Giải pháp giúp các ngân hàng Việt Nam số hoá nhanh

Ngân hàng VietinBank kết hợp với Wee Digital thí điểm triển khai thành công hệ thống “Smart Digital Branch - Chi nhánh số hoá thông minh (SDB)” tại 2 chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Đây được xem là bước đi đột phá mới trong việc áp dụng công nghệ sinh trắc học sâu vào hoạt động kinh doanh ngân hàng

Nhiều cơ hội tiềm năng

Theo báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) còn rất nhiều cơ hội cho việc phát triển các giải pháp cho mô hình ngân hàng số (digital banking) tại Việt Nam vì có khoảng 72% dân số đang sở hữu smartphone.

Số thuê bao đăng ký SIM cho các thiết bị di động (bao gồm điện thoại, smartphone, thiết bị GPS…) đã đạt mức khoảng 130 triệu thuê bao, trong đó có khoảng 51 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ internet di động thông qua kết nối dữ liệu 3G/4G phủ sóng toàn quốc.

Mặt khác, số lượng người sử dụng internet tại Việt Nam cũng đã đạt mức 64 triệu người, tương ứng 67% dân số. Lĩnh vực thương mại điện tử cũng có mức tăng trưởng rất cao, ước tính 30% mỗi năm.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật để triển khai ngân hàng số tại Việt Nam cũng không ngừng được đầu tư và phát triển. Cụ thể, các ngân hàng đã có khoảng 18 ngàn máy ATM liên tục được cải tiến và cập nhật mới, 270 ngàn máy POS; 78 ngân hàng đã triển khai dịch vụ internet banking, 47 ngân hàng triển khai Mobile banking và dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 50 ngàn điểm chấp nhận thanh toán QRcode.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng truyền thống và nổi bật tại Việt Nam đều có chiến lược số hoá và định hướng phát triển ngân hàng số. Tuy nhiên mỗi ngân hàng lại có cách triển khai nhau.

Nhiều ngân hàng xây dựng kho dữ liệu (Data Warehouse), ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, kết hợp A.I (trí tuệ nhân tạo) và Big data (dữ liệu lớn) trong việc đánh giá, phân loại khách hàng và ra quyết định giải ngân cho vay cũng như phân tích, dự báo thị trường.

Tuy nhiên, đa số các ngân hàng chỉ mới triển khai mô hình ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, chỉ có một số ít ngân hàng chuyển đổi số hóa ở nền tảng dữ liệu.

Khởi nguồn từ nhân dạng số

Trong tình hình đó, công ty Wee Digital, một công ty khởi nghiệp được thành lập với mục tiêu là phát triển nền tảng Nhân dạng số (Digital Identity) nhằm cung cấp cho mọi ngành trong xã hội, và ngân hàng là một trong những ngành cần thiết sử dụng nền tảng này để định danh khách hàng - Know Your Customer – KYC.

Christian Nguyễn, sáng lập Wee Digital nhận định: “Nhân dạng số sẽ là xu thế lâu dài của thế giới. Tôi tin rằng trong 10-15 năm tới, tất cả mọi mặt trong đời sống của chúng ta sẽ được quản lý và vận hành bởi Nhân dạng số.”

Theo đó, định danh khách hàng (KYC) là việc tất cả các ngành đều phải áp dụng, đặc biệt là ngành ngân hàng vì liên quan đến tiền bạc, cần an ninh bảo mật, chống giả mạo, lừa đảo hơn các ngành khác.

Tại Việt Nam, từ trước đến nay, KYC áp dụng một cách thủ công, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ phải gặp trực tiếp khách hàng để thu thập thông tin về khách hàng và thường là thông tin không đầy đủ, thiếu nhiều dữ liệu xác thực hoặc không khớp giữa hình ảnh, số nhà hoặc viết sai một ký tự trong tên..

Trong tương lai thì các quốc gia phải thay đổi từ KYC sang eKYC (định danh khách hàng điện tử) có sử dụng các thông tin sinh trắc học của mỗi người như khuôn mặt, vân tay, mống mắt… Với eKYC, để thu thập thông tin từ khách hàng, doanh nghiệp không cần gặp trực tiếp khách hàng nữa, mà thông qua một hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ xử lý.

Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc hay cơ sở dữ liệu quốc gia toàn diện về công dân và thực hiện KYC, eKYC đang bị phân mảnh.

