Quy trình chủ động xoay chuyển tình thế kinh doanh mùa dịch hiệu quả

Chủ động trong việc lên kế hoạch thay đổi khi đứng trước các rủi ro là một việc cần thiết và quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu kinh doanh. Một kế hoạch dự phòng hiệu quả cần sự kết hợp của cả hoạt động khảo sát, đánh giá thị trường bên ngoài cũng như phân tích kỹ càng sức mạnh nội tại bên trong doanh nghiệp.

Dưới đây là 3 bước quy trình giúp doanh nghiệp chủ động xoay chuyển tình thế kinh doanh được chia sẻ tại buổi live webinar tối ngày 21/04 vừa qua do Mắt Bão tổ chức, dưới sự dẫn dắt của anh Nguyễn Hữu Hiền – Trưởng Bộ phận Đào tạo Mắt Bão.

1. Phân tích tư duy quản trị

Đây là thời gian thích hợp để các doanh nghiệp có thể nhìn lại tổng thể mô hình hoạt động kinh doanh của mình.

Thông qua việc phân tích SWOT, doanh nghiệp sẽ nắm rõ điểm mạnh và điểm yếu, đồng thời cho thấy các mối đe doạ sắp phải đối mặt. Phân tích giúp bạn chỉ ra được các bước cần làm để phát triển thêm điểm mạnh, giảm thiểu các mối đe doạ thông qua việc tận dụng lợi thế có sẵn.

Hình ảnh Phân tích SWOT từ blog.teko.vn

Ngoài ra, cần tập trung thêm vào phát triển sản phẩm và trải nghiệm khách hàng: Trước dịch, các sản phẩm sẽ được đưa đến kênh phân phối, khách hàng sẽ trải nghiệm trực tiếp và mua. Nhưng trong thời điểm hiện tại, khách hàng sẽ trải nghiệm tất cả các dịch vụ ở hình thức trực tuyến. Do đó, chất lượng sản phẩm rất quan trọng để khách hàng có những trải nghiệm thực sự hiệu quả. Nếu các sản phẩm có thêm những phản hồi tốt cũng là một lợi thế để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

2. Đánh giá trải nghiệm khách hàng

Trải nghiệm khách hàng chính là đánh giá cảm nhận của khách hàng sau tất cả những tương tác với doanh nghiệp của bạn.

Hành trình mua hàng sẽ đi từ: Nhận thức > Tìm hiểu > Mua > Sử dụng > Hỗ trợ > Phản hồi. Những gì bạn cần làm chính là phải tác động hiệu quả lên nhận thức để đạt được những phản hồi tốt, 2 phương pháp có thể áp dụng:

  • Đưa sản phẩm vào tầm nhận thức của mọi người, khiến mọi người quan tâm chú ý. Khi bắt gặp sản phẩm nhiều lần, khách hàng sẽ nảy sinh mong muốn mua nhiều hơn. Phương pháp này cần có một chiến dịch quảng cáo thật hiệu quả.
  • Thể hiện thật nhiều phản hồi tốt của các khách hàng đã sử dụng. Điều này khiến các khách hàng mới dễ xảy ra tình trạng “hiệu ứng đám đông”. Khi thấy nhiều người mua hàng của bạn, khách hàng mới cũng sẽ càng tin tưởng mà sử dụng theo.

Tác động lên nhận thức nhưng đừng quên tự nâng cấp chất lượng sản phẩm của bạn. Hãy làm sao để bạn có thể đạt được mức cao nhất trong thước đo đánh giá của khách hàng, khiến khách hàng giới thiệu sản phẩm được cho bạn bè, hơn hết là quay lại sử dụng sản phẩm của bạn.

3. Đánh giá lại Văn hoá doanh nghiệp

Một số điều bạn cần đánh giá lại để hiểu rõ hơn doanh nghiệp của mình như

  • Cách vận hành liệu đã phù hợp và ổn định chưa?
  • Nhân viên có cùng mục tiêu với công ty hay không?
  • Người mua quan trọng hay người bán quan trọng? Nếu xảy ra xích mích giữa khách hàng và nhân viên thì nên xử lí thế nào?
  • Nhân viên đã được huấn luyện kĩ càng tác phong nghiệp vụ hay chưa?

Đặc biệt hơn:

  • Các cổ đông có hài lòng với mức ROI?
  • Nhân sự có hài lòng với thu nhập?
  • Chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng đã và đang như thế nào?

Chủ động xoay chuyển tình thế không hề là một việc dễ dàng. Bên cạnh 3 bước trên, bạn nên kết hợp thêm các kinh nghiệm thực tế để áp dụng cho doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

  • Tạo các nhóm điều phối mùa dịch, diễn tập 2 lần/ tuần, họp hàng tuần hoặc hàng ngày có thể phòng tránh được các rủi ro sắp đến cho doanh nghiệp, hoặc ít nhất giúp doanh nghiệp có thể ứng phó được với các rủi ro một cách nhẹ nhàng hơn.
  • Phân bố tỉ lệ WAC (Work At Company) và WFH (Work From Home) hợp lí.
  • Đầu tư cho các công cụ WFH giúp nhân viên làm việc hiệu quả.

Hơn nữa, công tác huấn luyện và đào tạo thêm cho nhân viên là một việc cần thiết, hữu dụng trong thời điểm này. Việc này tránh lãng phí các thời gian nhàn rỗi, các nhân viên có thể trau dồi nhiều hơn các kỹ năng còn thiếu, còn có cơ hội phát huy các điểm mạnh trong bản thân mà có thể trước đây họ chưa nhận thấy được.

Để tiếp tục chia sẻ thêm nhiều kiến thức hấp dẫn về “Chiến thuật Marketing trong mùa dịch”, sắp tới đây, Mắt Bão sẽ tiếp tục mang đến chuỗi nội dung với 2 chủ đề chia sẻ chuyên sâu: “Chiến thuật cá nhân hoá: Gia tăng trải nghiệm đa kênh và thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi” vào ngày 24/04 và “Quảng cáo không ra đơn, doanh nghiệp cần làm gì?” vào ngày 28/04.

Để tìm hiểu thêm thông tin và nhận link tham gia vui lòng đăng ký tại đây.