Marketer Team mAPP
Team mAPP

Digital Marketer @ Solazu Ltd.

Chiến lược kiếm tiền từ app: 6 cách khả dụng tạo ra lợi nhuận

Ứng dụng được tạo ra với nhiều mục đích: Sáng tạo điều mới lạ, có ích cho người dùng/ mang lại trải nghiệm thú vị/ thu hút người dùng mới. Và tất nhiên, là phải kiếm được tiền từ nó.

Có nhiều cách để kiếm tiền từ ứng dụng (app), tuy nhiên để lựa chọn một chiến lược kiếm tiền đúng đắn thì không hề dễ dàng.

Làm cách nào để kiếm tiền từ app? Cách kiếm tiền nào phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn? Có nên tính tiền dựa vào lượt tải? Nếu không thì làm cách nào kiếm tiền từ ứng dụng miễn phí? Và cách nào để có được doanh thu ổn định nhưng không ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng?

Bài viết này đề cập đến cách kiếm tiền từ ứng dụng, một số ưu, nhược điểm của từng mô hình kiếm tiền và đưa ra ví dụ những ứng dụng đã áp dụng thành công từng mô hình đó.

Số liệu về kiếm tiền từ app

Luôn có rất nhiều nguồn tiền mà ứng dụng của bạn có thể kiếm được. Thống kê của năm 2019 cho thấy chi tiêu của người dùng đạt 120 tỷ USD trên toàn cầu. Nhiều ứng dụng lựa chọn kết hợp nhiều mô hình lại, cung cấp nhiều tuỳ chọn chi trả khác nhau cho từng loại người dùng khác nhau.

  • 56% ứng dụng hiện tại sử dụng mô hình Subscription
  • 54% ứng dụng sử dụng mô hình Freemium bao gồm thanh toán trong ứng dụng (In-app Purchases)
  • 47% ứng dụng sử dụng một số hình thức quảng cáo trong ứng dụng (In-app Advertising)

Hơn 40% doanh nghiệp sở hữu ứng dụng cho biết việc đảm bảo cho nội dung quảng cáo không làm phiền tới người dùng là thử thách lớn nhất trong việc kiếm tiền từ app của họ. Họ lo ngại về việc kiếm tiền sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trải nghiệm người dùng và gia tăng tỷ lệ bỏ app.

Mặc dù quảng cáo có thể phát là định dạng quảng cáo trong ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất, nhưng quảng cáo video có tặng thưởng lại là định dạng quảng cáo được người dùng tương tác nhiều nhất.

1. Mô hình Freemium

Những ứng dụng di động Freemium sẽ được tải miễn phí. Vậy nó kiếm tiền bằng cách nào? Người dùng chỉ có thể truy cập những chức năng cơ bản của ứng dụng, còn một số tính năng hoặc nội dung nhất định chỉ truy cập được khi thanh toán.

Khoảng 94% ứng dụng áp dụng mô hình kinh doanh này. Nếu bạn định hướng phát triển một ứng dụng có lượng người dùng nhiều nhất có thể, thì đây là chiến lược hiệu quả. Vì các ứng dụng miễn phí có lượt tải về cao hơn đáng kể, vì họ thích được trải nghiệm miễn phí trước khi phải thanh toán gì thêm.

Chìa khoá của mô hình Freemium này là mang lại cho người dùng có trải nghiệm đủ để họ cảm nhận được giá trị của ứng dụng. Điều này thuyết phục họ có thể “mở hầu bao” để truy cập những chức năng phải trả tiền.

Có thể khó khăn trong việc tạo ra trải nghiệm miễn phí của ứng dụng. Bởi vì nếu phiên bản miễn phí quá tốt, người dùng sẽ không có lý do gì để nâng cấp lên bản trả tiền. Còn nếu họ trải nghiệm không tốt, thì người dùng tin rằng không đáng chi tiền để nâng cấp lên.

