Marketer Tran Hoang Ngoc Tam
Tran Hoang Ngoc Tam

Content Marketing Manager @ Haravan

Cách tôi trở thành cây viết tốt hơn trong 10 năm qua

10 năm trước, khi còn đang học trên lớp chuyên văn của trường, thành công đến với mình có lẽ là những bài văn hay và những con điểm thật đẹp mỗi lần nhận được kết quả kiểm tra.

Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Trần Hoàng Ngọc Tâm, Content Manager tại ATP Software.

Và ở thời điểm hiện tại, mình nhận ra cách để một người viết tốt hơn là viết những nội dung giúp khách hàng tìm thấy được vấn đề của họ trong đó và mang đến những giá trị, giải pháp tốt nhất.

Vậy làm thế nào để có thể trở thành một cây viết tốt hơn? Bạn có thể tham khảo những lời khuyên dưới đây xem sao nhé!

1. Tìm văn phong phù hợp với từng đối tượng khác nhau

Viết văn giỏi là một chuyện tốt, nhưng giọng điệu phù hợp với từng nhóm đối tượng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Do đó, một người làm content marketing giỏi là khi họ biết biến hóa giọng điệu, sử dụng ngôn ngữ, cấu trúc và phong cách thích hợp với từng trường hợp, nhưng vẫn giữ được chất riêng của mình.

Kinh nghiệm của mình khi xác định văn phong của một bài viết như sau:

a. Giai đoạn trước khi viết

Để xác định văn phong của bản thân, bạn đừng nên cố chọn thể loại hay văn phong mà hãy tự hỏi "Thể loại văn học bản thân thích đọc nhất là gì?". Bởi vì những gì bạn đọc và viết sẽ đi đôi với nhau.

Mỗi văn phong hay thể loại viết đều có những nguyên tắc riêng. Để trở thành một cây viết tốt hơn, giỏi hơn trong một thể loại hay văn phong nào đó, bạn phải thành thạo chúng. Và cho dù hiện tại bạn có thể viết được nhiều văn phong và nhiều thể loại, nhưng để trở thành một cây viết tốt hơn, bạn nên chắc chắn bản thân thành thạo 1 loại trước khi thử những dạng khác nhé!

Người làm content marketing giỏi biết biến hóa giọng điệu, sử dụng ngôn ngữ, cấu trúc và phong cách thích hợp với từng trường hợp, nhưng vẫn giữ được chất riêng.

b. Giai đoạn trong khi viết

  1. Xác định ai sẽ đọc bài viết này của bạn (tức là nhóm đối tượng độc giả/ khách hàng mà kênh sản phẩm và doanh nghiệp của bạn đang hướng tới)?
  2. Đối tượng là giới tính nam hay nữ, độ tuổi, ngành nghề và tâm lý phổ biến là gì?
  3. Điều quan trọng nữa là nhóm đối tượng nào có hứng thú với những gì nội dung bài viết truyền tải? Từ đó bạn mới có cách viết content sáng tạo đánh trúng tâm lý người đọc.

Ví dụ khi viết một chủ đề cho các bạn trẻ có thể dùng yếu tố giật tít, gây sốc để khơi dậy tâm lý hiếu kỳ tò mò. Viết cho đàn ông đọc thì nên đơn giản, dễ hiểu, nói thẳng vào vấn đề, còn viết cho phụ nữ phải gây hứng thú trước rồi mới đi vào vấn đề sau. Ngược lại, khi viết cho đối tượng trung tuổi hay doanh nhân đã có kinh nghiệm phải thể hiện được chiều sâu mới dẫn dắt được họ.

Đôi khi cũng cùng một nội dung nào đó, nhưng nếu viết với 2 giọng văn khác nhau sẽ truyền tải cảm xúc hoàn toàn khác biệt, và chắc chắn sẽ tạo nên những kết quả hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, sáng tạo ý tưởng chưa chắc là đích đến, có ý tưởng hay rồi nhưng lại không biết cách triển khai giọng văn phù hợp thì cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn được!

Và điều quan trọng là văn phong và thể loại viết không phải hình thành trong ngày một ngày hai được. Bạn phải trải qua rất nhiều bài viết tệ hại để nghiệm ra được một dạng thích hợp cho bản thân. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên viết càng nhiều càng tốt và tích cực cải thiện sau mỗi bài viết để tìm hướng đi cho mình.

2. Xác định mục đích khi viết

Một cây bút tốt thường không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực. Thường sẽ có 3 mục đích chính khiến một người muốn tạo nội dung:

  • Xây dựng thương hiệu
  • Tăng tương tác
  • Tạo ra chuyển đổi

Đa phần cả 3 mục đích này có thể nằm chung trong 1 bài viết nhưng luôn luôn có 1 mục đích marketing chính.

