương tác, lượng theo dõi trước và sau chiến dịch để đánh giá hiệu quả.

Ngoài ra, các nhãn hàng có thể kết hợp sử dụng các công cụ social listening để lắng nghe xem người tiêu dùng suy nghĩ như thế nào về chiến dịch, về sản phẩm/dịch vụ của công ty. Từ những insight về cảm nhận của khách hàng, nhãn hàng có thể rút ra được điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm và đưa ra những cải tiến tốt hơn.

Để bán được sản phẩm thì nên cần có giai đoạn branding để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, bất kể là công ty nhỏ hay lớn. Hiện nay vẫn có nhiều định kiến cho rằng branding chỉ phù hợp với các công ty lớn, lâu năm, và có nguồn ngân sách dồi dào. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của digital marketing, những ngành hàng nhỏ vẫn có thể tiếp cận với các hoạt động branding. Sau khi đã xây dựng được uy tín và danh tiếng cho thương hiệu, thì các nhãn hàng có thể triển khai tiếp các chiến dịch digital marketing để thúc đẩy sales (xem tiếp phần 2).

Bài được viết bởi Hạnh Lê, trợ lý điều hành tại EloQ Communications. Hiện tại Hạnh đang giúp EloQ kết nối và duy trì mối quan hệ với hơn 10 agency đối tác đến từ nhiều nước khác trong khu vực châu Á, cùng các mạng lưới PR toàn cầu để thực thi các dự án quốc tế và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ trong ngành truyền thông.

Bài viết gốc được đăng trên blog của EloQ.