Ngành Xây dựng chuyển mình mạnh mẽ thời Công nghệ số

Cách đây khoảng 100 năm, chưa từng ai nghe đến những công cụ, thiết bị ,máy móc như xe bán tải, máy bắn đinh, máy cưa đĩa cầm tay, xe trộn xi măng, máy xúc thuỷ lực hiện đại... Thế nhưng ngày nay, các công cụ, thiết bị đó đang được sử dụng phổ biến trên công trường.

Và hãy thử tưởng tượng, công trường ngày nay sẽ như thế nào nếu không có những công nghệ xây dựng đó? Nếu không có những công cụ bằng điện, những người thợ sẽ cắt ván và khoan lỗ bằng tay. Nếu không có những thiết bị hạng nặng, những người công nhân sẽ xúc đất và đào rãnh bằng xẻng và cuốc. Và các toà nhà chỉ cao vài tầng nếu không có thang máy.

Bài nghiên cứu do ConstructConnect xuất bản lần đầu ngày 5/12/2018 và được chỉnh sửa lần cuối vào ngày 16/4/2020. Bản dịch do Fastwork Việt Nam thực hiện.

Vấn đề đặt ra là, tại sao trong khi những thành tựu của công nghệ xây dựng đang phát triển và định hình ngành thì nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp cận hờ hững?

Ứng dụng công nghệ ngày nay đã khiến cho công trường xây dựng trở nên an toàn với người lao động hơn, nhằm đảm bảo cho họ có môi trường làm việc hiệu quả. Cũng nhờ công nghệ, các doanh nghiệp đã có thể xây dựng được những công trình cao lớn, cấu trúc vững chắc và tiết kiệm chi phí hơn. Công nghệ đã cho phép các doanh nghiệp xây dựng tăng năng suất lao động, cải thiện khả năng phối hợp trong công việc và giúp quản lý dự án phức tạp một cách dễ dàng hơn.

Quang cảnh công trường xây dựng cách đây hàng chục năm

Vậy công nghệ trong xây dựng là gì?

Viện Công nghiệp Xây dựng đã định nghĩa công nghệ trong xây dựng là “Sự tập hợp các công cụ, máy móc, thiết bị, phần mềm... đổi mới được sử dụng trong giai đoạn triển khai xây dựng của một dự án. Công nghệ xây dựng thể hiện sự tiến bộ trong phương pháp thi công tại công trường, bao gồm thiết bị xây dựng bán tự động và tự động”.

Ngoài ra, định nghĩa này còn bao gồm việc ứng dụng công nghệ vào giai đoạn đầu triển khai hoạt động đấu thầu trực tuyến, ứng dụng quản lý giá thầu và các giải pháp kỹ thuật số của dự án. Hiện nay, các công nghệ mới trong xây dựng đang được phát triển với tốc độ chóng mặt.

Những gì mà cách đây 10-20 năm chúng ta có thể tưởng tượng ra là các thiết bị và công cụ kết nối, các ứng dụng và thiết bị di động, máy móc hạng nặng tự vận hành, máy bay không người lái, robot, hay thậm chí cả công nghệ thực tế ảo tăng cường và các bản vẽ toà nhà được in 3D. Tất cả đều đang được triển khai và sử dụng trên hầu hết các công trường xây dựng trên thế giới.

Công trường hiện đại ngày nay có sự giúp sức của các thiết bị, công cụ tiên tiến

Và trong bối cảnh các công ty xây dựng vẫn còn đang e dè tiếp cận công nghệ thì các nhà đầu tư mạo hiểm lại đang đặt cược lớn vào tương lai của ngành công nghệ xây dựng.

Một báo cáo từ James Long LaSalle, Inc. được công bố vào đầu năm nay cho thấy các công ty đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 1,05 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2018. Con số này tăng gần 30% so với số tiền đầu tư cho cả năm 2017. Kể từ năm 2009, các nhà đầu tư đã chốt 478 giao dịch tài trợ với tổng trị giá 4,34 tỷ USD.

Dưới đây là những yếu tố chính mà công nghệ đang tác động và thiện đến ngành xây dựng:

1. Năng suất lao động

Theo nghiên cứu từ McKinsey & Company, trong nhiều thập kỷ qua năng suất xây dựng vẫn không thay đổi. Phương pháp thiết kế – nhà thầu – xây dựng truyền thống khiến ngành xây dựng trở nên rời rạc và đi xuống. Mỗi dự án xây dựng đều có điểm khác biệt, ẩn chứa những thách thức và rủi ro riêng. Chính điều này là rào cản cho việc tăng năng suất và hợp lý hoá một quy trình chung như cách mà ngành sản xuất và bán lẻ vẫn làm.

