PR trong cơn khủng hoảng toàn cầu COVID19: Lời khuyên cho ngành du lịch

Khối ngành du lịch và nhà hàng khách sạn là những mảng chịu tổn thất nghiêm trọng nhất trong đợt khủng hoảng này. Vậy họ phải điều chỉnh chiến lược truyền thông ra sao trước những khó khăn hiện tại?

Sự bùng phát của virus Corona tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, trong đó, du lịch là ngành gánh chịu tác động nặng nề nhất. Trong nỗ lực hạn chế lây truyền, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo Trung Quốc ‘không đi du lịch’. Chỉ trong tuần trước, nhiều hãng hàng không thương mại đã đình chỉ hoặc hủy cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước.

Không những Trung Quốc mà các nước khác trên thế giới cũng chịu tình cảnh tương tự. Việc lượng khách du lịch nước ngoài đến các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề do người Trung Quốc hạn chế xuất cảnh đã đặt ra câu hỏi: làm thế nào các khách sạn và các công ty du lịch có thể giảm thiểu tác động lâu dài của virus Corona?

Nên làm:

Thu hút đối tượng địa phương: Khi hoạt động kinh doanh và du lịch giải trí bị hạn chế ở mức tối thiểu, cần tập trung vào đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương, vì dân bản địa có thể đang tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ tại các khu vực lân cận nơi sinh sống của mình hơn.

Lên kế hoạch trước: Điều quan trọng là phải chuẩn bị kĩ càng hệ thống giải quyết khủng hoảng truyền thông để đề phòng tình huống xấu nhất, bao gồm phản hồi mạng xã hội, tuyên bố truyền thông, và quan hệ khách hàng.

Vạch chiến lược phục hồi: Hãy tận dụng thời gian này để xây dựng lại chiến lược tiếp thị năm 2020 để sẵn sàng quảng bá thương hiệu khi thời cơ đến. Nhìn chung, thái độ của mọi người đối với du lịch có thể sẽ thay đổi nên đây cũng là dịp để trấn an và truyền cảm hứng mới cho ngành du lịch.

Không nên làm:

Hạ giá thành: Mặc dù xu hướng giảm giá có thể sẽ cứu vớt tình hình nhưng các khách sạn hạng sang nên nhớ rằng dịch bệnh chỉ mang tính tạm thời và sẽ không tồn tại mãi mãi. Giảm giá sẽ tổn hại đến định giá và định vị thương hiệu, và có thể gây tổn hại về lâu về dài.

Tin vào tin giả: Báo chí lá cải và mạng xã hội là mầm mống gây kích động dân tình trong thời kỳ khủng hoảng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần giữ bình tĩnh và tránh suy đoán thiếu cơ sở. Thay vào đó, hãy cập nhật những thông tin chính xác từ Tổ chức Y tế Thế giới và chính quyền địa phương.

Phản ứng thái quá hoặc thiếu chuẩn bị: Hoang mang và hoảng loạn sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp. Do đó, điều quan trọng là phải chuẩn bị kế hoạch dự trù cho những tình huống bất ngờ để sẵn sàng để thực hiện khi cần thiết. Hãy xem xét các tác động tiềm tàng đối với các hoạt động nếu tình hình trở xấu và luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó.

Tham khảo từ CampaignAsia.

Bạn có thể xem thêm loạt bài về Covid-19khủng hoảng truyền thông tại EloQ’s Blog.