Mỗi cơ quan, bộ ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức nào cũng muốn tự mình xây dựng riêng một dữ liệu xác thực riêng. Trong tương lai thì cần phải thống nhất eKYC thành một hệ thống thực sự tin tưởng, cho cả xã hội Việt Nam sử dụng. Đây là một dự án mang tầm vóc quốc gia, như một số nước Ấn Độ, Slovakia, Philippines, Nepal…đang áp dụng.

Do vậy Wee Digital có sứ mệnh trở thành “cầu nối” giúp triển khai eKYC nhanh nhất thông qua việc việc áp dụng nhân dạng số, nhận diện xác thực qua khuôn mặt, vân tay… giúp cho các ngân hàng nhanh chóng thu thập được dữ liệu của khách hàng một cách toàn diện và đủ xác thực để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng.

Giảm được 60% thời gian giao dịch

Ngân hàng VietinBank kết hợp với Wee Digital thí điểm triển khai thành công hệ thống “Smart Digital Branch - Chi nhánh số hoá thông minh (SDB)” tại 2 chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là bước đi đột phá trong việc áp dụng công nghệ sinh trắc học sâu vào hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Hệ thống SDB ứng dụng công nghệ sinh trắc học sâu từ Wee Digital được triển khai sẽ gồm 2 thiết bị, một đặt ở sãnh chính và một đặt quầy giao dịch.

Thiết bị đầu tiên là kiosk tích hợp công nghệ đặt tại sảnh giao dịch ngân hàng. Trên kiosk, khách hàng có thể trực tiếp thực hiện giao dịch chuyển khoản với hạn mức dưới 300 triệu đồng; đăng ký lấy số xếp hàng nếu muốn thực hiện giao dịch hay tư vấn tại quầy; điền trước các thông tin vào mẫu giấy tờ trên màn hình cảm ứng theo dịch vụ cần giao dịch tại quầy, để khi vào quầy không cần mất thời gian dùng bút viết tay điền thông tin vào giấy nữa.

Sau khi thực hiện xong quy trình nhận dạng, lựa chọn dịch vụ và điền thông tin trên kiosk, khách hàng được gọi tên vào quầy làm việc với giao dịch viên. Tại quầy, giao dịch viên sẽ đề nghị khách hàng xác thực danh tính, thông tin sinh trắc học (khuôn mặt + vân tay) một lần nữa với thiết bị thứ hai là Face BAT (Biometric Acquisition Terminal) đặt tại quầy, ngay trước mặt khách. Tiếp đó, giao dịch viên xác thực lại với khách hàng các thông tin dịch vụ khách hàng muốn thực hiện mà khách đã điền trên kiosk, in mẫu giấy tờ truyền thống và cho khách hàng ký vào xác nhận để lưu trữ thông tin.

Toàn bộ quy trình này giúp hai bên lược bỏ qua các bước xác thực tại quầy trước đây như: cung cấp các giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, CMND, đọc số tài khoản, loại bỏ được nguy cơ giả mạo CMND. Cùng lúc xác thực khuôn mặt và vân tay khách hàng tại thiết bị Face BAT, không thể nhầm lẫn khách hàng được với ai khác.

Việc này rất có ý nghĩa khi khách hàng rút tiền, giao dịch viên không buộc khách hàng phải ký đi ký lại cho thật giống với chữ ký mẫu nữa. Thực tế hiện nay, ở quy trình giao dịch cũ, có lúc khách hàng phải ký giấy đến 4-5 lần mới có chữ ký “tương đối” giống chữ ký mẫu. Mỗi lần ký giấy lại, phải điền lại toàn bộ thông tin trên giấy, rất mất thời gian của hai bên, làm khách hàng mất kiên nhẫn, bực bội. Theo khảo sát sơ bộ tại Chi nhánh 6 VietinBank TP.HCM, áp dụng SDB giúp rút ngắn 60% thời gian giao dịch so với quy trình cũ.

R&D: Không đơn giản muốn là có được

Để hiểu rõ thêm về quá trình vận hành và sự khác biệt của công nghệ mà Wee Digitial cung cấp cho ngân hàng Vietinbank, chúng tôi đã có trao đổi thân tình với ông Christian Nguyễn, sáng lập Wee Digital.

Q: Công nghệ sinh trắc học sâu mà Wee Digital áp dụng có giống như công nghệ nhận dạng vân tay, khuôn mặt trên các điện thoại thông minh hay không?