Ví dụ của mô hình Freemium: Spotify

Spotify là trường hợp kinh điển của mô hình Freemium này. Trong khi đa số ứng dụng Freemium có tỷ lệ chuyển đổi trung bình 2-5%, thì Spotify đạt được mức chuyển đổi 42% người dùng miễn phí sang trả phí.

Theo 1 bài báo trên Harvard Business Review, Spotify nhận thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu. Họ tập trung vào nhiều thử nghiệm, như A/B testing liên tục để phân tích dữ liệu người dùng. Điều này tạo ra cơ sở để họ có nhiều thông tin chi tiết rất quan trọng để cải tiến sản phẩm, marketing và định hướng chiến lược kiếm tiền từ app của họ.

2. Mô hình Premium

Khi nào bạn nên nghĩ đến chuyện tính phí cho ứng dụng? Những dấu hiệu cho thấy mô hình Premium đúng thời điểm để triển khai là khi bạn đã có doanh thu trước cho mỗi lượt tải và doanh thu có xu hướng tăng.

Thông thường những app trả phí có tỷ lệ tương tác và người dùng trung thành cao hơn. Vì đơn giản là nếu người ta trả tiền cho thứ gì đó thì họ sẽ sử dụng nhiều hơn. Nhưng thực tế thì ngược lại. Chỉ 20% ứng dụng trả phí được tải xuống hơn 100 lần và chỉ 0,2% được tải xuống hơn 10.000 lần.

Để xác định xem đây có phải là mô hình kinh doanh ứng dụng phù hợp hay không, hãy xem các đối thủ cạnh tranh của bạn: Ứng dụng của bạn có vượt trội hơn hẳn so với các ứng dụng miễn phí có chức năng tương tự hay không? Tại sao người dùng tiềm năng chọn ứng dụng của bạn thay vì ứng dụng miễn phí?

Chìa khoá để đạt được thành công với mô hình này là thể hiện được giá trị của ứng dụng. Ví dụ như càng nhiều đánh giá xếp hạng năm sao càng tốt, mô tả hấp dẫn, giao diện người dùng phong phú và tính năng hoàn thiện.

Ví dụ của mô hình Premium: AdGuard Pro

Là ứng dụng chuyên nghiệp dành cho những ai muốn nghiêm túc nghĩ đến việc chặn quảng cáo và theo dõi trên mạng. Ứng dụng của AdGuard đang bán với mức giá 219.000đ trên App Store Việt Nam; hiện đang trong top 10 ứng dụng trả phí được mua nhiều nhất, top 4 ứng dụng tiện ích trên iPhone.

Là ứng dụng hàng đầu trong việc chặn quảng cáo, không khó để nó nổi tiếng trong thời kỳ rất nhiều người dùng nghĩ đến việc bảo vệ thông tin cá nhân.

3. Mô hình In-app Purchases

In-app Purchases (tạm dịch là Mua hàng trong ứng dụng) – cho phép người dùng mua nội dung, dịch vụ hoặc các tính năng đặc biệt (như app game được bỏ qua thử thách, bộ lọc ảnh hoặc combo tập luyện được cá nhân hoá) trong một ứng dụng – là nguồn doanh thu chính của ứng dụng, tạo ra 50,1 tỷ USD chỉ trong nửa đầu 2020.

Nếu bạn đang cân nhắc tích hợp In-app Purchases, hãy đảm bảo trải nghiệm mua hàng đó bổ sung thêm cho trải nghiệm người dùng, chứ không làm phiền người dùng thêm. Mỗi giao dịch phải làm tăng giá trị của trải nghiệm người dùng, chứ không chỉ đơn giản là cách bạn có thêm doanh thu.

Ngoài ra, bạn nên ghi chú trên trang App Store rằng mặc dù ứng dụng của bạn miễn phí nhưng nó bao gồm cả mua hàng trong lúc sử dụng.

