Google cập nhật thuật toán 5/5 tác động website toàn thế giới

Đợt cập nhật giải thuật (SEO) của Google vào ngày 5/5 vừa rồi có tác toàn thế giới. Trong bài này STG sẽ trình bày những nghiên cứu về ảnh hưởng tại Việt Nam, dự đoán nguyên nhân và đề ra một số cách khắc phục.

Cập nhật giải thuật 5/5 là gì?

Đầu tiên đây là 1 cập nhật lớn thuộc nhóm “core update” về giải thuật của Google và tầm tác động trên khắp thế giới. STG có khảo sát top 21 website Việt Nam (theo similarweb) thì 100% đều bị ảnh hưởng, phần lớn đều đã hồi phục nhưng một số thì không, trong đó bị nặng nhất là thanhnien.vn bị giảm 3 triệu lượt truy cập/tháng và đang tiếp tục giảm. (xem báo cáo chi tiết tại đây).

Một điều chắc chắn là khi Google đưa ra một giải thuật mới sẽ không công bố cụ thể họ đã làm gì. Thậm chí các nhân viên của Google cũng chỉ biết được một phần của các cải tiến. Vì vậy để dự đoán được Google đã làm gì thì chỉ có 2 cách:

  1. Dựa vào các công bố chính thức của Google để đoán ra (nếu có)
  2. Dựa vào dữ liệu tổng thể của thị trường (trang nào tăng, trang nào giảm)

A. Cổng thông tin chính thức của Google về SEO hiện nay bao gồm:

  • Twitter: https://twitter.com/searchliaison: Twitter theo đúng kiểu của người Mỹ là những thông báo nhanh gọn, không chi tiết đến cộng đồng. Qua mỗi thời điểm sẽ có 1 người đại diện cho Google để tiếp xúc cộng đồng SEO toàn cầu. (Trước đây là Matt Cut, John Muller…). Tóm lại là bạn cập nhật ở đây là nhanh nhất.

  • Một điều cần lưu ý là trong các thông báo của Google đều là những bản định hướng chung như nội dung phải hay, hấp dẫn giá trị cho người đọc mà ít khi nói rõ đợt này tôi sẽ cập nhật điều gì (ví dụ thông báo 5/5). Nên để đoán được thì cần phân tích thêm.
  • Twitter của John Muller – đại diện của Google trao đổi với webmaster trên thế giới.
  • Ngoài ra có 1 nơi bạn có thể cập nhật được tình hình SEO thế giới rất nhanh là https://www.seroundtable.com/ của Barry Schwartz – tác giả này là “dân kỳ cựu” về SEO và đặc biệt hay dò ra được các cập nhật mới có thông báo chính thức hoặc không thông báo của Google. Và các thông tin ở đây khá chính xác.

B. Dựa vào dữ liệu tổng thể của thị trường (trang nào tăng, trang nào giảm)

Có rất nhiều trang dò biến động của SEO traffic trên thị trường điển hình có:

Người làm SEO thường xem cập nhật như là “động đất” – report của SEMrush.
(Hãy chú ý vào đỉnh cao nhất của đồ thị)

Trong các báo cáo thì bản báo cáo của SEMrush là nhiều thông tin nhất vì nó thống kê được theo ngành và theo báo cáo này thì ngành du lịch, bất động sản và sức khỏe bị tác động mạnh nhất.

Vì sao Website bị rớt lượng truy cập?

