Business Intelligence (BI) là gì? Trò chuyện cùng chuyên gia Trường Phan đến từ NashTech

Có thể hình dung đơn giản, Business Intelligence giống như một hồ sơ sức khoẻ của doanh nghiệp. Nó luôn cần cho mọi độ tuổi: từ lúc còn là một đứa trẻ sơ sinh rồi lớn lên và cho tới khi già đi. Nếu không theo dõi sức khoẻ thường xuyên, đến khi mắc bệnh rồi thì bệnh sẽ còn nặng hơn và khiến chúng ta trở tay không kịp.

Business Intelligence – BI là gì?

Hiểu đơn giản, BI (hay còn được gọi là trí tuệ doanh nghiệp) là một dạng công nghệ giúp doanh nghiệp hiểu biết về quá khứ, qua đó đưa ra quyết định, hành động và dự đoán tương lai. Trong đó BI bao gồm các kỹ năng, quy trình, công nghệ hay ứng dụng để hỗ trợ ra quyết định. BI là các hoạt động kết hợp giữa phân tích kinh doanh, khai thác dữ liệu, trực quan hoá dữ liệu, công cụ dữ liệu và cơ sở hạ tầng và thực tiễn để giúp tổ chức ra các quyết định – dựa trên data (data-driven decision).

Trong mục chuyên gia nói kỳ này, cùng TopDev trò chuyện với một chuyên gia về Business Intelligence – anh Phan Nguyễn Minh Trường – Technical Architect tại NashTech để hiểu hơn về cách mà BI hoạt động, cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình áp dụng và triển khai.

Được biết, anh Phan Nguyễn Minh Trường đã khởi đầu sự nghiệp bằng công việc web designer tại Saigon Postel. Thời gian sau đó, anh chuyển hướng sang nghề Data Analysis trong lĩnh vực Ngân hàng. Trải qua các vị trí developer, anh hiện là Technical Architect tại NashTech.

Phần 1: Chia sẻ về quan điểm “gắn bó với công ty hay nhảy việc tìm cơ hội mới”

* Vì sao anh lựa chọn gắn bó trong thời gian khá dài tại các công ty ấy? Và quan điểm của anh về “xu hướng nhảy việc” ở người trẻ như thế nào?

Tôi hạnh phúc với công việc hiện tại, trừ phi có một số lý do nào đó thì sẽ thay đổi, tôi cũng chưa biết trước. Xu hướng hiện tại các bạn thường thay đổi công việc chắc đâu đó có một vài lý do chính, ví dụ như môi trường làm việc không phù hợp, cần có mức sống cao hơn, cần phải hỗ trợ gia đình..., ngoài ra thì còn là bởi không phát triển được ở công việc hiện tại. Có thông tin tôi đọc được ở đâu đó, rằng nếu mình là người giỏi nhất trong công ty thì lúc đó nên rời đi, để tìm một nơi khác có thể trau dồi và thử thách bản thân hơn nữa.

Sau cùng có một lý do hơi kỳ lạ đó là... thích. Một số bạn chỉ đơn giản thích chuyển việc thôi, họ nghiện chuyển việc, làm 1, 2 năm rồi họ chuyển công việc khác.

* Ở ACB, động lực nào khiến anh ở lại trong thời gian dài?

Ngày xưa tôi làm việc với sếp ở ACB, tôi thấy hạnh phúc lắm, vì rất thích phong cách của sếp quản lý tại thời điểm đó. Sếp luôn giúp đỡ mọi người và luôn nâng cấp nghề nghiệp của mình, đó là lý do chính khiến tôi gắn bó lâu dài với ACB.

* Khi nào một coder mới đủ độ “chín” để phát triển một tầm cao mới?

Theo quan điểm của tôi, bạn coder đó cần phải có kỹ năng về quản lý người, kỹ năng về trình bày một số vấn đề để người khác có thể hiểu được, kỹ năng thuyết phục khách hàng, thì lúc đó là thời điểm chín muồi để bạn có thể chuyển sang một title (chức vụ) mới. Tôi đề cao khả năng thuyết phục, làm sao để người khác tin tưởng vào điều mình nói mới thật sự quan trọng.

Thêm nữa, bạn phải biết chia sẻ và lắng nghe. Nghĩa là bạn cần cho đi kiến thức mình đang có, sau đó học hỏi từ các bạn khác, kể cả những bạn yếu hơn. Đôi lúc bạn sẽ gặp phải những câu hỏi rất ngớ ngẩn, nhưng đó cũng là lúc nên cẩn trọng xem xét, tìm kiếm thông tin và hồi đáp lại bằng một cách hợp lý. Việc này sẽ giúp bản thân ngày càng tiến bộ, củng cố kiến thức và bắt được lợi thế là các góc nhìn đa chiều từ phía người hỏi. Bạn cũng sẽ gặp chuyện tương tự khi đối diện với khách hàng, nhưng như tôi đã nói ở trên, bạn sẽ có rất nhiều lợi thế nếu chịu lắng nghe và chia sẻ.

