Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Gọi vốn đầu tư: Thử thách của các startup trẻ Đông Nam Á

Sự trì trệ của nền kinh tế thế giới cùng ảnh hưởng tiêu cực từ làn gió đầu tư hậu thời kỳ WeWork đe doạ cơ hội phát triển của các startup Đông Nam Á non trẻ trong việc “gọi vốn đầu tư”.

Muliady gặp khó khăn trong việc gọi vốn và tiếp cận nhà đầu tư mới cho startup đang trong giai đoạn hạt giống của mình.

Vào năm 2018, Muliady thành lập Ameera, một công ty cung cấp phần mềm điểm bán hàng (POS) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần mềm này giúp người dùng tích hợp giao dịch, tài chính, kiểm kê và báo cáo vận hành.

Cũng vào năm thành lập công ty, Muliady nhận được một khoản đầu tư. Anh đã sử dụng phần lớn số tiền quỹ này cho việc phát triển công nghệ, còn phần còn lại cho bộ phận kinh doanh. Có khoảng 950 khách hàng đến từ các cửa hàng bán lẻ, nhà buôn thực phẩm và đồ uống phải hẹn ngày onboard.

Tuy nhiên, công ty này chỉ đang đốt tiền để kiếm được nhiều khách hàng lớn. Với nỗ lực bắt kịp những nhà cung cấp phần mềm POS khác như Moka, có khoảng 20,000 khách hàng. Muliady tin rằng Ameera có thể chạy đua với Moka, để có trong tay 30,000 khách hàng vào năm sau. Với sự tính toán này, công ty cần phải gọi vốn ít nhất 2 triệu USD từ các nhà đầu tư mới.

Đội ngũ nhân viên Ameera

Hiện tại, Muliady đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc đua nước rút của mình. Startup của anh ấy đã sở hữu công nghệ và kinh nghiệm sau hai năm vận hành đầu tiên. Thị trường dành cho Ameera ở ngoài kia vẫn đang tăng trưởng. Vì vậy chỉ có một điều cấp bách nhất cần xử lý đó là vấn đề tài chính, yếu tố làm gia tăng tham vọng của anh ấy.

Thời gian trôi qua, nhưng số vốn còn lại chỉ đủ cho tài chính của công ty đến cuối năm 2020. Muliady đã gõ cửa từng nhà đầu tư tiềm năng cùng những nhà tư bản mạo hiểm từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, không hề có một nhà đầu tư mới nào đầu tư vào Ameera.

“Tôi đã trao đổi ý kiến với một số nhà đầu tư, nhưng họ đưa ra định giá quá thấp. Tôi đã tiếp cận được 500 startup do bạn tôi đề xuất nhưng chúng tôi chưa thảo luận gì. Tôi nhận ra rằng việc có được nhà đầu tư thực sự khó khăn bởi vì startup của tôi không phải là người tiên phong khởi xướng những ý tưởng mới. Nguyên nhân khác đó là tôi không có mối quan hệ với nhiều nhà đầu tư”, Muliady nói với KrASIA khi tham gia sự kiện Block71 ở Jakarta.

Không phải tất cả startup đều giống nhau

Mặt khác, Muliady cũng đang phải chạy đua với những người sáng lập startup khác khi đã gọi được hàng triệu USD làm vốn. Chưa kể, nhiều nhà đầu tư cũng thay đổi cách đầu tư của họ từ tập trung vào tăng trưởng sang tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng lành mạnh thay thế.

Marshall Utoyo, đồng sáng lập và là giám đốc thiết kế tại Fabelio, một cửa hàng nội thất trực tuyến, có một trải nghiệm khác khi gọi vốn đầu tư mới cho công ty của mình. Utoyo cảm thấy rất lạc quan về sự quan tâm của nhà đầu tư.

“Chúng tôi thực sự trông thấy mối quan tâm của nhà đầu tư đã chuyển sang thời kỳ hậu WeWork. Hiện nay, các nhà đầu tư tìm kiếm các doanh nghiệp startup có nền móng tốt thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận gộp và tính bền vững của doanh nghiệp đó. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi rất khoẻ mạnh, và vẫn có thể thu hút nhiều nhà đầu tư”, Utoyo chia sẻ.

