Xu hướng quảng bá sản phẩm âm nhạc bằng công nghệ AR phủ sóng từ Hàn Quốc đến Việt Nam

Trong thời đại mọi lĩnh vực đều có tính cạnh tranh cao và hoạt động truyền thông, quảng cáo ngày càng mạnh mẽ, giải pháp marketing sử dụng công nghệ AR ngày càng được các ngôi sao nổi tiếng ưa chuộng.

Thách thức đặt ra đối với hoạt động truyền thông, quảng cáo ngày nay là thị trường cạnh tranh khốc liệt, thông tin phủ sóng dày đặc trên các phương tiện truyền thông nên người tiêu dùng ngày càng cảnh giác hơn. Điều đó đòi hỏi người làm marketing phải không ngừng “tìm cách”.

Viễn cảnh trên cũng không ngoại trừ ngành công nghiệp giải trí với ngày càng nhiều ca sĩ, nhóm nhạc, ngôi sao nổi tiếng xuất hiện cùng những sản phẩm nghệ thuật được đầu tư chỉn chu. Để các sản phẩm âm nhạc được đông đảo công chúng đón nhận, mỗi ca sĩ, nhóm nhạc đều phải có một chiến lược truyền thông khôn ngoan và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.

Thời gian gần đây, đã có nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc cũng như Việt Nam lựa chọn AR (thực tế tăng cường) để quảng bá cho các sản phẩm âm nhạc của mình và đạt được hiệu quả đáng ngưỡng mộ.

1. AR Filter của BTS, BLACKPINK giúp tăng tương tác với người hâm mộ

Trong lần quảng bá cho album Dynamite (album sẽ được ra mắt vào tháng 10) hồi tháng 8 vừa qua, BTS đã tung ra filter “cực ngầu” trên Instagram dành cho fan hâm mộ của nhóm. Filter có chữ Dynamite - tên của album - dành cho các Army (fanclub của nhóm nhạc) chụp hình, quay video trên story.

Không chỉ nhá hàng với những bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội, các buổi livestream… việc sử dụng AR Filter đã tạo hiệu ứng lan truyền rất tốt cho sản phẩm. Các fan của BTS được dịp tận hưởng cảm giác thích thú khi tương tác với filter mang màu sắc và tên album mới của idol trong lúc đợi sản phẩm mới chính thức được phát hành. Ấn tượng nhất là với lực lượng Army đông đảo, lúc này fan sẽ trở thành những “đại sứ” quảng bá cho Dynamite trên chính Instagram cá nhân của họ. Chi phí cho lực lượng quảng bá trên là “0 đồng” nhưng mức độ phủ sóng, lan tỏa của nhóm nhạc trong lần comeback này vô cùng bùng nổ.

Bên cạnh BTS, nhóm nhạc nữ đình đám nhất hiện nay của xứ kim chi BLACKPINK cũng tung ra một AR Filter trong đợt comeback với album mang tên The Album dành cho người hâm mộ trên Instagram. Chiếc vương miện - hình ảnh đại diện của The Album - và dòng chữ BLACKPINK vô cùng xinh đẹp, ấn tượng đã giúp fan của nhóm nhạc được thỏa lòng. Filter không chỉ giúp người hâm mộ tương tác với sản phẩm mới của nhóm nhạc, lan tỏa hình ảnh album mới mà còn tạo cho fan cảm giác được khẳng định và tự hào mình là Blinks (tên fanclub của BLACKPINK) chính hiệu trên tài khoản Instagram cá nhân của họ.

2. Sân khấu diệu kỳ của BTS và Charlie Puth nhờ công nghệ AR

Tưởng như xu hướng marketing sử dụng công nghệ AR chỉ có thể xuất hiện trong online marketing, trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, TikTok, nhưng AR thực tế có thể làm cho một sự kiện offline trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Tại lễ trao giải MBC Plus x Genie Music 2018, fan hâm mộ của nhóm nhạc BTS và nam ca sĩ Charlie Puth đã được dịp mãn nhãn với một sân khấu Fake Love đẹp như mơ. Nhờ vào công nghệ AR, hình ảnh băng, tuyết trên sân khấu trở nên vô cùng chân thật, tráng lệ.

Để dàn dựng một sân khấu công phu như vậy, sự kiện thường tốn không ít công sức và tiền bạc cho đạo cụ, nhân công, các khâu chuẩn bị, lắp ráp, dàn dựng... Tuy nhiên, nhờ AR, việc dàn dựng sân khấu trở nên tối giản hơn, tập trung nhiều vào phần kỹ thuật, hình ảnh mà hiệu ứng sân khấu đạt được vẫn đảm bảo độ chân thực và thu hút.

