5 điều thú vị về chuyện kinh doanh của đại gia bán lẻ thời trang UNIQLO

UNIQLO, một thương hiệu xuất thân từ Nhật Bản, đã mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Tuy là thương hiệu đình đám trên thế giới nhưng không phải ai ở Việt Nam cũng biết đến UNIQLO và những câu chuyện kinh doanh của nhà sản xuất bán lẻ này.

1. Tập đoàn thời trang bán lẻ có doanh thu lớn thứ 3 thế giới

Chắc hẳn không ít người đã và đang sử dụng sản phẩm UNIQLO. Tuy nhiên ít người biết rằng, Tập đoàn Fastretailing (sở hữu UNIQLO) là tập đoàn bán lẻ lớn thứ 3 thế giới, đứng sau Inditex (Zara) và H&M. Theo báo cáo tài chính, doanh thu của UNIQLO đạt tỷ 21.3 tỷ USD, trong khi đó, Inditex đạt 29.6 tỷ USD và đại gia đến từ Thụy Sỹ H&M đạt doanh thu 23.1 tỷ USD (tháng 11.2018).

2. Tham vọng số 1 tại Đông Nam Á (ĐNA)

Bên cạnh thị trường lớn Trung Quốc, ĐNA và Châu Úc là khu vực có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng của UNIQLO.

Sau khi mở cửa hàng UNIQLO có diện tích lớn nhất khu vực ĐNA (4,100m2) ở Manila (Philippines) vào 2018, UNIQLO tiếp tục khai thác thị trường Việt Nam khi khai trương cửa hàng kiểu mẫu (diện tích 3,100m2) ở TP.HCM. Trong 3 đại gia bán lẻ thời trang, UNIQLO vẫn giữ vững vị trí số 1 ĐNA về số lượng cửa hàng.

3. Dự đoán quy mô UNIQLO Việt Nam thời gian tới

Tính đến 30/11/2019, thống kê số lượng cửa hàng UNIQLO các nước trong khu vực:

  • Singapore: Khai trương cửa hàng đầu tiên 9/4/2009, hiện tại có 28 cửa hàng
  • Malaysia: Khai trương cửa hàng đầu tiên 4/11/2010, hiện tại có 51 cửa hàng
  • Thailand: Khai trương cửa hàng đầu tiên 9/9/2011, hiện tại có 51 cửa hàng
  • Philippines: Khai trương cửa hàng đầu tiên 15/6/2012, hiện tại có 61 cửa hàng
  • Indonesia: Khai trương cửa hàng đầu tiên 22/6/2013, hiện tại có 32 cửa hàng

Với quy mô dân số không thua kém các nước trong khu vực, có thể dự đoán rằng, thị trường Việt Nam rất tiềm năng để UNIQLO khai thác mạnh trong thời gian tới. Căn cứ vào sự phát triển của UNIQLO tại các nước trong khu vực và mục tiêu mở 400 cửa hàng vào năm 2022 tại ĐNA và Châu Đại Dương, dễ dàng thấy rằng, UNIQLO Việt Nam sẽ sớm cán mốc 50 cửa hàng trong tương lai gần. Hiện tại, thương hiệu cũng đã có thông tin sẽ mở cửa hàng tại Hà Nội và đã kết thúc đợt tuyển dụng nhân sự tại đây.

4. Thể hiện "tính địa phương hóa cao" trong việc khai thác thị trường

Trước khi khai trương, UNIQLO đã kết hợp với rất nhiều KOL Việt Nam để truyền thông về sự hiện diện cửa hàng đầu tiên cũng như quảng bá về các dòng sản phẩm của nhãn hàng. Đến ngày khai trương, khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, rất nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi trong một cửa hàng hiện đại như vậy lại có nhiều ghế tre cho khách hàng nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, rất nhiều nội thất và hình ảnh trang trí trong cửa hàng đều có nhiều hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn, đặc biệt là khu vực trẻ em chơi đùa. Các ấn phẩm truyền thông hay thông tin nhỏ nhất sản phẩm trên quầy kệ cũng được trình bày song ngữ để khách hàng có thể tiếp cận và hiểu hơn về sản phẩm UNIQLO.

Cách tiếp cận khách hàng và khai thác thị trường của UNIQLO đã mang nhiều màu sắc văn hóa bản địa hơn rất nhiều so với hai đối thủ cạnh tranh là Zara và H&M.

5. Việt Nam trong top 2 các nước sản xuất cho UNIQLO

Khi mua sắm tại cửa hàng UNIQLO Đồng Khởi, khách hàng sẽ dễ dàng đọc được địa chỉ của nhà máy sản xuất bằng tiếng Việt trên tag sản phẩm. Mỗi một dòng sản phẩm lại được sản xuất tại một nhà máy khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có nhiều địa chỉ sản xuất cho UNIQLO nhất với 128 địa điểm (tháng 5/2019). Việt Nam, với 44 nhà máy sản xuất, xếp thứ 2 về số lượng địa chỉ sản xuất. Bên cạnh đó, đại gia Nhật Bản cũng sản xuất tại Bangladesh, Cambodia và nhiều quốc gia khác.

Giờ đây không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, thị trường Việt Nam sẽ sớm trở thành một thị trường trọng điểm trong việc bán hàng của đại gia Nhật Bản UNIQLO.

Huy Toàn
* Nguồn: Fanpage UNIQLO Vietnam và website chính thức của FastRetailing