Theo STG tìm hiểu một vòng các bài viết của các trang nổi tiếng như Neil Patel, Search Engine Land thì có 1 điểm chung là yếu tố chất lượng nội dung được nhắc đến nhiều nhất. Ngoài ra đợt cập nhật này có tác động toàn cầu chứ không chỉ mảng tiếng Anh. Do đó STG thử phân tích một số trang ở Việt Nam về lượng truy cập để thử phân tích xem giả định là đợt cập nhật này tập trung vào chất lượng nội dung có đúng không. Các trang phân tích gồm có:

  1. www.vinmec.com – 3.2 triệu truy cập/tháng
  2. Hellobacsi.com – 2.0 triệu truy cập/tháng
  3. Ihs.org.vn – 608 ngàn truy cập/tháng
  4. Careplusvn.com – 101 ngàn truy cập/tháng
  5. Thuocsi.vn – 25.6 ngàn truy cập/tháng
  6. www.pharmacity.vn – 256 ngàn truy cập/tháng
  7. Nhathuoclongchau.com – 185 ngàn truy cập/tháng

Thông tin dữ liệu truy cập từ ahref, tập trung vào các trang ngành y tế (healthcare)

Nhóm trên gồm 2 nhóm:

  • Các website làm nội dung kiến thức
  • Các website bán hàng (thường bị dính vào lỗi nội dung ngắn (thin content))

Kết quả phân tích: 2 site thuocsi.vn và pharmacity.vn bị giảm traffic đáng kể đúng ngày cập nhật. Một điều STG ghi chú là các trang này đều là các trang rất lớn có điểm uy tín cao (DR – Ahref) – thường rất ít bị ảnh hưởng bởi cập nhật nhỏ nên nếu có bị ảnh hưởng thì đây thường là 1 đợt cập nhật lớn (core update) hoặc bị Google xem xét phạt (penalty).

Kiểm tra tại thuocsi.vn và pharmacity thì ngày 5/5 có rất nhiều từ khoá về mã thuốc bị rớt hạng.

Sau khi phân tích, nội dung trang thì STG dự đoán rằng 2 trang này bị dính lỗi nội dung kém chất lượng (thin content) vì khi khảo sát các trang đích (landing page) của họ thì thấy nội dung ngắn và chỉ mới tối ưu SEO căn bản ở thẻ title, h1 nhưng sâu hơn như h2, khai báo dữ liệu cấu trúc (schema) và quan trọng nhất là nội dung tự viết, trau chuốt hình ảnh thì chưa trong khi nhà thuốc Long Châu cùng ngành nhưng tác động rất ít thì lại có. Như hình bên dưới:

Kết luận và phương án xử lý

Kết luận ban đầu

Với các dữ liệu trên cộng thêm tình hình của các case report từ thế giới thì giả định đợt này cập nhật liên quan đến nội dung kém chất lượng có tỷ lệ chính xác cao.

Nên nếu website bạn đang tụt hạng trong đợt cập nhật này, hãy tập trung vào điểm này trước, đừng vội tập trung xây thêm liên kết mới. Ví dụ nếu STG là thuocsi.vn và pharmacity thì sẽ ưu tiên cập nhật nội dung sản phẩm của nó trước, cụ thể ở từng sản phẩm đang bị mất thứ hạng.

Ngoài ra STG còn 1 giả định chưa kiểm chứng là đợt này Google phân tách thế giới ra 2 nhóm: trang bán hàng và trang thông tin. Các trang bán hàng sẽ không được ưu tiên thứ hạng từ khoá cho tìm kiếm thông tin: ví dụ: bệnh tiểu đường sẽ ưu tiên các website thông tin như vinmec, hellobacsi…

Phương án xử lý: Làm sao để cải thiện chất lượng nội dung?

Như vậy Google đã có nhiều yêu cầu hơn về việc các website cần phải có nội dung tốt hơn và cần tối ưu hơn nữa để giúp Google hiểu được nội dung (rich snippet) – đây có thể là tiền đề để Google cải thiện thêm giải thuật Rank Brain của họ. Nên ngoài việc cải thiện chất lượng nội dung hình ảnh chủ doanh nghiệp cần tối ưu nâng cao thêm các thẻ cấu trúc, h2, review…

Nếu bạn đang thuộc nhóm website rớt hạng trong đợt cập nhật này và một số landing page của bạn bị rớt hạng do lỗi nội dung ngắn (thin content) thì điều bạn cần làm là cải thiện chất lượng nội dung. Để làm được điều này có 2 bước:

  • Xác định các trang có nội dung kém, các từ khoá bị rớt thứ hạng.
  • Phát triển nội dung, tối ưu nội dung cấu trúc theo yêu cầu của Google (rich snippet).

