Marketer Thủy Trà
Thủy Trà

Freelancer Content/Blogger

Food Content Writer khởi nghiệp như thế nào?

Monica Bhide – nhà văn ẩm thực, tác giả của cuốn sách nấu ăn Modern Spice nổi tiếng là một minh chứng rõ ràng nhất về việc trở thành một Food Content Writer chỉ từ 1% cảm hứng còn 99% là mồ hôi và công sức.

Nếu bạn muốn thành công trong lĩnh vực này, hãy bước ra khỏi chỗ ngồi và đi ra thế giới để học cách ngửi, nếm, nghechạm. Chạm vào một quả cam xem vỏ của nó sần như thế nào, ngửi mùi hạt dổi xem có gì khác biệt, lắng nghe những người dân bản địa nói chuyện ra sao…

Dưới đây là một số gợi ý cho bạn để bắt đầu trở thành một Food Content Writer.

1. Trở thành blogger ẩm thực

Chỉ cần có một trang blog hoặc fanpage cùng với tinh thần ăn uống bất diệt, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu để trở thành một blogger ẩm thực. Nhưng để có thể phát triển công việc này thành nghề nghiệp và kiếm được thu nhập tốt với nó, bạn cần có sự đầu tư nghiêm túc, kiên trì và chăm chỉ.

Công việc của blogger ẩm thực thông thường cần làm như sau:

  • Tìm tòi, thử nghiệm các thành phần khác nhau cho ra một công thức nấu ăn hoàn chỉnh và chia sẻ trên trang web, mạng xã hội
  • Trải nghiệm ẩm thực ở một miền đất mới, ở nhà hàng hoặc quán ăn địa phương sau đó viết bài dạng câu chuyện, review… chia sẻ trên trang web, mạng xã hội
  • Chụp hình món ăn, quay video hoặc dựng video
  • Chăm sóc các bài viết của mình bằng cách tương tác, trả lời các câu hỏi tương tác với người đọc
  • Tìm hiểu nhu cầu, mối quan tâm của người đọc về lĩnh vực, chủ đề mà mình đang hướng đến để có được các bài viết có giá trị đối với độc giả

Một số gợi ý để bắt đầu trang blog của bạn

1.1. Chọn chủ đề cốt lõi

Đó có thể là blog về ẩm thực Ý, Việt Nam hoặc Ấn Độ/ blog công thức nấu ăn/ blog review món ăn/ blog healthy eating… Hãy suy nghĩ về đối tượng mục tiêu và phong cách blog của bạn để xây dựng một nội dung cốt lõi. Lợi ích của việc này là giúp bạn tập trung hơn và xây dựng được một lượng độc giả trung thành.

1.2. Mua tên miền và tạo cá tính cho blog

Dựa trên chủ đề chính hãy tạo tên miền cho blog của bạn. Sau đó, tạo cho nó một cá tính độc đáo với thiết kế trang web thú vị cũng như cá tính bài viết riêng để thu hút người đọc. Một giao diện với thiết kế sạch sẽ, dễ nhìn, tiện ích sẽ khiến độc giả của bạn thích thú hơn đấy.

1.3. Duy trì việc phát triển nội dung đều đặn

Đừng để blog của bạn phủ bụi trong thời gian dài mà không được “dọn dẹp”. Cho dù đó là mỗi ngày, mỗi tuần một lần, đừng để blog của bạn bị bỏ rơi. Hãy tạo ra nội dung thường xuyên để duy trì lượng khách truy cập đều đặn và đảm bảo thứ hạng của Google. Nếu bạn có thể viết một bài blog mỗi ngày, bạn có thể trở nên thành công chỉ sau vài tháng.

1.4. Sử dụng hình ảnh lôi cuốn

Sử dụng hình ảnh thực phẩm sống động, màu sắc tươi ngon, trình bày hấp dẫn là yếu tố rất quan trọng để giữ khiến độc giả quan tâm hơn đến blog. Hãy sử dụng hình ảnh minh hoạ sắc nét, nếu bạn có thể chụp hình ảnh thực tế thì thật tuyệt, tuy nhiên hãy học một số tips chụp ảnh cơ bản để chụp tối ưu nhất.

