Thị trường thiết bị di động: Ai chiếm lĩnh truyền thông?

Isentia – công ty dẫn đầu về phân tích truyền thông tại châu Á – Thái Bình Dương vừa công bố Nghiên cứu truyền thông về ngành thiết bị di động năm 2015 – dành cho các công ty sản xuất thiết bị di động gồm máy tính xách tay, máy tính bảng, phablets (máy lai máy tính bảng và điện thoại) và điện thoại thông minh, dữ liệu tin bài đến từ tất cả các kênh truyền thông chính thống, được khảo sát kỹ về mức độ liên quan đến thương hiệu được nhắc đến.

Điện thoại thông minh tiếp tục có tốc độ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam. Theo IDC, lần đầu tiên trong năm 2015, thị phần điện thoại thông minh đã vượt qua điện thoại chức năng, từ 39% lên 51%. Nghiên cứu cũng cho thấy điện thoại di động là sản phẩm chiếm ưu thế trong các thiết bị số, đây chính là thị trường vẫn đang thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông.

Báo cáo phản ánh thị trường với sự tăng lên cho tin bài dành cho điện thoại thông minh, bên cạnh sự thu hẹp dần của lượng tin bài dành cho thiết bị di động như máy tính xách tay hay máy tính bảng. Một trong những lý do chính là điện thoại thông minh đang dần thay thế và đáp ứng các chức năng của một thiết bị di động có kích thước lớn hơn như sử dụng văn phòng, email, lướt web hay thậm chí chơi game. Thị phần truyền thông của nhóm máy tính xách tay/máy tính bảng chỉ còn chiếm 10% trong tổng thể dữ liệu về thiết bị di động.

Trong Top 10 hãng thiết bị di động, Samsung Việt Nam có ưu thế nổi bật với 26% mức độ chiếm lĩnh truyền thông, với số lượng tin bài đứng đầu trên tất cả các kênh truyền thông – thông qua chỉ số 100, dành cho đơn vị đứng đầu. Galaxy S6 và phiên bản Galaxy S6 Edge đã thu hút được sự chú ý đặc biệt và mang lại một không gian truyền thông khổng lồ trong thành công chung của thương hiệu. Sản phẩm “đinh” dòng Note cùng với phiên bản Edge tiếp tục ghi dấu ấn cho mảng máy tính bảng của đơn vị này. Ngoài ra, người dùng dễ dàng bắt gặp các tin bài liên quan đến các giải thưởng quốc tế dành cho sản phẩm của hãng như TechAwards, CES 2015 hay MWC 2015.

Sự ưu ái bền vững dành cho hãng trái táo Apple tại thị trường nước ta đã mang lại cho thương hiệu này lượng đề cập trên truyền thông ở vị trí thứ hai trong Top 10 thương hiệu thiết bị di động mặc dù hãng này chưa có văn phòng chính thức ở đây.

Apple đạt chỉ số 73% cả hai kênh – Online và TV, xấp xỉ với đối thủ lớn nhất của mình. Sản phẩm của Apple được coi như bàn tựa trong các bài viết dạng reviews – đánh giá sản phẩm, là dạng bài có hiệu quả truyền thông tốt. Đáng lưu ý, Apple đã luôn là thương hiệu có mức độ đề cập tốt nhất trên các kênh tin TV – ngay đến nghiên cứu hướng đến các kênh truyền hình quốc gia (VTV). Các dòng sản phẩm iPhone 6 luôn thu hút chú ý; khoảng tầm tháng 9, 10 – sản phẩm iPhone màu hồng nhận được số đề cập cao một cách đáng ngạc nhiên. Ngay đến sản phẩm được coi là phụ kiện điện thoại, đồng hồ Apple Watch cũng đóng góp lượng tin không thua kém với Samsung Gear.

Asus, một thương hiệu Đài Loan, vốn được biết đến như một tên tuổi lớn của dòng laptop – đã có những bước thành công đáng ghi nhận với sản phẩm điện thoại di động Zenfone. Zenfone đã cho thấy những khả năng lớn đến từ dòng điện thoại thông minh giá rẻ, phân khúc này sẽ nhộn nhịp hơn và có sự cạnh tranh cao hơn trong những năm tới với sự tham gia của các hãng tên tuổi lớn.

Giới thiệu lần đầu vào tháng 4-2014, Zenfone và Zenfone thế hệ 2 ra đời như khẳng định thành công với sự đón nhận nồng nhiệt trên truyền thông, như báo Số hóa Online đã mô tả “Zenfone 2 – quái vật mới về tốc độ”. Với hoạt động tích cực, Zenfone nhanh chóng đạt được vị trí trong Top 3 về chiếm lĩnh truyền thông và nổi bật, chỉ đứng ở vị trí thứ hai, sau Samsung trên kênh báo in ấn. Về sản phẩm xách tay, Transformer đã trở thành “Sản phẩm tạo nên dấu ấn” của Asus, tiếp tục duy trì thế mạnh của Asus.

HTC, thương hiệu cho mảng điện thoại thông minh, đứng ở vị trí thứ tư trong danh sách Top 10, trước các thương hiệu lớn khác như Sony, Microsoft, LG và Lenovo trong khi Dell ở cuối bảng là một đại diện cho thương hiệu máy tính xách tay.

Tổng quan, điện thoại thông minh và dòng sản phẩm lai phablet chiếm ưu thế tuyệt đối trên truyền thông, so với sự đầu tư cho mảng máy tính xách tay. Online là kênh các hãng ưu tiên đưa tin bài, chiếm 85% tổng lượng tin bài. Các bài dạng reviews – đánh giá thường mang lại mức độưu ái tốt cho các thương hiệu được nhắc tới.

Trong tất cả những xu hướng công nghệ đang được nói tới hiện nay, có thể nói Internet of Things (internet của vạn vật) hiện là xu thế lớn nhất, với thế giới trong đó có Việt Nam được trông đợi sẽ mang lại “bước ngoặt lớn” trong vòng năm năm tới. Internet of Things là nơi con người có thể tiếp cận thông tin của mọi vật khác thông qua bất kỳ thiết bị di động nào. Chủ đề này gần như có mặt ở mọi nơi và trở nên phổ biến khi các bài viết đều nhắc đến những ngôi sao lớn trong ngành IT trên thế giới như Mark Zuckerberg, Bill Gates và Larry Ellison.

Trong tương lai gần, người tiêu dùng nước ta trông đợi vào sự tăng tốc của mạng internet qua công nghệ 4G, khả năng đồ họa và streaming video ngay trên điện thoại, màn hình điện thoại có độ phân giải cao hơn, chip nhanh hơn, USB C-Type và nhiều năng lực chơi game hơn trên thiết bị cầm tay.

Những bước tiến và xu hướng về công nghệ tương lai luôn mang lại một cảm hứng mãnh liệt cho con người, đặc biệt với một đất nước yêu công nghệ như Việt Nam, sẽ luôn là một chủ đề nóng được bàn thảo rộng rãi trên các kênh truyền thông.

*Theo Doanh Nhân Sài Gòn