Phần 2: Chia sẻ về Business Intelligence – BI là gì?

* Định nghĩa của anh thì Business Intelligence – BI là gì? BI giúp gì cho doanh nghiệp và nó sẽ giúp như thế nào (cách hoạt động)?

Về mặt học thuật, có rất nhiều định nghĩa về BI, như BI là một skill; ngoài ra là application, rồi information, technology; cũng có những định nghĩa nói rằng sẽ lấy tổng hợp dữ liệu có sẵn rồi sau đó đưa ra hỗ trợ quyết định.

Một cách thực tế, BI cũng giống như hồ sơ giúp bạn quản lý sức khoẻ, nó lưu thông tin lại để kiểm tra sức khoẻ định kỳ, giúp chúng ta biết được trong tương lai mình có khả năng mắc những căn bệnh nào, gặp vấn đề ở bộ phận nào. Đa phần người ta dùng BI để monitor doanh nghiệp, bên cạnh đó là hỗ trợ ra quyết định.

* BI phù hợp với doanh nghiệp nào và SMEs có cần phải có một hệ thống BI? Nếu không có thì họ sẽ bỏ lỡ những gì?

Tuỳ vào kích cỡ doanh nghiệp mà chúng ta có thể áp dụng BI. Bạn có thể hình dung đơn giản, hồ sơ sức khoẻ luôn cần cho mọi độ tuổi: từ lúc còn là một đứa trẻ sơ sinh rồi lớn lên và cho tới khi già đi. Nếu không theo dõi sức khoẻ thường xuyên, đến khi mắc bệnh rồi thì bệnh sẽ còn nặng hơn và khiến chúng ta trở tay không kịp. Ngược lại, nếu bạn có thể làm tốt chuyện đó thì chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn nữa. Vậy luôn luôn ghi nhớ rằng phải nắm được sức khoẻ của doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh.

* Ý nghĩa của BI trong ngành Ngân hàng (Banking) là gì?

Trong Banking có rất nhiều bộ phận khác nhau, hơn nữa các bộ phận đều có khả năng tự làm tài chính báo cáo được, sẽ dẫn đến một vấn đề thường hay gặp là mỗi bộ phận báo cáo một con số khác nhau, khiến người quản trị cấp cao bị bối rối giữa một “rừng” số liệu.

Đó là lý do chính tại sao cần phải có hệ thống dữ liệu tập trung và hệ thống này phải được sử dụng xuyên suốt. Có một thuật ngữ hay được dùng là one-cross, nghĩa là chỉ có một sự thật duy nhất mà thôi.

* Quá trình để đi từ raw data đến khi chúng trở thành những thông tin có giá trị để có thể ra quyết định cần qua những giai đoạn nào, “qua tay” những ai?

Để có thể làm phần phân tích dữ liệu có giá trị thì tất nhiên phải có nhiều yếu tố, nhiều con người cùng hợp sức để làm. Đầu tiên cần phải hiểu về business need, sau đó xác định được nguồn dữ liệu (ví dụ như business need cần phải có BI hỗ trợ cùng). Khi lấy dữ liệu về thì cần có data engineer, tiếp theo là làm giàu dữ liệu, làm sạch dữ liệu, visualize data, thử nghiệm cùng với data analyst, sau đó thì họ báo cáo. Chìa khoá quan trọng ở đây cũng là thứ tốn thời gian nhiều nhất là quá trình xử lý dữ liệu, nhưng thường thì mọi người chỉ nhìn vào chìa khoá chính là visualization, đó là phần data analyst làm.

Phần 3: Những lời khuyên khi áp dụng và triển khai BI

* Những lưu ý gì khi một doanh nghiệp áp dụng, sử dụng hệ thống BI?

Cần phải xác định số lượng người dùng, lượng báo cáo, tần suất báo cáo. Đặc biệt họ phải xác định business trước tiên, những loại báo cáo nào cần dùng để quản lý. Tương tự như chỉ số sức khoẻ của mỗi người vậy, nếu khám huyết áp thì cần có chỉ số về đường huyết, máu kèm theo.

* Cần chuẩn bị kỹ năng gì khi theo đuổi BI?

Phần về kỹ thuật sẽ nặng hơn phần business nhưng giá trị lại nằm ở phần business, vì vậy có vẻ như các bạn chuyên ngành Công nghệ thông tin sẽ có lợi thế hơn. Bạn phải tìm hiểu thêm một số business mình cần, lúc đó làm việc trực tiếp với BI thôi thì có thể cover được chuyện đó.