1. Đầu tiên bạn cần biết được nội dung nào kém chất lượng

Kém chất lượng ở đây tạm hiểu là nội dung không được đầu tư, copy ở nơi khác, không có hình ảnh, thiếu cấu trúc format phục vụ người dùng. Có nhiều cách để phát hiện, bạn có thể mua tool của Ahref, SEMrush để họ chạy ứng dụng phân tích.

Nếu bạn làm site thương mại điện tử thì nội dung sản phẩm thường hay bị bỏ trống, đây là lúc bạn nên chú trọng cải thiện nội dung của từng sản phẩm. Từ năm 2017 các thành viên STG đã tư vấn cho các bên chú trọng việc này và kết quả là đợt cập nhật này không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí đang có dấu hiệu phục hồi sau COVID.

Một tip khác là bạn có thể vào Search Console trong báo cáo của Google có cập nhật 1 mục khá quan trọng là Crawled – currently not indexed. Thường các trang này hay bị thu thập dư như thêm utm tracking nhưng cũng có một số bị dính lỗi “thin content”.

Một cách tinh gọn hơn nữa là bạn xem xét lại xem mình rớt hạng ở từ khoá nào và chú trọng cải thiện nội dung ở đó. Việc này bạn cần sử dùng google Analytics để so sánh sự lên xuống truy cập của các landing page là có thể biết được. Nếu bạn có tài khoản Ahref thì sẽ đơn giản hơn vì bên này lưu trữ luôn dữ liệu của bạn. STG có thể hỗ trợ bạn làm việc này ở mục 4 của bài này.

2. Tối ưu nội dung cho người dùng và theo yêu cầu của Google

Nội dung như thế nào “Google mới hài lòng” là chủ đề đã được thảo luận rất nhiều. Đầu tiên tiên bạn nên nghiên cứu tài liệu chính thức của Google về nội dung chất lượng và hướng dẫn căn bản về SEO:

Hai tài liệu này rất quan trọng nếu bạn chú trọng vào SEO, tài liệu này team Google cũng đã dịch qua tiếng Việt.

Tiếp theo là các tài liệu kỹ hơn của bên backlinko mà STG muốn giới thiệu tới mọi người:

Tài liệu này rất trực quan và sinh động tuy nhiên nó là tiếng Anh nên mọi người chịu khó xem một chút nhé.

Một điều mà STG muốn chia sẻ là “bạn hãy tập trung tối ưu nội dung cho người dùng và rồi Google sẽ chạy theo bạn”. Nghe quái đản nhưng đây là triết lý mà STG theo đuổi từ lúc làm SEO đến nay. Vừa kết hợp đáp ứng kỹ thuật giúp Google hiểu site hơn vừa phát triển nội dung “phục vụ” người dùng. Bên dưới STG chia sẻ cách STG cụ thể hơn mà STG đang làm:

A. Tối ưu lại nội dung cũ

Cách lấy dữ liệu: Từ Google Search Console.

Chọn ra những Landing Page có lượng Impression (lượng hiển thị) cao nhưng tỷ lệ click thấp (CTR).

Kiểm tra nội dung trên các trang và tối ưu lại:

  • Tối ưu về nội dung: viết bổ sung, cập nhật nội dung mới, format lại theo chuẩn SEO.
  • Tối ưu các yếu tố Onpage: tối ưu Thẻ Tiêu đề và Mô tả có liên quan đến từ khoá (có chứa từ khoá), lưu ý không nên cố nhét từ vào mà phải kết hợp câu từ mang tính kêu gọi, đủ hấp dẫn để thu hút người đọc click vào.

