Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Các nền tảng số như Apple App Store, TikTok và Amazon đang tính phí như thế nào?

Doanh nghiệp ngày nay dễ dàng tiếp cận với lượng lớn người dùng toàn cầu thông qua các nền tảng số như App Store, TikTok và Amazon. Chúng là công cụ giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhưng cũng đi kèm với nhiều yêu cầu và các mức phí khác nhau. Nắm rõ những điều này sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn nền tảng phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của bản thân.

Ứng dụng di động là một trong những loại hình kinh doanh kỹ thuật số làm thay đổi cách mà thế giới con người vận hành. Những nền tảng như Twitch và YouTube giúp nhà sáng tạo kiếm tiền từ quảng cáo. Hay thị trường trực tuyến như Etsy và Amazon tạo không gian cho phép mọi người bán hàng trên khắp thế giới.

Mỗi nền tảng trên sẽ yêu cầu những mức phí khác nhau: Apple sẽ thu về 30% giá trị thanh toán trong ứng dụng; Twitch lấy 50% phí đăng ký thành viên và một phần doanh thu quảng cáo; eBay yêu cầu người bán phải trả phí để mua gian hàng. Nắm rõ những điều này giúp doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung lựa chọn nền tảng phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của bản thân. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê những khoản phí và yêu cầu của các nền tảng phổ biến hiện nay, được phân loại theo 4 nhóm: cửa hàng ứng dụng, đăng ký thành viên, dịch vụ đăng ký thuê bao và thị trường trực tuyến.

1. Cửa hàng ứng dụng

Cửa hàng ứng dụng là nơi có rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động và kiếm tiền. Theo PixelUnion, khoảng 80% dân số Hoa Kỳ mua sắm trực tuyến, và một nửa trong số đó thực hiện các giao dịch trên điện thoại và máy tính bảng. Vì thế, dù khách hàng đang tìm một món trang sức trên Etsy, hay mua vật phẩm cho trò chơi Candy Crush, doanh nghiệp đều cần tiếp cận họ qua ứng dụng điện thoại.

Ảnh: Internet

Apple App Store và Google Play: Mức hoa hồng tiêu chuẩn là 30% giá trị thanh toán trong ứng dụng (các sản phẩm vật lý được miễn trừ loại phí này), và sẽ giảm còn 15% sau 1 năm.

Galaxy Store: Mức hoa hồng tiêu chuẩn là 30% giá trị thanh toán trong ứng dụng, nhưng có thể thương lượng được.

Microsoft Store: Mức hoa hồng tiêu chuẩn là 30% cho mọi giao dịch liên quan đến phần mềm trò chơi, giáo dục hoặc trên những thiết bị chạy phần mềm Windows 8. Các trường hợp còn lại là 15%.

2. Nền tảng mạng xã hội

Số lượng người mua hàng trực tuyến trên Facebook và Instagram là rất lớn. Do đó, việc đảm bảo sản phẩm của thương hiệu hiện diện trên 2 kênh này là điều cần thiết.

Ảnh: Internet

Bán hàng trên Facebook/ Instagram: Mức hoa hồng là 5% trên mỗi chuyến hàng (1 đơn hàng có thể bao gồm nhiều chuyến). Đối với chuyến hàng có giá trị dưới 8USD sẽ mất phí cố định là 40 xu. Điều khoản này áp dụng cho cả Facebook lẫn Instagram, và đã bao gồm thuế, phí giao dịch. Tuy nhiên, các đơn hàng được vận chuyển trong năm 2020 sẽ được miễn mọi loại phí trên.

TikTok: Ứng dụng này đang chuẩn bị ra mắt tính năng “kệ vật phẩm”. Các nhà sáng tạo có thể hợp tác cùng Teespring, nền tảng thương mại điện tử, để thiết kế vật phẩm riêng và bán trực tiếp trên TikTok. Ví dụ một chiếc áo phông cơ bản mà Teespring cung cấp có giá 10USD, nếu nhà sáng tạo bán lại với giá 25USD thì họ có thể giữ 15USD.

3. Đăng ký thành viên

Ngày nay, nhiều nền tảng được phát triển giúp mỗi cá nhân dễ dàng kiếm tiền từ sản phẩm sáng tạo của họ.

Với Twitch, khi đạt một lượng người theo dõi và số lần phát sóng nhất định, streamer có thể kiếm tiền từ quảng cáo, cho thành viên đăng ký và kêu gọi đóng góp từ cộng đồng.