Khi bắt đầu viết, bạn phải nắm rõ mục đích của mình. Thông qua đó việc tìm kiếm và lên ý tưởng content hay giúp giải quyết những vấn đề mà khách hàng đang tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn. Lời khuyên là hãy xác định đối tượng khách hàng cụ thể, bối cảnh nơi phát sinh vấn đề và đưa ra giải pháp sẽ giúp bài viết của bạn để lại những ấn tượng sâu sắc trong mắt độc giả cũng như khách hàng.

3. Viết nhiều hơn, nhiều hơn nữa...

Bạn có thể bắt đầu bằng cách:

  • Viết bài trên trang cá nhân;
  • Tham gia các group viết lách để tập viết và nhận góp ý từ mọi người;
  • Viết trong blog riêng;
  • Chia sẻ bài viết lên Medium;
  • Viết bài cho các website;
  • Viết nhật ký;
  • Viết kịch bản phim;
  • Viết cho chính mình;
  • Viết khi buồn, khi vui, khi đau khổ, khi hạnh phúc...

Với một số bạn muốn theo đuổi viết truyện hay tiểu thuyết có thể bắt đầu bằng cách:

  • Viết truyện trên Wattpad;
  • Tham gia các nhóm dành cho người viết thể loại giống bạn;
  • Tham gia cuộc thi viết...

Hãy bắt đầu viết từ bây giờ và viết nhiều nhất có thể.
Ảnh minh hoạ: Medium

4. "Ngâm giấm" content

Đây là cách mình dùng khi viết ebook cho công ty. Khi đã hoàn thành bản thảo cho một ebook nào đó rồi, mình sẽ không chỉnh sửa nó ngay mà đợi 1 tuần hay 1 tháng sau mới thực hiện. Ngoài ra, mình có thói quen đọc lại content của 1 năm hay 6 tháng trước mình viết để sửa lỗi chính những content đó.

Chắc chắc sau 1 thời gian "ngâm giấm" đứa con tinh thần của mình, bạn lúc này đã bình ổn cảm xúc hơn và đã có thêm những trải nghiệm cùng góc nhìn khác đi. Vì vậy việc này sẽ giúp nhìn nhận rõ bạn sẽ nên thay đổi hoặc chỉnh sửa phần nào để khiến cho nội dung hoàn chỉnh nhất có thể.

5. Trau dồi thêm các kỹ năng khác

Để có thêm những ý tưởng và kiến thức viết tốt hơn, bạn chắc chắn phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác cho mình. Từ học cách kinh doanh, tiếp thị, thiết kế... đến việc sử dụng các công cụ hỗ trợ viết và làm việc khác nhau. Những kỹ năng này sẽ như một bệ phóng cho tầm nhìn, giúp bạn mở mang thêm được nhiều kiến thức và ý tưởng viết tốt hơn.

6. Xin góp ý từ người khác & cố gắng thay đổi

Bạn có thể hỏi những người xung quanh hay bạn bè, khi đọc bài viết của bạn họ cảm thấy như thế nào? Cẩn thận xem xét những phản hồi đó để cải thiện dần cho những bài content sau.

Mỗi khi đến giờ luyện viết, bạn có thể viết thoải mái tự do theo ý mình muốn, sau đó hãy đọc to thành tiếng và ngẫm xem liệu bài viết có đủ hay để chia sẻ với mọi người hay không. Nếu chưa được, hãy chỉnh sửa nó ngay.

7. Tìm người tư vấn

Nếu bạn chỉ là cây viết nghiệp dư và không có ý định kiếm nguồn thu nhập chính từ việc viết lách thì có thể làm như cách 6.

Nhưng với những người muốn trở thành một Content Creator chuyên nghiệp và kiếm sống từ ngành nghề này, thì lời khuyên chân thành nhất là bạn nên có một người coaching tư vấn và hỗ trợ bạn trong việc update kỹ năng viết. Họ sẽ giúp bạn cải thiện văn phong và hoàn thiện kỹ năng viết lách. Hãy làm việc chăm chỉ mỗi ngày để update bản thân, học hỏi nhiều hơn từ mọi người xung quanh, viết và xuất bản bài viết của mình và chú ý phản hồi từ người đọc.

Trở thành một cây viết tốt hơn không phải dễ, nhưng tất nhiên nó sẽ xứng đáng nếu bạn nỗ lực!

Chia sẻ kinh nghiệm luyện viết của bạn nhé!

Bạn có thể tham khảo thêm khóa học Content Marketing tại https://bit.ly/31ntLkQ.

Kết nối với mình: Trần Hoàng Ngọc Tâm - Ngaocontent.com