Các ứng dụng và phần mềm di động

Hiện nay các giải pháp phần mềm và di động cho phép doanh nghiệp quản lý mọi giai đoạn của dự án xây dựng. Từ việc lên kế hoạch dự án đến thiết lập tiến độ, từ quản lý dự án và báo cáo hiện trường đến các công tác vận hành, hỗ trợ quản lý công việc hành chính.

Tất cả đều có thể được tự động hoá để quy chuẩn các quy trình và cải thiện năng suất. Hầu hết các giải pháp phần mềm hiện nay đều dựa trên nền tảng đám mây, cho phép thực hiện các thay đổi và cập nhật tài liệu, lịch biểu và các công cụ quản lý dự án ở thời gian thực. Từ đó khả năng kết nối và giao tiếp được cải thiện rõ rệt.

Công nghệ hiện đại được ứng dụng vào ngành xây dựng hiện nay

Ngoài ra, công nghệ di động hiện nay còn cho phép thu thập và truyền dữ liệu về thời gian thực giữa công trường và các nhà quản lý dự án tại văn phòng. Các giải pháp dựa trên nền tảng đám mây cho phép nhân viên thực hiện gửi thẻ chấm công, báo cáo chi phí, yêu cầu cung cấp thông tin (RFI), hồ sơ công việc và các tài liệu... ngay tại chỗ. Những công tác nghiệp vụ này nhờ ứng dụng công nghệ đã giúp người lao động tiết kiệm hàng trăm giờ làm mỗi năm so với việc nhập và sắp xếp dữ liệu theo cách thủ công. Nhờ vậy mà dữ liệu được đồng bộ và tìm kiếm dễ dàng hơn.

Hiểu được những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, các nhà cung cấp phần mềm cũng hình thành quan hệ đối tác chiến lược giữa các giải pháp phần mềm khác để giúp doanh nghiệp tích hợp liền mạch dữ liệu, giúp công tác điều hành và quản lý dự án của doanh nghiệp đơn giản và dễ dàng hơn.

Nhà máy đặt bên ngoài công trường

Nhà máy bên đặt ngoài công trường thường được sử dụng cho các dự án có sơ đồ mặt bằng hoặc bố cục lặp lại trong thiết kế. Ví dụ như dự án chung cư, khách sạn, bệnh viện, ký túc xá, nhà tù hay trường học.

Các hoạt động bên ngoài công trường được thực hiện trong môi trường có kiểm soát tốt và được hoạt động tương tự như một nhà máy sản xuất ô tô. Tại mỗi cơ sở, người lao động có đầy đủ các công cụ và vật liệu để thực hiện toàn bộ công việc của mình, từ xây dựng khung tường hay lắp đặt hệ thống dây điện. Với phương pháp này, xây dựng nhà máy lắp ráp bên ngoài sẽ giúp giảm thiểu chất thải và cho phép công nhân làm việc hiệu quả hơn.

Sản phẩm được sản xuất bên ngoài công trường theo dạng đúc sẵn

Nhà máy bên ngoài công trường thường có hai dạng chính: module và đúc sẵn.

  • Với cấu trúc module, toàn bộ các phòng được xây dựng hoàn chỉnh với MEP, được lắp đặt đồ đạc và hoàn thiện. Với dạng này, cấu trúc các phòng sẽ nhỏ như một phòng tắm và các module sẽ được lắp ghép với nhau tại chỗ để tạo ra không gian lớn như các căn hộ. Sau đó các module này sẽ được vận chuyển đến công trường để đưa vào và gắn khung kết cấu.
  • Với dạng đúc sẵn, các kết cấu của toà nhà sẽ được xây dựng bên ngoài và sau đó được lắp ráp và lắp đặt sau khi được chuyển đến công trường dự án. Các thành phần của toà nhà đúc sẵn sẽ bao gồm mọi thứ từ khung, tấm tường bên trong và bên ngoài, hệ thống cửa và cửa sổ, hệ thống sàn và giá đỡ, hệ thống dây điện và hệ thống ống nước được lắp đặt cùng nhau.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Việc sử dụng dữ liệu với các nhà thầu hiện nay là rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định để vận hành tốt hơn, tăng năng suất, cải thiện an toàn và giảm thiểu rủi ro tại công trường. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống máy móc thiết bị, các doanh nghiệp có thể lưu trữ hệ thống dữ liệu khổng lồ từ các dự án khác trong nhiều năm. Từ đó họ có thể lập dự toán đấu thầu cho các dự án được chính xác, tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI được ứng dụng triệt để lên ngành xây dựng

Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác vận hành và quản lý dự án mà doanh nghiệp có thể cải thiện năng suất công nhân, giảm thời gian lãng phí khi di chuyển trên công trường để lấy thiết bị, dụng cụ làm việc. Mà thay vào đó, người lao động có thể theo dõi được những công cụ, thiết bị đó chỉ bằng điện thoại thông minh hoặc thiết bị di động.

Tất cả các thiết bị, vật liệu đều được lắp đặt cảm biến để theo dõi di chuyển ngay tại công trường thi công. Khi nhập đủ dữ liệu, hệ thống AI có thể phân tích lộ trình công nhân di chuyển để sau đó đưa ra các giải pháp tổ chức, sắp xếp lại các công cụ và vật liệu giúp công nhân dễ tiếp cận trong quá trình làm việc và giảm thời gian chết.

Không dừng lại ở đó, robot và trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) còn được sử dụng để theo dõi tiến độ tại công trường với dữ liệu về thời gian thực. Máy bay không người lái và máy bay tự động đều được trang bị máy ảnh độ nét cao, LiDAR để chụp ảnh và quét hình ảnh công trường với độ chính xác gần như tuyệt đối. Sau đó với hệ thống AI, các bản quét đó được dùng để so sánh với các mô hình BIM, bản vẽ 3D, tiến độ xây dựng. Thông qua dự toán của nhà quản trị dự án có thể kiểm tra chất lượng công việc được thực hiện và xác định tiến độ đạt được mỗi ngày.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI cùng các thuật toán chuyên sâu được sử dụng để xác định và báo cáo các lỗi trong quá trình vận hành. Có thể là bất cứ hoạt động gì, từ công việc xây dựng công trường đến hệ thống cơ khí, hệ thống điện và nước. AI còn có thể nhận biết được thành phần của toà nhà dựa trên hình dạng, kích thước và vị trí dù chỉ một phần của toà nhà đó được hiển thị.

Thông qua việc phân loại và đo lường số lượng được lắp đặt, công nghệ AI cho doanh nghiệp kiểm soát được khối lượng công việc đã hoàn thành mỗi ngày, để từ đó so sánh với tiến độ xây dựng của nhà quản trị đặt ra. Nếu có bất cứ công việc nào đang bị chậm hơn so với tiến độ, sẽ có một cảnh báo được đưa ra. AI cũng có thể phát hiện ra sai lệch giữa các thành phần đã được cài đặt và thực tế tại công trường, để từ đó nhà quản trị dự án nhanh chóng xác định được lỗi và tránh được tốn kém ngân sách.

2. Đào tạo và An toàn

An toàn lao động được các nhà quản trị đặt làm ưu tiên số 1

Một trong những yếu tố mà doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ xây dựng quan tâm đó là cải thiện chỉ số an toàn. Thống kê trong năm 2016 cho thấy trong số 4.963 trường hợp tử vong thì có 991 người đang trong quá trình xây dựng tại công trường.

An toàn lao động được các doanh nghiệp xây dựng và các nhà quản trị đặt lên làm ưu tiên số một. Ứng dụng công nghệ là một giải pháp tối ưu để các nhà thầu ngăn ngừa tai nạn và giảm tỷ lệ thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong của công nhân.

Công nghệ xây dựng mới: Thực tế ảo tăng cường

Hai lĩnh vực mà thực tế ảo (VR) có thể tác động mạnh mẽ đến ngành xây dựng đó là đào tạo an toàn và đào tạo vận hành. Thông qua công nghệ VR, người lao động có thể được tiếp xúc với các môi trường có không gian hạn chế hoặc làm việc trên cao trong điều kiện cơ sở vật chất được kiểm soát chặt chẽ và an toàn.

Tính mô phỏng của công nghệ VR đã được sử dụng một thời gian trước đây để đào tạo binh lính, phi công và ngành y tế. Cũng áp dụng tương tự như với ngành xây dựng, VR có thể được ứng dụng để đào tạo công nhân về mọi thứ trên công trường, từ vận hành cần cẩu, máy xúc đến thực hành hàn và xây dựng.