Thông thường, Twitch yêu cầu 50% phí đăng ký. Bên cạnh đó, streamer có thể nhận được 3,5USD trên mỗi 1.000 lượt xem quảng cáo trên kênh. Tài khoản càng nổi tiếng thì càng nhận được nhiều ưu đãi.

Twitch cũng cung cấp một dạng tiền ảo gọi là bits cho phép streamer kiếm tiền thông qua đóng góp (donate) từ người xem và giữ lại 29% doanh thu từ hoạt động này. Nhưng thường các streamer sẽ kêu gọi đóng góp qua các nền tảng thứ 3 có mức khấu trừ thấp hơn.

Ảnh: Internet

Hội viên YouTube: Nền tảng này trả tiền cho các nhà sáng tạo chủ yếu nhờ vào AdSense, với mức khấu trừ doanh thu quảng cáo là 45%. YouTube cũng triển khai thêm tính năng hội viên cho phép nhà sáng tạo thu phí từ người tham gia. Mức phí hàng tháng dao động từ 1-100USD tại Mỹ và YouTube sẽ giữ lại 30% doanh thu.

Hội viên Facebook: Quản trị viên có thể thu phí đối với người tham gia vào nhóm trên nền tảng này. Facebook đã không thu phí hoạt động này từ năm 2018, và họ cũng không làm rõ liệu có duy trì tình thế này hay không. Bởi nếu người dùng đăng ký hội viên qua ứng dụng điện thoại, thì Apple hoặc Google sẽ lấy 30% phí.

Bên cạnh đó, Facebook cũng cung cấp dịch vụ đăng ký/ hội viên cho phép người dùng hỗ trợ các nhà sáng tạo. Thông thường, Facebook giữ lại 30% doanh thu hàng tháng. Nhưng từ tháng 8/2020 – 8/2021, họ sẽ không thu phí các giao dịch được thực hiện trên webiste.

4. Thị trường trực tuyến

Nền tảng thương mại điện tử

Trọng tâm của mua sắm trực tuyến là trao đổi hàng hoá trên các thị trường ảo như Amazon hoặc eBay. Những doanh nghiệp lớn có thể tự xây dựng nền tảng riêng, tuy nhiên việc này là rất tốn kém và phức tạp.

Amazon: Ban đầu, doanh nghiệp được lựa chọn giữa gói bán hàng chuyên nghiệp (39,99USD/tháng) hoặc gói cá nhân (không tốn phí cố định, nhưng phải trả 1USD cho mỗi đơn hàng).

Nhưng sau đó, Amazon lấy chiết khấu trên mỗi giao dịch, bao gồm cả phí giao vận. Mức chiết khấu dao động từ 8-20% tuỳ mặt hàng. Ngoài ra, các sản phẩm thuộc hạng mục media (như sách, DVD, phụ kiện game…) phải đóng thêm khoản phí 1,8USD.

Etsy: Ban đầu, doanh nghiệp cần trả 20 xu để bày bán sản phẩm trên nền tảng. Sau đó, Etsy sẽ thu 5% phí giao dịch cùng 3-4% phí thanh toán trên mỗi sản phẩm được bán.

eBay: Người bán cũng cần trả một khoản phí nhỏ để bày bán sản phẩm trên nền tảng. Với mỗi sản phẩm bán ra, eBay giữ lại 10-12% giá trị. Tuỳ thuộc vào loại sản phẩm sẽ được áp các mức phí khác nhau. Ngoài ra, họ cũng cung cấp tính năng cửa hàng cao cấp miễn trừ mọi loại phí.

Nền tảng Game

Dù là nhà phát triển độc lập hay các studio chuyên nghiệp, chỉ cần tựa game được phân phối trên Steam hay PlayStation đều mang đến những cơ hội vô cùng lớn. Những nền tảng này là thị trường kinh doanh màu mỡ, do đó các mức phí ngày càng tăng cao.

Steam: Khi doanh số dưới 10 triệu USD, mức chiết khấu là 30%; từ 10-50 triệu USD còn 25%; và nếu doanh số trên 50 triệu USD, mức phí chỉ còn 20%.

Epic: Mức chiết khấu là 12%.

PlayStation: Dù không được công bố, mức chiết khấu được cho là 30% trên mỗi tựa game được bán ra.

Xbox: Microsoft giữ lại 30% trên mọi tựa game và giao dịch được thực hiện trong game.

Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: The Verge