Alexander Rusli, hiện là nhà đầu tư cho 12 doanh nghiệp startup và cũng là chủ tịch của Iflix Indonesia, nói rằng các nhà đầu tư đang trở nên kén chọn và cẩn thận hơn trong việc đổ tiền vào các startup. Họ sẽ dự trữ tiền nếu như không có giao dịch tốt nào, đặc biệt vào thời điểm đầu tư ban đầu.

“Đây là một chu kỳ tuần hoàn. Khi nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, con người có xu hướng dự trữ tiền mặt. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên. Điều này đã diễn ra cách đây vài năm. Tại một số thời điểm, chúng tôi biết chương trình phải tiếp tục, việc số hoá phải xảy ra”, Rusli nói với KrASIA trong một bài phỏng vấn gần đây.

Phiên IPO của WeWork gặp thất bại, hoạt động kinh doanh tại ứng dụng gọi xe Uber không tạo ra lợi nhuận hay việc Lyft không làm hài lòng các nhà đầu tư khiến họ không muốn “đốt tiền” cho các doanh nghiệp đơn thuần nữa mà thay vào đó, họ chuyển hướng đầu tư vào các doanh nghiệp có nền móng vững chắc.

“Các nhà đầu tư sẽ định giá chính xác và bảo đảm hơn, vì họ sẽ dè chừng những startup không thể hiện được con đường đi đến lợi nhuận. Tuy nhiên, sẽ là một câu chuyện khác cho những chú kỳ lân (unicorn) và kỳ lân nhiều sừng (decacorn) vì nhà đầu tư sẽ linh hoạt hơn đối với họ”, ông bổ sung thêm.

Joshua Agusta, một giám đốc tại Mandiri Capital Indonesia đồng ý với quan điểm rất khó để gọi vốn trong thời gian này, đặc biệt đối với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á sau sự sụp đổ của WeWork. Các nhà đầu tư đang gia tăng sự chú ý vào việc tăng trưởng doanh thu và tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp startup mới khi chứng kiến những công ty như Uber hay Lyft công khai về khoản tiền lỗ của mình.

Khoản lỗ ròng của Uber lên đến 1.16 tỷ USD sau quý 3, kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2019, tăng từ 986 triệu vào năm ngoái. Trong khi đó, dịch vụ đi chung Lyft đã báo cáo khoản lỗ ròng là 463.5 triệu USD vào quý 3 năm 2019, tăng từ 249.2 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Muliady đã nhìn thấy trước việc những startup ở cấp độ B trở lên vẫn sẽ nhận được quỹ đầu tư, và tự tin rằng sẽ có hàng tỉ USD được rót vào những kỳ lân trong năm sau.

“Giá trị đồng đô la đầu tư vào những startup có cấp độ B trở lên vẫn sẽ tăng lên vì số tiền trong không gian này thực sự lớn. Dù số lượng giao dịch đã giảm, nhưng giá trị của đồng đô la đầu tư vẫn tăng”, Agusta phát biểu trong sự kiện Block71 ở Jakarta.

Agusta lấy dẫn chứng về Kredivo – một công ty công nghệ tài chính của Indonesia, gần đây đã được đầu tư bởi Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund và Square Peg. Kredivo là một startup có cấp độ C với nền móng kinh doanh cứng cáp và thu nhập vững vàng.

Jeffrey Paine, đối tác quản lý tại Golden Gate Ventures nói thêm rằng những nhà đầu tư cho WeWork, Uber, và Lyft đã hành động quá sớm hoặc tính toán sai khi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nhưng không thu được lợi ích gì.

“Một lý do khác là bạn nghĩ bạn sẽ kiếm ra tiền. Nhưng không phải vậy. Điều này có nghĩa bạn đang còn non trẻ, hoặc phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh. Và bạn quên tính toán khả năng cạnh tranh của chính mình và rồi bạn quên rằng bạn đã bước vào cuộc chơi quá sớm”, Paine phát biểu.

2020 với nhiều may mắn hơn

Pane đưa ra đề xuất rằng các startup nên huy động vốn hiệu quả trước quý ba năm sau, vì quá trình gọi vốn của các doanh nghiệp startup non trẻ sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.

