Marketer JMC KOLs Marketing
JMC KOLs Marketing

Strategy Manager @ JMC KOLs Marketing

Liệu có sự khác biệt giữa “sức ảnh hưởng” và “độ nổi tiếng”?

Có lẽ trong thời đại kỹ thuật số với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thuật ngữ Influencer hay KOLs đã không còn quá xa lạ. Họ là những người có độ nhận diện cao trong cộng đồng và sở hữu lượng follower nhất định. Cùng với Influencer, các nhãn hàng thường xuyên thực hiện nhiều chiến dịch nâng cao nhận diện thương hiệu vô cùng thành công.

Nhìn chung, có thể định nghĩa giữa “sức ảnh hưởng” và “độ nổi tiếng” không quá khác biệt. Vậy nhưng trên thực tế, có những đặc tính mà chỉ có “sức ảnh hưởng” mới có thể tạo ra. Nhưng trước tiên, cùng tìm hiểu những ai được gọi là “người ảnh hưởng”.

INFLUENCER (Người ảnh hưởng) Vs. CREATOR (Người sáng tạo nội dung)

Khoai Lang Thang - Một Content Creator được yêu thích trong cộng đồng hiện nay

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất đã được thể hiện trên chính tên gọi của hai vai trò này.

Influencer – người ảnh hưởng – là từ vô cùng phổ biến trong cộng đồng người dùng mạng xã hội ngày nay. Influencer là người có tiếng nói và sức tác động trong cộng đồng nhờ vào những hiểu biết của họ đối với một lĩnh vực nào đó. Họ có thể là các doanh nhân, y tá, bác sĩ, ca sĩ, diễn viên hay các blogger,…

Mặt khác, creator – người sáng tạo nội dung – lại thường được dùng để chỉ các ngôi sao trên mạng xã hội, chẳng hạn như các Youtuber. Các creator thường được yêu thích rộng rãi bởi họ thường xuyên tự sáng tạo ra các nội dung khác nhau, tự quay video hay tự sáng tạo ra các loại hình ảnh, đồng thời thu hút follower nhờ vào các nội dung đó. Một creator có thể là Influencer nhưng một Influencer chưa chắc là content creator.

INFLUENCE (Sức ảnh hưởng) Vs. POPULARITY (Mức độ nổi tiếng)

Hồi tháng 4 năm nay, một influencer người Mỹ – James Charles – đã thực hiện một series chương trình đặc biệt trên Youtube với tên gọi “Instant Influencer”. Cụ thể, trong chương trình, 6 influencer sẽ tham gia cạnh tranh để giành được giải thưởng $50.000 và một video cộng tác được đăng trên kênh Youtube chính chủ của James Charles. Chương trình thậm chí còn mời cả Norvina – chủ tịch của thương hiệu mỹ phẩm đình đám nước Mỹ Anastasia Beverly HIlls – làm giám khảo.

“Instant Influencer” nhanh chóng được yêu thích và đã truyền cảm hứng cho người xem trở thành những nghệ sĩ trang điểm thực thụ. Chương trình diễn ra vô cùng thành công với tính giải trí cao đã thu về 16 triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận tích cực; đồng thời tạo ra nhiều nội dung có chất lượng cho nền tảng Youtube. Những người tham gia cũng trở nên nổi tiếng ngay lập tức, nhưng liệu có đủ để họ trở thành một “influencer” thực thụ? Điều này còn cần nhiều thời gian hơn để bàn luận.

Chương trình chiếu trên kênh YouTube của James Charles - Instant Influencer

Thực tế, khiến một người trở nên nổi tiếng thì dễ, nhưng để thực sự có sức ảnh hưởng đến người khác thì dường như là không thể. Vì “sức ảnh hưởng” là điều do nhóm tệp follower của bạn quyết định chứ không phải là “sản phẩm” do bản thân bạn tạo ra. Nếu mất đi cộng đồng người theo dõi, đồng nghĩa với việc bạn mất đi sức ảnh hưởng.

Các Influencer thực thụ nhận thức rõ ràng mối quan hệ hai chiều giữa họ và cộng đồng người theo dõi. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khi họ tích cực tương tác, phát triển mối quan hệ với cộng đồng. Những nội dung hấp dẫn, hướng đến đúng đối tượng và được duy trì nhất quán theo thời gian là các yếu tố cộng hưởng để tạo nên sức ảnh hưởng. Trên thực tế thì không có gì được gọi là “sức ảnh hưởng tức thì” cả. Để có tiếng nói, cần có sự đầu tư chỉnh chu và lâu dài.

Thách thức khi lựa chọn Influencer phù hợp

Các nhãn hàng thường có sự mâu thuẫn và nhầm lẫn giữa “sức ảnh hưởng” và “độ nổi tiếng”. Với khả năng tạo nên ảnh hưởng đến người khác, influencer có thể dễ dàng giúp nhãn hàng tiếp cận đến nhiều người một cách nhanh chóng. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào số người theo dõi để suy ra ROI (Return on Investment) thì vẫn chưa đủ.

Mức độ tin cậy

Sản phẩm hoặc dịch vụ mà một KOLs đang quảng bá có thực sự phù hợp với hình ảnh cá nhân của họ không? Và liệu người xem, đặc biệt là các follower của KOLs đó, có thực sự tin đây không phải do nhãn hàng mời quảng cáo?

Đây là những câu hỏi đầu tiên mà nhãn hàng nên đặt ra khi lên danh sách KOLs muốn hợp tác trong chiến dịch Influencer Marketing của mình.

Mức độ bão hòa

Các KOLs thường xuyên nhận booking và có quá nhiều nội dung quảng cáo sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả, bởi người dùng sẽ có xu hướng bị “lờn” và tự nhận định rằng những gì KOLs này chia sẻ đều là những lời quảng cáo từ nhãn hàng. Khán giả ngày nay rất thông minh và họ sẽ tự động “đào thải” các thông tin này.

Giữ mối liên hệ

Đây là cách làm khôn ngoan để xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài cùng KOLs. Giữ mối quan hệ cùng KOLs đồng thời với việc theo dõi hiệu quả chiến dịch để đảm bảo kết quả đạt được đúng với kế hoạch sẽ giúp thương hiệu dễ dàng cộng tác cùng KOLs trong nhiều chiến dịch khác trong tương lai.

(Theo Viral Nation)

(Người dịch: Thanh Vân JMC)