Một mẹo nhỏ khi viết nội dung thẻ Tiêu đề và Mô tả là bạn có thể thêm các ký tự biểu tượng (symbol) để tạo điểm nhấn, nổi bật so với các kết quả khác cũng như nhấn mạnh những điểm chính, thu hút người dùng ngay lập tức khi nhìn vào kết quả tìm kiếm.

  • Cập nhật lại Ngày viết: đối với 1 số từ khoá, Google thường ưu tiên những nội dung mới nhất và một trong những yếu tố xem xét là ngày viết, bên cạnh đó thói quen người dùng cũng thường lựa chọn kết quả có ngày viết mới nhất để vào xem. Do đó, bạn có thể search thử từ khoá đó trên Google xem các trang được xếp hạng có ngày viết gần nhất hay không, nếu có thì khi chỉnh sửa bài viết hoàn tất nên cập nhật cả Ngày viết nhé.
  • Nội dung bị hiểu sai từ khoá

Có một số trường hợp Google hiểu nhầm tiêu đề bài viết, dẫn đến hiển thị sai truy vấn mục tiêu.

Ví dụ: Xem xét một website do team STG quản trị thuộc ngành du lịch.

Khi bạn kiểm tra lại 1 bài viết mới được tối ưu và đã được lên trong một tháng trong Search Analytics để xem hoạt động như thế nào. Check đến các truy vấn và thấy rằng truy vấn khá kỳ lạ:

Nguyên nhân ở đây có thể do tiêu đề đã khiến Google hiểu nhầm từ khoá và hiển thị bị sai truy vấn (tiêu đề bài viết có chứa cụm “oanh tạc Châu Âu” được Google hiểu thành “oanh Châu Âu”)

Vì vậy, bạn cần chỉnh sửa tiêu đề gọn gàng hơn và rõ ràng ngữ cảnh và ý tưởng muốn viết trong bài viết.

  • Xác định những từ khoá tiềm năng để chỉnh sửa

Phần lớn SEO là tối ưu hoá nội dung của bạn cho người sử dụng công cụ tìm kiếm. Để làm điều đó một cách hiệu quả – bạn cần phải đứng ở vị trí người đọc và trả lời nhu cầu của họ trong nội dung của bạn. Đôi khi nội dung của bạn hơi bị ngắn, chưa đủ và cần điều chỉnh. Bạn có thể xem trong Search Analytics để tìm manh mối về cách nên khắc phục.

Để xác định những từ khoá tiềm năng, bạn tìm kiếm các truy vấn trên các trang nằm vị trí từ 11 đến 20 – từ đó tiến hành sửa đổi nội dung bài/ trang liên quan nhiều hơn với Từ khóa, hoặc có thể tạo một bài viết mới về Từ khóa đó.

Ví dụ: Với 1 website khác thuộc ngành hàng Máy móc – Thiết bị do STG quản trị, khi lọc theo URL có chứa “may-khoan”, bạn xem danh sách truy vấn dưới có những Từ khóa ở vị trí Top 10-20 có thể làm chủ đề cho bài viết mới hoặc sửa cho bài viết/ trang hiện tại.

Khi xem xét các trang thu hút nhiều traffic của Trang web, một trong những trang đó là bài viết “Các loại mũi khoan và hướng dẫn dùng mũi khoan đúng cách”:

Bạn thấy những Từ khóa được người dùng tìm kiếm thêm về các loại mũi khoan như “mũi khoan gỗ dài, mũi khoan gỗ tròn…”. Hãy bổ sung, chỉnh sửa những yếu tố đó vào bài viết nếu chưa có.

  • Cải thiện CTR

CTR giúp cho bạn nhận được nhiều lưu lượng truy cập hơn từ tìm kiếm tự nhiên mà không cần đi link nhiều hoặc viết quá nhiều Content.