Để thành công với mô hình này, bạn cần có chiến lược để khuyến khích người dùng chuyển sang mua hàng trong ứng dụng. Gửi thông báo được cá nhân hoá cho người dùng về các giao dịch mua hàng trong ứng dụng phù hợp với lịch sử duyệt web hoặc hoạt động của họ, giảm giá và cảm ơn người dùng đã mua hàng. Cuối cùng, sử dụng thông báo đẩy để tăng 16% giao dịch mua hàng trong ứng dụng.

Ví dụ của mô hình In-app Purchases: VSCO

Ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh VSCO thành công trên các app store có bản tải về miễn phí. Nó kiếm tiền từ 30 triệu người dùng hoạt động hàng tháng bằng cách cung cấp tính năng mua các gói chỉnh ảnh sẵn có trong ứng dụng (presets). Các presets này có giá từ 0,99USD đến vài USD với phong cách ảnh riêng được nhiều người ưa thích.

4. Mô hình In-app Advertising

Kiếm tiền từ quảng cáo trong ứng dụng hay kiếm tiền từ ứng dụng không có quảng cáo, lựa chọn nào tốt hơn?

Bằng cách hiểu được tâm lý tải ứng dụng không cần thanh toán gì trước, các ứng dụng có quảng cáo bên trong sẽ thu hút lượng người dùng lớn và thu thập đủ thông tin về họ. Khi đó quảng cáo được nhắm mục tiêu chính xác hơn cho nhà quảng cáo.

Đó là mảnh đất màu mỡ đang phát triển rất nhanh cho các nhà quảng cáo: Doanh thu từ quảng cáo trong ứng dụng ở Mỹ được dự đoán đạt hơn 7 tỷ USD vào cuối năm nay.

Tại sao lại như vậy? Các quảng cáo trong ứng dụng hoạt động tốt hơn 11 lần so với banner quảng cáo bình thường, tỷ lệ nhấp cao hơn 152%.

Như với bất kỳ mô hình kiếm tiền từ ứng dụng dành cho di động nào, trải nghiệm người dùng rất quan trọng khi nói đến quảng cáo trong ứng dụng. Quảng cáo trong ứng dụng không cần phải “cưỡng cầu” – khi quảng cáo được nhắm mục tiêu chính xác và cung cấp các ưu đãi phù hợp cho đúng người dùng, chúng có thể tăng thêm giá trị cho cả nhà quảng cáo và người dùng.

Ví dụ của mô hình In-app Advertising: Instagram

Khi mạng xã hội chia sẻ hình ảnh triển khai quảng cáo từ 2013, nhiều người dùng lo lắng việc dùng app sẽ bị làm phiền. Nhưng với việc nhắm mục tiêu phù hợp với người dùng, không chỉ họ đã chấp nhận việc sử dụng app có quảng cáo mà còn sẵn sàng tương tác với nó.

5. Subscriptions

Mô hình Subscriptions cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn hơn là “mua” hoặc “không mua”. Bằng cách cung cấp nhiều mức đăng ký với sự kết hợp của các tính năng và giá khác nhau, thuyết phục người dùng đăng ký ở cấp độ thấp hơn và chi trả theo từng mốc thời gian. Các gói đăng ký dài hơn sẽ có lợi ích về doanh thu đoán trước hơn cho doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp sẽ tự tin hơn vào ngân sách tiếp thị và phát triển sản phẩm của mình.

52% nhà phát triển ứng dụng đã triển khai mô hình Subscriptions nói rằng nó có tác động tốt đến hoạt động kinh doanh, tăng cả doanh thu và lượng người dùng của họ.

Việc chọn mô hình Subscriptions không chỉ tập trung vào việc chuyển đổi người dùng thành người đăng ký mà còn phải giữ cho trải nghiệm người đăng ký hiện tại không bị ảnh hưởng. Bạn nên giải thích rõ ràng lợi ích của việc nâng cấp lên gói đăng ký, cũng như liên tục cung cấp cho người đăng ký các tính năng và nội dung mới để giữ chân họ.