A: Hai thiết bị đang triển khai tại Vietinbank được nghiên cứu và phát triển bởi công ty Wee Digital dựa trên nền tảng công nghệ sinh trắc học sâu, một bước phát triển kế tiếp trong công nghệ nhân dạng số.

Còn công nghệ sinh trắc học của các điện thoại thông minh như Apple, Samsung chỉ được chạy lập trình đúng trên điện thoại của họ, do bên trong trong điện thoại có bộ xử lý nhận dạng bằng vân tay và khuôn mặt. Đó không phải sinh trắc học sâu.

Chẳng hạn, theo Apple, số lượng người đăng ký khuôn mặt trên iPhone chỉ tối đa là 2 người. Nhận dạng khuôn mặt của iPhone xác thực định danh “bạn có phải là chủ máy này không?”, tức là xác thực tỉ lệ 1:1.

Còn sinh trắc học sâu mà Wee Digital đang áp dụng được vận hành trên hệ thống máy chủ điện toán đám mây, có khả năng xử lý hàng triệu phép tính mỗi giây nên nó sẽ xác thực “bạn là ai trong số hàng triệu người?”, tức là xác thực tỉ lệ 1:n.

Như vậy, thuật toán và kiến trúc hệ thống của chúng tôi có năng lực rất lớn, có thể xử lý hàng chục triệu khuôn mặt cùng một thời điểm. Hiện công ty vẫn đang áp dụng phân tích dữ liệu 1 triệu khuôn mặt trong 200 milliseconds = 0,2 giây. Nghĩa là một người đứng trước camera hệ thống nhận dạng thì chưa đến 0,5 giây hệ thống đã xác định bạn là nhân viên của tập đoàn hay là người lạ mặt.

Q: Nếu so với những công nghệ trước đây thì thiết bị của Wee Digital có những điểm gì khác biệt gì nữa?

A: Để đạt được hiệu quả cao về mặt bảo mật, một công ty phát triển công nghệ sinh trắc học sâu phải thống nhất kết nối hai yếu tố: phần cứng và phần mềm. Chỉ có một yếu tố riêng lẻ thì không thể đạt được độ an toàn cao.

Chẳng hạn, trước đây các điện thoại chạy Android sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt của bên thứ ba phát triển để mở khóa máy, và kết quả chứng minh là chập chờn, thiếu hiệu quả. Sau này, Apple xây dựng phần mềm nhận dạng khuôn mặt riêng của họ, tích hợp vào iPhone của họ, hiệu quả tăng lên hẳn. Các dòng điện thoại khác như Samsung thế hệ mới cũng đi theo hướng đó, kết hợp xử lý giữa phần cứng (camera, cảm biến, bộ xử lý…) và phần mềm (thuật toán nhận dạng) nên đạt hiệu quả nhận dạng cũng không thua kém gì.

Như vậy Wee Digital đi theo hướng như của Apple, cung cấp phần cứng đi kèm với phần mềm, để hai yếu tố đó được tối ưu hóa với nhau. Mặt khác, điều này khuyến khích các khách hàng là doanh nghiệp, ngân hàng đến với chúng tôi hơn. Họ còn nhiều nghiệp vụ khác phải xử lý, không thể mua phần mềm của bạn rồi lập ra một bộ phận nghiên cứu, phát triển, xây dựng phần cứng để thích hợp với phần mềm của bạn. Bạn phải cung cấp thiết bị có đầy đủ từ A đến Z cho họ.

Tuy nhiên, sản xuất phần cứng không hề đơn giản với chúng tôi. Wee Digital vốn là công ty công nghệ, mà khâu thiết kế, xây dựng phần cứng lại thuộc về ngành Thiết kế công nghiệp (Industrial Design), hoàn toàn khác biệt. Nhưng vì sản phẩm của mình phải có sự kết hợp của phần cứng và phần mềm nên không thể bỏ qua quá trình này được.

Wee Digital quyết định thành lập một nhóm chuyên lên ý tưởng về kiểu dáng, đưa các phần cứng mà thiết bị cần có nhu cầu sử dụng như bo mạch, bộ xử lý, bộ nhớ, camera, cảm biến, quạt tản nhiệt, loa, khung sườn… vào để dựng mẫu (prototype) thiết bị.