Cách đơn giản là bạn tìm các trang và truy vấn có số lần hiển thị cao và CTR thấp. Tìm hiểu xem hầu hết các truy vấn của bạn có vị trí trên 11. Nếu có, thì bạn cần sửa đổi hoặc tạo nội dung mới. Nếu các trang này đều ở trên vị trí 11, thì bạn có thể thử nghiệm chỉnh sửa mô tả meta và tiêu đề để thu hút nhiều lượt nhấp chuột hơn.

Ngoài ra, nếu nội dung của bạn đạt được Vị trí số 0 (Đoạn trích nổi bật) đối với từ khóa mục tiêu, thì bạn có thể định dạng lại một phần bài đăng của mình để lấy thứ hạng đó.

B. Xây dựng nội dung mới

  • Thay vì chỉnh sửa bài viết hiện có thì ta cũng có thể tìm ý tưởng cho những bài viết mới dựa vào Search Analytics trong Search Console.

Đầu tiên, bạn xem lại tất cả các truy vấn trong 90 ngày trước đó và tìm tất cả các từ khóa có khối lượng cao nhất nằm ngoài Top 10 và có liên quan đến lĩnh vực website (ví dụ vị trí từ 11 đến 50). Nên ưu tiên các từ khóa có liên quan, nhưng website lại chưa có bài viết chính xác về nội dung này.

Google đôi khi lựa chọn 1 bài viết của bạn đưa lên kết quả tìm kiếm, nhưng bản chất nội dung đó không nói đến Từ khóa đó, do đó bạn có thể viết một bài viết mới với nội dung thực sự liên quan đến Từ khóa để giữ chân người đọc và tăng chuyển đổi tốt hơn.

Ví dụ: Trong Search Console của Website thuộc ngành Máy móc – Thiết bị, khi kéo các truy vấn truy cập từ bài viết tin tức tư vấn, bạn lướt qua những từ thuộc top 11 trở đi và gặp từ khóa “cách lắp lưỡi cưa gỗ bằng tay”, tuy nhiên trang hiển thị ra là một bài viết nội dung hoàn toàn không liên quan là “Hướng dẫn sử dụng máy mài Mini cầm tay an toàn”.

Điều này sẽ không mang lại lợi ích gì cho người đọc. Do đó, bạn nên viết một bài mới về chủ đề trên.

  • Xác định cơ hội về vị trí (địa lý)

Trong Search Analytics bạn có thể chọn hiển thị theo Địa Lý.

Sau đó lọc Truy vấn chứa Từ khóa liên quan đến địa điểm đó, nếu có nhiều Truy vấn có dính đến địa lý đó thì nên tạo nội dung cho địa lý đó.

Ví dụ: “Du lịch từ Hà Nội”…

  • Phát triển và theo dõi nhóm từ khóa tiềm năng trên các công cụ khác

Bạn cũng có thể tìm ra các nhóm từ khóa tiềm năng từ một loạt các công cụ của bên thứ ba như Ahrefs, Keywordtool.io, hoặc Keyword Planner. Lưu ý số liệu các công cụ này đều chưa hẳn hoàn toàn chính xác. Do đó, bạn nên so sánh giữa dữ liệu này với dữ liệu trong Search Console để đưa ra quyết định có nên đầu tư viết nội dung mới cho các từ khóa tìm thấy hay không.

Ví dụ: xác định xem bạn sẽ nhận được bao nhiêu lưu lượng truy cập nếu tăng tỷ lệ click (CTR) lên (tức tối ưu nội dung cũ)? Bạn có thể nhận được bao nhiêu lưu lượng truy cập nếu bạn có thể xuất bản nội dung “Tư vấn…” để có lượng tìm kiếm tương tự (tức viết bài mới)? So sánh 2 hình thức này, nếu bạn có thể giữ tỷ lệ chuyển đổi của mình như nhau – mức độ này sẽ ảnh hưởng đến dòng doanh thu của bạn như thế nào?