Ngành xây dựng hiện nay đã được ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường VR

Ngoài ra với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, thực tế ảo tăng cường là một cải tiến nhằm mục đích cải thiện sự an toàn tối đa cho công nhân tại công trường. Công nghệ thực tế ảo tăng cường cho phép triển khai kế hoạch an toàn, chi tiết và cả đào tạo các thiết bị máy móc hạng nặng thực tế ngay tại công trường.

Với công nghệ thực tế ảo tăng cường, người lao động có thể thực hiện một công việc ngay tại công trường kèm theo một danh sách kiểm tra an toàn và cụ thể cho công việc đang làm. Các chỉ dẫn đó được tích hợp ngay trên màn hình của mũ cứng thông minh hoặc kính bảo hộ được trang bị của người lao động. Từ đó họ có thể theo dõi được công việc nhờ vào các chỉ báo an toàn đó.

Bên cạnh đó, người quản trị dự án và huấn luyện an toàn cũng có thể theo dõi được chính xác những chỉ báo và nhiệm vụ được hiện lên trên màn hình của người lao động, để điều phối và hướng dẫn công nhân các công việc khác trong quá trình làm việc.

Các thiết bị đeo

Ngoài các ứng dụng công nghệ vào xây dựng, các trang thiết bị đeo còn được cung cấp cho người lao động nhằm mục đích giám sát và điều phối môi trường làm việc an toàn. Công nghệ thiết bị đeo trong xây dựng được đưa vào quần áo và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), đã rất phổ biến trên các công trường xây dựng như mũ cứng, găng tay, áo bảo hộ và ủng bảo hộ lao động.

Các thiết bị đeo trong xây dựng được ứng dụng công nghệ mới nhất hiện nay

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì các thiết bị đeo trong xây dựng đã được nâng cấp trang bị sinh trắc học và cảm biến môi trường, GPS và bản đồ vị trí, WiFi, máy dò điện áp và các cảm biến khác. Mục đích của những cảm biến được tích hợp này để theo dõi chuyển động của người lao động, chuyển động lặp lại, cảnh báo tư thế cũng như trượt ngã.

Định vị và bản đồ vị trí cho phép người giám sát công trình hoặc giám sát an toàn thiết lập các khu vực hạn chế hoặc nguy hiểm để cảnh báo tới người lao động thông qua kết hợp của hệ thống báo động và đèn.

Công trường hiện đại ngày nay được trang bị thêm các trang phục bảo hộ thông minh, hoặc vải dệt điện tử để có thể theo dõi các dấu hiệu quan trọng như nhịp thở, nhiệt độ, nhịp tim của người lao động. Những thiết bị đeo này có nhiệm vụ theo dõi tư thế làm việc của công nhân, theo dõi chuyển động, xác định cơ thể họ có đảm bảo sức khoẻ để tham gia lao động hay không. Việc theo dõi cơ thể người lao động có thể giúp các nhà quản trị dự án hay an toàn lao động dự đoán trước được tai nạn lao động xảy ra.

Hệ thống cảm biến công trường

Công trường hiện đại ngày nay ứng dụng công nghệ cảm biến được lắp đặt toàn bộ công trường nên có thể theo dõi nhiệt độ, mức độ tiếng ồn, bụi, và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa chúng và người lao động.

Các dữ liệu từ hệ thống cảm biến cảnh báo cho người lao động

Nhờ vào hệ thống cảm biến được lắp đặt tại công trường, hệ thống có thể cảnh báo ngay lập tức cho công nhân khi họ gặp rủi ro từ mức độ phơi nhiễm cho phép. Các dữ liệu từ các cảm biến được thu thập và phân tích để giảm thiểu mức độ phơi nhiễm, từ đó giữ an toàn cho người lao động và tuân thủ các quy định của OSHA.

3. Sự thiếu hụt lao động

Sau sự sụp đổ của nhà nước và cuộc Đại suy thoái, đã có hơn 2,3 triệu công nhân rời khỏi ngành xây dựng qua việc bị sa thải, nghỉ hưu sớm hoặc tham gia các ngành khác. Trong khi đó mức độ tăng trưởng trong ngành công nghiệp diễn ra mạnh mẽ trong những năm qua, và sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao xảy ra ở hầu hết các nước.

Trong tình hình đó, nhu cầu về lao động trong lĩnh vực xây dựng được dự kiến sẽ tăng đáng kể trong thập kỷ tới. Cục Thống kê Lao động dự kiến tăng trưởng việc làm ngành xây dựng là 11% trong giai đoạn 2016 – 2026. Lực lượng lao động trẻ, những người đang được coi là thiếu kỹ năng và kinh nghiệm sẽ được hưởng những tiện ích mà công nghệ sẽ đem lại trong tương lai.