Nền kinh tế suy thoái của Trung Quốc cùng sự định giá cao cho các doanh nghiệp startup ở quốc gia này đã khiến nhà đầu tư không mặn mà lắm với những công ty chỉ tập trung vào người dùng. Hiệu ứng này đang lan rộng trên toàn khu vực, giống như cách bụi phóng xạ của WeWork đang tạo gánh nặng tâm lý cho thị trường. Tuy nhiên, Pane vẫn dự đoán các khoản đầu tư của Mỹ vẫn sẽ đổ vào khu vực nhưng chỉ dành cho các doanh nghiệp startup một cách có chọn lọc và chủ yếu vào giai đoạn phát triển cuối của doanh nghiệp startup.

Ông cũng tin rằng sẽ có nhiều quỹ đầu tư bền vững vào năm sau, nhưng các nhà đầu tư sẽ không ưu ái các công startup làm việc với người tiêu dùng, điển hình như thương mại điện tử đang ngốn rất nhiều tiền.

“Những nhà đầu tư sẽ không đầu tư vào thương mại điện tử. Họ sẽ làm điều mới mẻ hơn dù tốn tiền và thời gian để tạo ra lợi nhuận. Thật khó khăn cho những công ty làm việc với người tiêu dùng gọi vốn vì nhà đầu tư bây giờ đã bảo thủ hơn”, ông ấy giải thích.

Trong khi đó, giải trí truyền thông, ví dụ như dịch vụ truyền thông và nhà cung cấp podcast là một lĩnh vực nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư vì có tỷ suất lợi nhuận cao. Ví dụ, Indonesia và Việt Nam đang có tỉ lệ người ở tầng trung lưu cao, vì vậy người dân sẽ tiêu tốn cho nhu cầu giải trí cao hơn và sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ.

Mối quan tâm khủng nhưng ít công ty khởi nghiệp chất lượng

Với cương vị là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Indonesia có hy vọng lớn để tăng trưởng kinh tế thông qua việc đẩy mạnh nền kinh tế kỹ thuật số. Chính phủ đã cho ra đời một số sáng kiến, bao gồm việc cách tân Phong trào Khởi nghiệp Kỹ thuật số 1001, nhằm phát triển các công ty khởi nghiệp trên khắp Indonesia.

Faye Alund, điều phối chương trình nói rằng có nhiều người hào hứng về chương trình đào tạo sáu tháng này. Trong suốt ba năm qua, có hơn 78,000 người đã tham gia vào chương trình; tuy nhiên, chỉ một số ít thực sự có trình độ.

“Chúng tôi đưa ra cơ hội cho mọi người để tham gia chương trình, nhưng chúng tôi đang tìm kiếm những startup chất lượng và ý tưởng có thể thu hút những nhà đầu tư”, Alund nói với KrASIA.

Người dân đang xếp hàng tham gia phong trào Nasional 1000 Startups Digital. Nguồn: Kumpul.id

Trước khi thiết lập Ameera, Muliady đã tham gia vào chương trình này, nhưng thất bại. Anh ấy đã cố gắng sử dụng cách tiếp cận khác để tìm cách tương tác trực tiếp với các nhà đầu tư cho lần khởi nghiệp thứ hai của mình.

“Tôi đã cố đăng ký tham gia chương trình với một số nội dung đã ấp ủ sẵn, từ phía chính phủ và tập đoàn, nhưng tôi đã thất bại”, anh ấy chia sẻ.

Alvin Evander, người đứng đầu tại quỹ đầu tư mạo hiểm MDI cho Indigo nói rằng đây một chương trình ươm tạo được hỗ trợ bởi ôm trùm viễn thông Telkom Indonesia, trung bình có khoảng 300 startup đăng ký tham gia mỗi đợt. Tuy nhiên, chỉ có 10 trong 15 startup vượt qua vòng tuyển chọn.

“Có nhiều mối quan tâm từ startup để tham gia vào khoá huấn luyện của chúng tôi, nhưng chỉ một trong số đó có chất lượng tốt và vượt qua vòng đánh giá của Telkom”, Evander chia sẻ.

Muliady từ Ameera không phải người dễ từ bỏ. Anh tin rằng startup của mình sẽ đạt được 5000 khách hàng vào năm 2020, có thể xoay chuyển được tình hình kinh doanh và thu hút đúng các nhà đầu tư.

* Nguồn: KrASIA