C. Tối ưu Nội dung theo cấu trúc (rich snippet)

Rich Snippet là một thuật ngữ chỉ tất cả các kết quả có thông tin bổ sung ngoài thông tin xuất hiện theo mặc định trong các trang kết quả tìm kiếm của Google (SERPs). Nó bao gồm như đánh giá (sao), giá, chi tiết sự kiện... – với sự hiển thị chi tiết như vậy, chúng có thể có tác động rất lớn đến tỷ lệ nhấp vào Website của bạn.

Bạn có thể xem mình đang có những gì và cải thiện điều đó qua Search Analytics. Từ đó nghiên cứu và cài đặt thêm các yếu tố một cách phù hợp cho từng thể loại trang.

Bước đầu tiên, bạn cần kiểm tra các trang đã được tối ưu hiển thị Rich Snippets chưa hoặc nếu có thì có lỗi gì phát sinh khi khai báo hay không, bạn có thể sử dụng công cụ Google’s Structured Data Testing Tool.

Sau đó tùy từng trường hợp mà tiến hành cài đặt cấu trúc dữ liệu hoặc sửa lỗi theo hướng dẫn của Google cụ thể tại: https://developers.google.com/search/docs/guides/prototype?hl=vi

D. Cải thiện dựa theo Mobile

Một điều hiện tại nhiều người thường không để ý và bỏ qua đó là tối ưu nội dung theo thiết bị, cụ thể nội dung thể hiện trên thiết bị di động sẽ khác kích thước so với máy tính.

Dữ liệu này có thể giúp bạn “thân thiện với thiết bị di động” bằng việc thay đổi kích thước nội dung của bạn hoặc thay đổi cấu trúc nội dung.

Ví dụ:

Chọn So sánh Di Động + Máy Bàn ở mục Thiết Bị trong Search Console của trang Web Máy móc – Thiết bị.

Ta có thể thấy rằng các truy vấn có từ “Các loại mũi khoan” được tìm kiếm trên di động khá nhiều.

Click vào “Các loại mũi khoan” để đi đến bài viết.

Ở đây, sau khi xem xét STG nhận thấy thấy cấu trúc nội dung giới thiệu hơi dài, phần chính “các loại mũi khoan” được đặt ở giữa, nên người dùng mất công phải đọc phần đầu và phải cuộn xuống mới thấy phần chính được đề cập. Bạn có thể thay đổi vị trí cấu trúc nội dung bài viết, ưu tiên phần “các loại mũi khoan” đưa lên ngay đầu.

Vì nếu ai đó đang tìm kiếm [nội dung] trên thiết bị di động của họ – họ muốn thông tin đó được hiển thị đầu tiên mà không cần kéo xuống quá lâu với những nội dung dài dòng phía trên.

Phân tích từ khóa rớt hạng cho site của bạn

Nếu bạn bị rớt lượng truy cập vào ngày 5/5 bạn sẽ cần 1 bảng phân tích từ khóa chi tiết như file sau: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1HCSNzb32CJ_GOHWkrAbtgxRT-EYh7zWlPX-tPfNNj8w/edit#gid=88897104

Nếu bạn cần STG hỗ trợ bạn có thể điền vào form sau chúng tôi sẽ gửi lại bạn 1 bản chi tiết kèm theo những phân tích cơ bản để giúp cải thiện hơn tình trạng rớt hạng.

Mời bạn điền form:
https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSflQRjKJJXjBrNtp4F1FghnerKDWsplU4ksKBK8xkladpZrtw/viewform

Ghi chú: STG xin phép được hỗ trợ hầu hết tất cả các trang trừ những trang kinh doanh trái pháp luật, các dịch vụ game, người lớn và bài bạc. Form có thể được đóng lại theo nguồn lực đáp ứng của STG.

Tham khảo:

Công cụ phân tích:

  • Ahref (paid)
  • Search Console (free)

SEOTinhGon.com