1.5. Kết nối với độc giả và các blogger khác

Trả lời các bình luận và câu hỏi của độc giả càng nhanh càng tốt giúp bạn duy trì kết nối với độc giả. Song song với đó hãy kết nối với các blogger khác bằng cách bình luận hoặc chia sẻ để mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm độc giả mới.

1.6. Hãy kiên trì

Không có thành công nào là dễ dàng vậy nên đừng buồn bã vội khi blog của bạn chưa đạt được hiệu quả sau 1-2 tháng hoạt động. Với sự nỗ lực, kiên trì và làm việc thông minh, bạn chắc chắn sẽ thấy sự khác biệt sau 6 tháng.

20 gợi ý để bắt đầu ý tưởng viết blog ẩm thực của bạn

  • Chương trình nấu ăn/ game show yêu thích của bạn là gì? Điều gì thu hút bạn đến chương trình đó?
  • Nếu bạn có thể ăn bữa tối ở bất cứ đâu trên thế giới, nó sẽ ở đâu?
  • Viết xuống 10 từ liên quan đến ẩm thực mà bạn cảm thấy yêu thích, sau đó đặt câu cho mỗi từ; biến mỗi câu thành một ý tưởng cho bài viết
  • Công cụ/ thiết bị/ tiện ích quan trọng nhất trong nhà bếp của bạn là gì?
  • Xu hướng thực phẩm nào khiến bạn yêu thích?
  • Xu hướng thực phẩm nào khiến bạn ghét?
  • Một loại thực phẩm mà bạn không thể ăn được
  • Bữa ăn đáng nhớ nhất của bạn là gì?
  • Món ăn đầu tiên bạn tự nấu là gì? Nó có ngon không?
  • Viết về món ăn yêu thích nhất của bạn
  • Nếu bạn chỉ có thể giữ một cuốn sách nấu ăn, thì đó là quyển nào?
  • Lần đầu tiên bạn làm bánh cảm giác như thế nào? Thành quả ra sao?
  • Địa phương bạn có món ăn đặc sản nào không?
  • Review cuốn sách nấu ăn bạn thấy tâm đắc
  • Món ăn tuổi thơ nào bạn nhớ nhất?
  • Những tai nạn bạn thường gặp khi vào bếp
  • Món ăn của mẹ khiến bạn nhớ nhất
  • Bạn thích uống trà, cà phê hay nước hoa quả? Vì sao?
  • Theo bạn loại thực phẩm ai cũng phải có trong bếp là gì?
  • Bữa sáng hôm nay của bạn có gì?

Chỉ cần có một trang blog hoặc fanpage cùng với tinh thần ăn uống bất diệt, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu để trở thành một blogger ẩm thực

Làm sao để quảng bá blog của bạn?

Đây chắc chắn là vấn đề mà bất cứ blogger nào cũng quan tâm bởi không phải ai cũng có một nguồn ngân sách lớn dành cho việc quảng cáo. Bên cạnh việc tối ưu nội dung và hình ảnh, những cách dưới đây sẽ giúp bạn quảng bá blog tốt hơn.

  • Tối ưu hoá SEO blog của bạn để xếp hạng Google
  • Xây dựng “kho” email của bạn và gửi nội dung đều đặn hàng tuần
  • Chia sẻ nội dung của bạn lên các trang mạng xã hội (facebook cá nhân, group trên facebook, LinkedIn, Pinterest, Instagram…)
  • Chia sẻ, hợp tác đăng bài chéo với các blogger khác
  • Đề cập đến những người có ảnh hưởng trong bài viết của bạn, cho họ biết và nhờ họ chia sẻ
  • Mời những người có ảnh hưởng đăng bài trên blog của bạn và nhờ họ chia sẻ

Một số blog ẩm thực truyền hàng đầu hiện nay:

  • Deliciously Ella: Ella Woodward đã ra mắt blog Deliciously Ella của mình vào năm 2012 sau khi cô được chẩn đoán mắc Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế, để theo dõi việc ăn uống của cô và thử nghiệm chế biến các món ăn lành mạnh hơn. Kể từ đó, chỉ từ 1 trang blog, cô đã phát triển thành một ứng dụng di động, cho ra đời ba cuốn sách dạy nấu ăn, mở cơ sở kinh doanh đồ ăn nhẹ bổ dưỡng. Nhưng không vì thế mà cô dừng lại. Hiện tại, cô vẫn tiếp tục cung cấp những công thức nấu ăn dễ làm và đẹp mắt (Twitter – 191.000 người theo dõi; Facebook – 324.000 lượt thích trang; YouTube – 135.000 người đăng ký).

