Marketer Thủy Trà
Thủy Trà

Freelancer Content/Blogger

Làm sao để viết về ẩm thực mà không được nếm?

Quá trình viết về ẩm thực, có bao giờ bạn gặp bế tắc trong việc phải viết về rất nhiều món ăn mà không được nếm thử? Mình đã từng rất nhiều lần rơi vào trạng thái đó. Tự hỏi rằng làm sao biết món ăn đấy có vị như thế nào để miêu tả? Liệu món ăn hấp dẫn ở điểm nào? Cách chế biến có gì đặc biệt? Trong khi mình không được nghe, được nhìn thấy và được nếm thử?

Nhưng đó (có thể) là một tư duy sai lầm. Khi nói chuyện với biên tập viên của một tờ tạp chí, cô ấy đã nói rằng: “Không phải cây viết nào cũng được nếm hết tất cả món ăn mà họ viết. Em cần biết cách thay đổi góc nhìn và học cách tưởng tượng.” Ồ, tấm màn bí mật cũng đã được hé mở.

Mình đã có thể viết được bài đầu tiên, bài thứ hai và nhiều nhiều bài nữa. Đến bây giờ việc viết mà không cần nếm thử đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Mình hoàn toàn có thể viết về món ăn mới trong vòng 1 – 2h mà không cần thử một chút nào. Nếu bạn lắng nghe chương trình Thành phố bình minh trên VOV giao thông, hẳn sẽ biết đến chuyên mục bữa sáng thị thành, luôn giới thiệu các món ăn đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Nếu chờ đến khi được nếm thử mới có thể viết thì không biết mình lấy đâu kịch bản để gửi cho chương trình bây giờ?

Trên thực tế, sự nghiệp viết lách về ẩm thực chưa bao giờ dễ dàng như người ta vẫn tưởng. Và một trong những thách thức khi theo đuổi lĩnh vực này đó là: làm sao viết về món ăn khiến người đọc thấy “chảy nước miếng” trong khi chúng ta còn chưa nhìn thấy món ăn đấy? Dưới đây là cách mà mình áp dụng.

Trước hết, chúng ta bàn một chút về việc viết về ẩm thực. Là một cây bút trong lĩnh vực này, liệu bạn đã hiểu rõ: viết về ẩm thực là viết về điều gì? Viết về công thức món ăn mới, review nhà hàng hay kể câu chuyện món ăn vùng miền? Không, đó chỉ là cách thể hiện.

Viết về ẩm thực, thực chất là viết cho các giác quan. Cách chúng ta viết về ẩm thực sẽ “động chạm” tới: xúc giác, khứu giác, thị giác, vị giác, thính giác… Như mình viết một đoạn như thế này:

“Chỉ đến khi thực khách gọi, người đầu bếp mới nhanh nhẹn xới bún lên, đảo qua đảo lại cho nóng rồi xếp lên đĩa [xúc giác]. Múc một muôi đầy ắp những miếng lòng béo ngậy [thị giác] đang réo xèo xèo [thính giác] trong chảo nóng lên trên. Rồi xúc thêm ít nghệ vàng tươi, rưới một ít nước mắm ớt cay nồng [vị giác], rải thêm ít tiêu đen, ít ngò, rau răm thái nhỏ nữa là xong. Vậy là có ngay một đĩa bún nghệ thơm nồng [khứu giác] vừa làm nức lòng, vừa làm đã mắt những thực khách đang đói cồn cào.”

Vậy nó có liên quan gì tới việc viết về ẩm thực mà không được nếm thử? Đó là việc bạn hãy học cách thu thập thông tin qua cả 5 giác quan.

Hãy đọc những bài viết trên google, xem video, hình ảnh để biết người ta chế biến món ăn với nguyên liệu gì, cách nấu như thế nào, màu sắc của nó ra sao.

Đọc những bình luận trên các trang về đồ ăn như: diadiemanuong.com, now.vn, foody.vn…, những bài review trên facebook để xem mùi vị của nó là vị cay nồng của ớt, vị ngọt thơm của nước xương, từng miếng thịt dai giòn sần sật hay mềm mại như một tấm thảm nhung? Hãy đọc thật nhiều và ghi chú lại để có cái nhìn khách quan nhất về hương vị của nó.

Tiếp theo, hãy để trí tưởng tượng của bạn được bay xa.

Hãy bắt đầu với việc tưởng tượng về nguyên liệu, về cách nấu.

Sau đó, hãy tưởng tượng trước mặt là món ăn đang bốc khói, nóng hổi ấy.

  • Bạn thấy màu sắc có thu hút không? Đó là miếng thịt vàng ruộm đang chảy mỡ, bốc khói bên trong miếng lá bưởi nướng đang tỏa hương thơm?
  • Bạn có thấy những hạt xôi dẻo thơm, căng tròn như đang bày ra trước mắt?
  • Bạn có thấy những cọng mì tươi, vàng ươm được rưới lên muôi nước lèo đặc sánh cùng những miếng sườn dày thịt?

Rồi tưởng tượng bạn đang thưởng thức nó.

  • Gắp miếng chả bỏ vào miệng, âm thanh giòn rụm cùng vị thơm nồng, cay cay của lá bưởi quyện với miếng thịt heo ngọt đậm đà, dai dai bên trong tạo nên phấn khích?
  • Gắp miếng sườn được ninh mềm mà chỉ cần một cái chạm đũa nhẹ cũng có thể tách thịt ra khỏi xương. Có phải miếng sườn thấm đẫm gia vị như đang tan ra trong miệng?
  • Hay đĩa cơm rang vịt quay nóng hổi với những hạt cơm vàng giòn cùng những miếng thịt vịt mềm ngọt, rưới chút sốt đậm đà. Thêm chút dưa góp chua chua giải ngấy nữa là trọn vẹn cho một bữa sáng hoặc bữa trưa no căng bụng?

Chà chà, cũng khá đói rồi đấy bạn nhỉ?

Việc còn lại lúc này là bắt tay vào miêu tả lại những tưởng tượng ấy thôi. Đơn giản hơn rất nhiều rồi đúng không ạ? Chỉ cần thực hành một thời gian, bạn sẽ biết cách miêu tả lại món ăn một cách hấp dẫn và dễ dàng mà không cần phải nếm thử rồi đấy.

Tuy nhiên, không phải món ăn nào cũng có thể tham khảo và tưởng tượng. Có những món ăn đặc biệt hoặc ít người biết đến, nếu muốn viết về nó, không còn cách nào khác là bạn phải đích thân đi tìm mình và nếm thử. Bởi vì, chỉ có bạn mới hiểu được cảm giác khi những cơn gió lạnh rít qua khiến cơ thể muốn run lên, được thưởng thức bát canh đắng nóng hổi nó ngon như thế nào.

Trải nghiệm thực tế bao giờ cũng là tốt nhất. Vậy nên, nếu muốn trở thành cây viết ẩm thực nổi tiếng, hãy bước ra khỏi chỗ ngồi và đi ra thế giới để học cách ngửi, nếm, nghe và chạm vào, bạn nhé!