Sau đó, chúng tôi làm việc với các công ty chuyên về Industrial Design để trau chuốt mẫu đó, làm sao để thiết bị đáp ứng được mọi mặt về kiểu dáng, về tuổi thọ, về khả năng chống bụi, chống nổ, chống rung, chống ăn mòn, thoát nhiệt… Toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mất khoảng 1 năm.

Q: Về thiết kế của thiết bị nhận dạng có vẻ chưa đạt lắm, hơi giống kiểu “3 trong 1” bao gồm máy tính bảng + camera + vân tay và được gắn trên bệ đỡ, ông đánh giá sao về điều này?

A: Wee Digital xác định không làm những sản phẩm đẹp, tinh tế, mượt mà cho người tiêu dùng mua trực tiếp. Mà Wee Digital cung cấp hệ thống và thiết bị theo dạng B2B cho các ngành nghề. Các yếu tố dành cho ngành công nghiệp khác với các yếu tố dành cho thị trường tiêu dùng bán lẻ.

Người tiêu dùng có thể ưu tiên về màu sắc, kiểu dáng, giao diện thân thiện của sản phẩm. Còn về ngành công nghiệp, họ có các ưu tiên cao hơn về giá thành, tính năng, tuổi thọ.

Sáng tạo là điều không hề thiếu ở Wee Digital, việc sáng tạo ra các sản phẩm đẹp, tuyệt vời đều nằm trong tầm tay của chúng tôi nhưng sáng tạo phải gắn liền với sản xuất thực tế.

Sáng tạo hay mà giá thành cao cũng không được, chủ đầu tư khó chấp nhận. Sáng tạo hay mà các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo ở Việt Nam mình chưa đủ kỹ thuật sản xuất cũng không được. Chẳng hạn, mình muốn sản phẩm của mình có gờ cong mà họ làm không đạt thì mình phải thay đổi thiết kế.

Nhìn chung về mặt kiểu dáng, yếu tố thẩm mỹ đương nhiên được coi trọng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố khác tác động như không gian đặt thiết bị chẳng hạn. Thiết bị lớn quá sẽ làm ảnh hưởng đến các nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng tại quầy giao dịch. Thiết bị nhỏ quá lại không tốt cho sự trải nghiệm của khách hàng.

Không có gì là hoàn hảo cả, chúng tôi phải tìm cách cân bằng giữa những cái lợi của ngân hàng và những cái lợi của khách hàng khi thiết kế sản phẩm. Tuy nhiên, Wee Digital luôn lắng nghe ý kiến từ cả hai phía, nâng cấp các thiết bị của mình ở những phiên bản tiếp theo để mang lại sản phẩm tốt nhất có thể cho thị trường.

Phiên bản đang sử dụng tại chi nhánh của Vietinbank là mẫu máy thế hệ đầu tiên. Trong tương lai, tùy theo yêu cầu của Vietinbank hay khách hàng khác, chúng tôi sẽ tổng hợp phản hồi trải nghiệm từ người tiêu dùng để ra thiết kế mới chất lượng hơn. Dự kiến sẽ có thêm một đối tác ngân hàng khác sẽ hợp tác với chúng tôi và họ sẽ đặt hàng khoảng vài trăm máy cho các chi nhánh của họ.

Q: Như vậy Wee Digital đã có thể đủ sức triển khai các giải pháp Live Bank chưa?

A: Wee Digital đang có một giải pháp toàn diện về LiveBank cho thị trường, đáp ứng được các yêu cầu của các ngân hàng. Giải pháp LiveBank của Wee Digital sẽ có điểm mạnh là được xây dựng ngay trên thế mạnh công nghệ lõi của mình là sinh trắc học sâu.

Hiện tại, tất cả các giải pháp LiveBank mà các ngân hàng Việt Nam tung ra đều được mua từ nước ngoài, chi phí đầu tư cao, thời gian chờ đợi để triển khai dự án dài. Trong khi đó Wee Digital đã khắc phục được các yếu tố nêu trên. Chúng tôi đưa ra mức chi phí đầu tư mang tính đột phá cho hệ thống LiveBank, chỉ bằng 1/5 giá so với nhập từ nước ngoài về.

Đây có thể là niềm tự hào của người Việt Nam vì chúng ta đang sở hữu một thiết bị hoàn thiện cả phần cứng và phần mềm theo đúng tinh thần Make in Việt Nam mà chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng.

Cảm ơn ông!

Nguồn: VNBA, Wee Digital