3. MV “Yêu thì yêu không yêu thì yêu” thành công với chiến dịch Game AR

Trong lần ra mắt MV “Yêu thì yêu không yêu thì yêu”, Amee đã hợp tác cùng công ty truyền thông Bread n’ Tea cho ra đời một chiến dịch vô cùng thành công nhờ sử dụng game AR. Đây là dạng game 8 bit, được thiết kế dựa trên cốt truyện của MV về một cô nàng theo đuổi crush của mình. Trong đó, người chơi phải vượt qua các chướng ngại vật và thu thập tim để được điểm cao. Đích đến cuối cùng của nhân vật là anh chàng crush điển trai.

Game này không quá xa lạ và khó chơi cho hầu hết mọi người vì nó tương đồng với khá nhiều game vượt chướng ngại vật huyền thoại như Mario, Flappy Bird… Nhưng điều làm nên sự khác biệt của game là người chơi được trực tiếp tham gia vào game. Họ điều khiển nhân vật của mình không phải qua những cái tap vào màn hình mà bằng sự linh hoạt chuyển động khuôn mặt, cơ thể.

Tương tác thật và mới mẻ cộng với việc có điểm số cạnh tranh đã tạo sự thích thú không hề nhỏ cho người chơi. Khi Amee và fanclub của cô cùng kêu gọi mọi người tham gia, chia sẻ các story chơi game trên Instagram, trò chơi càng thu hút được nhiều người quan tâm nhờ đánh trúng được tâm lý tò mò trước những thứ mới mẻ của giới trẻ.

Đặc biệt, khi chơi game, người dùng Instagram được tiếp cận với giai điệu bắt tai từ MV. Âm nhạc cộng hưởng với phần game giúp khơi gợi trí tò mò của người dùng về MV để từ trò chơi họ sẽ tìm đến “Yêu thì yêu không yêu thì yêu” với mong muốn hiểu toàn bộ câu chuyện, lắng nghe trọn vẹn ca khúc. Sức lan tỏa của chiến dịch được thể hiện rõ ràng qua lượt hiển thị game lên tới 1,39 triệu, có 427,8k lượt mở, 159,4k lượt sử dụng từ ngày 18/7 đến 25/7 .

4. Da LAB - Miu Lê tung AR Filter hài hước quảng bá cho MV Gác lại âu lo

Khác với filter của BTS hay BLACKPINK, filter Gác lại âu lo cho phép người dùng quay video và tương tác với những nội dung thú vị liên quan đến MV. Điều làm nên thành công của chiến dịch này nằm ở 03 yếu tố:

  • Nội dung quizz thú vị: Khi người dùng bấm chơi filter, các câu quizz ngắn sẽ xuất hiện. Nội dung quizz được xây dựng dựa trên chủ đề của MV - những âu lo cuộc sống - và thể hiện sự gần gũi, đánh trúng insight giới trẻ như: “Chậm lương”, “Trễ deadline”, “Tỏ tình nhưng ‘anh/em rất tốt nhưng em rất tiếc’”... Nhờ vậy filter kích thích được nhu cầu sử dụng, khám phá của nhóm đối tượng này. Việc nắm bắt đúng tâm lý giới trẻ vô cùng quan trọng bởi họ là lực lượng fan chính của Da LAB, Miu Lê và là nhóm người chính sử dụng mạng xã hội Instagram.

  • Gợi nhớ giai điệu bài hát: Cùng với các câu quizz là sự xuất hiện của những giai điệu trong ca khúc Gác lại âu lo giúp bài hát dễ dàng in vào tâm trí người dùng.

  • Mức độ lan tỏa cao: Càng nhiều người sử dụng filter để quay story và chia sẻ trên Instagram cá nhân, càng nhiều người biết và tìm đến MV để được nghe toàn bộ ca khúc hay xem trọn vẹn câu chuyện. Nhờ vậy sức lan tỏa và độ phủ sóng của Gác lại âu lo càng tăng cao.

Giải pháp marketing sử dụng công nghệ AR trở thành một xu hướng mà các thương hiệu không thể bỏ lỡ vì mức độ lan tỏa vô cùng lớn mà AR có thể tạo ra cho các chiến dịch truyền thông.

Để tìm hiểu thêm về công nghệ AR và các chiến dịch tương tự, xem thêm tại: https://breadntea.vn/ar/