Forbes Việt Nam: Gợi mở giải pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi số

Chuyển đổi số hiện là trào lưu mà các doanh nghiệp đang rất quan tâm. Thế nhưng để hiện thực hoá giấc mơ này thì mỗi doanh nghiệp cần tìm cho mình một ý tưởng gợi mở để giải bài toán của riêng mình. Bài viết dưới đây hé lộ phần nào một số giải pháp để doanh nghiệp đạt được ý nguyện như mong đợi.

Những doanh nghiệp muốn thay đổi và phát triển trong giai đoạn kinh tế đầy khó khăn, thách thức như hiện nay thường sẽ quan tâm nhiều đến các buổi hội nghị về nhu cầu chuyển đổi số hoặc dữ liệu số nhằm tìm kiếm ý tưởng, giải pháp vượt qua mỗi cơn sóng.

Do vậy, Hội nghị Công nghệ Khám phá kho báu Midas của Forbes Việt Nam được tổ chức ngày 16/7 tại TP.HCM vừa qua, đề cập về vấn đề dữ liệu số trong thời đại công nghệ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham dự.

Hội nghị không chỉ là nơi phô diễn các công nghệ mới liên quan đến dữ liệu số như lộ trình phát triển mạng viễn thông 5G trên thế giới và Việt Nam, xu hướng phát triển của Trí tuệ nhân tạo – AI mà còn là nơi chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm các các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ, kinh doanh và tiếp thị về vấn đề dữ liệu số ảnh hưởng như thế nào với doanh nghiệp khi cần thực hiện chuyển đổi số.

Tất cả các phiên thảo luận trong Hội nghị Công nghệ Khám phá kho báu Midas của Forbes Vietnam luôn nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp và xoay quanh các chủ đề làm chủ công nghệ hoặc dữ liệu số nhằm thay đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp như thế nào trong kỷ nguyên số.

Dữ liệu xác thực rất quan trọng

Đa số các câu hỏi mà doanh nghiệp đặt ra đều tập trung một chủ đề: Nếu đầu tư vào công nghệ mới giúp thay đổi mô hình hoạt động trong giai đoạn hiện nay thì cần quan tâm điều gì? Các chính sách, nhân lực, chi phí, vận hành và các bước chuyển đổi như thế nào?...

Tại mỗi phiên thảo luận đều có những giải đáp phù hợp cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch cấp cao của Hitachi Vantara khi trả lời điểm thuận lợi và bất lợi của Việt Nam khi tiếp cận với các công nghệ mới để “mở cửa” kho báu dữ liệu số chính là: nguồn nhân lực.

Ông Quỳnh chia sẻ thêm, có doanh nhân đã từng phát biểu: “People are not the most valuable assets of the company, right people are” – Tạm dịch: “Nguồn nhân lực không phải là tài sản quý giá của doanh nghiệp, mà nguồn nhân lực phù hợp mới chính là tài sản quý giá”. Tôi thay đổi câu này một chút: “Data is not the most valueable asset of the company, but the right data is” – Tạm dịch: “Không phải dữ liệu nào cũng có giá trị với doanh nghiệp, nhưng nguồn dữ liệu xác thực mới có giá trị”.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch cấp cao của Hitachi Vantara

Trong kỷ nguyên số hoá, mọi người hay bàn về các khái niệm như: AI, Big data… Trong đó Big Data (Dữ liệu lớn), thường đề cập đến 5 chữ V đặc trưng gồm: Volume (khối lượng thông tin), Velocity (tốc độ thông tin), Variety (đa dạng thông tin), Value (giá trị thông tin) và Veracity (xác thực thông tin). Mọi người thường sẽ quan tâm và nói nhiều Volume và Velocity nhưng không được bỏ qua Veracity, đó mới chính là yếu tố quyết định cho việc thành bại.

Nếu dữ liệu đã được xác thực, chắt lọc, chia sẻ từ nhiều bên mới thì mới trở thành nền tảng chính cho việc tối ưu quá trình chuyển đổi số thành công, điều đó không phải là do một tổ chức tạo ra mà cần sự gắn kết của nhiều tổ chức để tạo ra nền tảng chung về dữ liệu, nền tảng đạo đức về thông tin xác thực giúp phát triển cho trí tuệ nhân tạo – AI.

Chẳng hạn, việc khai báo thông tin sức khoẻ tại các bệnh viện trong mùa COVID-19 qua ghi chép hoặc các ứng dụng trên điện thoại. Trường hợp khai báo thông tin là chính xác, được xác thực thì việc liên kết thông tin giữa Bộ Y tế, Sở, ban ngành sẽ giúp lần theo dấu vết thông tin rõ ràng hơn. Còn nếu không có trách nhiệm, khai báo thông tin sai sự thật sẽ khiến dữ liệu bị sai lệch, mất nhiều thời gian để truy tìm dấu vết nếu có sự cố xảy ra.

Thời điểm này, Việt Nam cần xây dựng nền tảng đạo đức về thông tin giúp cho phát triển AI và chính quyền sẽ điều phối để đảm bảo cho AI vận hành hiệu quả, ông Quỳnh nhận xét.

Như vậy, đạo đức về thông tin của dữ liệu xác thực sẽ là chính sách quan trọng nhất giúp chính phủ cùng với các tổ chức và doanh nghiệp chung tay xây dựng nền tảng dữ liệu số có trách nhiệm, góp phần nào giải quyết những bài toán rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân phục vụ cho các nhu cầu mua bán trao đổi vật chất đang trở nên hỗn loạn như hiện nay.