Blog của Deliciously Ella được thiết kế rất bắt mắt với hình ảnh thu hút

  • Natasha's Kitchen: Natasha Kravchuk bắt đầu viết blog Natasha's Kitchen về gia đình và ẩm thực vào năm 2009. Gia đình cô chuyển đến Hoa Kỳ từ Ukraine khi cô 4 tuổi. Cô lớn lên với sự kết hợp độc đáo giữa ẩm thực Ukraina, Nga và Mỹ. Blog của Kravchuk tập trung vào các công thức nấu ăn của người Mỹ gốc Ukraina và cũng bao gồm các video và hướng dẫn công thức. Cô cũng tạo các bài đăng đề cập đến các vấn đề gia đình và du lịch cho khán giả của mình trên khắp mạng xã hội (Twitter – 3.100 người theo dõi; Facebook – 7,9 triệu lượt thích trang; YouTube – 153.000 người đăng ký).

Blog của Natasha Kravchuk tập trung vào các công thức nấu ăn của người Mỹ gốc Ukraina

2. Food review

Ngày nay, trước khi quyết định thử một sản phẩm hay dịch vụ nào, người ta thường tìm kiếm những đánh giá, nhận xét trước đó. Do vậy, không khó để nhận thấy độ hấp dẫn của công việc này khi theo dõi các trang mạng xã hội.

Trở thành một người review ẩm thực, bạn không chỉ được thử rất nhiều đồ ăn, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực khác nhau từ ẩm thực Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc; đến cả Ý, Pháp hay Ấn Độ… mà nó cũng đem lại cho bạn một nguồn thu nhập tốt.

Tuy nhiên, mặt trái của nghề này là không phải món ăn nào cũng ngon và an toàn. Và việc liên tục thử đồ ăn mới mỗi ngày khiến bạn đối mặt với việc tăng cân hay mắc các bệnh tiêu hoá. Đặc thù công việc là nêu cảm nhận của bản thân nên chuyện nhận “gạch đá” từ cộng đồng là điều khó tránh khỏi.

Ảnh: Cyn Eats

Những người review ẩm thực chủ yếu hoạt động trên nền tảng mạng xã hội như facebook, YouTube, Instagram… Để thành công trong nghề, đòi hỏi bạn phải có sự hiểu biết nhất định về ẩm thực và nghệ thuật: Làm sao để sắp xếp một bàn ăn đẹp, bố cục hợp lý, chụp ảnh như thế nào là hấp dẫn…, hay việc viết nội dung ra sao, cắt ghép video như thế nào để thu hút?

Để trở thành một người review ẩm thực bạn cần có những tố chất sau:

  • Có kiến thức chuyên ngành và đam mê ẩm thực
  • Có hiểu biết nhất định về ẩm thực, nghệ thuật và công nghệ
  • Không ngừng học hỏi và nâng cao bản thân
  • Khả năng nói và viết tốt
  • Chăm chỉ
  • Nhạy bén với thị trường
  • Chịu được áp lực (từ công việc và dư luận)

Công việc của một người review ẩm thực:

  • Đến địa điểm ăn uống nào đó thật hấp dẫn rồi nếm thử, chấm điểm các món ăn
  • Review cho mọi người biết về: địa điểm, không gian, thái độ phục vụ, chất lượng món ăn…
  • Chụp hình món ăn, quay clip về quá trình đi thử món ăn, viết bài review và đăng tải lên mạng xã hội
  • Tìm kiếm những địa điểm ăn uống mới
  • Trả lời bình luận của fan

Một số food reviewers nổi tiếng hiện nay:

  • Ninh Tino – 722.000 followers: Chủ yếu review ẩm thực đường phố, đôi khi sẽ là nhà hàng và nhà hàng của khách sạn trong những chuyến đi du lịch
  • Ăn Sập Sài Gòn – 55.700 followers: Kênh của Ăn sập Sài Gòn đủ màu sắc từ street food đến hàng quán hạng sang, từ những bức hình chụp khoảnh khắc ngẫu nhiên đến album chụp thức ăn theo phong cách flatlay thời thượng
  • Trang Nhím Tròn – 107.000 followers: Chuyên review những món ăn ngon từ “sang chảnh” tới bình dân nhưng tập trung vào những món ăn đường phố với mức giá vừa phải

