Cơ chế quản lý nào tối ưu cho Fintech?

Bài làm gấp cho khách nhưng đến phút chót khách không nghiệm thu bài nữa vì dự án kết thúc. Post lên đây chia sẻ với anh chị em marketer đọc chơi.

Tại nhiều buổi hội thảo, tọa đàm bàn về chính sách quản lý Fintech (công nghệ tài chính) diễn ra trong thời gian gần đây, các chuyên gia trong ngành đã khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech là nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dùng cũng như các bên liên quan bao gồm cả chính phủ và doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần tạo hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0. Trong đó, Sandbox được xem là một trong những giải pháp tối ưu hàng đầu mà các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương cần xem xét để hiện thức hóa cơ chế này.

Fintech Việt: Vùng đất màu mỡ

Theo đánh giá của giới chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Fintech phát triển đó là quy mô dân số và sự phát triển của thương mại điện tử, và trên thực tế, Fintech đang giúp các hoạt động, giao dịch tài chính, tiền tệ trở nên thuận tiện, nhanh chóng.

Thời gian vừa qua, hoạt động thanh toán khá phát triển khi số lượng tài khoản thanh toán của người dân tăng nhanh qua các năm. Tính đến năm 2018 có 45,8 triệu người dân trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản, chiếm 63% dân số trưởng thành, nhưng khả năng tiếp cận ngân hàng truyền thống còn hạn chế, đặc biệt với đối tượng dân cư sinh sống tại nông thôn. Đây là cơ hội lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cũng nằm trong chiến lược thúc đẩy tiếp cận các dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đã đề ra tại Quyết định 2545 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử và các giao dịch thanh toán điện tử phát triển nhanh chóng cũng tạo đà cho Fintech. Chỉnh tính riêng trong quý II/2019, tốc độ phát triển của thanh toán dịch vụ ngân hàng qua mobile banking tăng trưởng 160% so cùng kỳ năm 2018, trong khi tỷ lệ ở các nước trong khu vực chỉ ở mức 60 - 80%. Nó thể hiện rằng tỷ lệ sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam rất cao.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN): "Đây là một trong những lợi thế để các doanh nghiệp Fintech phát triển. Quản lý Fintech không chỉ là quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán mà cả các doanh nghiệp công nghệ tài chính khác ví dụ như cung cấp công nghệ hạ tầng blockchain hay các giải pháp liên quan đến AI, Bigdata cũng như quản lý tài chính cá nhân…"

Ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực Fintech, bắt kịp các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý giữ cách tiếp cận quá thận trọng, chỉ mở cửa từng bước, Fintech Việt Nam sẽ rơi vào lại nhóm trung bình và không thể phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng. “Nếu muốn tạo điều kiện cho Fintech Việt Nam trở thành doanh nghiệp khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn trở thành người khổng lồ châu Á”, ông Ông Varun Mittal nhấn mạnh.

Đi tìm lời giải cho chính sách fintech

Thông tư 39/2014 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán đang được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, NHNN cũng đang xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P), đề án thử nghiệm với hoạt động fintech và đề án thí điểm mobile money. Tuy nhiên, vẫn có những lĩnh vực cần phát triển thêm, như các dịch vụ mới trong fintech. Chẳng hạn, trong giao dịch điện tử có rất nhiều thay đổi, nhiều loại dịch vụ hiện tại đã có trên thị trường, nhưng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Định hướng ban hành chính sách hiện nay dường như vẫn theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt kiểm soát với fintech nhiều hơn là tạo điều kiện phát triển.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng hiện Việt Nam đã tham gia hội nhập rất sâu rộng, ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nên không thể “một mình một sân” được. “Tôi cho rằng cơ chế sandbox sẽ khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, phát triển thị trường theo hướng khuyến khích doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới làm những gì pháp luật không cấm. Nếu tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, fintech phát triển theo cơ chế sandbox sẽ phù hợp hơn, tạo điều kiện tốt hơn. Nếu chúng ta muốn tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể đuổi kịp và bỏ qua các giai đoạn phát triển ban đầu, nên áp dụng những định hướng phát triển với sự kiểm soát mở rộng, thoải mái hơn, thể hiện rõ ràng quan điểm quản lý cũng như cơ chế sandbox”.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có quyết tâm trong việc thúc đẩy kinh tế số và tạo điều kiện cho Fintech phát triển. Tuy nhiên, trong hoạt động xây dựng pháp luật, các cơ quan hữu quan còn khá chậm và lúng túng. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cơ quan quản lý thường trước hết nghĩ đến rủi ro trước tiên, do quan ngại về tác động lan toả. Đối với Fintech, cần có một cơ chế quản lý rủi ro linh hoạt để có điều chỉnh nhanh theo sự vận động của công nghệ và thị trường. Ông chia sẻ: “Đối với Fintech, về cơ bản nếu chúng ta đã có cơ chế Sandbox, thì mặc dù có rủi ro, điều kiện có thể thay đổi nhưng tác động, hậu quả sẽ không quá lớn. Nếu chúng ta quản lý thoáng hơn để doanh nghiệp có thể làm những gì mình thích, rủi ro và lợi ích sẽ như thế nào? Cái chính ở đây là chúng ta phải tìm ra được “điểm cân bằng chung”, vừa không để xảy ra rủi ro đến kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo lợi ích các bên liên quan như startup, ngân hàng, người tiêu dùng”.

Kinh nghiệm quốc tế là tài liệu quý giá đối với Việt Nam trong quá trình hoàn thiện chính sách quản lý Fintech, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Điển hình như tại Singapore, cơ quan quản lý tiền tệ nước này đã đưa ra quy định về quản lý hoạt động thanh toán với 7 lĩnh vực thanh toán khác nhau. Mọi hoạt động thanh toán đều phải được cấp phép và tuân thủ các yêu cầu tương ứng về rủi ro công nghệ, tài chính, bảo vệ người dùng và kết nối đa nền tảng.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, nếu vào năm 2014 chỉ có chưa tới 50% dân số mở tài khoản ngân hàng thì đến nay con số này là 93%, tương đương 1,2 tỷ người dân có mã định danh riêng cho tất cả các nền tảng Fintech tại đây. Đây là kết quả của một chính sách rất quyết liệt cho việc phát triển những nền tảng mới trong đó có Fintech. Hay như tại Thái Lan, Ngân hàng trung ương đã có quy hoạch cụ thể phát triển thanh toán điện tử quốc gia, lựa chọn ra 6 công nghệ cơ bản có tính cách mạng gồm thanh toán QR, công nghệ Blockchain, công nghệ sinh trắc học, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và giao thức ứng dụng mở. Mỗi quốc gia có một cách tiếp cận riêng, nhưng điểm chung cần có cơ chế linh hoạt, khuyến khích công nghệ để doanh nghiệp Fintech có thể vươn tầm ra khu vực.