Trần Anh cho các PG mặc bikini: Lý trí hay phi lý trí

Cách đây một thời gian, dư luận đổ dồn sự chú ý vào siêu thị điện máy Trần Anh khi siêu thị này cho các cô gái mặc bikini dắt xe cho khách vào siêu thị và đứng bán hàng. Tuy nhiên, có vẻ như đối với Trần Anh, canh bạc này khá mạo hiểm và không đạt được hiệu quả như những nhãn hàng sử dụng yếu tố sex appeal khác, mà gần đây nhất là VietJetAir. Để hiểu rõ hơn về “chiêu” này của Trần Anh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu dưới quan điểm lý trí hay phi lý trí.

1. Xét trên quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường.

Xét ở cả hai tiêu chuẩn, thương hiệu Trần Anh đều thất bại.

Về quy chuẩn xã hội, Việt Nam vốn là một nước Á Đông nên không có cái nhìn “quá cởi mở” với những gì liên quan đến sex, bởi vậy, đối với đại đa số khách hàng, Trần Anh đã bị mất điểm.

Về quy chuẩn thị trường, sự trao đổi là rất sắc bén: lương, giá cả, tiền lãi và chi phí – lợi ích. Trong trường hợp này, các PG mặc bikini tiếp thị để được nhận tiền, còn mục đích của Trần Anh là tăng doanh thu và thương hiệu.

Không giống như các thương hiệu lớn như Victoria's Secret… hay VietJetAir vốn định vị thương hiệu là sự tươi mới, trẻ trung, khỏe khoắn, một thương hiệu điện máy như Trần Anh đã có tên tuổi, không nên đi theo concept này; thậm chí, định vị bằng yếu tố sexy của Trần Anh còn tạo hiệu ứng ngược lại. Hơn nữa, những chân dài của Trần Anh không hề đẹp, không thể hiện được sự đồng nhất của thương hiệu. Ngược lại, các PG trông rất rối mắt, “xôi thịt” đến mức phản cảm.

2. Để ngỏ các lựa chọn.

Trần Anh đã dứt khoát đóng lại những lựa chọn an toàn để chọn lựa yếu tố sexy, chắc hẳn là, sau khi đã phân tích và cân nhắc các “chi phí cơ hội”. Và, đứng trước cánh cửa để ngỏ, đúng như mong muốn, Trần Anh đã thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận. Để mọi người bàn tán về chính bản thân mình theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, sau khi đem ra lời giải thích không liên quan “PG mặc Bikini để quay clip giáo dục giới tính”.

Trần Anh cứ việc “để ngỏ”, để thu hút sự lựa chọn của một bộ phận khách hàng đến, có thể chỉ vì tò mò hay muốn mua hàng thực sự; cũng như sự “cấm cửa” của các bà vợ đối với những đấng ông chồng của mình.

3. Sự kì vọng trong việc ứng dụng thuật tâm lí trong marketing.

Hãy chủ động đóng cảnh cửa này lại, xin lỗi khách hàng và mở ra các cánh cửa khác bằng những chương trình ưu đãi hấp dẫn hơn, không chỉ đối với các khách hàng nam giới mà còn cả nữ giới – những người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình.

Nghiên cứu khách hàng giúp các nhà quản trị xác định xem chương trình quảng cáo nào, khuyến mãi nào có thể thu hút, thuyết phục người tiêu dùng và biết được nên chọn phương tiện truyền thông nào để đến được thị trường mục tiêu.

Phải chăng chính Trần Anh cảm nhận theo những gì họ kỳ vọng khi sử dụng yếu tố sex appeal. Họ muốn đánh vào sự chú ý của khách hàng, sự hứng thú làm nảy sinh khát vọng hành động, làm tăng hiệu quả của sự nhận thức. Chắc hẳn Trần Anh kỳ vọng thương hiệu sẽ được biết đến nhiều hơn, thương hiệu tạo ấn tượng cho báo chí và tăng doanh thu. Nếu vậy thì quả thật Trần Anh đã thu hút được sự chú ý của dư luận, nhưng thật đáng tiếc khi nhìn vào, khách hàng và truyền thông không hiểu Trần Anh định truyền tải điều gì, định vị thương hiệu không có sự nhất quán và bài bản. Bởi vậy, có thể nói, con đường mà Trần Anh đã chọn lại đẩy lùi thương hiệu.

Vậy bây giờ điều Trần Anh cần làm là gì? Hãy chủ động đóng cảnh cửa này lại, xin lỗi khách hàng và mở ra các cánh cửa khác bằng những chương trình ưu đãi hấp dẫn hơn, không chỉ đối với các khách hàng nam giới mà còn cả nữ giới – những người giữ tay hòm chìa khóa trong gia đình.

Hơn thế nữa, âu đây cũng là bài học cho các thương hiệu khác khi muốn sử dụng hình thức sex appeal để tiếp thị.