Google miễn phí quảng cáo sản phẩm trên Google Shopping 2020: Nhà bán lẻ cần chuẩn bị gì?

Trước tình trạng tạm ngừng kinh doanh hàng loạt của các cửa hàng offline, thương mại điện tử đã trở thành “cần câu cơm” cho các nhà bán lẻ. Do hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng ngày càng gia tăng nên họ không chỉ tìm kiếm về các mặt hàng nhu yếu phẩm mà còn bao gồm cả những sản phẩm như đồ chơi, đồ gia dụng và thời trang, mỹ phẩm.

Ngành bán lẻ đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm gần đây và chỉ mới thật sự bùng nổ nhờ mùa dịch Corona vừa rồi. Mặc dù đây được xem như một cơ hội giúp các nhà kinh doanh có thể tái kết nối với người tiêu dùng của mình nhưng rất nhiều người lại không có đủ khả năng để tiếp cận thị trường và nắm bắt cơ hội phát triển kinh doanh trong giai đoạn này.

Google Shopping cho phép quảng cáo sản phẩm không mất phí

Nhận ra những thách thức của người kinh doanh online, Google đã quyết định cho phép họ quảng cáo sản phẩm của mình trên Google mà không phải trả phí. Bắt đầu từ cuối tháng 4 năm nay, các kết quả tìm kiếm trên Google Shopping sẽ ưu tiên liệt kê danh sách sản phẩm miễn phí, giúp nhà bán hàng kết nối với người tiêu dùng mà không cần phải chạy quảng cáo trên Google. Với hàng triệu lượt tìm kiếm mua sắm mỗi ngày, Google hiểu rằng rất nhiều nhà bán lẻ đang cung cấp nhiều loại sản phẩm mà người tiêu dùng có nhu cầu sở hữu và có thể sẵn sàng giao hàng ngay nhưng khả năng họ được tìm thấy online lại quá nhỏ.

Đối với các nhà bán lẻ, sự thay đổi này cho phép họ tiếp cận tới hàng triệu người ghé thăm Google mỗi ngày cùng nhu cầu mua sắm online. Đối với những người mua sắm, nó cho phép họ tiếp cận tới nhiều sản phẩm từ nhiều cửa hàng hơn, hoàn toàn có thể khám phá thông qua mục Google Shopping. Đối với những người chạy quảng cáo, điều này có nghĩa rằng những chương trình chạy quảng cáo trả phí có thể được gia tăng thêm với các danh sách liệt kê miễn phí.

Nếu hiện tại bạn đã là một người dùng của Merchant Center và Shopping ads, bạn không cần phải làm bất cứ điều gì hay phải cố gắng tận dụng danh sách miễn phí này vì bạn đã tham gia vào chương trình “Xuất hiện trên toàn Google” nên sản phẩm của bạn đương nhiên sẽ được xuất hiện trong danh sách mà không cần thêm bất kì thao tác nào. Còn nếu bạn là người dùng mới của Merchant Center, Google sẽ tiếp tục cố gắng sắp xếp tốt hơn để hợp lý hoá quy trình xuất hiện trên trang trong một vài tuần tới.

Những thay đổi này đã được áp dụng trước tại Mỹ trong tháng 4 và sau đó Google sẽ mở rộng ra toàn cầu vào cuối năm nay. Đồng thời, Google cũng bắt đầu khởi động chương trình hợp tác mới với Paypal nhằm cho phép người dùng liên kết tài khoản Paypal của họ với Google. Việc này sẽ rút ngắn quy trình và mang lại trải nghiệm chất lượng nhất dành cho người dùng. Google cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác hiện có của mình như Shopify, Woocommerce và Bigcommerce để có thể hỗ trợ người dùng quản lý sản phẩm, lưu kho. Từ đó, đối tượng kinh doanh ở mọi quy mô đều có thể tiếp cận và gia nhập ngành thương mại điện tử.

Ảnh: Shopify

Vậy nhà bán lẻ cần chuẩn bị gì?

Trong trường hợp bạn chưa hiểu về Google Shopping, thì Google Shopping là một dịch vụ của Google, cho phép người tiêu dùng tìm kiếm, so sánh và mua sắm các sản phẩm hữu hình giữa nhiều nhà bán lẻ khác nhau – những người phải trả phí để quảng cáo sản phẩm của họ. Dịch vụ này còn được hiểu là công cụ mua sắm so sánh (Comparison Shopping Engine – CSE).

Các kết quả từ Google Shopping sẽ hiện dưới dạng ảnh thumbnail cùng với các thông tin như nhà cung cấp và giá của từng sản phẩm. Mặc dù ra mắt vào năm 2002 dưới cái tên Froogle và cung cấp dịch vụ liệt kê dữ liệu sản phẩm dựa trên những giai đoạn tìm kiếm cụ thể, nhưng đến năm 2012, dịch vụ này mới được chuyển thành mô hình quảng cáo trả phí, nơi mà các nhà bán lẻ sẽ phải trả tiền để được xuất hiện trong phần kết quả tìm kiếm của Google Shopping.

Để đón nhận cơ hội tiếp cận nhóm khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm mình đang bán một cách dễ dàng và hoàn toàn miễn phí từ Google vào cuối năm nay, các nhà bán hàng cần có sự chuẩn bị cho riêng mình.

