Marketer Lê Hoàng Trâm
Lê Hoàng Trâm

In-Depth Content about Brand, Marketing and Tech

Những con số đột phá của thị trường mua sắm trực tuyến mùa dịch

Thị trường online shopping đã chứng kiến sự mở rộng cả cung lẫn cầu lớn chưa từng có trong 3 tháng COVID-19. Hầu hết người dùng và doanh nghiệp chưa từng trải nghiệm hình thức mua sắm trực tuyến đều phải tìm cách thích ứng.

Theo Shopee, xu hướng của thị trường mua sắm trực tuyến mùa dịch vừa qua là người dùng gia tăng mua sắm trực tuyến và cho mọi nhu cầu hàng ngày; Thương hiệu và Nhà bán hàng gia tăng mức độ nhận diện trực tuyến và tăng cường tương tác xã hội. Nhận định này được chứng minh bằng các con số thực tế.

Theo Nielsen, 47% người Việt đã thay đổi thói quen ăn uống; 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống; 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.

Hầu hết các sàn điện tử đều đã có sự tăng trưởng đột biến trong mùa dịch. Số lượng đơn hàng của trang TMĐT SpeedL (Lotte Mart) tăng đến 150-200%. Riêng tại Tiki, ước tính mỗi phút cao điểm sàn phát sinh đến 3.000-4.000 đơn hàng. Dịch vụ đặt giao hàng beDelivery mua hộ hàng hoá, nhu yếu phẩm đã nhận được khoảng 15.000 lượt yêu cầu, tăng 200% so với trước thời điểm có dịch.

beDelivery và be Đi Chợ mua hộ hàng hoá cho người dân được ưa chuộng.

Riêng các siêu thị/ cửa hàng truyền thống đã có sự thay đổi đa dạng từ cuối tháng 3/2020 để thích ứng với thời cuộc, như dịch vụ “đi chợ hộ” của Vinmart, Big C, và Lotte Mart với nhiều cách thức mua hàng linh hoạt qua điện thoại, app và website. Theo giám đốc Marketing VinID, số lượng người lên VinID để đi chợ online hay mua hàng trực tuyến tăng hơn gấp 3 lần so với bình thường. Hệ thống siêu thị “Bạn của mọi nhà”, Co.opmart, cũng triển khai dịch vụ nhân viên siêu thị gửi phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu, hoá phẩm, đến tận nhà khách hàng.

Bên cạnh nhu yếu phẩm, nhóm sản phẩm được ưa chuộng trong thời gian qua là nước tẩy trang, điện thoại thông minh, sữa, tã giấy, nồi, chảo (trên Shopee.vn); các sản phẩm tập gym tại gia như tạ, máy chạy bộ, xe đạp tập… tăng 116%; webcam tăng đến 624% (trên iPrice.vn).

Hoạt động truyền thông cũng ghi nhận nhiều dấu ấn. VinMart cập nhật đón trend bằng MV “VinID – Tết Corona, Tết hoài không hết”, nhận hơn 10.370 thảo luận trên fanpage và kênh YouTube của thương hiệu (chiếm 53% trong tổng thảo luận).

Hoạt động truyền thông cũng ghi nhận nhiều dấu ấn.
Nguồn: YouNet Media

Speed L, trang thương mại điện tử của Lotte Mart triển khai minigame, tăng tương tác với khách hàng bằng những nội dung được cả cộng đồng quan tâm như niềm vui từ đi chợ online, nấu ăn tại nhà (Theo báo cáo về “Bán lẻ trực tuyến” quý I/2020 của YouNet Media).

MV “VinID – Tết Corona, Tết hoài không hết” của nhà VinMart

Thực tế, thị trường E-commerce Việt Nam đã phát triển nóng trước khi đại dịch bùng phát. Kinh tế Internet – Thương mại điện tử Việt Nam 2019 đã tăng 150% chỉ sau 1 năm, từ 9 tỷ USD vào năm 2018 lên 12 tỷ USD vào 2019, trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia)*.

Thương mại điện tử Việt Nam được kỳ vọng đạt quy mô 15 tỷ USD vào 2025**. Điều này có thể sẽ thành hiện thực nhanh hơn khi COVID-19 đã mang đến một cú tác động lớn, tạo ra cơ hội “ngàn vàng” để các doanh nghiệp tăng tốc trên thị trường trực tuyến, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số (digital transformation) cho đất nước.

Nguồn:
(*) Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019
(**) http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-dang-huong-toi-moc-15-ty-usd-vao-nam-2020-306060.html

Grace Le tổng hợp và hiệu chỉnh
* Nguồn: Nhân Dân, Tuổi Trẻ