Nhu cầu về lao động xây dựng được dự kiến tăng đáng kể

Máy bay không người lái

Máy bay không người lái được sử dụng trên công trường với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài việc tiến hành kiểm tra công trường và xác định mối nguy hiểm tiềm ẩn mỗi ngày, máy bay không người lái còn được sử dụng để giám sát công nhân trong suốt quá trình làm việc để đảm bảo an toàn cho con người.

Bên cạnh đó, nhằm tạo ra các mô hình công việc được lên kế hoạch và thông báo đến người lao động mỗi ngày, máy bay không người lái được sử dụng để chụp ảnh công trường đang thi công để tạo ra mô hình đó.

Ngoài ra, máy bay không người lái còn được sử dụng để giải quyết các công việc nguy hiểm hơn, như kiểm tra những cây cầu và toà nhà. Điều đó không có nghĩa là các nhà thầu sẽ loại bỏ yếu tố con người, mà đồng nghĩa với việc người lao động cần được đào tạo về cách sử dụng công nghệ để thực hiện công việc đó.

Công nghệ máy bay không người lái đang được sử ứng dụng rộng rãi tại công trường

Sử dụng robot

Ngày nay, rất dễ dàng để bắt gặp hình ảnh doanh nghiệp sử dụng robot để xếp gạch hay buộc thép do robot rất giỏi trong những công việc đơn giản, có tính chất lặp đi lặp lại. So với công nhân thì sức lao động của robot đã được thiết lập này nhanh hơn và tốt hơn.

Tuy vậy thì yếu tố con người vẫn cần thiết để thực hiện một số công việc khác. Ví dụ đối với công việc lát gạch, vẫn cần có một lao động giám sát công việc để đảm bảo các viên gạch được đặt chính xác và được dọn dẹp sạch sẽ sau khi đã được thực hiện xong. Với công việc buộc cốt thép vẫn cần con người để sắp đặt và buộc cốt thép trước khi robot hoạt động.

Thay vì sử dụng robot để thay thế con người thì hầu hết các robot xây dựng hiện nay được dùng để hỗ trợ và nâng cao hiệu suất của người lao động, từ đó giúp họ làm việc hiệu quả hơn.

Robot xây dựng đã được nghiên cứu và ứng dụng tại công trường

Vận hành thiết bị hạng nặng

Được ứng dụng công nghệ tương tự như công nghệ dành cho ô tô tự lái, các thiết bị hạng nặng tự vận hành hiện nay đang được sử dụng tại công trường cho các công việc như đào, ủi, hoặc xây đắp tại chỗ. Nhờ có công nghệ này mà yếu tố con người được loại bỏ một phần, cho phép nhà thầu triển khai cùng một khối lượng công việc với số lượng công nhân ít hơn.

Ngoài công nghệ tự vận hành được ứng dụng, các thiết bị hạng nặng này còn được kết hợp hệ thống cảm biến, máy bay không người lái và định vị GPS. Các tính năng này được tích hợp nhằm mục đích điều hướng thiết bị tới địa điểm xây dựng được cho phép và tiến hành xây dựng dựa trên mô hình 3D có sẵn. Công nghệ GPS tăng cường, kết hợp các trạm vệ tinh tại chỗ được ứng dụng để thiết bị có thể khoanh vùng địa lý và cho phép tự vận hành xung quanh địa điểm đó với độ chính xác cao.

Có thể nhận thấy, lợi ích của doanh nghiệp được nhân lên gấp nhiều lần bởi việc áp dụng các công nghệ máy bay không người lái, robot và thiết bị tự vận hành. Trong vòng một thập kỷ tới, lực lượng lao động trưởng thành gần như sẽ hoàn toàn sử dụng thành thạo máy tính bảng và điện thoại thông minh. Do đó việc việc vận hành những chiếc máy này sẽ là điều cực kỳ đơn giản. Bên cạnh đó thì lực lượng lao động dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều hy vọng việc áp dụng công nghệ sẽ khiến công việc được dễ dàng hơn.

