Tâm thế của "Doanh Nghiệp Việt" khi chuyển đổi số

Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét ở một góc độ nhìn nhận tích cực, chính dịch Covid-19 lại đang thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình OnLine và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.Covid-19 đã đẩy chuyển đổi số phát triển mạnh nửa năm vừa qua nhưng "hơi thở" này thật sự còn chưa lan tỏa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Có thể lấy ví dụ từ Ngành gỗ & Nội thất ở Việt Nam, một ngành đặc biệt đang rất quan tâm đến công nghệ thông tin và muốn tối ưu hóa sản xuất, thiết kế và kinh doanh, đẩy mạnh ra thị trường nhất trong các ngành", thế nhưng một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành gỗ cũng còn khá mơ hồ về việc chuyển đổi số. Ngoài ra, họ cũng gặp khó khi nghĩ đến việc này vì không biết tìm đến những ai, nhà cung cấp giải pháp nào. Điều các doanh nghiệp cần lúc này là một bên trung gian, hay một nền tảng tập hợp cung - cầu để họ dễ dàng gặp nhau, nghe tư vấn và so sánh sau đó chọn lựa.

Nhưng cơ bản, điều mà các doanh nghiệp cần làm lúc này là phải sẵn sàng hoạt động trên nền tảng số. Làm sao để mỗi nhân viên của một công ty có thể làm việc, kết nối được với nhau. Làm sao để tương tác trực tuyến với nhà cung cấp, đối tác và khách hàng? Đó là những xu thế sẽ thay đổi rất nhiều cách thức hoạt động của các doanh nghiệp Việt trong và sau Covid-19",

Câu hỏi dặt ra là : Khi hành vi mua hàng của "Thượng đế" thay đổi thì buộc các nhà cung cấp phải thay đổi hay không? Dịch Covid19 đã thật sự làm cho hành vi mua hàng thay đổi và dẫu cho chưa biết hành vi thay đổi có làm thay đổi doanh nghiệp hay không? Nhưng chắc chắn một điều là : Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp Việt “đổi vận“ .

Kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động sau cuộc bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Giãn cách xã hội, sự lựa chọn không mong muốn, đã trở thành giải pháp tình thế trên quy mô vô tiền khoáng hậu. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để con người nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp phải tham gia cung ứng niêm yết sản phẩm dịch vụ trên các nền tảng số, các kênh Thương mại Điện Tử B2B - B2C hay D2C..đấy không còn là lựa chọn nữa mà là sự bắt buộc.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Ngắn hạn là có thể tồn tại và sau đó là phát triển khi đã có nền tảng vững chắc. Hạn chế tối đa các rủi ro và khủng hoảng do yếu tố khách quan, như dịch Covid19 đã gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), đặt vấn đề như sau: "Việc chuyển đổi mô hình số nên bắt đầu từ đâu? và triển khai ngay được không?" Câu trả lời của ông Dũng đơn giản chỉ là: "Doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nếu có quyết tâm". Thoạt nghe có vẻ quá đơn giản phải không? thế nhưng sự quyết tâm đó nó lớn lắm, dù cá nhân hay doanh nghiệp đều nhận không ít thất bại khi thiếu quyết tâm ở lựa chọn hay một thời điểm quan trọng nhất định. Cái giá phải trả khi thiếu quyết tâm là thất bại hay cũng có thể là lưng chừng của thất bại, ở khía cạnh này sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh loay hoay giữa mô hình truyền thống và mô hình số.