Ví dụ của mô hình Subscriptions: YouTube

Ứng dụng YouTube kết hợp 2 mô hình kiếm tiền hàng đầu là In-app Advertising và Subscriptions. Với phiên bản miễn phí, người dùng sẽ phải xem quảng cáo khi xem video trên nền tảng của họ. Còn khi nâng cấp lên tài khoản trả phí hằng tháng, phí dịch vụ gói cơ bản của YouTube Premium hiện có giá 12USD/tháng. Người dùng cũng có thể đăng ký gói gia đình với chi phí 18USD/tháng và cho phép bạn chia sẻ quyền truy cập với 5 thành viên khác.

Ở phiên bản trả theo subscriptions, bạn có thể xem video mà không phải xem quảng cáo, giúp các trải nghiệm được liền mạch. Ngoài ra, YouTube còn bổ sung thêm những tính năng như nghe nhạc YouTube Music, YouTube TV.

6. Tài trợ và Đối tác

Tài trợ là cộng tác với một số bên quảng cáo, họ sẽ thưởng cho người dùng khi hoàn thành nhiệm vụ nào đó trong một số ứng dụng nhất định.

Mô hình này áp dụng khi cơ sở người dùng của ứng dụng đủ lớn (hoặc đủ phân khúc sâu) để thu hút các thương hiệu trả tiền cho việc tiếp cận với khách hàng tiềm năng của họ.

Đối tác là cộng tác với một ứng dụng khác có đối tượng người dùng tương đồng với ứng dụng của bạn. Đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, giúp mỗi bên tăng lợi ích cho khách của mình và thu hút nhiều người dùng hơn.

Ví dụ của mô hình này: Nike+ và Headspace

Khi Headspace triển khai nhóm nội dung về thiền, họ đã làm việc với các nhà tâm lý học thể thao hàng đầu để xác định xem các vận động viên đạt được gì từ việc thiền.

Với hợp tác Nike + và Headspace, người dùng cải thiện được động lực, sự tập trung, hiệu suất và khả năng hồi phục, chưa kể đến việc tận hưởng quá trình tập luyện của họ nhiều hơn.

Ngoài sự huấn luyện từ các chuyên gia của Nike về nhịp độ, tốc độ và sức bền, các hướng dẫn bài chạy có lời khuyên từ các chuyên gia Headspace để cải thiện trải nghiệm chạy và giúp người dùng đạt được hiệu quả như mong đợi.

Đối với cả Nike và Headspace, sự hợp tác này giúp tăng tương tác của người dùng từ cả 2 bên.

Mô hình kiếm tiền nào phù hợp với ứng dụng của bạn?

Một số câu hỏi cần xem xét khi bạn quyết định mô hình kiếm tiền từ ứng dụng:

  • Ứng dụng của bạn có gì độc đáo?
  • Mọi người có sẵn sàng trả tiền cho nó không? Bao nhiêu là đáng?
  • Đối thủ cạnh tranh sử dụng mô hình kinh doanh ứng dụng nào và nó có phù hợp với họ không?
  • Điều gì ưu tiên đối với doanh nghiệp của bạn bây giờ: thu hút người dùng hay tăng doanh thu?

Một số ứng dụng ưu tiên việc kiếm tiền ngay từ đầu, vì thế họ lựa chọn việc thu hút người dùng chậm hơn. Những app khác tập trung vào phát triển lượng người dùng nhanh nhất có thể và sau đó mới kiếm tiền. Mục tiêu kinh doanh của bạn sẽ xác định mô hình nào là hiệu quả nhất.

Lưu ý: Bạn không hẳn chỉ được chọn chỉ một mô hình kiếm tiền mà có thể kết hợp bằng cách cung cấp một ứng dụng miễn phí có quảng cáo và phiên bản premium có trả phí nhưng không có quảng cáo.

Theo mAPP
* Nguồn: CleverTap