Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Các nhà sáng tạo kiếm được bao nhiêu lợi nhuận từ nội dung trên YouTube

Có khá ít rào cản để trở thành một YouTuber, nên mọi người luôn tò mò về số tiền mà họ có thể nhận được từ nền tảng này. Vậy làm Youtuber kiếm được bao nhiêu? Bài viết tập trung phân tích phần doanh thu quảng cáo mà YouTube trực tiếp trả cho các nhà sáng tạo của họ.

Shelby Church, nữ vlogger mảng thời trang và lối sống nổi tiếng sở hữu kênh YouTube hơn 1,6 triệu người theo dõi, đã chia sẻ về số tiền mà cô kiếm được trên nền tảng này.

Tôi bắt đầu yêu thích việc chỉnh sửa các video và đăng chúng lên YouTube từ năm 2009, khi đó tôi 14 tuổi. Tôi còn quá nhỏ để lái xe đến nhà bạn chơi, và cùng lúc lại có quá nhiều thời gian rỗi. Lúc ấy, tôi chưa từng mơ những video được thực hiện trong cơn buồn chán sẽ trở thành bước đệm đầu tiên cho sự nghiệp của bản thân sau này.

Tôi đã đăng tải những video lên YouTube trong hơn 10 năm, một vài trong số chúng cũng may mắn cán mốc 1 triệu lượt xem. Và mọi người thường hỏi về số tiền tôi kiếm được, từ bạn bè người thân đến cả tài xế Uber đều rất tò mò. Đây là điều dễ hiểu bởi có quá ít rào cản để trở thành một YouTuber. Mọi người chỉ muốn biết liệu việc đó có xứng đáng với thời gian họ bỏ ra hay không. Vậy, làm YouTuber kiếm được bao nhiêu?

Câu trả lời không đơn giản như lương tháng bạn bao nhiêu. Một YouTuber có thể kiếm được nhiều nguồn tiền khác nhau, không chỉ có doanh thu quảng cáo mà còn phải tính đến hợp đồng với thương hiệu và bán vật phẩm...

Tôi sẽ tập trung phân tích phần doanh thu quảng cáo đến trực tiếp từ YouTube. Trước khi bắt đầu vào video, thường một quảng cáo dài 15-30 giây sẽ xuất hiện. Sau khi xem được một vài phút, một quảng cáo khác dưới dạng banner có liên kết sẽ hiện lên dưới màn hình. Hiển nhiên, những quảng cáo này sẽ mang tiền về cho bạn, nhưng số tiền thực chất sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào một số yếu tố.

Minh hoạ 1: Video “How To Pose In Photos”

Video “How To Pose In Photos”, tính đến thời điểm viết bài này, đã đạt 3.907.000 lượt xem và mang về 1.275,99 USD. Đây là số tiền khá thấp, ít hơn cả những video chỉ có 700.000 lượt xem.

1.275 USD… không nhiều lắm so với 3 triệu lượt xem

Thường thì, một video 3.000.000 lượt xem có thể mang về từ 6.000-15.000USD. Thậm chí, tôi có một video 2.000.000 lượt xem đã kiếm được khoảng 40.000USD. Nhưng trung bình thì, mỗi 1.000.000 lượt xem sẽ mang về từ 2.000-5.000USD.

Lý do là bởi phần lớn người xem video này không sống tại Mỹ, và chủ đề của nó không thu hút được ngân sách của các nhà quảng cáo lớn.

Minh hoạ cho phần lớn lượt xem không nằm trong lãnh thổ Hoa Kì.

Số liệu có thấy video đã được thuật toán của YouTube đẩy đến những người xem tại các quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Pakistan và Nepal. Giá mỗi nghìn lượt xem (CPM) tại các quốc gia này thấp hơn đáng kể so với Mỹ, Úc và Canada.

Bảng giá CPM (giá mỗi nghìn lượt xem) theo từng quốc gia.

Theo đó, giá playback-based CPM (giá mỗi nghìn lượt xem tại nơi quảng cáo xuất hiện) là 4,08 USD tại Mỹ, cao hơn nhiều mức 1,16 USD tại Ấn Độ. YouTube sẽ hưởng 45%, nên số tiền thật nhận chỉ là 0,58USD cho mỗi 1 nghìn lượt xem tại Ấn Độ. Đó là lý do mà video “How To Pose In Photos” kiếm được quá ít tiền.

Minh hoạ 2: Video “The Top 10 Features of the Tesla Model 3”.

Video “The Top 10 Features of the Tesla Model 3”, tại thời điểm viết bài, chỉ đạt 2.057.000 lượt xem mà đã mang về 11.653,93USD. Dù có ít lượt xem, nhưng video này kiếm được nhiều tiền hơn. Một phần bởi nó dài 10 phút, nên tôi có thể đặt thêm quảng cáo thứ 2 vào video, và thường chúng giúp tăng gấp đôi số tiền kiếm được.

Video này cũng nhận được nhiều lượt xem hơn tại Mỹ và Canada, nghĩa là giá CPM cũng cao hơn. Giá playback-based CPM của video này là 11,06USD, cao hơn mức 1,35USD của video trước. Nhưng trừ đi 45% mà YouTube lấy, số tiền thật nhận sẽ là 5,53USD. Tôi nhận thấy trung bình giá CPM sẽ giao động trong phạm vi 4-6USD, những video có từ 1.000.000 lượt xem thường kiếm được từ 2-5.000USD.

Như vậy, số tiềm kiếm được từ YouTube cho mỗi video sẽ rất khác nhau, tuỳ thuộc vào các yếu tố như vị trí địa lý và độ tuổi của người xem, hay chủ đề video...

Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: Medium