Chất xúc tác giúp thay đổi

Các giải pháp thay đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay giúp các doanh nghiệp nhận biết được mục tiêu phát triển mô hình chuyển đổi số phù hợp sẽ là một chiến lược dài hạn chứ không phải một giải pháp tình huống.

Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ CNTT công ty tư vấn PwC nhận định đại dịch COVID-19 đã tác động lên toàn bộ nền kinh tế trong năm 2020 và hậu quả có thể kéo dài cho những năm sau. “Dịch bệnh đã làm thay đổi nhu cầu của con người rất nhiều, trong đó, trải nghiệm khách hàng, xu hướng kinh doanh số sẽ là một trong những thay đổi mà doanh nghiệp cần lưu ý”.

Chẳng hạn, trước khi có COVID-19, việc ra vào các toà nhà hoặc chi nhánh ngân hàng thường phải mở cửa trực tiếp là việc bình thường. Tuy nhiên khi dịch diễn biến nặng, một số ngân hàng bắt đầu ứng dụng camera có tính năng nhận diện khuôn mặt khách hàng, nhân viên và tự động mở cửa để tránh chạm tay vào cửa. Điều này sẽ giúp tăng thêm trải nghiệm cho người dùng và cũng giúp khách hàng có thêm niềm tin về dịch vụ của ngân hàng – ông Long nhận xét.

Còn ông Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ Sonkim Group chia sẻ: “COVID-19 khiến mọi thứ thay đổi quá nhanh, có những sáng kiến thực sự chỉ mang tính tình huống nhưng chúng tôi xác định chuyển đổi số là bước đi chiến lược chứ không phải là giải pháp tình huống”.

Ông Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ Sonkim Group

Do vậy, từ cuối năm 2019, công ty đã triển khai môi trường làm việc số từ cấp nhân viên cho đến quản lý trên hai nền tảng là Microsoft Office 365 có tích hợp công cụ Microsoft Teams họp nhóm và Facebook Workplace để triển khai công việc cho các nhân viên và phòng ban, cửa hàng...

Như vậy, các hoạt động hầu hết được chuyển lên trực tuyến và hạn chế tối đa hội họp trực tiếp. “Trước khi dịch bệnh xảy ra, quá trình này thông thường phải mất từ 3-6 tháng để triển khai thành công. Thế nhưng tình hình này lại trở thành chất xúc tác khiến mọi người đồng lòng quyết tâm thay đổi và chúng tôi đã thực hiện thành công chuyển đổi chỉ trong vài tuần. COVID-19 đã không nằm trong kế hoạch của công ty lại trở thành cơ hội giúp chúng tôi thúc đẩy nhanh tiến trình này”, ông Huân nói.

Thay đổi toàn diện

Tuy nhiên trong mỗi doanh nghiệp, việc chuyển đổi số thành công không chỉ xuất phát từ mô hình hoạt động phù hợp hoặc nhân viên mà còn bị chi phối từ lãnh đạo.

Ông Võ Tấn Long cho biết, một khảo sát của công ty PwC vào năm 2019 về việc người lao động có sẵn sàng cho các thay đổi, đặc biệt là thay công nghệ hay không thì 50% nhân viên trả lời rằng chưa sẵn sàng. Thậm chí, 64% chủ doanh nghiệp cũng cho rằng nhân viên của mình chưa sẵn sàng.

Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ CNTT, PwC

Điều này có nghĩa là trong mỗi doanh nghiệp cần có chế độ khuyến khích sự thay đổi tư duy, cởi mở hơn, làm sao nâng tầm nhân viên để họ tự ra quyết định. Đồng thời lãnh đạo cũng phải học cách chấp nhận sai lầm của nhân viên, chấp nhận thử nghiệm những thay đổi và tích lũy những kinh nghiệm từ sai lầm. Nếu làm được những điều này trong thời đại kinh tế số, đặc biệt nhất là trong bối cảnh nhu cầu, thói quen của người dùng thay đổi nhanh chóng thì các doanh nghiệp cũng sẽ gặt được thành công nhất định.

Tiến sĩ Huỳnh Lương Huy Thông, đại diện công ty công nghệ thông tin VNPT đã chia sẻ công thức của quy trình chuẩn chuyển đổi số mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm: “Toàn bộ quá trình chuyển đổi số với doanh nghiệp bao gồm ba bước, một là chuyển đổi tài liệu từ dạng văn bản giấy thành dữ liệu số rồi lưu trữ trên các máy tính, dễ dàng chia sẻ qua mạng. Hai là xác định mục tiêu chuyển đổi và mô hình hoạt động theo mục tiêu chuyển đổi – đây là quá trình sáng tạo mà mỗi công ty phải tự khám phá và bước ba là hiện thực hoá việc chuyển đổi này”.

Tóm lại, những giải pháp đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện quá trình tối ưu dữ liệu số, phục vụ cho việc chuyển đổi số mô hình hoạt động cũng đều phải cần những nền tảng quan trọng sau đây. Đầu tiên là cần có dữ liệu xác thực giúp lựa chọn nguồn nhân lực phù hợp. Kế đến nguồn nhân lực sẽ kết hợp với một chất xúc tác – chính là một động lực thay đổi toàn diện từ nhiều phía, bao gồm cả tổ chức với nhân viên và cả lãnh đạo thì mới có thể đột phá, dám chấp nhận thử thách, thử nghiệm thành bại thì mới giúp doanh nghiệp thành công trong giai đoạn hiện nay. Và điểm cuối cùng chính là ý tưởng sáng tạo của mỗi doanh nghiệm thông qua 3 bước chuyển đổi số thì mới giúp doanh nghiệp hiện thực hoá giấc mơ của mình.

Vũ Phạm / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam