Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Cannes Lions ra mắt hạng mục mới: Creative Business Transformation Lions

Hằng năm tại Liên hoan Sáng tạo Cannes Lions, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo mỗi hạng mục cần đưa ra tiêu chí đánh giá cho các tác phẩm dự thi. Thông thường bản chỉ dẫn này chỉ dành riêng cho nội bộ ban giám khảo và hiếm khi được công bố.

Trong phiên thảo luận tại Lions Live 2020, ông Ronald Ng, Giám đốc Sáng tạo toàn cầu Isobar và đồng thời là Chủ tịch hội đồng giám khảo hạng mục Creative Business Transformation Lions, đã chia sẻ lí do ra đời và tiêu chí đánh giá của hạng mục mới này.

Lý do phát triển hạng mục mới

Ông Ronald nhận định: “Đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi. Sự phổ biến của công nghệ và thương mại điện tử buộc họ thay đổi nhanh hơn”. Nhìn chung, các doanh nghiệp đang tái cấu trúc vận hành, thậm chí cả mô hình kinh doanh một cách toàn diện và đột phá để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn.

Ông Ronald chia sẻ: “Hạng mục Creative Business Transformation Lions nhằm vinh danh những hình mẫu truyền cảm hứng trong quá trình chuyển đổi, đồng thời mang đến nhiều bài học cho các doanh nghiệp khác”.

Ông Ronald Ng, Giám đốc Sáng tạo toàn cầu Isobar

Tiêu chí đánh giá tác phẩm dự thi

Ông Ronald làm rõ tiêu chí đánh giá là “Tôi muốn hội đồng giám khảo đặt ra câu hỏi Liệu hoạt động này có thể thay đổi hiện trạng của doanh nghiệp”. Hơn nữa, các tác phẩm dự thi cần chứng minh giải pháp đó tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty và cả ngành.

Ông Ronald nói thêm: “Sự sáng tạo chúng tôi tìm kiếm lớn hơn sự sáng tạo thường thấy trong truyền thông. Hạng mục Creative Business Transformation Lions tôn vinh những chiến dịch sáng tạo giúp tạo ra giá trị, lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy doanh nghiệp tiến về phía trước. Nhất là sự sáng tạo đó cần thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn”.

Các chiến dịch tiêu biểu

Ông Ronald đã chỉ ra hai chiến dịch trong những năm trước có khả năng thắng hạng mục này: ‘KFC Christmas Pocket Store’ và ‘Today at Apple’.

1. Chiến dịch "KFC Christmas Pocket Store"

Chiến dịch "KFC Christmas Pocket Store" ra đời trong bối cảnh KFC gặp khó khăn trong quá trình mở rộng tại thị trường Trung Quốc. Theo thống kê, KFC sở hữu gần 6.000 cửa hàng, nhưng với dân số khoảng 1,4 tỷ người, trung bình mỗi cửa hàng KFC phục vụ đến 240.000 người. Làm cách nào KFC có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn, trong khi chi phí thuê mặt bằng tại các thành phố lớn vô cùng đắt đỏ.

Tận dụng thời điểm giáng sinh, KFC đã triển khai chiến dịch "KFC Christmas Pocket Store" trên WeChat giúp tích hợp cửa hàng truyền thống vào nền tảng mạng xã hội. Người dùng có thể trải nghiệm việc thiết kế và vận hành một cửa hàng KFC ảo với đầy đủ các tính năng thương mại (như đặt hàng, giảm giá…) và có thể đặt thức ăn từ cửa hàng của bạn bè. Việc này giúp khách hàng trở thành những người đồng sở hữu thương hiệu.

Đây được xem là chương trình thành công nhất của KFC với 2 triệu cửa hàng ảo được mở và 2,6 triệu người dùng thường xuyên, giúp KFC đạt 900% so với mục tiêu doanh thu ban đầu. Ông Ronald nhận định: “Ngày nay, KFC tự định nghĩa họ là một công ty công nghệ dưới danh nghĩa một công ty kinh doanh gà rán”.

2. Chiến dịch "Today at Apple"

Nhiều doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người tiêu dùng đến cửa hàng. Tuy nhiên, năm 2017, chương trình "Today at Apple" được triển khai để chuyển đổi và tái định nghĩa 495 cửa hàng Apple trên toàn cầu trở thành các "Không gian giáo dục" (Educational center). Những phiên thảo luận và buổi học thuộc nhiều lĩnh vực từ nhiếp ảnh, viết code, thiết kế… được tổ chức miễn phí và thường xuyên tại Apple Stores.

Hoạt động này đã chuyển đổi các cửa hàng bán thiết bị điện tử thành không gian cộng đồng nơi mọi người có thể đến để học hỏi, kết nối và được truyền cảm hứng. Apple đã cho người dùng một mục đích thiết thực để đến và trải nghiệm các sản phẩm của họ.

Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: Lion Lives