Trở thành một người review ẩm thực, bạn không chỉ được thử rất nhiều đồ ăn, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực khác nhau mà nó cũng đem lại cho bạn một nguồn thu nhập tốt

Tuy nhiên, vì đây là một công việc thú vị, vừa được ăn ngon, vừa kiếm được tiền dẫn tới thị trường đang dần bão hoà. Do đó, để có thể phát triển thành công nghề Food review, các bạn cần phải xác định được sự khác biệt và phong cách riêng của bản thân. Hãy sẵn sàng chấp nhận rằng, xây dựng thương hiệu cá nhân tại thời điểm hiện tại là chuyện không hề dễ dàng.

3. Làm việc cho các thương hiệu về ẩm thực

Lúc này, bạn sẽ là người chịu trách nhiệm tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về các chủ đề liên quan đến ngành F&B, sáng tạo ý tưởng cho các loại nội dung mới và cung cấp các bài viết chất lượng thu hút khán giả, thu hút khách hàng và nâng cao độ nhận diện thương hiệu.

Công việc của một Food Content Writer thông thường sẽ bao gồm:

  • Phát triển và soạn thảo các nội dung cụ thể cho chiến lược nội dung marketing
  • Quản lý và phát triển nội dung trên các kênh truyền thông của công ty
  • Nghiên cứu các chủ đề liên quan đến ngành (kết hợp từ nhiều nguồn: Internet, phỏng vấn, các bài viết học thuật…)
  • Thực hiện nghiên cứu từ khoá đơn giản và sử dụng các nguyên tắc SEO để tăng lưu lượng truy cập website
  • Quảng bá nội dung trên phương tiện truyền thông xã hội
  • Phối hợp với phòng Marketing và bộ phận Thiết kế để minh hoạ các bài viết
  • Chỉnh sửa và đăng tải bài viết theo biên tập của Trưởng bộ phận nội dung

Một Food Content Writer có thể làm việc tại:

  • Nhà hàng, quán ăn
  • Quán cà phê, quán trà, quán đồ uống khác
  • Cửa hàng bánh
  • Công ty chuyên cung cấp nguyên liệu thực phẩm
  • Công ty đào tạo đầu bếp, pha chế
  • Công ty công nghệ về giao đồ ăn

4. Tự quản lý thương hiệu ẩm thực của mình (chỉ dành cho quy mô vừa và nhỏ)

Ẩm thực đang là lĩnh vực được rất nhiều người quan tâm khi có ý định khởi nghiệp. Như đã nói ở trên, kinh doanh lĩnh vực ẩm thực rất hấp dẫn nhưng cũng nhiều thách thức. Để có thể sống sót và thành công, bạn phải có hiểu biết về thị trường ẩm thực, bắt kịp nhu cầu thị hiếu của khách hàng cũng như tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng, mang hương vị và phong cách nổi bật. Nếu bạn có khả năng viết, đó sẽ là một công cụ rất tốt giúp bạn thổi hồn vào từng sản phẩm. Bởi vì không có ai hiểu bằng chính người tạo ra nó.

Các ý tưởng nội dung dành cho chủ doanh nghiệp (quy mô vừa và nhỏ):

  • Câu chuyện thương hiệu
  • Câu chuyện của món ăn
  • Những đặc điểm thú vị của ngành
  • Hành trình kinh doanh của bản thân
  • Những khó khăn chưa từng được nhắc đến
  • Cách quản lý nhân sự

Tuy nhiên, việc vừa phải điều hành kinh doanh, quản lý nhân sự cho đến phát triển hệ thống, không phải lúc nào bạn cũng có thời gian để viết, vậy nên thương hiệu của bạn nên có một người phát triển nội dung riêng để giúp bạn tối ưu các kênh quảng bá.

Trở thành một blogger ẩm thực là cách dễ nhất để trở thành một Food Content Writer. Nếu bạn yêu thích lĩnh vực ẩm thực và muốn theo đuổi nó, vậy thì còn chần chừ gì mà không bắt tay vào ngay thôi?