Thêm một ví dụ cụ thể hơn : Trong thời gian qua, nhiều đơn vị doanh nghiệp của tất cả các ngành đã áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhất là bán hàng theo hướng số hóa mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là khi lệnh cách ly xã hội được ban hành, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ F&B đều đồng loạt chỉ bán Take away (mua mang đi), cửa hàng đóng cửa và sản phẩm từ quầy được đem lên mạng một cách triệt để. Thế nhưng đó là ví dụ ở một mô hình sản phẩm dịch vụ đơn giản, câu hỏi đặt ra ở đây cho các doanh nghiệp có các sản phẩm - Dịch vụ kinh doanh đặc thù hơn, chẳng hạn như Nội ngoại thất - Máy móc xây dựng - Công nghiệp và các dịch vụ phụ trợ thì sao? Nó có áp dụng hoàn toàn mô hình giống như các sản đồ uống hay nhu yếu phẩm của ngành F&B. Câu trả lời sẽ là không. Không thể lấy thành công của người khác để áp dụng tuyệt đối cho bối cảnh và hoàn cảnh của chính mình. Cũng có thể sẽ thành công giống như họ nhưng sẽ là số ít, đơn giản vì không có sự tương đồng, mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sẽ có những đặc điểm và tính chất khác nhau. Phải biết, phải hiểu sản phẩm đang kinh doanh là gì? Ai sẽ là khách hàng và họ ở đâu? Một sản phẩm giá trị lớn thì không thể giao dịch theo cách như vậy. Nếu mua 1 cốc trà sữa hay 1 bộ quần áo, lỡ may nó không vừa hoặc không hợp khẩu vị thì có thể sẵn sàng vứt nó đi mà chẳng cần suy nghĩ hay đắn đo, nhưng 1 sản phẩm trị giá lớn phục vụ cho công việc thì nó cần sự đảm bảo, sự bảo hành trong suốt quá trình sử dụng.

Vậy cần phải làm gì khi đang kinh doanh những sản phẩm đặc thù như vậy? Xin khẳng định, giải pháp là có, nhưng liệu các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ kỹ năng và đủ sẵn sàng khi tham gia cung ứng trên các nền tảng số phù hợp đó hay chưa mà thôi.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã khẳng định : "Cái mà doanh nghiệp công nghệ số cần nhất là thị trường. Có thị trường sẽ có đầu tư, công nghệ và con người. Để chuyển đổi số, đầu tiên là chuyển đổi nhận thức, thay đổi mô hình hoạt động, mô hình kinh doanh". "Có người nói, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là công nghệ. Các bộ ngành cho phép, cấp giấy khai sinh cho các mô hình mới chính là tạo ra thị trường, môi trường cho chuyển đổi số".

Việt Nam có tỷ lệ sử dụng Internet, điện thoại đều ở mức cao. Cụ thể, dân số Việt Nam 96,9 triệu dân nhưng có tới 145,8 triệu thuê bao di động (150% so với dân số Việt Nam), 68,17 triệu người dùng Internet và 65 triệu người dùng mạng xã hội.

Điều này chứng minh độ thâm nhập Internet vào đời sống người dân Việt Nam rất lớn. Trong đó, tỷ lệ người sở hữu thiết bị di động là 94%, laptop và máy tính bàn là 65%, máy tính bảng là 32%. Nhu cầu về sử dụng các dịch vụ liên quan đến di động, Internet của người dùng đang phát triển mạnh, giúp cho việc chuyển đổi số ở Việt Nam cũng dễ dàng hơn.

Đồng thời, về phía doanh nghiệp - Người bán hàng, sức ép từ việc chuyển đối số để tăng trưởng, cạnh tranh với các đối thủ cũng thúc đẩy hoạt động này phát triển nhanh trong thời gian đến và hiển nhiên doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ chuyển đổi số Việt đang có lợi thế hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của nước ngoài vì nền tảng Việt có độ am hiểu thị trường và doanh nghiệp địa phương.

Vậy có thể thấy tâm thế doanh nghiệp phải sẵn sàng để thích ứng vì chuyển đổi số sẽ là thách thức nhưng là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp muốn tồn tại trong 10 năm tới. Các doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu truyền thống cần thay đổi nếu không sớm muộn cũng sẽ thất bại và bị đào thải.