Công nghệ máy móc, thiết bị tự vận hành hạng nặng hỗ trợ con người tối đa

4. Tính liên kết trong công việc

Hiện nay, một vấn đề lớn trong các dự án xây dựng mà các chuyên gia trong ngành đều nhận thấy đó là, xây dựng là một ngành có tính chất phân mảnh cao. Từ các công nhân, kỹ sư, các thiết bị được phân bổ xung quanh công trường; đến các đối tác liên quan bên ngoài, bao gồm quản lý dự án và khách hàng, thì khi cần thiết thật khó để đưa ra quyết định cùng một lúc.

Công nghệ di động

Ngày nay nhờ vào những chiếc điện thoại thông minh cùng các ứng dụng cho thiết bị di động, đã giúp cho việc giao tiếp và chia sẻ thông tin trong các dự án trở nên dễ dàng hơn.

Thay vì phải đến văn phòng để tham gia cuộc họp đột xuất thì giờ đây các nhà quản trị dự án, khách hàng, hay chủ đầu tư có thể sử dụng công nghệ di động để sắp xếp một cuộc họp lấy ý kiến mà không làm gián đoạn các công việc khác của những người tham gia.

Lợi ích của doanh nghiệp được nhân lên gấp nhiều lần bởi việc áp dụng các công nghệ máy bay không người lái, robot và thiết bị tự vận hành.

Mọi vấn đề ngay tại công trường sẽ được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả nhờ vào công nghệ giao tiếp trong thời gian thực, điều đó đảm bảo cho mọi bên liên quan đều có tiếng nói và trách nhiệm của mình. Các giải pháp tích hợp được đồng bộ hoá tại thời gian thực cho phép các bộ phận liên quan thêm ghi chú, thay đổi bản vẽ, phản hồi ngay lập tức. Để từ đó cùng lúc thông tin được chia sẻ với tất cả những cá nhân liên quan đến dự án.

BIM (Building Information Modeling)

Mô hình hoá thông tin toà nhà (BIM) là một quy trình tiên tiến dựa trên các mô hình kỹ thuật số 3D để tạo điều kiện hợp tác xuyên suốt giữa các bên liên quan trong một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng.

Với mô hình BIM, mọi cá nhân liên quan đều làm việc với thông tin được cập nhật mọi lúc. Các thay đổi từ mô hình BIM đều diễn ra trong thời gian thực, do vậy khi có bất kỳ thay đổi hoặc cập nhật nào đó đều được thông báo đến tất cả các cá nhân liên quan đến dự án. Lịch trình trong mô hình BIM được mô phỏng từ thực tế, do vậy việc trình bày trực quan quá trình xây dựng cho phép các thành viên trong dự án có thể lập kế hoạch cho từng giai đoạn triển khai.

Việc kết hợp công nghệ ứng dụng VR và BIM sẽ giúp hợp tác và giao tiếp trở nên dễ dàng hơn nhờ vào dự án sẽ được trực quan hoá đa dạng và phong phú. Hiện nay, hầu hết các ứng dụng thực tế ảo đang được phát triển cho ngành công nghiệp xây dựng (AEC) đang sử dụng mô hình BIM làm cơ sở tạo ra môi trường ảo.

Công nghệ thực tế ảo trong các dự án và công trình xây dựng sẽ giúp người quản trị dự án xây dựng và nhà thầu có thể dễ dàng theo dõi và quan sát tiến độ thông qua việc áp dụng lên mô hình BIM. Bên cạnh đó quản trị dự án xây dựng cũng có thể truy cập danh sách kiểm báo cáo hàng ngày trên màn hình hiển thị. Nhà thầu hay quản trị dự án có thể lập tức chụp ảnh hoặc ghi lại thông qua công nghệ AR để gửi cho các cá nhân liên quan trong trường hợp dự án có vấn đề.

Mô hình hoá thông tin toà nhà (BIM)

Tổng kết lại ứng dụng công nghệ trong xây dựng

Những lợi ích mà công nghệ đem lại đã khiến các doanh nghiệp xây dựng bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ lên các công trình. Có thể nhận thấy những doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu và triển khai công nghệ trong xây dựng đang gặt hái được nhiều thành quả; thể hiện cụ thể ở việc doanh nghiệp tăng năng suất lao động, công tác kết nối tốt hơn và tiến độ dự án được hoàn thành đúng thời hạn; đồng nghĩa với việc tiết kiệm được ngân sách và tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Dù việc thay đổi là một thử thách không nhỏ đối với các doanh nghiệp hiện nay. Nhưng nếu từ chối đổi mới, sớm muộn những doanh nghiệp đó cũng không còn khả năng cạnh tranh với những đối thủ đang áp dụng và triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại.

* Nguồn: Fastwork Việt Nam