* Anh có thể gợi ý nguồn học tập Business cho Devs?

Bạn có thể theo học tại Đại học Kinh tế, hoặc Đại học Kinh tế – Luật cũng có khoá mới chuyên về Dữ liệu.

* Case-study đáng nhớ nhất trong quá trình làm việc của anh là gì?

Thời điểm đó là năm 2011, sếp mua công cụ Cognos BI của IBM, công cụ này chưa có ngân hàng nào ở Việt Nam sử dụng nên cần chạy nước rút trong vòng mấy tháng cuối năm. Thời gian đó tôi phải túc trực tại công ty từ sáng tới tối, ngủ đến 5 giờ sáng dậy, về nhà tắm rửa rồi quay lại công ty làm việc. Cái khó là vì mới nên Cognos BI của IBM không có bất kỳ tài liệu nào để tham khảo, tôi phải tự research, team thì chỉ có 3 người với một số bạn làm ITL với BI là riêng.

Phần 4: Lời khuyên qua các trải nghiệm thực tế

* Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn junior mới làm về data không?

Tôi đều đã làm việc chung với các bạn senior hay các bạn làm lâu hơn thời gian đó một chút, các bạn có xu hướng thiên về kiến thức hiện đại nhưng lại bỏ quên kiến thức căn bản, rồi các bạn học R, học Python nhưng bạn không học cơ sở dữ liệu cơ bản, tổ chức dữ liệu ra sao cho hợp lý để khai thác tối ưu, ví dụ đơn giản như cách bố trí file, bảng biểu...

Bạn cứ hình dung trước mặt là một toà nhà sơ khai, mỗi người điều chỉnh một chút nhưng không có kế hoạch sắp xếp hay sự liên kết, khu vực nào chứa dữ liệu nào, thì đến cuối cùng cho dù mỗi phần được xây dựng rất đẹp đẽ, hoàn hảo nhưng đến giai đoạn tự động hoá thì không thực thi được, scalable gặp nhiều khó khăn... thì cũng được xem là sự thất bại mà thôi.

* Về doanh nghiệp thì anh có lời khuyên nào không?

Doanh nghiệp thì tôi không dám nói đến, chỉ có thể đứng ở khía cạnh người dùng mà thôi. Người dùng thường so sánh BI với Excel. Excel chính xác là công cụ làm report rất mạnh, nhưng về vấn đề liên quan đến securtity sẽ khó mà quản lý. Họ có thể đem cái file đi bất kỳ đâu cũng được, một số doanh nghiệp cứ dùng Excel thì về sau phần leaking data sẽ khó kiểm soát hơn, hoặc là nó sẽ tập trung vào một số người.

* Khi thiết kế Dashboard nên lựa chọn những nguồn tham khảo nào? Anh hay gặp những vấn đề gì khi thiết kế Dashboard?

Đầu tiên là về UI, bên thiết kế Dashboard chỉ quan trọng phần nhìn, chứ không quan tâm tới phần thông tin mình cung cấp cho họ. Đặc biệt là dân kỹ thuật đa số sẽ thiết kế không đẹp. Về màu sắc họ không quan tâm tới, ý nghĩa của chart họ cũng bỏ qua, chính là điểm yếu của các bạn kỹ thuật: thiếu phần nghiên cứu về các màu sắc.

Xem thêm UX là gì? UX Designer thì làm những gì?

Thứ 2 là business user có quá nhiều điều muốn nói trên một dashboard. Ví dụ như một khách hàng bảo hiểm nọ có rất nhiều thông tin và muốn trình bày toàn bộ lên trên 1 dashboard là 1 màn hình, để khi người xem nhìn vào sẽ thấy được đầy đủ thông tin về họ nhất có thể. Lúc này tôi có khoảng 20 câu hỏi là: User nào sử dụng? Tần suất sử dụng ra sao? Kích thước màn hình ra sao? Thông tin nào quan trọng nhất? Thông tin nào đi kèm theo đó?... Các câu trả lời được đánh số thứ tự 1-2-3-4…, sau đó để khách hàng lựa chọn thông tin để đưa lên trang đầu, và những thông tin liên quan sẽ được chuyển qua trang kế tiếp. Nghĩa là chúng ta cần thiết lập sơ đồ, để khách hàng tư duy và phân tích, chứ không phải toàn bộ thông tin đều tràn lên 1 màn hình vì không ai thích đọc vào một màn chi chít chữ cả, đơn giản họ không thể nào nhớ hết được tất cả các chỉ số.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh Phan Nguyễn Minh Trường, hy vọng bài viết này đã cung cấp những định nghĩa BI là gì một cách đơn giản và sát với thực tế nhất.

* Nguồn: TopDev Blog