Thương mại điện tử và tư duy lấy người mua làm trung tâm

Các cải tiến bền vững trong Thương mại điện tử luôn là sự kết hợp giữa yếu tố công nghệ và tư duy lấy người mua làm trung tâm.

Bài viết thể hiện quan điểm của Bà Lee Kirkpatrick Smith, hiện đang là Trưởng bộ phận Thương mại toàn cầu tại Kantar.

Gần đây tôi đọc được có quan điểm cho rằng “Ngành hàng bán lẻ truyền thống không ‘chết’ dần đi, chỉ có các cửa hàng bán lẻ nhàm chán, không chịu làm mới mình mới rơi vào tình cảnh như vậy”. Không chỉ đồng tình, tôi còn cho rằng ngành bán lẻ trực tuyến cũng tương tự. Không còn những ngày đơn hàng đổ về ồ ạt như xưa với các trang thương mại điện tử nữa.

Nhưng cụ thể thì “nhàm chán” nghĩa là gì? Không thú vị, không đẹp, không hấp dẫn hay không đủ nhiều màu sắc? Thành thật mà nói, dù website Amazon bị nhiều người đánh giá là nhàm chán nhưng phân nửa dân số phương Tây vẫn thường xuyên mua sắm ở đây.

Có lẽ “nhàm chán” không phải là một từ đúng để mô tả. Tôi nghĩ vấn đề của ngành bán lẻ là hiểu nhu cầu thực sự của người tiêu dùng. Và để làm được điều này, các thương hiệu cần có tư duy lấy người mua làm trung tâm (shopper-centric), nhất là với các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Nhiều năm qua, các cửa hàng bán lẻ truyền thống luôn được tối ưu để đáp ứng nhu cầu mua sắm với các kích cỡ bao bì hợp lý, các khuyến mãi theo dịp, trưng bày hàng hóa… Còn các trang thương mại điện tử thì chỉ tập trung vào các tính năng kĩ thuật số. Nhưng thực sự, tôi nghĩ điều quan trọng nhất trên môi trường kĩ thuật số là tập trung vào người mua.

Chìa khóa thành công của thương mại điện tử là hiểu rằng người mua có rất nhiều lý do để mua hàng trực tuyến và cùng một người sẽ mua các sản phẩm cùng một ngành hàng theo nhiều cách khác nhau. Các nhiệm vụ mua sắm (shopping mission) và dịp mua sắm (shopping occasion) sẽ quyết định nhà bán lẻ nào được lựa chọn và vấn đề nào quan trọng nhất với họ như tiết kiệm ngân sách, giao hàng nhanh…

Có thể thấy, có nhiều yếu tố, động cơ thúc đẩy sự lựa chọn ưu tiên của người mua, tùy theo danh mục và nhiệm vụ.

“Nếu bạn lấy cạnh tranh làm trọng, bạn sẽ đợi cho đến khi đối thủ có động thái nào đó. Nếu bạn lấy khách hàng làm trọng, bạn sẽ là người tiên phong.”

Ví dụ, khi dự trữ thực phẩm cho mèo từ cửa hàng trực tuyến của một chuyên gia chăm sóc thú cưng, người mua sẵn sàng chấp nhận thời gian giao hàng lâu hơn với chi phí thấp hơn nếu không gấp. Cùng là người đó, sẽ không nhìn đến giá khi thêm một túi đồ chơi cho mèo vào giỏ hàng mua sắm hằng tuần, và sau đó sẽ tiếp tục tìm thêm đồ chơi cho mèo trên Amazon.

Những “tiền tệ mua sắm” này giúp nhà cung cấp và nhà sản xuất dễ dàng xác định được SKU nào được ưu tiên hiển thị trên các nền tảng bán lẻ. Các trang thương mại điện tử có thể sở hữu rất nhiều dữ liệu của người mua hàng, nhưng họ cũng cần nhà bán lẻ hỗ trợ về insight từng ngành hàng cụ thể.

Ví dụ, đối với dịch vụ chăm sóc thú cưng ở Đức, insight từ “tiền tệ mua sắm” từ nghiên cứu eCommerce ON của chúng tôi cho thấy với nhà bán lẻ này, chiến lược là “sản phẩm chất lượng cao” trong khi với nhà bán lẻ khác, chiến lược phù hợp là “đa dạng SKU với giá cạnh tranh”.

Các cải tiến bền vững trong Thương mại điện tử luôn là sự kết hợp giữa yếu tố công nghệ và tư duy lấy người mua làm trung tâm. Như Jeff Bezos nói: “Nếu bạn lấy cạnh tranh làm trọng, bạn sẽ đợi cho đến khi đối thủ có động thái nào đó. Nếu bạn lấy khách hàng làm trọng, bạn sẽ là người tiên phong”.

Tập trung vào người mua, trước hết, sẽ giúp bạn làm đúng ngay bây giờ và trở thành người tiên phong trong tương lai.

Bạn có đồng ý với quan điểm này không? Hãy chia sẻ ý kiến của mình nhé.

Theo Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Kantar Millward Brown