1. Tạo website/ landing page bán hàng

Để có thể xuất hiện trên Google Shopping, trước hết bạn cần sở hữu một website hoặc landing page cho sản phẩm của riêng mình. Lí do là vì, về bản chất Google sử dụng các dữ liệu sản phẩm đã được đăng tải trên Internet của bạn để tạo bảng chú dẫn cho kết quả tìm kiếm. Có nghĩa là Google sẽ ghi nhận URL sản phẩm trên website hoặc landing page bán hàng của bạn và khi sản phẩm của bạn xuất hiện trong mục Google Shopping thì những hình ảnh đó sẽ dẫn trực tiếp người tìm kiếm sản phẩm về trang bạn đăng bán. Google Shopping chỉ là nơi để sản phẩm của bạn được hiển thị, không phải một nền tảng thương mại điện tử.

2. Tối ưu hình ảnh sản phẩm

Google Shopping là một dịch vụ đề cao tính thẩm mỹ và ảnh sản phẩm của bạn là yếu tố quan trọng nhất trong danh sách xuất hiện trên Google Shopping. Những bức ảnh này cũng là lý do để khách hàng đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm nào để bấm vào, sản phẩm nào để mua. Google biết điều đó và để mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mua hàng tốt nhất, Google sẽ không cho phép các quảng cáo có ảnh kém chất lượng xuất hiện trên danh sách.

Kết quả tìm kiếm trên Google Shopping khi tìm kiếm với Google.

Google thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng và sẽ không ngần ngại ban lệnh đình chỉ đối với các tài khoản không đáp ứng đúng yêu cầu về chất lượng từ Google. Vì vậy, ảnh sản phẩm kém chất lượng sẽ không chỉ tác động xấu đến doanh thu mà thậm chí còn khiến bạn bị Google “cho ra đảo”. Nếu bạn muốn sản phẩm của mình thật sự nổi bật trên Google Shopping, dưới đây là gợi ý dựa trên chỉ dẫn về hình ảnh của Google:

  • Nền ảnh sử dụng màu trơn: trắng, đen hoặc xám.
  • Hình ảnh sáng, rõ ràng.
  • Thể hiện đúng sản phẩm được bán (ảnh chụp cận hoặc chi tiết nhỏ trên sản phẩm có thể được dùng làm ảnh xem thêm nhưng tuyệt đối không được đặt làm ảnh chính).
  • Sản phẩm trong ảnh phải có kích thước chính xác, không được quá to hay quá nhỏ (Sản phẩm của bạn nên chiếm khoảng 75-90% toàn khung hình).
  • Tránh sử dụng các hiệu ứng như làm mờ, làm nhiễu hoặc lạm dụng và chỉnh sửa hình ảnh quá đà.

Ngoài ra, còn một số lời khuyên thực tế hữu ích khác ví dụ như: đối với các sản phẩm ngành thời trang bạn nên cung cấp những hình ảnh sản phẩm được mặc trên người thật; sử dụng mảng tối tạo chiều sâu; hình ảnh cần thể hiện được nhiều góc khác nhau của sản phẩm và kết hợp với người mẫu đang sử dụng nó. Những tiêu chuẩn này không chỉ phù hợp khi áp dụng với Google Shopping mà bạn cũng có thể sử dụng để tối ưu ảnh sản phẩm trên các nền tảng bán hàng trực tuyến khác như Shopee, Facebook Marketplace hay Ladipage...

3. Tạo tài khoản Google Merchant Center

Để sản phẩm của bạn được xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của Google Shopping, chắc chắn việc mà bạn cần làm đó là tạo tài khoản Google Merchant Center.

Bước 1: Điền đơn đăng ký

  • Điền đầy đủ các thông tin được yêu cầu trong đơn đăng ký: quốc gia, tên cửa hàng/ doanh nghiệp và website URL. Sau khi hoàn tất, chọn “Tiếp tục”.

Bước 2: Đọc kĩ các điều khoản và quy định

  • Sau khi đọc xong các điều khoản và quy định từ Google, chọn ô “Tôi đồng ý...” nếu bạn đồng ý và cuối cùng chọn “Tiếp tục”.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn cách Google liên hệ với bạn về các vấn đề liên quan đến Merchant Center.

Bước 3: Lựa chọn chương trình thích hợp

  • Chọn vào ô vuông trước chương trình mà bạn muốn sử dụng, bạn có thể sử dụng cả 2 chương trình cùng lúc cho 1 tài khoản. Để hiểu rõ hơn về từng chương trình, chọn mũi tên chỉ xuống phía bên cạnh và xem thêm giải thích chi tiết từ Google.
  • Sau khi đã hoàn tất, chọn “Tiếp tục”.

Bước 4: Tạo và khởi động tài khoản

  • Google có hướng dẫn chi tiết cách khởi động tài khoản trong trang cuối của quy trình đăng ký. Khi đã nắm rõ, hãy chọn “Tạo tài khoản” và bạn đã sỡ hữu tài khoản Google Merchant Center cho các hoạt động trên Google Shopping.

Kết luận

Việc Google miễn phí cho người dùng sử dụng dịch vụ Google Shopping trước mắt là tại Mỹ trong tháng 4 và sau này là mở rộng ra toàn cầu vào cuối năm nay chắc chắn sẽ là một cơ hội “có một không hai” dành cho các nhà bán lẻ trên toàn Thế Giới, bao gồm cả Việt Nam. Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho cửa hàng online của mình để không bỏ lỡ cơ hội này và bị bỏ lại phía sau.

Nếu việc tự tạo website hay landing page và quản lý đơn hàng trên đó quá khó khăn thì bạn có thể tạo tài khoản Netsale – nền tảng dropshipping toàn diện, giúp bạn tìm kiếm sản phẩm, chọn đăng bán và hệ thống sẽ đồng bộ đơn với các nền tảng tạo dựng website/landing page như Haravan, LadiPage, Woocommerce...

* Nguồn: Netsale